Mẹo Vặt

Tin lớn về… bồn cầu

Vũ Hằng/Viễn Đông Tuesday, 15/01/2013 - 07:37:55

Chắc nhiều người phải cám ơn bạn mới đúng, bởi vì bạn nêu lên một vấn đề mà Hằng biết rõ là nhiều người trong chúng ta gặp phải. Giải quyết được chuyện đó lúc này, đó mới thực sự là tin lớn, phải không bạn?

Vũ Hằng/Viễn Đông

Mới đây thị trường xôn xao trước một tin lớn về một phát minh của người Nhật, đó là cái bồn cầu không cần... giấy. Nói vậy chắc mọi người đều hiểu, ai mới cần giấy chứ đâu phải cái bồn cầu. Nhưng bây giờ với sản phẩm này thì không ai còn cần giấy nữa, làm việc xong rồi thì bạn cứ việc đứng lên chứ không phải động chạm đến bàn tay. Còn cái việc kia, lau chùi ấy mà, thì sao? Thì vẫn được thực hiện chu đáo, bởi một hệ thống xịt nước có cảm ứng của bàn cầu. Bảo đảm sạch sẽ trên dưới trong ngoài, mà lại không phải… rửa tay! Như vậy là tiện lắm, nhưng có một điều mà chắc người Nhật chưa nghĩ ra, đó là bồn cầu vẫn cần nước, mà nước có thể bị kẹt, hoặc thông chậm, giống như trường hợp một người bạn chúng ta nêu lên như sau: “Thưa cô Hằng, nhà tôi có hai cầu tiêu, một cái thông chậm một cái không thông phải dùng đồ bơm. Nhờ cô chỉ cách làm thông hai cầu này. Xin cám ơn”. Chắc nhiều người phải cám ơn bạn mới đúng, bởi vì bạn nêu lên một vấn đề mà Hằng biết rõ là nhiều người trong chúng ta gặp phải. Giải quyết được chuyện đó lúc này, đó mới thực sự là tin lớn, phải không bạn?

Yếu trên hay kẹt dưới?
Vấn đề thông chậm hoặc không thông ở bồn này mà không phải ở bồn kia là vì mỗi bồn cầu có một đường thoát nước riêng trước khi đổ vào cống chính. Như bạn nói thì cả hai đều có vấn đề, không liên quan với nhau, nhưng có thể giống nhau. Vấn đề nước không thông có thể do nhiều nguyên nhân: Yếu ở trên, hoặc kẹt ở dưới.
Ở nhà Hằng mà nói như vậy thì phải cực kỳ cẩn thận: Kẹt dưới thì hậu xét, chứ nói yếu trên là bao giờ cũng bị “ổng” cự, bởi vì ổng cho rằng “ở trên” không bao giờ yếu. Có lần em đã phải thanh minh rằng yếu ở đây là do sức nước ở trên bồn chảy xuống, ai ngờ ổng lại càng nộ khí xung thiên. Rồi đùng đùng bỏ đi, chẳng nghe thêm câu nào nữa, không hiểu tại sao.
Thì đúng vậy, Hằng không có nói gì sai, xin mọi người làm chứng giúp: Khi bạn giật cầu, nước trên bồn chứa đổ xuống, cuốn trôi mọi thứ xuống lòng cống. Nhưng cái sức nước phải đủ mạnh mới được, nó yếu quá thì nước có dềnh lên trong bồn nhưng mọi thứ vẫn còn nổi lềnh bềnh, khiến bạn phải giật nhiều lần mà vẫn chưa đi hết. Hôm nay chúng ta hãy tìm cách chữa cái bệnh sức nước yếu này đã…
Trước tiên, bạn hãy xem lại cái bể nước, có thể quả cầu tiếp nước (Inlet Valve Float) đã được điều chỉnh xuống quá thấp để tiết kiệm nước. Rốt cuộc, bạn tiết kiệm được nước nhưng sức nước lại quá yếu, không đủ áp lực để lùa chất thải xuống cống, hoặc chỉ lùa được phần nào xuống dưới. Mà dù có xuống rồi, chất thải vẫn cần có nước để có thể đi hết một đoạn dài trước khi vào được lòng cống công cộng.
Như trong thư đã viết, sở dĩ bạn thường phải thông cầu là để tạo thêm áp lực giải tỏa chất thải còn đọng lại ở lưng chừng, chưa chịu đi vào lòng cống công cộng. Bạn hãy thử một cái mẹo nhỏ này trước đã, xem tình trạng có khá hơn không:
- Lấy một xô nước lớn chừng 3 gallon, rồi đổ mạnh xuống bồn cầu để xem nước rút ra sao. Làm như vậy để tạo một áp lực mạnh từ trên xuống. Nếu nước rút mau hơn thì vấn đề của bạn hiện nay đúng là do không đủ nước, hoặc sức nước yếu, bạn có thể đi thêm bước kế tiếp.
- Điều chỉnh phao nạp nước trong bể (Inlet Valve Float): Phao nạp nước có hình quả cầu, thường màu đen hoặc màu nâu, có một thanh nối với trục đứng. Uốn thanh nối này để nâng quả cầu lên. Những loại phao mới ở thị trường hiện nay không có thanh nối, nhưng thường có một con ốc, giúp phao xoay về bên phải hoặc bên trái để điều chỉnh mực nước.
Hãy thử làm một “thí nghiệm” đơn giản như vậy đã. Nhưng nhớ làm thí nghiệm trong khi bồn cầu còn sạch, chưa có ai dùng, để nếu sau khi đổ nước mà bồn cầu không tiêu thì mình không phải nhìn những thứ gì khác… lều bều trong đó. Rồi mình sẽ tìm cách đối phó sau…

Vuhang231@yahoo.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT