Chuyện Nước Pháp

Mức sống «vương giả» của công chức cao cấp (hết)

Wednesday, 24/02/2016 - 10:08:37

Biết rằng có nhiều chuyện chướng tai gai mắt nhưng vẫn để tiếp tục như thế, chế độ cộng hoà tự do đa đảng cũng có nhiều điều chưa hoàn hảo.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

Một công chức cao cấp người Pháp sống vào thế kỷ thứ 19 qua đầu thế kỷ thứ 20 (Georges Clémenceau, 1841-1929) đã nói một câu đặc biệt về chính họ như sau: «các nhân viên của chính phủ giống như là những quyển sách trong thư viện, càng để trên cao càng khó lấy để dùng». Thật phí của, những cuốn sách quý giá chồng chất trên đỉnh cao ấy có nhiều không, là bao nhiêu?

Bà Agnès Saal (cựu nữ giám đốc Viện Quốc gia truyền thanh truyền hình) bị Tổng Thống sa thải vì lạm dụng của công



Xuất thân từ trường đại học danh giá ENA (Ecole Nationale d’Administration, Đại học Quốc gia Hành chánh) chuyên đào tạo lớp người xuất sắc trong công việc điều khiển đất nước, những cựu sinh viên đã ra trường được gọi bằng danh từ riêng liên quan đến tên trường là «énarque». Trường được thành lập tại Paris từ năm 1945 và đóng vai trò quan trọng bậc nhất vì đã cung cấp cho nước Pháp thời đệ ngũ cộng hoà 3 vị Tổng Thống, 7 ông Thủ Tướng, nhiều Bộ Trưởng, các vị Đại sứ và Tổng lãnh sự, những viên Tỉnh Trưởng v.v... với ngân sách hoạt động hàng năm hơn 45 triệu Âu kim (đệ ngũ cộng hoà được sáng lập bởi tướng De Gaulle, từ ngày 4 tháng 10 năm 1958 cho đến hiện nay). Trong bài viết trước, chúng ta đã biết là có 15 ngàn nhân viên chính phủ tạm gọi là con cưng của quốc gia, trong đó con số "énarques" lên đến khoảng 5 ngàn vị. Điều đặc biệt của riêng nước Pháp là những người cầm đầu quốc gia này được đào tạo bởi guồng máy hành chính như thế không bao giờ muốn cải tổ nếp sống chính trị với nhiều chương trình học vấn đã gầy dựng nên tương lai định sẵn cho họ sau khi đã được dân chúng bầu cử lên. Biết rằng có nhiều chuyện chướng tai gai mắt nhưng vẫn để tiếp tục như thế, chế độ cộng hoà tự do đa đảng cũng có nhiều điều chưa hoàn hảo.

Những đại học còn lại như Bách Khoa, đại học Sư Phạm góp phần đào tạo số nhân viên khác. Đỉnh cao kim tự tháp của khối cầm đầu quyền lực quốc gia (còn gọi là tầng lớp trí thức xuất sắc hiếm hoi, những gia đình danh gia vọng tộc thời xưa hay các chủ nhân ông-bà giàu có "aristocratie" - tiếng Pháp gốc Hy Lạp) bao gồm từ 400 đến 500 người đóng đô tại dinh Tổng Thống (Điện Elysée), Matignon (dinh Thủ Tướng ở quận 7 Paris), các cơ sở Bộ Trưởng và Tổng Trưởng hoặc chủ chốt những đại thương nghiệp do nhà nước quản lý. Cần phải thêm vào đó là nhân viên làm việc trong địa hạt hành chánh thuộc về đất đai, thổ nhưỡng và trong các nhà thương thuộc ngành Y tế. Con số nhân viên này mỗi năm cứ tăng lên đều đều thành ra nhung nhúc như kiến. Một khi ấm chỗ rồi là những vị này dù có trở nên biếng lười, tham nhũng, làm việc theo kiểu riêng của mình (tuy cũng những vị xuất sắc ham công tiếc việc) hay lao vào làm chính trị không bao giờ bị mất chức và có dù ô bao che nếu rút lui kịp thời. Trong vòng 42 năm làm việc và 21 năm về hưu thêm vào 10 năm trợ cấp chuyển nghề, tiền bạc cung cấp cho họ đến từ nguồn thuế má thu vào của dân chúng.

Theo điều tra của một nghị sĩ thuộc đảng Xã hội, có hơn 500 công chức cao cấp lãnh lương tháng hơn cả Tổng Thống! Một chủ nhà băng đầu tư công cộng (BPI, banque publique d'investissement) gốc gác "énarque" trước kia là cựu thanh tra tài chính có mức lương hiện giờ là 37.500 đồng Tây hàng tháng chưa trừ thuế (lương của Tổng Thống Hollande là 15.000). Ông chủ nhà băng công cộng này chỉ là một trong số các con ngỗng được vỗ béo của vườn gia súc (tôi xin tạm chú thích nơi đây là cách hành văn của báo chí Pháp đối với nhà nước có phần khe khắt vì sự tự do chỉ trích mà không phải lo sợ bị trù ẻo) quá ngập tràn thức ăn cho riêng họ. Các nhân viên bộ ngoại giao thường được trả lương rất cao như thế khi họ được cử đi làm việc ở các nước giàu có sang trọng, hơn 38.000 đồng hàng tháng. Trung bình là 18.000 Ơ Rô. Rồi đến quân đội nhà nước với lương tháng của một ông Tướng là 30.000, một đại tá là 15.000 đồng. Hai cơ quan danh tiếng khác tập trung ở bến Orsay và dinh thự Bercy thuộc bộ tài chính và thuế má được trả lương đắt đỏ vô cùng nên làm hao tổn túi tiền công cộng. Đó là những ông Giám Đốc và Tổng Thư Ký của các bộ phận đầu tư tài chánh công lập nắm trong tay nhiều khối tiền to tát. Họ lãnh lương từ 15 đến 20 ngàn đồng. Theo Toà thanh tra ngân quỹ đã làm tường trình về những người "nặng ký" cho gánh bạc quốc gia thì có khoảng 50 vị công chức bự loại này phân phối trên khắp nước. Đặc biệt, chính tầng lớp các ông-bà tai to mặt lớn này biết cách tạo ra một vầng hào quang sáng đục bao quanh ngân quỹ trả lương cho riêng họ! Không ai biết rõ ràng con số chính xác phần thưởng và lương cộng lại hàng năm là bao nhiêu. Chỉ ước lượng mà thôi, thật tài tình. Hiện giờ, có ai còn dùng máy chém nữa đâu để trừng phạt như vào thế kỷ thứ 18 (ông A. L. de Lavoisier bị xử án năm 1791 theo kiểu này vì lãnh tiền nhà nước quá nhiều) nên chẳng kẻ nào lo sợ. Trong lãnh vực văn hoá, truyền hình cũng có những vị cầm đầu lãnh lương tới 30.000 đồng hàng tháng như giám đốc hý viện đại nhạc kịch Paris hay đài số 2 với một số ký giả trình bày tin tức nổi tiếng.

Khi về hưu, trong độ tuổi từ 58 đến 62 họ còn lãnh 100.000 tiền thưởng thêm vào lương cố định từ 4 đến 5 ngàn trong vòng 3 năm. Một số cựu Thủ Tướng được nhiều quyền lợi riêng đến khi từ trần. Không ai biết sẽ có gì thay đổi khá hơn trong tương lai?

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT