Chuyện Nước Pháp

Món nợ khổng lồ của quốc gia

Wednesday, 02/03/2016 - 09:36:42

Món nợ khổng lồ nói trên - hơn cột mốc 2000 tỷ, đến từ tiền vay của tư nhân gốc gác Pháp quốc hay không Pháp quốc dưới dạng cổ phiếu và nằm bên cột Ra (tên chính là “passif” trái với cột “actif” hay “crédit”).

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

 



Món nợ trả bằng tổng số giấy đơn vị 100 đồng tiền Tây xếp lại lớn bằng Khải Hoàn Môn!

Trời hỡi! Nước Pháp thân yêu của tôi mang số nợ là 2.345 tỷ đồng tiền Tây (Euro, Âu kim) tăng lên theo mỗi giây đồng hồ tính toán chính xác! Với đà leo dốc hiện tại này thì đến hết năm 2016 con số nợ “có thể được trong thực tế” (động từ dùng trong nghĩa hạn chế là ước lượng, có điều kiện) đã lên tới 98 % của số vốn liếng thu nhập nguyên vẹn của toàn thể sản phẩm trên cả nước (PIB : produit intérieur brut). Giật mình nếu tính sơ sơ thì cả chục tỷ thu vào hàng năm, theo thống kê tạm thời vì con số này thay đổi mỗi tam cá nguyệt do cơ quan nhà nước đảm nhiệm thông báo, thí dụ là 98 tỷ thì nợ nần phải trả cả vốn lẫn lời nên chỉ còn 2% để sinh sống là 19,6 tỷ cho cả nước! Vì vậy mà mỗi đầu người phải chịu đựng 31.000 đồng nợ, Pháp là nước thứ 8 trong khối thị trường chung Châu Âu mang nợ nhiều sau Tây Ban Nha và trước Anh quốc. Con số hơn 2000 tỷ đồng được xếp bằng tổng số tờ giấy bạc đơn vị trị giá 100 ơ-rô sẽ lớn hơn tượng đài Chiến Thắng tên gọi là Khải Hoàn Môn ở Paris!

Chúng ta xem xét lại định nghĩa của nợ nần. Đó là món tiền mượn của ai (dưới danh nghĩa cá nhân hay tượng trưng tinh thần) để mua những gì ta muốn có trong một thời gian ngắn. Trong trường hợp các cơ sở thương mại thì tiền mượn dùng để khuếch trương thêm hay đầu tư vào một lãnh vực khác nữa v.v... trong một thời hạn lâu dài hơn thì số vốn thêm vào này sẽ bị dính theo tiền lời phải trả lại cho nơi đã vay - thường khi là nhà băng. Nợ có thể trả lại theo chu kỳ tính trước như khi ta mua bất động sản hay xe hơi đắt giá. Nếu cơ sở thương mại vay nhiều mà làm ăn thất bại không trả nợ được thì bị phá sản, ngừng hẳn hoạt động. Nếu tư nhân vay mượn quá nhiều chỗ thì bị rơi vào tình thế «siêu nợ». Còn khi chính quốc gia mắc nợ thì sao?

Trong bảng tổng kết tài chính - tiền bạc nói chung, thường có 2 cột lớn ngang nhau là Vào (thu nhập, vốn liếng đang có sẵn, mang số cộng +) và Ra (chi phí, mang dấu trừ -) thuộc ngành Kinh Tế học rất phức tạp hiện nay. Những chương trình chuyên môn của máy điện toán - còn gọi là nhu liệu (soft-ware) giúp các nhân viên kế toán rất nhiều trong sự giải quyết tính cách phức tạp về kinh tế; nguồn tiền bạc là điều tối quan trọng cho thế giới hiện nay chúng ta đang sinh sống.

Món nợ khổng lồ nói trên - hơn cột mốc 2000 tỷ, đến từ tiền vay của tư nhân gốc gác Pháp quốc hay không Pháp quốc dưới dạng cổ phiếu và nằm bên cột Ra (tên chính là “passif” trái với cột “actif” hay “crédit”).

Tại sao phải vay nợ? Đó là do cán cân Vào-Ra bị chênh lệch quá nhiều, do một số cơ quan quốc gia chi phí quá lớn như cơ sở bảo hiểm an toàn xã hội với tiết mục sức khỏe bao che cho tất cả dân chúng hiện nay; chi phí nhà nước trả lương nhân viên trong bài viết trước (Mức sống vua chúa của công chức cao cấp)à

Theo hiệp ước Maastricht ký kết tại thành phố này ở nước Hòa Lan năm 1992 bởi các nước hội viên trong Cộng Đồng Châu Âu hoạch định thì nước Pháp phải tuân theo 2 điều về kinh tế là không được vượt qua mức thâm thụt công quỹ hàng năm 3% và 60% về nợ vay mượn trên tổng sản lượng PIB. Tuy nhiên, kể từ năm 2007 cho đến nay thì ông Tây đã luôn luôn bị thiếu hụt ngân quỹ mỗi năm quá 3% và nợ vay mượn thì lên đến con số hơn 2000 tỷ đồng xấp xỉ mức 98% PIB! Kinh tế suy thoái toàn cầu kéo xuống nên họ đã không giữ được lề lối ấn định lý tưởng. Trên lý thuyết là thế.

Trở lại vấn đề món nợ công quỹ vay mượn đã vượt quá ngưỡng cửa quy định từ lâu, nó đã thành đề tài tranh luận cho tất cả công dân. Kể từ năm 1980, nạn thiếu hụt ngân sách đưa tới vay nợ của các nước có nền kỹ nghệ phát triển đã khiến cho các kinh tế gia xem xét lại điều kiện này. Chủ yếu vẫn là thời hạn cho vay và trả nợ trong một thời gian lâu dài mà nước đó có thể chịu đựng được. Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện gây bàng hoàng cho thế giới là lúc nước Hy Lạp bị “vỡ nợ” nhiều lần làm cả khối Châu Âu run rẩy như là bứt dây động rừng. Có chuyên gia kinh tế bi quan lúc đó đã giả sử hệ thống 1 con chốt “domino” ngã xuống sẽ kéo sập toàn thể các nước chốt hội viên khác làm mọi người không am hiểu tình hình thành ra cả sợ!

Ai cũng biết rằng khi có cái xì-căng-đan này nổ ra, mới biết anh chàng đẹp trai và bảnh bao Hy Lạp (thần thoại rất danh tiếng trong quá khứ) có hai khuyết điểm lớn mà nước Pháp cũng dính vào một trong hai đại họa là chi phí quốc nội quá lớn (trả lương công chức cao cấp) và không thu thuế được nhiều.
Rất may, Pháp thuộc về những quốc gia có khả năng chịu đựng lâu dài sự thiếu nợ to lớn của quỹ công cộng (dette publique) tuy mối nguy vẫn tiềm tàng vì sự thiếu hụt ngân sách nhà nước (déficit budgétaire) mỗi cuối năm vẫn tăng lên đều đều.

Cơ quan dân sự lo về việc trả nợ công cộng là hãng Ngân Khố Pháp (L'Agence France Trésor, AFT) trong khi quỹ xã hội và quỹ địa phương lo phần họ. Mỗi năm nhà nước lại cho ra cổ phiếu mới khoảng 110 tỷ đồng để thu tiền cho mượn về nhằm trang trải khoản nợ cũ. Thời hạn trả nợ thường khi là từ 5 đến 10 năm. Tiền lời lúc trước rất cao (17% của vốn liếng cho vay) nay đã không ngừng tụt xuống mức thấp nhất là 0,9% nên cũng tạm thời dễ thở cho con nợ xoay sở nhẹ bớt gánh nặng. Tuy nhiên bề trái của chiếc mề đay luôn luôn là thế: những nhà băng tư nhân vẫn thu vào khối tiền lời vĩ đại cho nhà nước vay và trả qua thuế má thu được của dân chúng! Ngoài khối lốp-by về thuốc men, phân bón, cũng có khối chùm-nhum về vấn đề cho vay mượn tiền bạc với những con số khổng lồ đến nỗi tiền lời tuy đã được giả vờ nhân đạo cho xuống thấp vẫn đem về khối vàng cho chủ nợ. Nhìn thật kỹ bên trong sự việc, khá đáng sợ khi xã hội tư bản bị giựt dây bởi những bộ óc thông minh quá mức trong “kỹ thuật” dùng tiền đẻ ra tiền (time is money) tính theo mốc thời gian. Toàn bộ chính phủ do dân chúng bầu ra hoạt động trong sự bất lực bởi guồng máy chạy từ lâu trong gông cùm của những tính toán thần sầu quỷ khốc do một khối đông cầm tiền trong tay. Thời vàng son của họ chắc chắn là sẽ còn kéo dài vô cùng, trừ phi sẽ có một cuộc cách mạng xem xét lại toàn thể luật lệ quốc gia và quốc tế về vấn đề tiền tệ cho vay và trả nợ...

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT