Đời Sống Việt

Chí Galatea Huỳnh: Chọn con đường tối trong rừng mà đi

Anvi Hoàng/Viễn Đông Thursday, 14/02/2013 - 07:49:53

Những sáng tạo của anh sau năm 1997 về việc chạm khắc ngọc trai và cắt hột đều mang tính đột phá trong ngành kim hoàn. Lần đầu tiên trong lịch sử ngọc trai nuôi, người ta thay đổi cách nhìn về vẻ đẹp của ngọc trai.

Anvi Hoàng/Viễn Đông




Hạnh phúc là điều đơn giản mà khó tìm. Con đường đi đến đó của mỗi người đều khác nhau và Chí Huỳnh là một trong những người kiên trì và may mắn đã làm được điều này. Qua con đường sáng tạo của mình, anh đã tìm được niềm hạnh phúc đơn giản mà nhiều người vẫn mơ ước. Trong bài viết vào tháng 1, độc giả của báo Viễn Đông đã biết tới Chí Huỳnh qua các sáng tạo độc đáo trong ngành kim hoàn của anh cũng như qua cuộc triển lãm các tác phẩm ngọc trai chạm khắc có một không hai. Lần này, Chí Huỳnh chia sẻ một ít kinh nghiệm về việc anh đã tìm thấy con đường sáng tạo và niềm hạnh phúc của mình ra sao.


Tìm thấy gì trong nỗi đam mê
Tại sao cứ nói mãi tới sự đam mê? Là vì chỉ khi theo đuổi sự đam mê của mình tới cùng thì người ta mới có thể đào sâu bản thân và tận tường cuộc sống để hiểu mình, hiểu đời và tìm thấy niềm hạnh phúc thật sự và lâu bền. Trong trường hợp của Chí Huỳnh, từ nhỏ tới lớn anh đam mê vẽ.
Lúc nhỏ anh nghe người ta nói họa sĩ hoặc nghệ sĩ là những người bị “thần kinh” (mentally disturbed ). Đến khi lớn lên thì anh hiểu đúng là như vậy, nhưng là cái tốt chứ không phải xấu. Nghĩa là, cuộc sống bên ngoài có những điều khuấy động thần kinh của họ và họ phản ứng lại bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ Chí Huỳnh đi ra ngoài và thấy người ta buồn, vui, hay bình yên. Nếu anh muốn hiểu những cảm xúc này là gì để vẽ chúng, thì anh phải ngồi mà suy ngẫm, chiêm nghiệm trong bức tranh của mình về ý nghĩa của những cảm giác anh cảm được. Không khác gì một thầy tu đang thiền định.
Mà khi chiêm nghiệm là người ta đang mài nhọn các giác quan của mình về các cảm giác vui, buồn, hạnh phúc, về tương lai, về quá khứ. Có thể nói các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ v.v... chiêm nghiệm để diễn tả cảm xúc của mình đều làm như vậy cả.
Khi Chí Huỳnh hiểu được điều này, anh cho biết bức tranh của mình trở thành những mắt kiếng để nhìn thấy mình là ai. Hóa ra, vì mình đang muốn hiểu những cảm giác đó cho mình, cho nên mình vẽ cũng là cho mình chứ thật ra chẳng vẽ cho ai khác. Chí Huỳnh không hiểu cho nên vẽ. Trong quá trình vẽ anh hiểu được mình và tìm ra mình.


Do đó vào một ngày không mong đợi, Chí Huỳnh hoàn tất bức tranh và tự nhiên anh hiểu được mình là ai. Anh cảm thấy tự do và được giải phóng. Mọi việc trở nên thật sáng tỏ, một thế giới mới mở ra trước mắt anh. “Mình nhìn thấy cuộc đời rất đẹp”, Chí Huỳnh kể. Anh không ích kỷ và không cô đơn nữa. Anh không bị khuấy động và không còn câu hỏi nữa. Mà khi không còn câu hỏi nữa thì anh không cần vẽ nữa.
Điều này không có nghĩa là anh biết hết mọi câu trả lời cho mọi vấn đề. Chí Huỳnh bảo khi anh không còn câu hỏi về mình nữa, anh chỉ tò mò về thế giới xung quanh như một đứa bé. Đó là vào năm 1997. Cách làm việc của anh thay đổi. Hồi xưa muốn chế những món trang sức hay nhưng không làm được. Đến khi hiểu được mình rồi thì tự nhiên sự tò mò dẫn mình đến những khám phá bất ngờ. Những sáng tạo của anh sau năm 1997 về việc chạm khắc ngọc trai và cắt hột đều mang tính đột phá trong ngành kim hoàn. Lần đầu tiên trong lịch sử ngọc trai nuôi, người ta thay đổi cách nhìn về vẻ đẹp của ngọc trai.

Sáng tạo trong bóng tối
Khi được hỏi liệu anh có cho rằng cuộc đời đã cho anh rất nhiều không, Chí Huỳnh bảo: “Nó cho tất cả mọi người bằng nhau. Tại mình không thấy được mình thôi. Cái khổ là ở chỗ đó”. Anh cho hay bởi vì anh làm nghệ thuật - là điều anh đam mê - rồi anh mới tìm được mình. Anh cho mình là người may phước trên cuộc đời vì điều này. Do đó anh biết điều quan trọng là phải làm những gì mình thích. Phải hiểu được là kết quả không phải là cái mình đang muốn, mà phải làm việc hết mình vì đam mê. Mình phải đi qua quá trình đó thì mới “lột xác” (transform ) được. Nếu mình bỏ cuộc nửa đường thì không bao giờ trọn vẹn được. Cái khó là mình có đủ can đảm đi ngang con đường đó không, vì đó là con đường rất khổ.


Để dễ hình dung ra con đường cực khổ đó, hãy tưởng tượng bạn đứng trước một khu rừng. Bạn sẽ chọn con đường nào để đi? Con đường sáng sủa đã được phát quang, đúng không. Chí Huỳnh thì cho rằng: “Trong khu rừng thì phải đi vào nơi tối nhất . Nếu có con đường thì đó là nơi người ta đã khai thác rồi, chỉ gặp những gì người ta làm rồi chứ không có gì mới. Nơi tối thì chưa có đường, mình xách dao búa theo, lội thẳng vào khu rừng chưa có đường, rồi mình chặt cây mà tìm đường”.
Hiện tại, Chí Huỳnh là người rất may mắn là sống rất hạnh phúc, không buồn phiền, trên con đường mới rộng thênh thang anh đã phát. Với kinh nghiệm “phát hoang” này, Chí Huỳnh rất sẵn sàng giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh để họ đi qua quá trình đó dễ dàng hơn, để có bạn đồng hành cho vui cuộc đời. Và đây là lời mời chân thành của Chí Huỳnh. (AH )

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT