Thế Giới

Cam Bốt giải tán đảng đối lập, "giết chết nền dân chủ"

Thursday, 16/11/2017 - 10:26:50

Bà Sochua nói, “Phong trào dân chủ vì sự thay đổi bên trong và bên ngoài Cam Bốt sẽ được liên kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”


Bất ổn ở nước láng giềng VN
Lực lượng cảnh sát được tăng cường trên đường phố thủ đô Nam Vang ngày thứ Năm, trước và sau khi Tối Cao Pháp Viện ban lệnh giải tán đảng đối lập Cứu Quốc Cam Bốt và cấm hơn 100 chính khách không được tham gia chính quyền dưới bất cứ hình thức nào. Biện pháp tăng cường an ninh là nhằm củng cố thế lực độc tài của lãnh tụ Hun Sen kéo dài thêm sau hơn ba thập niên nắm quyền. (Tang Chhin Sothy/ Getty Images)


NAM VANG – Chính phủ Cam Bốt do Hun Sen nắm quyền đang bị tố cáo “tiêu diệt nền dân chủ,” sau khi Tối Cao Pháp Viện nước này ban lệnh giải tán đảng đối lập và cấm hơn 100 chính trị gia không được giữ bất cứ chức vụ nào trong chính quyền. Lệnh được ban ra đúng lúc Cam Bốt đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm sau.

Quyết định giải tán Đảng Cứu Quốc Cam Bốt (CNRP) được đưa ra vào ngày thứ Năm đã được nhiều người dự đoán, trong lúc đang diễn ra một cuộc đàn áp tệ hại nhất nhắm vào tự do và nhân quyền trong hai chục năm qua.

Chính phủ của Thủ Tướng độc tài Hun Sen đã tố cáo đảng CNRP đang có âm mưu thực hiện một cuộc cách mạng được Hoa Kỳ ủng hộ. Hun Sen cũng đã ra lệnh giam tù lãnh tụ Kem Sokha của đảng này trong tháng Chín.
Hun Sen là một cựu chiến binh cộng sản Khmer Đỏ, đã nắm giữ chức thủ tướng suốt 32 năm qua, bằng cách thanh toán, trù dập, khủng bố, triệt hạ những đảng đối lập.

Sau cuộc diệt chủng khủng khiếp trong thập niên 1970, khi Khmer Đỏ dưới quyền nhà độc tài Pol Pot giết chết từ 1 đến 3 triệu người, Cam Bốt đã được mô tả là một nền dân chủ trên danh nghĩa từ năm 1993. Nhưng thực ra Hun Sen nắm hết quyền sinh sát trong chính trị. Các phân tích gia nói rằng cuộc đàn áp hiện thời cho thấy Hun Sen muốn bám chặt quyền lực khi thấy đảng CNRP đang được người ưa chuộng nhiều hơn.

Phát ngôn viên Yim Sovann của CNRP nói, “Đây là sự cáo chung của nền dân chủ ở Cam Bốt. Chúng tôi đã không làm điều gì sai trái. Chúng tôi đã chiến đấu vì nền dân chủ. Họ đã giết chết ý chí của hơn ba triệu người ở Cam Bốt.”

Phó lãnh tụ phe đối lập Mu Sochua, 63 tuổi, đã vận động hành lang để nhờ quốc tế giúp đỡ, từ khi bà bị buộc phải trốn khỏi quê hương trong tháng 10, sau khi bị Hun Sen tố cáo là “kẻ khủng bố đô thị.”
Bà mô tả phán quyết của tối cao pháp viện là “một cú đấm vào nền dân chủ,” nhưng nói cú đâm đó sẽ không giết chế nền dân chủ.

Bà Sochua nói, “Phong trào dân chủ vì sự thay đổi bên trong và bên ngoài Cam Bốt sẽ được liên kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”

Bà Sochua đã gặp các viên chức Anh Quốc tại London trong tuần này, để tìm sự ủng hộ cho những biện pháp trừng phạt đối với chế độ Hun Sen. Nước Anh là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Cam Bốt, nhập cảng khoảng $1 tỷ Mỹ kim trong năm 2016.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh Á Châu của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, đã kêu gọi Nhật Bản và Liên Hiệp Âu Châu hãy ngưng ngay lập tức mọi việc trợ giúp tài chánh và kỹ thuật cho kỳ bầu cử năm 2018, trừ khi CNRP được phục hồi và được phép cạnh tranh.

Bà Champa Patel, người đứng đầu chương trình Á Châu tại viện nghiên cứu Chatham House, nêu ra rằng ông thẩm phán chủ tọa trong vụ đưa ra phán quyết giải tán đảng đối lập là một thành viên cao cấp của Đảng Nhân Dân Cam Bốt, và là một cộng sự thân cận của thủ tướng Hun Sen.

Bà nói, “Việc giải tán phe đối lập Cam Bốt phản ảnh cách thức các tòa án ở Cam Bốt trở thành dụng cụ phục vụ quyền lợi của chính phủ. Thật khó mà nhìn thấy cách thức mà bất cứ thủ tục tố tụng có thể được coi là độc lập khỏi những quyền lợi được trao ban.”

Bầu không khí đe dọa ở Cam Bốt đã khiến thế giới Tây Phương phải báo động. Thụy Điển đe dọa xét lại quan hệ với Phomn Penh, và Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa – Texas) đe dọa ban lệnh cấm các quan chức hàng đầu của Hun Sen được đến Mỹ.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT