Xe Hơi

Châm thêm nước thường để làm mát máy xe được không?

Friday, 26/08/2016 - 11:47:21

Thời gian lâu mau là còn tùy số nước lã được thêm vào nhiều hay ít. Nếu không thay thế kịp thời, dòng coolant bị pha loãng có thể đưa đến những hậu quả tai hại trong cả hai trường hợp nhiệt độ quá thấp hoặc nhiệt độ quá cao.

Bài HAO SMITH

Chúng ta đã biết máy xe rất cần nước coolant để giải nhiệt. Vậy nếu bất chợt khám phá ra rằng xe thiếu coolant, vậy chúng ta có thể châm nước thường vào cho đầy đủ, có được không?

Câu trả lời trực tiếp là: Được, nhưng chỉ có thể dùng TẠM THỜI mà thôi. Bởi vì, như các bạn đã biết trong bài trước, coolant hay antifreeze không phải là nước, mà nó là chất lỏng được pha chế đặc biệt với độ đông rất thấp (-34 độ F) và độ sôi rất cao (265 độ F), trong khi nước thường thì dễ đông đá (ở 35 độ F), dễ sôi và bốc hơi hơn (212 độ F)

Coolant đầy lên tới miệng Radiator, có thể quan sát dễ dàng khi mở nắp



Tuy nhiên, trong coolant vốn đã có nước (nửa phần nước thường, nửa phần Etylene Glycol) nên tạm thời bạn có thể dùng nước thường để châm thêm nếu bất ngờ phát giác hệ thống giải nhiệt thiếu coolant. Số nước lã mới được châm thêm vào, nếu không nhiều lắm, sẽ không làm loãng nồng độ coolant ra bao nhiêu, nên tạm thời bạn có thể yên chí dùng xe. Tuy nhiên, nên thu xếp thời gian để có thể thay mới toàn bộ số coolant đã bị pha loãng đó. Thời gian lâu mau là còn tùy số nước lã được thêm vào nhiều hay ít. Nếu không thay thế kịp thời, dòng coolant bị pha loãng có thể đưa đến những hậu quả tai hại trong cả hai trường hợp nhiệt độ quá thấp hoặc nhiệt độ quá cao.

Nhiệt độ quá thấp

Nếu sống ở vùng cực lạnh trong mùa đông mà gặp phải biến cố này, bạn nên đặc biệt lưu tâm, bởi vì coolant pha loãng không có sức chịu lạnh, và có thể sớm đông đá trong đầu máy, gây thêm nhiều tổn thất trầm trọng khác, như lốc máy bị nứt, đầu xi lanh bị cong, thủng rò trong két nước và hệ thống sưởi.

Nhiệt độ quá cao

Khi xe lăn bánh, nhiệt độ trong đầu máy sẽ tăng lên rất cao, và nhiệm vụ của dòng coolant chảy qua là để hạ giảm tốc độ tăng nhiệt hầu tránh tình trạng Overheat cho đầu máy. Nhưng một dòng coolant pha loãng với quá nhiều nước lã sẽ sớm bốc hơi, không còn đủ số lượng để hoàn thành công tác giải nhiệt, khiến sức nóng tích lũy, dẫn đến Overheat với nhiều hậu quả nghiêm trọng như head gasket nổ, đầu xi lanh cong, piston chảy lỏng, blốc máy thủng…. .

Ngoài ra, nước lã thường nếu được dùng trong hệ thống máy sẽ để lại hai hậu quả đáng tiếc khác:
- Để lại nhiều vảy cặn (scales)

Nước lã thường vốn chứa nhiều khoáng chất, cụ thể là chất vôi. Chính vì thế, chúng ta thường thấy các vệt vôi đọng lại ở những chỗ dòng nước chảy qua. Tình trạng này nếu xảy ra bên trong lòng máy thì thật là nguy hiểm. Vảy cặn có thể làm nghẹt hệ thống, làm nghẹt các đường ống tinh vi nằm bên trong két nước, khiến dòng coolant không di chuyển được, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đầu máy Overheat.
- Không có tính chống mòn (corrosion)

Dòng coolant nguyên thủy không phải chỉ để giải nhiệt, nó còn giúp “chống mòn” (anti-corrosion) giữa các bề mặt kim loại tiếp giáp. Nhưng nước lã thường không có khả năng làm như vậy. Một khi dòng coolant bị pha loãng bởi tỷ lệ nước lã quá cao, đặc tính chống mòn bị suy yếu, các bộ phận trong hệ thống sẽ bị mòn, để trống nhiều kẻ hở, xả ra nhiều bụi sắt rỉ làm ô nhiễm hệ thống.

Nói tóm lại, chế thêm nước lã vào hệ giải nhiệt chỉ nên sử dụng như biện pháp cuối cùng khi không còn cách nào tốt hơn. Nếu bất đắc dĩ phải làm như vậy, bạn cần phải đi súc bình và thay mới bằng coolant tốt càng sớm càng tốt. Nhưng trước đó, có một điều cần thiết hơn phải làm, đó là tìm hiểu đến ngọn nguồn là tại sao coolant lại hao hụt, và sữa chữa một cách thích đáng. Cứ để cho coolant hao hụt rồi tiếp thêm nước lã mà không sửa chữa tận gốc... đó là cách đưa xe vào nghĩa địa nhanh nhất.
haosmith@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT