Tin Việt Nam

Một ngày buồn ở Đại Nội Huế

Tuesday, 19/09/2023 - 10:52:49

Nếu em muốn kể về thái giám ở thành Huế chi tiết đến mức ấy, lại còn muốn nhắc đến China nữa, vậy sao không nhắc tới ông Nguyễn An cho nó công bằng?

Hue


Đã nhiều lần ghé Huế, dịp này thật mừng thấy thành phố đã tạo dựng nhiều nét thơ, nhiều nét mới cả cho người dân lẫn du khách như con đường đi bộ dọc sông Hương, khu chợ đêm có không gian nghệ thuật, các em đứng bán nói năng thật nhẹ nhàng với lời cảm ơn dịu dàng và nụ cười hiền hậu.

Sáng đó mình lãng đãng thăm thành nội, ngắm những bông sen còn sót lúc đã vào thu, lá sen đã tàn nhưng trong làn nước xanh là những đàn cá đủ màu sắc bơi lội trông vui mắt. Cùng đứng dưới bóng râm bên hồ ngắm cảnh là đoàn khách Tây từ nhiều quốc gia tới bởi họ xì xồ đủ thứ tiếng - còn người hướng dẫn là một bạn trẻ nói tiếng Anh với vẻ tự tin sành sỏi. Đoàn khách hơn chục người nghe lời thuyết minh qua tiếng phát ra từ cái máy lỉnh kỉnh bạn đeo trên người, nên lời phi lộ thật dõng dạc của bạn dội vào tai, làm mình không để ý mà nghe được cả.

“Toàn bộ thành nội này chỉ là cái copy của Tử Cấm Thành bên China, các thứ này cũng y chang như Thiên An Môn, quan văn quan võ xếp hai hàng đối diện nhau cũng như ở China.”

Rồi bạn kể tiếp ở lối kia rằng ‘đây là nơi chỉ có thái giám và cung tần mỹ nữ qua lại’ rồi nhiều chi tiết về thái giám – nhỏ trai được đưa vào cung được chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật ra sao – gia đình em đó được hưởng những bổng lộc như là được bớt sưu và miễn thuế, nên cha mẹ ước con mình được làm thái giám. Các vị quan trong triều cung tiến con gái cho vua vì đó là cái cầu tiến thân lạì được vị nể vì là bố vợ của vua!’

Choáng váng quá, nơi thiêng này chỉ là bản sao nào đó ư? Xót thương thay cho cha mẹ nào mất con vào triều! Sửng sốt thay vẻ thản nhiên của hậu thế́! Ai từng thăm phần mộ cô đơn của các vị thái giám ở Huế để thấu hiểu? Ai còn thương cảm với nước mắt 'đưa con vô Nội' của người xưa?

Đã toan rời đi để khỏi phải nghe thêm, mà tức quá phải dừng chân vì câu này nữa ‘Thái giám ở China là những cố vấn quyền uy cho nhà vua, còn ở Việt Nam chỉ là đầy tớ làm việc vặt như hầu cơm và rót nước.’
Chờ khi đoàn khách tản mác chụp ảnh, đúng vào lúc bạn đứng một mình, mình tới gần nói nhỏ đủ cho bạn ấy nghe nhưng ̣rành rọt:

- Này em đã bao giờ tận mắt thấy Thiên An Môn và Tử Cấm Thành chưa mà em lại tổng kết thành nội chỉ là copy của Tàu như thế?

Với vẻ ngạc nhiên nhưng không một chút nao núng, bạn tránh trả lời câu mình hỏi mà gắt gỏng đáp lại với vẻ mặt như nắm chắc toàn bộ chân lý:

- Chị về đọc lại lịch sử nhé! Lịch sử đúng thế đấy chị ạ!

- À, cũng có lịch sử rằng một vị thái giám người Việt chính là kiến trúc sư thiết kế Thiên An Môn rồì làm tổng công trình sư xây dựng Tử Cấm Thành đấy, em có biết không?

- Em biết quá chứ. Đấy là ông Nguyễn An!

- Nếu em muốn kể về thái giám ở thành Huế chi tiết đến mức ấy, lại còn muốn nhắc đến China nữa, vậy sao không nhắc tới ông Nguyễn An cho nó công bằng?

Vừa lúc ấy đám khách Tây của bạn ấy đã từ từ tập trung gần rồi, mình liền quay đi không nhìn lại, còn nghe thấy tiếng bạn với theo:

- Cám ơn chị.

Mình vẫn đang ‘đi đâu loanh quanh' mà bước đi bỗng 'mỏi mệt’ bởi lòng nặng trĩu – tôi buồn vì hiểu vì sao tôi buồn – bạn kia sao thiếu niềm tự hào về lịch sử đất nước mình đến mức ấy? Bạn muốn du khách biết về quê hương mình như vậy ư? Một câu lại China, hai câu lại China, người ta bỏ công tới đây để thưởng ngoạn Huế cơ mà?

Nhìn những ánh mắt ưu tư của đoàn người đang chăm chú nghe – lòng trào lên nỗi cay đắng bởi bạn không hiểu rằng trong tiền nhân có chúng ta, trong di sản nước nhà có cả mình nữa đó. Bạn còn gì để khoe khi bảo đây chỉ là đồ sao chép? Du khách sẽ ra đi với những điều về đại nộí như thế liệu có còn chút gì đáng để người ta nhớ hay không?

KIMCHI
Photo by JJunie L on Unsplash

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT