Chuyện Nước Pháp

Khẩn cấp về khí hậu (hết)

Wednesday, 02/12/2015 - 08:39:03

Về phương diện vệ sinh, muỗi mòng sinh sôi nẩy nở thêm nhiều sẽ gây bệnh dịch tại các vùng lũ lụt; số lượng hạt phấn hoa làm dị ứng tăng gấp 4 lần ở Châu Âu. Khô hạn ở Phi Châu càng nặng nề thêm khiến cho mùa màng càng thất bát, nạn đói thế giới chắc hẳn sẽ trầm trọng hơn lên.

Hình ảnh tổng quát về buổi họp với các vị Tổng Thống Mỹ, Pháp, Tàu và ông Tổng Thư Lý LHQ...

Bài NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM
Từ 50 năm nay, chỉ trong vòng nửa thế kỷ mà thôi trái đất đã và đang bị hâm nóng nên thời tiết thay đổi thất thường. Điển hình nhất là băng giá vùng cực bị tan biến nhanh hơn trước làm mực nước biển dâng lên cao đều đều, mưa giông gây lũ lụt, hạn hán kéo dài kỳ lạ v.v... Thật là đại họa đe dọa cho sức khoẻ của nhân loại về 2 mặt vệ sinh và xã hội. Như trong bài báo trước có nhắc đến, những cuộc hội thảo thế giới do Liên Hiệp Quốc điều khiển từ năm 1995 nhằm đưa ra biện pháp chống lại đều không có kết quả gì mấy. Thời tiết tiếp tục gặp tình trạng bị xáo trộn và mùa màng thất bát liên miên trong những vùng đất chịu ảnh hưởng xấu trực tiếp.

Tại Pháp, tổng thống François Hollande đã phong chức "Sứ giả đặc biệt bảo vệ quả đất" cho ông Nicolas Hulot nhằm thực hiện vai trò thông tin, thay đổi cách sống để tránh gây hậu quả nói trên. Ông Nicolas còn là giám đốc của Hội hoạt động dành cho Thiên Nhiên và Con Người, ông rất nổi tiếng trong nhiều thiên phóng sự truyền hình mang tên Ushuaïa (thành phố lớn của xứ Argentine với diện tích 9390 cây số vuông chứa khoảng 50.000 dân được xem như là đô thị điển hình của vùng Nam Cực lạnh buốt quanh năm cùng 2 loại gió đặc biệt vũ bão) của đài tư nhân TF1 cách đây hai chục năm và đã từng ra ứng cử tổng thống không thành công. Mục tiêu của ông là bảo vệ thiên nhiên qua những chuyến du hành khắp nơi trên thế giới để viết phóng sự. Đảng phái chính trị do ông điều hành mang tên Châu Âu sinh thái của nhân loại xanh. Năm nay ông được đúng 60 tuổi, xuất thân là nhà báo-phóng sự viên, hoạt náo viên và nhà sản xuất chương trình truyền hình, đồng thời cũng là nhà văn Pháp có ra mắt sách khá đều. Theo ông và đảng Sinh Thái Xanh thì năng lượng mặt trời sẽ là một trong những giải pháp quan trọng cho thế kỷ thứ 21. Năng lượng này dùng nhiều bảng kim loại dẫn nhiệt thu góp ánh sáng thiên nhiên và chế biến thành sức mạnh tương đương với điện hay khí đốt.

Dưới đây là những sự kiện phong phú do ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn báo chí nhân dịp có cuộc hội thảo khẩn cấp COP21 mà tôi đã đề cập đến trong bài trước.

Cuộc họp khẩn sắp tới này do Paris tổ chức được 195 quốc gia đồng ý tham dự sẽ phải mang lại nhiều quyết định chính trị can đảm và cụ thể qua các con số chính xác đưa ra. Họ phải chận đứng lại sức nóng gia tăng là 2°C mà thôi tuy các nhà khoa học cho rằng phải dưới con số này (xem đồ thị ảnh kèm, báo động đỏ từ năm 2050). Tháng 10 vừa qua, có 146 nước (chịu trách nhiệm thãi ra 87% thán khí làm nóng quả đất nhiều nhất là Mỹ, Trung Hoa, Châu Âu và Nga) đã góp phần nào vào công cuộc giảm thiểu gánh nặng khí hậu như tìm ra năng lượng mới thay thế dầu lửa. Loài thực vật như rong xanh li ti tạo ra khí đốt, xác bã bắp hay mía hoà lẫn với dầu cặn hay xăng thô để giảm giá thành đã đi vào thí nghiệm và ra ngoài thị trường tiêu thụ khá thành công. Xe hơi chạy điện cũng đã có tuy còn ít ở Pháp.

Nói về bản báo cáo của Nhóm chuyên gia quốc tế trong công việc nghiên cứu về sự thay đổi khí hậu viết tắt là GIEC, Nicolas hoàn toàn đồng ý khi họ kết luận là không có công bình trong đó. Các nước được bênh vực đã nghèo còn lãnh thêm vấn đề khí hậu nóng lên gây lũ lụt, mà họ chẳng phải là thủ phạm làm sai. Những anh chàng quốc gia khổng lồ giàu mạnh tiêu xài nhiều nhiên liệu mới là có trách nhiệm phải chi ra hàng năm 100 tỷ đô-la cho đến năm 2020 để tạm ngưng hâm nóng theo thoả ước năm 2009 ký kết ở Đan Mạch. Số tiền này cũng dùng cho các nước sẽ bị nạn để đối phó thích nghi với tình hình hiểm nguy. Điều này đã không được giữ đúng lời hứa!

Về phương diện vệ sinh, muỗi mòng sinh sôi nẩy nở thêm nhiều sẽ gây bệnh dịch tại các vùng lũ lụt; số lượng hạt phấn hoa làm dị ứng tăng gấp 4 lần ở Châu Âu. Khô hạn ở Phi Châu càng nặng nề thêm khiến cho mùa màng càng thất bát, nạn đói thế giới chắc hẳn sẽ trầm trọng hơn lên.

Ngày 29 tháng 11, trước khi khai mạc cuộc họp COP21, chúng tôi (ông Nicolas) sẽ tổ chức một buổi tản bộ "hành thiền" đông đảo người tham dự cho sự khẩn cấp báo động về khí hậu thay đổi ở Paris. Điều này nhằm nhắn nhủ tất cả công dân Pháp biết rằng họ có thể góp phần làm giảm bớt con số 5 tấn thán khí thải ra hàng năm trên mỗi đầu người dân so với 15 tấn bên Mỹ. Con số này phải giảm xuống là 1 hay 1,5 tấn tối đa bằng cách đi xe công cộng nhiều hơn, tránh dùng năng lượng phí phạm; nghĩa là thay đổi hành vi trong cách sống hàng ngày. Mỗi người đi chung xe hơi với người khác sẽ tiết kiệm được 1 tấn thán khí mỗi năm! Nhưng vì khủng tặc tấn công Paris bất ngờ vào buổi tối thứ sáu 13 tháng 11 vừa qua, cuộc biểu tình đi bộ đã bị cấm. Thế nhưng vào ngày Chúa Nhật vừa qua, hàng ngàn đôi giày tượng trưng cho cuộc diễn hành bảo vệ hành tinh xanh đã đến nằm đầy ngợp công trường Cộng Hoà, nơi có đèn nến tưởng niệm 130 nạn nhân. Đến đầu tháng 12 ông Nicolas sẽ được mời lên diễn thuyết và các tổ chức phi chính phủ cũng tìm cách hiện diện nhắc nhở tầm quan trọng của vấn đề quả đất bị hâm nóng.

Ngày thứ hai, 30 tháng 11, Paris đã tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia và nạn kẹt xe khổng lồ đã xảy ra cho dân chúng thủ đô. Kết luận tổng quát đưa ra là thế giới đã tiếp nhận mối nguy hiểm cận kề với sự đối phó thực sự hữu hiệu kể từ nay! Mọi biện pháp gấp rút đưa ra đều được sự hưởng ứng ngay từ các em bé có ý thức được dạy dỗ và lớp trẻ thanh niên nam nữ tràn đầy năng lượng và sẵn sàng làm gương tốt trong việc giảm ô nhiễm cho quả đất cực kỳ hiếm quý của chúng ta.
Các kỹ sư cũng cố gắng tìm cách sử dụng tối đa năng lượng gió và thác nước như
xưa. Trong các trường học từ bé đến lớn, chương trình giáo dục cũng được nhấn mạnh để khơi dậy thật đúng lúc phong cách tiết kiệm tốt đẹp cho môi trường sinh thái. Chúng ta không được đặt ưu tiên cho nhu cầu vật chất càng ngày càng lớn hơn và năng lượng tương ứng càng ngày càng cần hơn trong khi quả đất mang họa như vậy. Nạn ô nhiễm đã gia tăng khắp nơi trên thế giới không chừa ai cả.
Hiện giờ người Pháp đã đặt rất nhiều trạm thu dùng đồ vật phế thải có thể tái chế biến như giấy báo, chai lọ thủy tinh hay chất dẽo, quần áo cũ, các cục pin v.v... Những bữa ăn chay giúp cho tiết kiệm khí đốt thay vì nấu nướng thịt cá lâu lắc ở căng-tin trường học cũng đã từ từ được áp dụng vừa giúp cho sức khoẻ học sinh tăng thêm phần nào.

(ntnd)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT