Hoa Kỳ

Bọ vỏ cây góp phần gây cháy rừng ở California

Monday, 03/09/2018 - 10:57:58

Tuy nhiên những cây bị khô cằn bị yếu sức, không có khả năng phòng thủ như vậy. Những trứng của bọ cánh cứng - và thứ nấm mà những con bọ vỏ cây có thể mang theo – làm tắc nghẽn dòng chảy của các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây còn sót lại.


Một con bỏ vỏ cây chỉ bé bằng một hạt gạo, nhưng chúng đẻ trứng trong vỏ cây và giết cây, khiến cây dễ bị lửa đốt cháy. (Getty Images)

Hầu như các viên chức cứu hỏa, kiểm lâm, và các chuyên gia về môi trường đều biết thủ phạm gây ra những trận cháy lớn trong hai năm qua ở California. Họ nói thủ phạm là một loài sinh vật nhỏ hơn một hạt gạo. Đó là bọ cánh cứng sống ở vỏ cây, bark beetle. Loài côn trùng nhỏ xíu này xuất phát từ Trung Mỹ, di cư dần lên khắp Hoa Kỳ, và hiện nay đang tiến vào Canada. Trên hành trình di cư này, bọ vỏ cây đã đục khoét vào thân cây, giết chết hàng triệu cây, khiến cay trở thành mồi lửa cho các trận cháy rừng tàn phá California.

Một cuộc nghiên cứu của đại học Columbia University gọi bọ vỏ cây là “một loại côn trùng giết cây hung hăng nhất thế giới.” Trong khi đó Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ nêu câu hỏi, “Làm sao một thứ sinh vật nhỏ như vậy lại có giết được một thứ lớn như thế?”

Câu trả lời: Bọ vỏ cây tận dụng lợi thế của hệ thống sinh thái miền Tây, đang gánh chịu nhiều năm hạn hán bắt đầu từ thập niên 1990.

Tuy miền Đông nước Mỹ có nhiều mưa và bị lũ lụt, hơn 38 phần trăm diện tích nước Mỹ hiện nay đang bị hạn hán trầm trọng, theo cơ quan Theo Dõi Hạn Hán Hoa Kỳ cho biết. Thêm vào vấn đề này, California và nhiều tiểu bang miền Tây đã trồng quá nhiều cây, và không tỉa bớt cây cối. Những khu rừng rậm rạp này đang chết khát vì thiếu nước, và cây cối dùng bộ rễ của chúng để tranh giành nguồn nước hiếm hoi.
Bọ vỏ cây lợi dụng những cây bị căng thẳng và khát nước, để đục thủng vỏ cây và đẻ trứng trong các mô sống của cây. Những cây khỏe mạnh chống trả bằng cách bơm ra nhựa để làm ngập những đường hầm của bọ cánh cứng và buộc chúng phải ra khỏi đó, tương tự như cách thức động vật chống lại nhiễm trùng bằng cách chảy máu và nổi vảy.

Tuy nhiên những cây bị khô cằn bị yếu sức, không có khả năng phòng thủ như vậy. Những trứng của bọ cánh cứng - và thứ nấm mà những con bọ vỏ cây có thể mang theo – làm tắc nghẽn dòng chảy của các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây còn sót lại.

Khi bọ vỏ cây tìm thấy một cây bị khô, chúng tham gia vào việc mà Bộ Nông nghiệp gọi là “giết chết cả nhóm.” Con bọ cánh cứng đầu tiên thâm nhập thành công vào trong vỏ cây sẽ phát ra các kích thích tố, báo cho mọi con bọ cánh cứng khác trong khu vực biết về nạn nhân. Khi làm như vậy, cái chết không những là điều không thể tránh khỏi đối với cây đó, mà còn tạo ra một đợt chết hàng loạt cho những cây xung quanh.

California có 129 triệu cây chết do hạn hán và sự phá hoại của bọ cánh cứng. Sau đó những trận cháy rừng trong năm ngoái đã khiến cho California mất 43 mạng người và bị thiệt hại $13.2 tỷ. Năm nay có thể thậm chí còn khắc nghiệt hơn mấy năm trước. Tháng Chín và tháng Mười là những tháng tệ nhất cho nạn cháy rừng trong lịch sử.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT