Phóng Sự

Buôn người- hình thức nô lệ mới thời hiện đại (kỳ 10)

Sunday, 14/02/2016 - 11:59:16

“Bước thứ nhất là phổ biến những kiến thức đơn giản để người dân trong nước nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm và biết cách tự đề phòng, và nếu có thân nhân đang là nạn nhân thì biết cách liên lạc với CAMSA để giải cứu.

Bài BĂNG HUYỀN

TS Nguyễn Đình Thắng kể về những giải pháp chống buôn người của BPSOS và CAMSA
(tiếp theo)

Nhận xét về việc Việt Nam vẫn ở trong danh sách loại 2 (TIER 2 ), vì chính phủ Việt Nam “chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người.” Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên Liên Minh CAMSA (Liên minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu), cho rằng, “Việt Nam đã không có một dấu hiệu nào để chứng tỏ thực tâm chống buôn người, lẽ ra bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải xếp Việt Nam ở thứ bậc thấp hơn, tức là hạng 3, thay vì hạng 2.”

  • Cô Danh Hui, chị của Huỳnh Thị Bé Hương, là một trong số 15 cô gái là nạn nhân nô lệ tình dục ở Nga, hiện đang sống và làm việc tại tại Houston, Texas, và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và ông Trần Thanh Tiến ở buổi điều trần quốc hội.



Vì theo ông, chính phủ Việt Nam chưa thật sự quyết tâm bài trừ tệ nạn buôn người, thậm chí đứng đằng sau nhiều vụ buôn người.

Ông Thắng cho biết, “Ở Á Châu, phần lớn các quốc gia đang phát triển đã là cái nôi để cung cấp những người nô lệ, gởi đi khắp nơi trên thế giới, mà trong đó, một trong những quốc gia có tình trạng rất trầm trọng, đó là Việt Nam. Ngoài Việt Nam, còn có Cam Bốt, còn có Lào, còn có Phi Luật Tân, còn có Pakistan, Nepal. Đó là những quốc gia ở Châu Á, chưa kể Trung Quốc. Trung Quốc là cả một vùng không ai biết được, đen nghịt, ánh sáng không xoi thủng qua được, để mà có được con số chính xác. Nhưng mà chúng tôi tin rằng, qua các hồ sơ đã can thiệp, Trung Quốc là một trong các quốc gia có tình trạng buôn người rất trầm trọng. Những con số của quốc tế có được, có lẽ còn là rất nhỏ so với thực tế ở tại Trung Quốc, cũng như ở tại Việt Nam.”

Buôn người từ Việt Nam sang Nga

Tiến sĩ Thắng nói, “Liên Minh CAMSA đã can thiệp nhiều vụ buôn người từ Việt Nam sang Nga và chưa có một trường hợp nào mà chính quyền Việt Nam lại bảo vệ cho nạn nhân.”

Nhắc lại cuộc giải cứu của CAMSA vào tháng 4, 2013 đã giải cứu thành công 15 cô gái từ Việt Nam bị lừa bán vào ổ mãi dâm ở Nga do bà chủ nhà chứa gốc Việt Nguyễn Thúy An. Tiến sĩ Thắng kể, “Khi cảnh sát Liên Bang Nga chuẩn bị giải cứu các nạn nhân thì có ai đó ở Tòa Đại Sứ Việt Nam đã báo động trước cho kẻ buôn người nên cuộc giải cứu đã không thành công.

“Ngay khi được tin bốn nạn nhân trốn thoát đã bị bọn buôn người bắt lại làm con tin, Liên Minh CAMSA đề ra kế hoạch giải cứu gồm ba mũi: vận dụng truyền thông để bảo vệ an toàn cho các nạn nhân còn đang bị giam giữ, vận động áp lực của chính phủ Hoa Kỳ để tách lìa sự bao che của một số giới chức Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Nga cho ổ buôn người, và cung cấp thông tin cho cảnh sát liên bang Nga để truy bắt các thủ phạm.

“Giới truyền thông Việt ngữ và quốc tế không chỉ đưa tin mà đã góp phần đắc lực cho cuộc giải cứu từng nạn nhân một. Các bản tin trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, trang blog... đã giúp bảo vệ an toàn tính mạng cho các nạn nhân trong thời gian họ đang chờ để được giải thoát.

“Theo các nạn nhân đã hồi hương cho biết, bà An đã ngưng đánh đập và tra tấn họ sau khi vụ việc được đưa ra công luận quốc tế. Các vị dân biểu đã lên tiếng can thiệp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chính quyền Nga và Việt Nam. Không những vậy, từng giai đoạn giải cứu đã được tường trình tại các buổi điều trần công khai ở Quốc Hội và được đưa vào hồ sơ Quốc Hội. Kế hoạch này khá phức tạp và gay go vì kẻ buôn người rất lộng hành do có sự che chở của nhiều giới chức của Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Nga.”

Tiến sĩ Thắng cho biết, “Hoặc như tình cảnh của hàng chục nghìn lao động Việt Nam đang bị bóc lột thậm tệ tại Nga. Bắt họ lao động theo hình thức khổ sai 12-14 tiếng một ngày, không trả lương, không cho tiếp xúc với bên ngoài. Tất cả giấy tờ tùy thân của họ đều bị tịch thu. Ai mà cố chạy thoát, khi bị bắt thì bị đánh đập tàn nhẫn, bị tra tấn và rồi bắt quay trở lại lao động quần quật. Không thể biết ngày giờ nào họ sẽ được trả tự do. Trong khi đó, thân nhân họ trong nước không hề biết tin tức rằng họ thực ra đã thành người nô lệ.

“Khi có biến động thì họ sẵn sàng bỏ công nhân chạy trốn pháp luật, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho những người lao động không biết mình đang ở đâu, không giấy tờ tùy thân và cũng không có khả năng tài chính để mua vé trở về Việt Nam. Có khoảng vài trăm công ty may mặc và công ty xây dựng như vậy ở bên Nga.

“Họ là những cơ sở của những người Việt sống lâu năm ở Nga và có đường dây Mafia để bắt người, giam người, đánh đập người, hăm dọa nạn nhân. Đường dây này thông về tới Việt Nam. Ở Việt Nam những nạn nhân nào chạy về được cũng rất sợ hãi, phải trốn tránh. Và hàng loạt những nạn nhân được đưa từ Việt Nam sang Nga trong thời gian qua và vẫn còn tiếp tục thì tôi đoan chắc là nhà cầm quyền Việt Nam biết nhưng vẫn làm ngơ. Có khi còn có sự toa rập trong đó.”

Người Việt bị buôn lao động sang Malaysia

Hoặc với trường hợp các nạn nhân buôn lao động gốc Việt tại Malaysia, TS Nguyễn Đình Thắng cho biết, “Tất cả các trường hợp mà chúng tôi can thiệp và giải cứu, hoặc là chính quyền Việt Nam không hề can thiệp và công ty môi giới đưa công nhân đi không hề can thiệp, bỏ rơi họ hoàn toàn, hoặc nếu có can thiệp thì lại mang tính trấn áp, để bằng cách này, cách kia, đưa công nhân về nước thật sớm, thay vì hỗ trợ cho họ để kiện tụng tranh đấu đòi quyền lợi, đặc biệt là đòi phần lương bổng đã bị chủ sử dụng lao động quỵt.

“Việt Nam, đã không có biện pháp để bảo vệ, đặc biệt là tòa đại sứ Việt Nam tại Malaysia, trong rất nhiều trường hợp lại đứng về phe chủ sử dụng lao động để trấn áp sự lên tiếng của những nạn nhân, có lẽ vì họ lo lắng rằng, việc các nạn nhân tham gia kiện tụng đòi quyền lợi sẽ ảnh hưởng đến sự gia tăng số lượng người lao động xuất cảng sang Malaysia trong tương lai.”

Nói về giải pháp cho tình trạng này, ông Thắng bày tỏ, “Theo tôi, chính quyền Việt Nam và đặc biệt là Bộ Lao động, Thương Binh, Xã Hội phải có chỉ thị rõ ràng. Thứ nhất là đòi hỏi tất cả các đại diện của họ tại các quốc gia, nơi có người Việt Nam đang lao động, như tại Malaysia, phải thực thi đúng trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận là bảo vệ cho công nhân, chiếu theo luật xuất cảng lao động, chiếu theo các bản hợp đồng mà công ty môi giới đã ký kết.

“Việc thứ hai là, phải điều tra tất cả các công ty môi giới đã đưa người đi, và đã vi phạm luật pháp Việt Nam, hoặc là vi phạm hợp đồng đã ký kết với công nhân. Trong thời gian qua, chúng tôi đã cung cấp một danh sách khoảng gần 35 tổ chức công ty môi giới như vậy cho chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa hề có công ty nào trong số đó bị điều tra và kỷ luật. Ngược lại, vào năm 2010, sáu trong số các công ty được tuyên dương ở Việt Nam nằm trong danh sách các công ty bê bối mà chúng tôi cung cấp.”

Chuyến đi sang Cyprus dự hội nghị về nạn buôn người

Kể về chuyến đi mà ông đã đi vào tháng 10, 2013 đến Cyprus dự hội nghị về nạn buôn người, Tiến sĩ Thắng cho biết, “Cyprus là một đảo quốc nằm ở phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng khá gần với Hy Lạp. Dân trên đảo chỉ khoảng 1.2 triệu, 1 phần 3 gốc Thổ còn 2 phần 3 gốc Hy Lạp. Trước đây Cyprus là thuộc địa của Anh Quốc, mãi đến năm 1960 mới được độc lập. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, năm 1968, cuộc nội chiến xảy ra giữa hai sắc dân Hy và Thổ. Cuộc đình chiến được dàn xếp và kiểm soát bởi Liên Hiệp Quốc. Đất nước nhỏ bé này và thủ đô của nó bị chia đôi đến ngày nay, với đoàn quân mũ xanh của Liên Hiệp Quốc đóng ở khu lằn ranh, gọi là “Lằn Xanh” (Green Line).

“Việt Nam không có tòa đại sứ hay tòa lãnh sự ở Cyprus. Thế mà có đến 5 nghìn người Việt đang lao động ở Cyprus. Ở cao điểm con số này lên đến 12 nghìn. Phần lớn là chị em phụ nữ đi làm gia nhân, hay ô-sin, cho các gia đình Cyprus hoặc làm trong các hãng sản xuất nhỏ. Không ít trong số họ đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người, bị bóc lột thậm tệ, bị đánh đập và có khi bị xâm phạm thân thể. Nạn nhân gọi về trong nước cầu cứu thì môi giới trước đây đưa họ đi lờ tịt, còn nhà nước thì xem như không biết gì.
“Tại buổi hội nghị kéo dài hai ngày, tôi có dịp tìm hiểu thêm về nạn buôn người ở xã hội nhỏ bé nhưng đầy phức tạp này. Vùng miền Nam ảnh hưởng Hy Lạp thì có luật chống buôn người và có một vài tổ chức bắt đầu hoạt động chống buôn người. Nửa nước miền Bắc ảnh hưởng Thổ Nhĩ Kỳ thì luật đã không có mà ai đứng lên chống buôn người còn bị chính quyền gây khó khăn. Bởi vậy, cùng thân phận nạn nhân nhưng ở miền Nam thì đỡ khổ hơn là ở miền Bắc. Các tổ chức địa phương cho biết là có một số nạn nhân Việt ở miền Nam bị dụ dỗ và đưa lén sang miền Bắc. Họ bị kẹt không trở lại được miền Nam, xem như bị mất tích.

“Khi tôi trình bày kế hoạch trị tận gốc nạn buôn người đã tạo sự chú ý của toàn thể hội nghị: Trước hết, giải cứu nạn nhân ở những quốc gia tiếp nhận, như Mã Lai, Đài Loan, Jordan, Nga... Qua các cuộc phỏng vấn nạn nhân, chúng tôi truy dần ra đường dây buôn người từ trong nước, kể cả vai trò của các cơ quan chính quyền Việt Nam. Đây là căn bản để chúng tôi thực hiện ba bước kế tiếp.

“Bước thứ nhất là phổ biến những kiến thức đơn giản để người dân trong nước nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm và biết cách tự đề phòng, và nếu có thân nhân đang là nạn nhân thì biết cách liên lạc với CAMSA để giải cứu.

“Bước thứ hai là hỗ trợ cho các tổ chức tôn giáo như Dòng Chúa Cứu Thế, các hội thánh Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, bên Phật giáo... ở trong nước để họ giúp cho những đồng bào đang lâm nạn hay chưa đủ sức tự vệ.

“Nhiều tham dự viên tỏ vẻ tò mò và đặc biệt chú ý về bước thứ ba: áp lực chính quyền, nhất là khi chính quyền không thật tâm chống buôn người.

“Tôi giải thích về hai mũi quốc tế vận: trực tiếp và gián tiếp, và lấy Mã Lai, Đài Loan và Nga làm ví dụ. Gián tiếp có nghĩa là dùng các hồ sơ nạn nhân Việt được giải cứu ở các quốc gia này để vận động Hoa Kỳ áp lực các chính quyền này giải quyết tình trạng buôn người đến từ Việt Nam để tránh bị chế tài bởi Hoa Kỳ; như vậy các chính quyền này phải áp lực lên Việt Nam. Còn trực tiếp là chứng minh cho Hoa Kỳ thấy rằng nạn nhân người Việt không thể tự dưng xuất hiện ở các quốc gia này mà phải có đường dây đưa họ đi từ Việt Nam. Qua đó vận động Hoa Kỳ áp lực trực tiếp lên Việt Nam với đe dọa chế tài.”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng kể cũng trong thời gian ngắn ngủi tham dự hội nghị về nạn buôn người tại Cyprus, ông đã dành thời gian buổi tối trước khi về lại Hoa Kỳ để đi thăm một số nạn nhân người Việt đang được một tổ chức Công Giáo chống buôn người ở địa phương giúp đỡ. “Khi đến nơi, trên một chục nạn nhân đang chờ, toàn là phái nữ. Người nhỏ nhất 20 tuổi. Người lớn nhất cỡ 50. Có người mới chỉ học xong lớp 1; người học cao nhất là lớp 12.

“Họ rất ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi biết là có nhiều đồng bào của họ ở hải ngoại quan tâm đến họ, trong khi những người có trách nhiệm, từ người môi giới đến cán bộ nhà nước, thì lại lường gạt hay ruồng bỏ họ. Họ kể lại thái độ hống hách hay thờ ơ của những người ấy. Hải ngoại với họ là một thế giới mơ hồ, nằm ngoài ý tưởng và nhận thức. Nhưng khi biết có người đến từ cái thế giới xa lạ ấy, họ đã háo hức kéo đến để gặp.

“Nghe những câu chuyện của những cô gái Việt, lòng tôi đau nhói. Đồng bào tôi vì đâu phải tha phương cầu thực, khốn khổ và nhục nhằn ở khắp nơi.”

(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT