Đạo và Đời

Bắt chước Chúa Giêsu

Wednesday, 07/02/2018 - 07:25:50

Cuộc đời của Ngài và tất cả thời gian của Ngài chỉ tập trung vào hai mối dây liên hệ quan trọng nhất: sự tương quan giữa Ngài với con người và sự tương quan giữa Ngài với Cha của Ngài.



Ông Job (Gióp) trong Kinh Thánh ngồi trên tro tàn sau khi ông bị mất hết của cải, con cái, lại phải sống trong cảnh đau đớn, bệnh tật, và người ta đã xa tránh ông, ngay cả vợ của ông. (Hình không rõ nguồn)

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM


Đời sống con người có niềm vui nhưng cũng có những bi đát. Số phận không luôn luôn mỉm cười với chúng ta. Tuy nhiên cuộc sống này không ai giống ai. Có người tương đối may mắn, nhưng có người lại gặp phải bất hạnh. Có nhiều cảnh đời rất khó khăn. Nhiều khi người ta hay hỏi câu hỏi tại sao, nhưng không tìm thấy câu trả lời.

Một gia đình trong cảnh khốn khó đã viết cho một linh mục như thế này: Bình yên và hạnh phúc thật là khó, luôn luôn vượt quá tầm tay. Con cái thì có đứa bị tàn tật, nheo nhóc. Cuộc sống đầu tắt mặt tối không đủ ăn. Nợ nần thì chồng chất, người ta tới đòi xiết cái này, lấy cái kia vì không trả được nợ. Vợ chồng thì lại không đồng tâm với nhau.

Trong hoàn cảnh như thế này, làm sao có thể giữ đạo? Qua lời than phiền này, quả thật, đây không phải là bức tranh hiếm thấy trong đời sống ngày hôm nay. Nếu chúng ta không ở trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta tương đối là những người may mắn.

Các bài đọc sách thánh Chúa Nhật tuần này giúp chúng ta tìm hiểu đâu là ý nghĩa của cuộc sống. Câu chuyện của Ông Gióp trong Kinh Thánh cho thấy một hoàn cảnh quá bi quan, nhưng cuối cùng đã tìm ra lối thoát nhờ tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông Gióp là một nhân vật thánh thiện, sống đẹp lòng Chúa. Nhưng chỉ trong nháy mắt, ông bị mất hết của cải, con cái, lại phải sống trong cảnh đau đớn, bệnh tật, và người ta đã xa tránh ông, ngay cả vợ của ông.
Trong cảnh khốn cùng, ông đã than van khóc lóc nhưng vẫn tin tưởng vào Chúa. Nhờ sự tin tưởng và kiên nhẫn này, Chúa đã mạc khải cho ông thấy ý nghĩa sự đau khổ, sự quan phòng của Chúa, giúp ông tìm lại được những thứ đã mất, tìm lại được niềm vui và hạnh phúc. Như thế, con người cứ phải vững tin, vì cuộc sống mang màu sắc ảm đạm sẽ không kéo dài đối với những ai biết tin tưởng và luôn sẵn sàng phấn đấu.
Những người gặp cảnh bi quan, hoạn nạn, chắc chắn sẽ được an ủi nếu được người khác giúp đỡ. Những người đang trong cơn thất vọng có thể tìm thấy chiếc phao cứu cuộc đời của họ nếu có một người nào đó biết quan tâm đến họ. Thế giới sẽ tốt đẹp biết bao nếu con người xích lại gần nhau hơn. Chúa Giêsu chính là hình ảnh hoàn hảo của sự xích lại gần và quan tâm tới người khác.

Cuộc đời của Ngài và tất cả thời gian của Ngài chỉ tập trung vào hai mối dây liên hệ quan trọng nhất: sự tương quan giữa Ngài với con người và sự tương quan giữa Ngài với Cha của Ngài.

Câu chuyện Chúa chữa lành bà nhạc gia của thánh tông đồ Phêrô qua cơn cảm sốt, và sau đó biết bao nhiêu người đã đến với Ngài, những người bị quỉ ám, những người bị các chứng bệnh tật khác nhau, đã chứng tỏ rằng Ngài thương yêu tất cả mọi con người khốn cùng khi họ chạy đến với Ngài.

Một ngày làm việc của Ngài không có thời gian để nghỉ ngơi: Rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa bệnh tật, trừ quỉ, và rồi buổi sáng tinh mơ, khi mọi người còn đang ngủ, Ngài đã đi vào nơi thanh vắng, cầu nguyện, kết hợp với Cha của Ngài. Rồi Ngài lại tiếp tục lên đường, vì Tin Mừng Nước Trời sẽ phải rao giảng đến tận cùng trái đất. Chúa Giêsu chính là gương cho chúng ta trong việc xích lại gần người khác.

Chúng ta bắt chước Chúa Giêsu được điều gì trong tương quan của chúng ta với người, và trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa?

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT