Chuyện Nước Pháp

Mức sống "vương giả" của công chức cao cấp

Wednesday, 17/02/2016 - 11:02:32

Đã đành, tất cả đều là những người thông minh xuất sắc nhưng ngày nay khối đông thầm lặng bắt đầu biết phản kháng và chế độ cộng hòa có báo chí và tòa án đối phó với những sự lạm dụng của công hay bất bình đẳng quá lớn.

Bài NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM

16 tỷ Âu kim là số tiền mà chính phủ Pháp muốn tiết kiệm trong ngân sách tiêu dùng năm nay, 2016, nhằm mục đích giảm bớt sự thâm thụt công quỹ. Thật sự vào giây phút mà người dân phải thắt lưng buộc bụng, tiện tặn từng đồng từng cắc thì đỉnh cao kim tự tháp của quốc gia - những viên công chức cao cấp có ngừng sự hưởng thụ nhiều đặc quyền đặc lợi, gần như là lạm dụng hay chăng?

Dinh thự Quốc Hội bên ngoài và những phòng họp lộng lẫy bên trong.



Xe riêng dành cho việc di chuyển, nhà riêng là những dinh thự tiện nghi tối đa miễn phí, “ tiền thưởng” hậu hĩ hàng năm... các công chức cao cấp trong chính quyền gần đây đã bị chỉ tay hăm he vì đời sống vương giả và xa hoa quá lố. Chính Điện Elysée đã tự mình làm gương khi giảm xuống ngân sách hàng năm dưới con số 100 triệu Âu kim. Tất cả chỉ vì nợ nần đe dọa từng giây từng phút. Trên trang nhà của một tờ báo tư nhân độc lập, con số hơn 2000 tỷ đồng nợ chớp chớp liên tục thay đổi từng giây tăng lên từng lúc không ngừng thấy phát sợ! Gần đây nhất, tin tức cho biết các nhà băng đang bị khủng hoảng cổ phần khiến dân chúng lo lắng.

Cách sống vương giả này còn mãi nơi đây là do nguồn gốc sâu xa thời vua chúa để lại dù cuộc cách mạng năm 1789 đã lật đổ chế độ phong kiến nhưng người Pháp hiện đại khi đã nếm mùi lợi tức nhờ chức vụ cao cấp trong guồng máy chính phủ đem lại thì đâm ghiền và tìm đủ mọi cách thức để duy trì điều này. Ngày xưa vua truyền con nối, ngày nay công chức bự tiếp tục con đường danh lợi thênh thang. Họ tốt nghiệp những trường quốc gia hành chánh danh tiếng tại thủ đô Paris thì con cháu cũng được tiếp tục theo học và đi xa nhờ con đường sẵn có. Đã đành, tất cả đều là những người thông minh xuất sắc nhưng ngày nay khối đông thầm lặng bắt đầu biết phản kháng và chế độ cộng hòa có báo chí và tòa án đối phó với những sự lạm dụng của công hay bất bình đẳng quá lớn.

Tôi xin nói về Tòa thanh tra ngân quỹ (La Cour des Comptes) trước tiên, một cơ quan điều tra đã từng chỉ thẳng ngón tay trỏ vào những cơ quan hành chánh vương giả xa hoa quá mức làm thâm thụt công quỹ vì họ tiêu xài quá sang trọng. Cụ thể, bị chỉ trích nặng nề nhất là Quốc hội đứng đầu với hai viện thượng và hạ bao gồm tổng cộng hơn 800 vị dân biểu (Thượng viện hơn 500 và Hạ viện hơn 300) chưa kể cơ quan hành chánh thứ ba mới toanh mang tên Ủy ban Cố vấn kinh tế, xã hội và vùng lân cận (viết tắt là Cese). Tòa thanh tra ngân quỹ đóng đô tại dinh thự tên là Cambon ở Paris quận 1.

Cơ quan thanh tra ngân quỹ này được thành lập vào đầu thế kỷ thứ 19 sau khi cách mạng lật đổ vua chúa đã xảy ra do ý kiến của Napoléon Bonaparte, năm 1807. Mục đích là phải có một thể chế độc lập với quyền lực dân sự nhằm kiểm tra các nguồn tiền bạc công quỹ được tiêu xài như thế nào để tránh nạn tham nhũng hay lạm dụng lợi tức do nhân dân đóng góp. Thật lý tưởng, nhưng Tòa thanh tra ngân quỹ này - bao gồm 7 văn phòng liên quan tới 7 chủ đề với tổng thư ký đứng đầu mỗi phòng kèm theo trưởng cố vấn, cố vấn tham khảo, điều tra viên, tường trình viên và chuyên gia về ngân quỹ; với 735 vị thẩm phán và ngân sách hoạt động là 214 triệu đồng - do một trưởng ban duy nhất cầm đầu lại có tính cáchà giấy tờ nhiều hơn! Nhiệm vụ chính thức của Tòa thanh tra là báo cáo cho dân chúng, cho chính phủ, cho quốc hội biết cán cân công quỹ hiện tại ra sao trong những hoạt động quan trọng bậc nhất. Đó là quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ chính phủ, quỹ công ty nhà nước, quỹ các trường học từ nhỏ tới lớnà kể cả quỹ công cộng trợ cấp cho tư nhân làm đơn xin (như câu lạc bộ thể thao).

Thật vậy, do những báo cáo thành hình bởi Tòa thanh tra ngân quỹ, những thâm thụt hay thiếu sót là do vị chủ chốt làm kế toán (comptables) chịu trách nhiệm phải hoàn trả cho đủ số nếu nhân viên này mắc lỗi. Đó là qua những công văn thông báo có tính cách «trừng phạt» những việc làm kế toán sai lầm hay thiếu sót. Hiện giờ, Tòa thanh tra cho biết cách dùng tiền bạc có tốt đẹp hay không của quỹ công và báo cáo cho dân chúng biết tiền đóng thuế của họ đi về đâu.

Như trên đã viết, chúng ta biết rằng lớp nhân viên nhà nước (công chức) cao cấp chiếm thiểu số nhưng lại lãnh lương đa số quá nhiều. Quốc gia Pháp có phần nhân viên chiếm 20% số người làm việc tổng cộng có lương tháng, tính ra là 5,6 triệu đơn vị. Trong số đó khoảng 900.000 người không được chính thức hóa, nghĩa là làm việc theo bản hợp đồng ký kết có thời hạn. Họ có thể bị mất việc lúc nào cũng được khi hết cần đến. Lại không được hưởng một thứ lợi tức phụ thuộc nào (prime, tiền thưởng hàng năm) vì thuộc loại nhân viên tạm bợ (”précaire”, công nhận bởi cơ quan làm luật thuộc Hạ viện). Sự chênh lệch quá nhiều giữa hai tầng lớp nói trên với giới chức cao cấp hưởng thụ rất nhiều đặc quyền đặc lợi khiến dân chúng bất mãn khi báo chí và truyền thanh truyền hình phanh phui tìm tòi thêm sự việc. Các phóng sự nổi bật của nhiều đài truyền hình tư nhân kèm theo báo cáo của Tòa thanh tra ngân quỹ nay đã ghi lại trực tiếp trên mạng khiến làn sóng bất bình được ghi nhận. So với các nước như Hoa Kỳ, Anh, Phần Lanà thì công chức cao cấp Pháp từ lâu đã đi biển du ngoạn tha hồ quá đà trên con tàu lạm dụng công quỹ với sự đồng lõa của chính phủ qua các điều luật tưởng thưởng và ban bố đặc quyền đặc lợi quá nhiều. Con số 15000 vị này -không bao giờ bị cách chức, lương tháng rất cao- gây ra nhiều sự ganh tỵ và bất mãn khi lương tháng tối đa có thể lên tới hơn 30.000 đồng (lương tối thiểu hiện nay là 1400). Báo chí gọi đây là «con cưng của quốc gia», nghĩa là có «con ghét» bên cạnh. Vậy thì có gì đâu là “Bình đẳng” như trong câu thiệu ghi trên đầu công văn quốc gia và tượng trưng cho chế độ cộng hòa? Chúng ta sẽ lần lượt theo dõi nhiều trường hợp lạm dụng của công nhà nước do phóng sự truyền hình tố cáo như trường hợp bà Edith Cresson, nay đã 82 tuổi nhưng vì đã là cựu thủ tướng dù chỉ tại chức có 11 tháng mà vẫn còn hưởng quá nhiều đặc ân của nhà nước như vẫn còn dùng xe riêng công vụ di chuyển có tài xế! Bà có công thật, trong việc sáng tạo ra «đại học của dịp may thứ nhì» nhằm giúp học sinh trung học phổ thông thất bại có thể đi tiếp lên cao.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm (còn nữa)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT