Mẹo Vặt

Làm sao diệt kiến mà không phạm… sát giới?

Vũ Hằng/Viễn Đông Tuesday, 29/01/2013 - 08:47:59

Tại sao vậy nhỉ? Tại sao lại không muốn nhìn mặt nhau nữa? Nói đùa bạn chút thôi, chứ ai mà không khó chịu với những “vị khách không mời mà đến” này.

Vũ Hằng/Viễn Đông

Đó là vấn đề một người bạn chúng ta nêu lên, nghe có vẻ khó khăn quá, có bạn nào cứu bồ Hằng được không? Đây các bạn đọc thư nhé:
Chị Hằng ơi, chị có cách nào đuổi kiến mà không làm chết chúng nó không? Nhà em kiến bò lung tung khắp nơi vài tháng nay mà không cách gì làm cho chúng nó một đi không trở lại. Em nghĩ cầu cứu cao nhân chị Hằng thì chắc có cách. Em chờ tin chị trên báo nhe. Chúc chị luôn vui mạnh. Fan của Chị.

Bạn quá khen, Hằng biết mình không xứng đáng nhưng nói thật với bạn, càng khó khăn thì con nhỏ này càng… lên: Lên tinh thần, hoặc nhiều lắm là phổng mũi thôi, chứ xét trong cả người thì không thấy lên được cái gì khác! Về chuyện kiến, tuy đã trình bày đôi lần trên trang báo này, nhưng điều đặc biệt trong câu hỏi của bạn là làm sao đuổi kiến mà không cần phải giết chúng. Tại sao vậy nhỉ? Tại sao lại không muốn nhìn mặt nhau nữa? Nói đùa bạn chút thôi, chứ ai mà không khó chịu với những “vị khách không mời mà đến” này.


Mẹo vặt của PETA
Hằng nói mẹo vặt là vì quen miệng thôi, thực ra PETA là một tổ chức lớn, rất có uy tín tại Hoa Kỳ, chuyên lo bảo vệ súc vật, từ những con thú nuôi ở các nông trang như trâu bò, dê, cừu, heo, gà… đến những thú vật sống ngoài thiên nhiên như cọp voi, hổ báo, và thậm chí những loài côn trùng bé nhỏ như con kiến mà chúng ta đang nói đến hôm nay. PETA giới thiệu một sản phẩm có tên Orange Guard, là một dung dịch hữu cơ, vô hại với con người và các loài súc vật khác, nhưng là “hung thần” của loài kiến. Orange Guard có mùi giống như chanh, hoặc cam… (nhưng đừng ăn vô miệng nhé) được sử dụng khá hiệu quả để đuổi kiến. Bạn có thể xịt dung dịch chung quanh nhà, trước tổ kiến hoặc những nơi kiến thường tập trung… Kiến kỵ cái mùi này, ngửi thấy là tránh xa ngay, không cần bạn phải ra tay truy sát. Miễn là bạn đừng xịt trực tiếp lên mình kiến, bởi vì chất d-Limonene có trong dung dịch có thể làm bong lớp sáp bọc ngoài hệ thống hô hấp của kiến, khiến chúng có thể chết ngạt, và bạn lại phạm vào… sát giới! Lợi điểm của Orange Guard là hiệu quả lâu dài. Nó có thể trụ lại ở địa điểm xịt làm “ma” nhát kiến, để tự khô cũng phải mất vài ngày.
Ngoài ra, PETA còn đề nghị bạn dùng thêm những thứ như: Quế (cay), hạt cà phê nghiền, ớt, tỏi, hoặc lá bạc hà khô nhét vào các khe cửa, nơi kiến bò ra.
Nhưng nếu muốn chúng đi luôn thì mình đừng tạo điều kiện cho chúng tìm đến bằng cách:
- Luôn luôn giữ nhà bếp sạch sẽ;
- Đừng để các mẩu vụn thực phẩm, đường, hoặc chất ngọt rơi vãi;
- Đồ ăn phải giữ trong hộp có nắp đậy kín, nếu ở ngoài tủ lạnh;
- Rác phải được bỏ vào thùng;
- Sàn nhà, nền nhà, và quầy làm thực phẩm phải được lau sạch bằng dung dịch 50% giấm, 50% nước…


Gương sáng của kiến
Chúng ta thường nói “thân phận bọt bèo như con sâu, con kiến” là vì kiến nhỏ li ti, chẳng được tích sự gì ngoài việc gây phiền toái cho chúng ta. Thực ra thì thế giới loài kiến không phải nhỏ, cộng lại tất cả số kiến trên thế gian này, trọng lượng của chúng còn lớn hơn trọng lượng của 6 tỷ người trên mặt đất gom lại, bạn thấy khủng khiếp chưa?
Ngoài ra, kiến có rất nhiều điều đáng làm gương cho loài người. Chẳng hạn, kiến chăm chỉ làm việc cộng đồng vô vụ lợi mà không hay kể công giống như… chúng ta. Cộng đồng kiến đông đúc, nhưng sống chan hòa như một gia đình, với một đội ngũ kiến thợ đông đảo chuyên đi tìm thức ăn về để cung phụng một hoặc vài ba con kiến chúa. Lê la đi tìm thức ăn ở mọi nơi, nhưng kiến không bao giờ “ăn bẩn”, tìm được thứ gì là mang về 100%, không ăn bớt, ăn xén như… con người chúng ta (lại chúng ta!). Nhưng theo giải thích của các nhà khoa học thì cấu trúc cơ thể kiến thợ không thể tự tiêu hóa thực phẩm, nên phải mang về, để những con ấu trùng biến hóa thành sữa, rồi ọc lên cho kiến thợ đến ăn. Hằng nghĩ chắc mấy “nhà” này muốn gỡ danh dự cho loài người nên bày đặt nói xấu kiến thôi. Nêu lên như vậy để mọi người điều tra thêm nhé.
Còn kiến chúa thì không phải làm gì cả, chỉ ở trong tổ để thưởng thức các thực phẩm do kiến thợ mang về cống nạp. Nhưng xin đừng nghĩ kiến chúa là “nữ hoàng lười”. Không, kiến chúa có nhiệm vụ rất quan trọng là đẻ để duy trì nòi giống kiến. Đẻ! Việc này rõ ràng không phải nhẹ, các bạn biết rồi đấy. Nhất là phải đẻ sao cho nhiều, cho nhanh để có được một gia đình đông như… kiến thì quả thực đau đít lắm. Ôi, tội nghiệp kiến chúa quá.
Ông cả đẫn nhà em cũng thấy vậy là không công bằng. Nhưng hỏi thêm thì ổng không nói gì đến vụ đau đít, mà lại bảo là thương những con kiến đực hơn. Là vì, ổng lý luận, với cả trăm ngàn con kiến thợ - chắc là giống đực cả - mà chỉ có một kiến cái thì biết bao giờ mới đến lần.
Vì thế, ổng ủng hộ lập trường không giết kiến, nhưng nên giúp chúng sống để ít ra trong đời còn có được… một lần!

Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT