Chuyện Nước Pháp

Những bản nhạc Giáng Sinh vĩnh cửu

Wednesday, 23/12/2015 - 10:10:06

Theo thời gian, người ngoài đạo cũng ngân nga theo cho vui. Lịch sử cho rằng những bài hát đầu tiên ca tụng Chúa Hài Đồng lúc ngài vừa sinh ra nơi hang lừa là do các Thiên Thần xướng lên bên trên chiếc nôi tí hon xinh xắn.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm



Gia đình ca sĩ Johnny Halliday và bé gái con nuôi. Bản thánh ca “Đêm yên lặng” và cây thông Nô En xanh tươi.

Vào năm 2015, những bản nhạc chủ đề Giáng Sinh cuối năm bằng tiếng Pháp lại vang lên, các hãng đĩa thi nhau tung ra hàng loạt an-bom cũng như hộp phim tối tân (DVD, Digital Versatile Disc, Disque Numérique Polyvalent) với các danh ca nội địa hay thế giới để câu khách yêu chuộng nghệ thuật Nghe – Nhìn. «Khách» đây, thường xuyên là trẻ con được cha mẹ chiều chuộng mua cho chúng và cả cho mình vì không gian xã hội đang xoay quanh trục lễ lộc cuối năm. Tôi xin giới thiệu với bạn đọc quý mến những bản nhạc Pháp nổi tiếng nhất giữa hàng trăm bản nhạc hay tuyệt diệu khác nhau. Theo phong tục xa xưa từ trước đến nay, các tín đồ Thiên Chúa Giáo cất tiếng hát trân trọng những bài Thánh Ca vào dịp này trên khắp thế giới. Theo thời gian, người ngoài đạo cũng ngân nga theo cho vui. Lịch sử cho rằng những bài hát đầu tiên ca tụng Chúa Hài Đồng lúc ngài vừa sinh ra nơi hang lừa là do các Thiên Thần xướng lên bên trên chiếc nôi tí hon xinh xắn.

Bài hát mà nhiều trẻ em và phụ huynh của chúng thích nhất, là bài «Petit Papa Noël (Ông Bố Nô En Tí Hon)». Bài hát này có lịch sử lâu dài từ năm 1946 do nam danh ca trứ danh Pháp gốc Ý Đại Lợi tên họ là Tino Rossi trình bày và đóng vai chính cho cuốn phim Destins (Nhiều Số Phận). Câu chuyện nói về 2 anh em sinh đôi có vấn đề hục hặc với nhau vì bệnh tật hành hạ một trong hai người, người khoẻ có 1 đứa con trai còn bé để ông hát cho nó nghe bản nhạc bỗng nhiên đã trở thành bất tử tạm thời! Người viết nhạc và lời là 2 nhân vật khác nhau theo thứ tự tên là Henri Martinet và Raymond Vincy. Riêng Tino Rossi (1907-1983), ông có giọng hát ténor thật mạnh mẽ và truyền cảm mà dân chúng rất yêu mến. Tựu chung những danh ca trên thế giới đều có một tiếng hát rất đặc biệt của riêng họ và sự nghiệp bắt đầu từ thời thanh xuân 18,20 tuổi kéo dài thật lâu hàng chục năm tuổi nghề. Với mái tóc bạc phơ và gương mặt nhăn nheo của nghệ sĩ, khán thính giả cũng già theo vẫn yêu mến và trung thành với họ chưa kể một số lớp trẻ cũng có cùng ý thích bất kể tuổi tác.

Bài hát Ông Bố Nô En Tí Hon hiện nay vẫn còn được nhiều ca đoàn hát đi hát lại với điệp khúc quá hay vì nhịp điệu chậm rãi, du dương, dễ hát, dễ thuộc ; lên xuống không quá cao quá thấp làm người hát phải cực nhọc (trừ ra các câu trong nhiều đoạn phân biệt với điệp khúc có vài nốt rất cao).

Điệp khúc được viết lời như sau:
Petit papa Noël
Quand tu descendras du ciel
Avec des jouets par milliers
N’oublie pas mon petit soulier
Mais avant de partir
Il faudra bien te couvrir
Dehors tu vas avoir si froid
C’est un peu à cause de moi.

Này cha Nô En tí hon
Từ trời cao xuống đây
Với hàng ngàn món đồ chơi
Ông đừng quên chiếc giày nhỏ của con.
Nhưng trước khi ông ra đi
Hãy nhớ mặc áo thật ấm
Vì bên ngoài lạnh lắm
Tại con một chút đó.

Quý vị có thể vào Youtube nghe lại Tino Rossi với giọng hát thật ấm áp ca vang bài này, rồi nghe thêm các ca đoàn trẻ em trình bày lại rất truyền cảm và dễ thương với âm thanh trẻ nhỏ hoà ca êm ái vô cùng. Năm 1949 nhờ bài hát này mà ông được tặng Đĩa Vàng và bán được 35 triệu đơn vị trên toàn thế giới trong đó 20 triệu là ở Pháp. Nói tới bài hát này thì nhiều người trẻ tuổi vẫn còn biết đến tên ông nhờ lúc còn thơ ấu cho đến hiện nay còn được nghe tiếng hát bất tử của Tino Rossi.

Năm 2011, nhà sản xuất còn thu vào 400.000 đĩa hát với bài này. Quả thật, những tiếng hát thật hay trình bày các bài ca tuyệt diệu có thể vượt qua cả không gian lẫn thời gian! Tino Rossi còn hát vang một bài hát mà người lớn rất ghiền nghe đi nghe lại mãi là bài “Nô En trắng” kể lại tâm sự họ khi còn thơ ấu khác hẳn lúc đã trưởng thành thì sự thưởng thức đêm lễ Thánh với quà cáp mở ra đã vơi đi rất nhiều niềm vui. Và họ cũng nhớ nhiều về bà mẹ của mình đang sắp xếp bàn ăn.

Còn bài Nô En thứ nhì được ưa thích lại có nguồn gốc từ nước Đức: cây thông Nô-En xinh đẹp của tôi (mon beau sapin). Đại khái, lời bài hát ca tụng cây thông thật tươi mát xinh đẹp được trang hoàng vô cùng thẫm mỹ vào ngày lễ này không thể thiếu nó. Thông reo mãi mãi, thông sống đời đời vì lá thông hình kim không bao giờ rụng nên nó là loài cây vua chúa trong rừng sâu. Nơi có nhiều thông xanh tốt nổi bật trong khi các loài cây khác lá rụng tơi bời trơ cành gầy guộc buồn hiu. Điều này dạy cho nhân thế một bài học. Tên Đức là «O Tannenbaum“ dựa trên dân ca viết lại bởi nhạc sĩ phong cầm, giáo sư Ernst Anschutz ở tỉnh Leipzig từ năm 1842. Bản nhạc được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Liên đoàn Lao Động quốc tế hát nó lên với tên Lá cờ đỏ (The Red Flag, Le Drapeau Rouge). Tiểu bang Maryland ở Hoa Kỳ dùng nó làm quốc ca, thật bất ngờ.

Những bản nhạc khác được trẻ em Pháp mê thích là “Đêm Thánh êm đềm, Douce Nuit”, «Thánh nhi vừa sinh ra, Il est né le divin enfant”, “Hoan hô gió, Vive le vent”. Vào thế kỷ thứ 18, nhạc Giáng Sinh do trẻ em hát ở nhà thờ thường khi là loại nhạc mang tên Carol Service (xứ dùng tiếng Anh) trong vở kịch ngắn kể lại lời nhắn nhủ của Thiên Thần cho các vị chăn cừu giữ nôi Chúa. Pháp bắt chước tại triều đình vương giả y hệt cách thức này (Pastorale). Bản nhạc Thánh cũ xưa nhất vào thế kỷ thứ 16 của Pháp có tên là “Giữa con bò và lừa xám, Entre le boeuf et l’âne gris”. Bản nhạc chỉ dài 3 phút nhưng quá đủ vì du dương êm ái ru ngủ chúa Hài đồng trên Mạng. Ai mà có gu yêu thích nhạc “an thần” như tôi sẽ ưa thích bài này, trình bày bởi ca sĩ Pháp vô danh Mister Toony, nhạc đệm hoà âm rất hay.

Đặc biệt, năm 2005 khi vừa nhận nuôi một em bé Việt Nam, danh ca Johnny Halliday đã hát bài “Bản nhạc Nô En đẹp nhất của tôi” để tặng cho bé gái mới có vài tháng tuổi. Bạn đọc có thể tham khảo trên Youtube, với sự phụ họa của các giọng hát trẻ con vào lúc cuối. Thanh âm trong veo như ánh kim cương viền trên chiếc áo bên ngoài của nghệ sĩ đang hát. Bảo đảm chúng ta sẽ chiêm ngưỡng đường viền mà thôi, vì sự thu hút kỳ lạ hoàn toàn “thiên nhiên” của tiếng hát trẻ em!

Trở lại bài Đêm thánh êm đềm, có quốc tịch nguyên thủy là Áo (Autriche), được xướng lên từ đầu thế kỷ thứ 19 (ngày 24 tháng 12 năm 1818, trong một ngôi nhà thờ mang tên Thánh Saint Nicolas địa phương). Hai vị tác giả lời và nhạc - một là mục sư, một là nhạc sĩ phong cầm nơi nhà thờ - đã cùng nhau hợp tác viết cho đàn ghi-ta khi chiếc đàn gió lúc đó bị hư; theo huyền thoại. Bài hát quá hay nên đã được truyền tụng và dịch ra hàng trăm thứ tiếng, riêng về tiếng Pháp cũng đã có mấy kiểu lời khác nhau cho dễ hát theo. Người Việt ta cũng có bản nhạc này do nhạc sĩ Phạm Duy viết lời (Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng…) nếu tôi không lầm. Một trong những bản nhạc Nô En của Pháp hay nhất và nhịp điệu vui vẻ, hùng mạnh là bài “Hành khúc các vị Vua” (La Marche des Rois).

Bài này có sử liệu phong phú, bắt nguồn từ năm 1894, các em nhỏ lớp căn bản học chơi dương cầm bên Tây đều biết bài này trong các học viện công tư. Lời bài hát kể lại hành trình xa xôi của 3 vị vua đi bằng ngựa phóng nhanh đến gặp Chúa hài đồng bên máng lừa do các thiên thần canh gác. Với nhịp quân hành (Tempo Di Marcia nốt đen = 104), và điệu vui vẻ (Allegro deciso) bản nhạc cho tiết tấu rộn rã hấp dẫn bùi tai qua dương cầm và càng hay hơn nữa khi có dàn nhạc lớn lao phụ họa. Ngày nay, thay vì đi ngựa; các em hát rằng ba vị vua Melchior, Balthazar và Gaspard đã mang quà quý giá đến tặng Chúa vừa sinh ra bằng cách đi… xe lửa và quà thì được mang đến bởi quân lính bộ hạ ngồi trên một chiếc xe treo đèn kết hoa thật đẹp!

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT