Thế Giới

Bắc Kinh khánh thành cây cầu trên biển dài nhất thế giới, dân Hồng Kông sợ mất thêm tự do

Tuesday, 23/10/2018 - 09:07:07

Một số cơ sở truyền thông địa phương còn gọi đó là “cây cầu tử thần.” Các quan chức nói rằng có ít nhất 18 công nhân đã thiệt mạng trong tiến trình xây dựng.


Chủ Tịch Tập Cận Bình thông báo lễ khánh thành cây cầu dài 55 km chạy băng qua biển nói liền Chu Hải ở lục địa với Hồng Kông và Ma Cao ngày thứ Ba, 23 tháng 10, 2018. (Kyodo News/Getty Images)

CHU HẢI - Chủ Tịch Tập Cận Bình đã chủ tọa buổi lễ khánh thành cây cầu dài 55 cây số ở Chu Hải ngày thứ Ba. Cầu này nối liền thành phố Chu Hải với hai khu vực bán tự trị Hồng Kông và Ma Cao.

Pháo bông giả (điện tử) đã nổ vang trên một màn hình phía sau lưng Tập Cận Bình, trong lúc các nhà lãnh đạo của ba thành phố duyên hải đứng nhìn.

Cây cầu trị giá $20 tỷ này phải tốn mất gần mười năm để xây dựng, từng gây ra những đợt trì hoãn trầm trọng và những mức chi phí tăng lên ngoài dự tính.

Một số cơ sở truyền thông địa phương còn gọi đó là “cây cầu tử thần.” Các quan chức nói rằng có ít nhất 18 công nhân đã thiệt mạng trong tiến trình xây dựng.

Cây cầu bao gồm một đường hầm dưới biển được nối bởi hai hòn đảo nhân tạo, cho phép tàu thuyền đi qua vùng châu thổ sông Châu Giang – trung tâm của khu vực sản xuất chế tạo quan trọng của Trung Quốc.
Việc mở cây cầu này sẽ cắt giảm thời gian đi lại xuyên qua vùng châu thổ, từ mấy giờ bớt xuống còn 30 phút. Trung Quốc hy vọng việc này sẽ gắn kết khu vực đó lại với nhau, để trở thành một động lực chính yếu thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Giao thông sẽ bắt đầu hoạt động vào thứ Tư, 24 tháng 10, nhưng những người lái xe phải có giấy phép được cấp theo một hệ thống hạn ngạch thì mới được dùng cầu.

Cây cầu này tạo ra một liên kết vật lý giữa đại lục và Hồng Kông, một trung tâm tài chánh Á Châu được Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, với sự cam kết rằng Hồng Kông sẽ được duy trì hệ thống pháp lý và kinh tế riêng trong 50 năm.

Việc khánh thành cây cầu nối liền Hồng Kông vào lục địa đã mang một ý nghĩa chính trị lớn đối với chính quyền Tập Cận Bình. Chính phủ này đã bác bỏ những lời kêu gọi tự do hóa chính trị ở Hồng Kông, làm cho người ta lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục trấn áp các quyền tự do dân sự, trước khi kết thúc thỏa thuận về “một quốc gia, hai hệ thống” vào năm 2047.

Việc mở cây cầu này cũng diễn ra cách một tháng sau lễ khánh thành một lộ tuyến hỏa xa cao tốc mới, từ Hồng Kông sang Hoa Lục, chạy dọc theo một lộ tuyến khác ngắn hơn,.

Tuyến đường đó đã làm giảm bớt khá nhiều thời gian đi lại, nhưng cũng làm dấy lên những nỗi lo ngại về ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh, vì luật pháp của Trung Cộng được áp dụng tại một phần của ga cuối Hồng Kông của lộ tuyến này.

Đối với Claudia Mo, một chính trị gia dân chủ Hồng Kông, ý nghĩa chính trị của cây cầu mới này mới thực sự là vấn đề chính yếu, lớn hơn sự hữu ích thiết thực của nó.

Bà Mo nói, “Cây cầu đó không thực sự cần thiết, vì Hồng Kông đã được kết nối với Hoa Lục bằng mọi cách rồi, bằng đường bộ, đường hàng không, đường biển.

“Nhưng họ vẫn cần nó để làm một biểu tượng hoặc đặc trưng chính trị, để nhắc nhở dân chúng Hồng Kông rằng các bạn đang được kết nối với đất mẹ, bằng cây cầu đồ sộ này. Hầu như cây cầu giống như một cuống rốn.”

Trong khi người Hồng Kông lo ngại bị mất dần quyền tự do, người dân ở Chu Hải lại nghĩ cây cầu cho thấy sự phát triển kinh tế và niềm hãnh diện quốc gia.

Liu Gang, phi công cũ hãng hàng không, nói rằng ông đã háo hức trông đợi ngày khánh thành cây cầu, gọi đó là một biểu tượng cho những mối quan hệ càng ngày càng mật thiết của đại lục với Hồng Kông và Ma Cao.

“Cây cầu đó sẽ đưa chúng tôi đến gần nhau hơn, làm cho chúng tôi linh hoạt hơn, về mặt kinh tế và theo nhiều cách thức khác.” Ông Liu nói trong khi đi dạo dọc theo một lối đi bộ và chụp ảnh cây cầu.
“Chúng tôi bây giờ là một gia đình.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT