Hoa Kỳ

Bộ Tư Pháp Mỹ khởi tố 13 người Nga trong mạng lưới phá hoại nền dân chủ, giúp Trump đắc cử

Saturday, 17/02/2018 - 10:58:25

Những ban khác nhau trong cơ sở Internet Research Agency đã có nhiệm vụ tạo ra những bản họa đồ, những bảng phân tích dữ kiện và công nghệ thông tin.


Một bức tranh vẽ trên tường cho thấy Tổng Thống Donald Trump đang thổi khói cần sa vào miệng của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, bên ngoài một nhà hàng thịt nướng ngày thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018 tại Vilnius, Lithuania. (Sean Gallup/ Getty Images)

HOA THỊNH ĐỐN - Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã khởi tố 13 người Nga và ba công ty, trong một cuộc điều tra rộng lớn cho thấy một mạng lưới rộng lớn đã được thiết lập nhằm phá rối cuộc bầu cử năm 2016 và hỗ trợ cuộc vận động của ông Donald Trump. Mạng lưới này kéo dài từ một văn phòng ở St. Petersburg, Nga xâm nhập vào những trang mạng xã hội Hoa Kỳ và cuối cùng đến tận những cuộc vận động ngoài đường phố ở các tiểu bang đang có sự tranh giành phiếu gây cấn giữa các ứng cử viên.

Các công tố viên liên bang cho biết người Nga đã ăn cắp căn cước của người Mỹ, để giả danh là các nhà hoạt động chính trị và lợi dụng những đề tài nóng gây tranh cãi trong xã hội như di dân, tôn giáo và chủng tộc để gây thêm chia rẽ giữa người Mỹ vốn đã xung đột nhau bởi những đề tài nói trên.

Hồ sơ khởi tố cho biết một số người Nga cũng đã liên lạc với “những cá nhân không hề hay biết trong lúc đang làm việc cho cuộc vận động của Trump. Ông Robert S. Mueller III, vị công tố viên đặc biệt đang cầm đầu cuộc điều tra, đã không tố cáo Tổng Thống Trump hoặc những người của ông ta đã biết về âm mưu này.
Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Rod J. Rosenstein, người có nhiệm vụ điều hành cuộc điều tra, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo ngắn ngày thứ Sáu, “Hồ sơ cáo trạng này tố cáo những người Nga đã cố tình khuyến khích sự chia rẽ tại Hoa Kỳ và gây bất tín đối với nền dân chủ. Chúng ta sẽ không bao giờ cho họ được thành công.”

Tập cáo trạng dày 37 trang được trao cho một đại bồi thẩm đoàn tại Hoa Thịnh Đốn. Cáo trạng trình bày những chi tiết phản lại những ý kiến của ông Trump, khi ông tìm cách gây nghi ngờ rằng sự việc người Nga can thiệp vào cuộc bầu cử là không có thật và những tin liên quan đến sự can thiệp đó là “tin giả.”
Bộ Tư Pháp cho biết cuộc điều tra của ông Mueller chưa kết thúc. Các cáo trạng chưa nhắc tới việc tin tặc tấn công vào hệ thống thư email của đảng Dân Chủ hoặc sự việc ông Trump tìm cách cản trở cuộc điều tra của F.B.I. Ông Mueller đang thương lượng với các luật sư của tổng thống về những điều kiện có thể đưa đến một cuộc thẩm vấn ông Trump.

Hồ sơ khởi tố cho biết sứ mạng của Nga đã bắt đầu bốn năm trước đây, trước khi ông Trump bước vào cuộc tranh cử tổng thống. Ông Trump đã mau chóng nắm lấy yếu tố này để biện minh cho mình khi ông viết trên Twitter, “Nga bắt đầu chiến dịch chống Mỹ vào năm 2014, khá lâu trước khi tôi tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống. Không ảnh hưởng gì đến kết quả bầu cử. Cuộc vận động của Trump không làm gì sai trái-không thông đồng!”

Mười-ba người Nga đã bị truy tố tội tìm cách phá rối tiến trình chính trị Mỹ một cách bất hợp pháp qua những mục gây khích động đăng trên mạng xã hội và qua những cuộc biểu tình có tổ chức.
Lời biện bạch của ông Trump đã không nhắc tới kết luận của tập cáo trạng, rằng đến năm 2016 thì người Nga “đã ủng hộ cuộc vận động tranh cử của ứng cử viên Donald J. Trump” và miệt thị đối thủ của ông là bà Hillary Clinton.

Theo hồ sơ được nộp tại tòa án, từ một văn phòng ở St. Petersburg, người Nga đã mô tả “một cuộc chiến thông tin chống lại đất nước Hoa Kỳ.”

Ông Mueller đã thu thập nhiều bằng chứng về sự liên lạc giữa người Nga và ban tranh cử của ông Trump Trump. Chẳng hạn như việc con trai lớn tuổi nhất của ông Trump đã gặp một luật sư Nga với y vọng nhận được những tin chính trị xấu về bà Clinton; một cố vấn của ông Trump đã thú nhận từng được biết trước về tin tặc Nga đánh phá hệ thống email của Dân Chủ; một người khác đã liên lạc với một trương mục Twitter được dùng bởi những tin tặc Nga; một thẩm phán liên bang nhận thấy một cố vấn thứ ba là một người hoạt động bất hợp pháp cho Nga. Từ bấy lâu nay ban tranh cử của ông Trump vẫn phủ nhận một cách sai lầm rằng họ không liên lạc với người Nga.

Vấn đề nghiêm trọng nhất mà ông Mueller đang phải cân nhắc là liệu những bằng chứng nói trên đã vi phạm luật liên bang. Tập cáo trạng công bố hôm thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018 không đề cập đến vấn đề này.Tuy nhiên, cáo trạng cho thấy một điệp vụ của người Nga đã có nhiều mũi dùi, được tài trợ đầy đủ và không ngưng nghỉ.

Những mật vụ của Nga đã đến khắp nước Mỹ để thu thập những tin tức tình báo và gây mầm xung đột chính trị. Họ làm việc với một người Mỹ đang được Bộ Tư Pháp giấu tên, và người này cố vấn cho người Nga biết những tiểu bang nào mang “màu tím” để mạng lưới phá hoại có thể chĩa mũi dùi tấn công. Đó là những tiểu bang đang được tranh giành giữa hai ứng cử viên mà trong đó có Colorado, Virginia và Florida.
Cáo trạng cho biết vào tháng Tám 2016, những người Nga đã mạo nhận là người Mỹ và điều hợp với ban tranh cử của ông Trump để tổ chức những cuộc tập họp tại Florida.

Trong nhiều thập niên, cơ quan C.I.A. vẫn thường thực hiện những điệp vụ tương tự để gây ảnh hưởng bầu cử tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, tầm hoạt động của những điệp vụ đã quá nhỏ và không táo bạo so với những gì mà mạng lưới phá hoại Nga đã thực hiện trong cuộc bầu cử 2016 để trợ giúp một ứng cử viên đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.

Tập cáo trạng không trực tiếp nói chính phủ Nga đã bảo trợ cho nỗ lực phá hoại, nhưng các viên chức tình báo Mỹ đã từng nói công khai rằng Tổng Thống Vladimir V. Putin đã trực tiếp điều hành mạng lưới phá hoại nền dân chủ này. Cáo trạng ghi nhận hai trong các công ty Nga có dính líu đến vụ mạng lưới này đã làm việc theo hợp đồng với chính phủ Nga.

 “Hồ sơ này là một thông điệp rất rõ ràng,” ông Robert S. Litt nhận xét. Ông từng là tổng giám đốc của tình báo quốc gia. “Ông Mueller muốn chấm dứt cuộc tranh luận về vấn đề Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử hay không.”

Những người Nga bị tố cáo đã làm việc cho Internet Research Agency (cơ sở nghiên cứu mạng lưới điện toán). Cơ sở đã được tài trợ hàng triệu Mỹ kim và được thiết lập để tiếp cận đến hàng triệu người Mỹ.
Tất cả 13 người Nga chưa bị bắt, vì Nga thường không cho dẫn độ công dân của họ đến Mỹ. Tuy vậy, công tố viên Mỹ dùng cáo trạng để nêu tên và làm xấu hổ những kẻ bị cáo buộc, khiến họ khó có thể làm việc trong tương lai mà không bị điều tra. Nếu những người này rời nước Nga, họ có thể bị bắt và bị giải giao đến Mỹ.

Cuộc điều tra cho thấy các chuyên gia điện toán Nga đã chia thành hai nhóm, một làm việc ban ngày và một ban đêm, để tạo hàng trăm trương mục trên mạng xã hội và rồi thu hút hàng trăm ngàn người Mỹ theo dõi trên mạng xã hội. Những người Nga này giả dạng là các nhà hoạt động Thiên Chúa Giáo, những nhóm chống di dân, và những người ủng hộ phong trào Black Lives Matter của người da đen. Một trương mục tự nhận là Đảng Cộng Hòa Tennessee (Tennessee Republican Party) và tạo được hàng trăm người theo dõi, các công tố viên cho biết.

Những ban khác nhau trong cơ sở Internet Research Agency đã có nhiệm vụ tạo ra những bản họa đồ, những bảng phân tích dữ kiện và công nghệ thông tin.

Khi điệp vụ này bị lột trần, bà Irina Viktorovna Kaverzina, một trong những người Nga đang bị Mỹ truy tố, đã nói, “Tôi đã tạo ra tất cả những bức ảnh đó và các bản tin ấy, và người Mỹ đã tưởng rằng những tin và ảnh đó do chính người Mỹ viết ra.”

Nhiệm vụ của người Nga là phá hoại cuộc tranh cử của bà Clinton bằng cách hỗ trợ cho các đối thủ của bà, kể cả ông Bernie Sanders. Một mệnh lệnh truyền trong nội bộ của người Nga đã viết: “Dùng mọi cơ hội để chỉ trích bà Hillary và tất cả những người kháct (ngoại trừ ông Sanders và ông Trump - chúng ta ủng hộ hai người này).”

Ông Mueller đã liệt kê 13 quảng cáo trên mạng xã hội được trả tiền bởi người Nga. Tất cả 13 quảng cáo này đều tấn công bà Clinton hoặc đề cao ông Trump.

Một quảng cáo đã viết, “Hillary là ác quỷ, và những tội ác, tội nói dối của bà đã chứng minh bà là một ác quỷ như thế nào.”

Sau cuộc bầu cử, người Nga vẫn tiếp tục sứ mạng phá hoại nước Mỹ bằng cách gây chia rẽ giữa người Mỹ với người Mỹ. Trong tháng 11, ngay sau khi bầu cử kết thúc, người Nga thực hiện hai cuộc biểu tình tại New York trong cùng một ngày. Một cuộc biểu tình kêu gọi “Hãy chứng tỏ sự ủng hộ của bạn dành cho tổng thống đắc cử Trump.” Còn cuộc biểu tình kia thì tuyên bố, “Trump KHÔNG phải là tổng thống của tôi.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT