Mẹo Vặt

Tin lớn về… bồn cầu (kỳ 2)

Vũ Hằng/Viễn Đông Thursday, 17/01/2013 - 08:24:43

Nếu chân tay còn cứng cáp, bạn có thể leo lên mái nhà để kiểm tra, và tháo gỡ những thứ rác rến làm nghẹt bên trong để khí trời có thể lọt vào lòng ống, tạo ra lực đẩy cần thiết để đưa chất thải đi.

Vũ Hằng/Viễn Đông

Chúng ta đang nói tới những tin lớn về bồn cầu. Nhưng không phải là tin về cái bồn cầu không cần giấy do người Nhật phát minh, mà là vấn đề làm sao giải tỏa được tình trạng nước nghẹt, tràn ra lênh láng trên nền phòng tắm, hoặc dềnh lên trong bồn không chịu tiêu. Lần trước, Hằng đề nghị các bạn điều chỉnh cần nối Inlet Valve Float. Nếu đã làm như vậy mà nước vẫn ứ dềnh lên thì chúng ta thử cách khác, không sợ hết “phép” đâu!

Ống thoát hơi (vent pipe)
Nghe chữ “thoát hơi”, chắc nhiều bạn tưởng rằng đây là chỗ để cái mùi “không vừa mũi” thoát đi. Thực ra phải nói là ống “dồn hơi” mới đúng mặc dầu nó vẫn được gọi là “Vent” (có lẽ vì tiếng Mỹ không đủ chữ). Gọi là dồn hơi bởi vì đây là chỗ cho không khí bên ngoài dồn vào để lấy sức đẩy nước dơ và chất thải đi. Ống “dồn hơi” này ăn thông với toàn bộ hệ thống nước trong nhà, bao gồm phòng tắm, bồn rửa tay, bồn rửa chén, và bồn cầu…
Ít khi chúng ta để ý đến ống “dồn hơi”, bởi vì nó chạy bên trong tường và chỉ trồi lên một đoạn trên… mái nhà. Lần sau leo lên mái nhà, bạn thử tìm xem có thấy nó không nhé? Đó là cái ống tròn hở miệng, bên cạnh nhiều thứ lỉnh kỉnh khác như ống khói lò sưởi, Turbine thông khí, lá chắn Solar… Và bởi vì hở miệng như vậy, ống “dồn hơi” có thể bị rác rến thổi vào làm nghẹt. Thật ra, trường hợp đó ít xảy ra vì miệng ống trồi lên cao, chỉ có thể là chim chóc tha rác vào làm tổ hoặc một thứ gì trên trời rớt xuống mà thôi.
Nếu chân tay còn cứng cáp, bạn có thể leo lên mái nhà để kiểm tra, và tháo gỡ những thứ rác rến làm nghẹt bên trong để khí trời có thể lọt vào lòng ống, tạo ra lực đẩy cần thiết để đưa chất thải đi. Nhưng nhiều khi rác rến đã rơi sâu xuống và làm nghẹt ống từ bên trong. Trong trường hợp đó, chúng ta nên nhờ thợ chuyên môn luồn ống vào bên trong để khai thông. Cần có người đứng sẵn trong phòng tắm để kiểm soát đề phòng trường hợp đường dây của thợ thọc xuống quá sâu, xuyên cả vào trong bồn cầu, và làm nước ngập lên lênh láng.

Nghẹt ống từ bên dưới
Nghẹt ống “dồn hơi” (vent pipe), cũng như nước từ trên bể đổ xuống không tạo đủ áp lực để dồn chất thải đi như đã nói trong bài trước, đó là những trường hợp… yếu từ trên. Nhưng phải nói thật, trường hợp “yếu từ trên”, nhất là do nghẹt ống “dồn hơi” ít khi xảy ra, mà thường nghẹt từ trong lòng ống tức là kẹt bên dưới bởi nhiều lý do: Có thể do ai đó làm rơi một món gì trong túi xuống bồn cầu trong khi đang “hành sự”, hoặc do giấy dồn xuống quá nhiều, quá lớn, đường ống không tiêu hóa kịp.
Trong trường hợp này, bạn có thể dùng các dụng cụ như ống thụt (plunger) và “con rắn” quay tay (auger) xuyên qua lỗ thoát nước trong bồn cầu. Thử 2 cách này rồi chưa được thì đành gọi thợ chuyên môn. Công việc của thợ chuyên môn không phải là mình không làm được, chẳng qua là vì mình không có đồ nghề như họ thôi. Đây, các bạn xem:
Trước hết, họ tìm một miệng ống được đậy nắp, thường được đặt sát bờ tường cạnh phòng tắm trên nền đất ở ngoài nhà. Mở nắp miệng ống ra, họ cho “con rắn” chạy vào bên trong để phá nghẹt. Con rắn của họ to hơn, và có mô tơ đẩy vào trong. Người thợ ngồi bên cạnh theo dõi, khi thấy báo nước đã rút rồi thì cho mô tơ ngưng để kéo con rắn ra, và nhận tiền công… 100 hoặc 150 Mỹ kim! Nếu đã thông nghẹt bên dưới mà không được, người thợ mới leo lên mái nhà để tính chuyện với ống “dồn hơi”: Thì họ cũng lại đưa con rắn hoặc một dụng cụ tương tự vào để ngoáy thôi.
Nhưng trong đa số trường hợp, “con rắn” chỉ cần làm việc bên dưới là xong. Nếu nhà có nhiều phòng tắm, bạn có thể sắm một dụng cụ như thế để có thể giải quyết ngay. Con rắn mô tơ có đắt hơn chút, gần 400 Mỹ kim, nhưng bạn đỡ phải gọi thợ mỗi lần tốn cả trăm. Muốn rẻ hơn nữa thì đi thuê, dùng cả ngày chỉ tốn khoảng 30 Mỹ kim! Nhiều cách lắm…
Dù sao chăng nữa, đừng làm như cái ông Bộ Trưởng Nội Vụ (Secretary of Interior) ở thủ đô nước Mỹ nhé: Chỉ sửa cái phòng tắm thôi (không biết có phải vì nghẹt nước không) mà ổng tiêu tốn tiền thuế của người dân là 220.000 Mỹ kim. Hằng nghe ông Cả Đẫn nói lại như thế, chứ không dám tự mình phóng đại. Các bạn cứ việc hỏi mấy bác rành tin nước Mỹ xem có đúng vậy không? Phòng tắm của ổng có cả một cái… tủ lạnh trị giá 3.500 Mỹ kim, không biết để làm gì? Chẳng lẽ vừa xuất lại vừa nhập chăng? Một cái vòi nước giá 689 Mỹ kim, chỉ có cái vòng đeo cuộn giấy là rẻ: 65 Mỹ kim.
Xin lỗi mọi người nhé: Cứt của ai chẳng là… vàng, của nhà ổng có phải là kim cương đâu mà o bế tốn kém thế!

Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT