Lai Rai Chuyện Đời

Chế độ phong kiến Thanh Triều cuối cùng của Trung Cộng sụp đổ, 20 ngàn con cháu hoàng tộc đã đổi thành họ gì để hòa nhập và tránh đòn thù của Mao Cộng

Thursday, 07/12/2023 - 10:50:20

Thay thời đổi vận, triều đại này thay thế bằng triều đại khác, bất an nhất không phải là bách tính thường dân, mà chính là hoàng tộc vương thất.

TT

Để ổn định địa vị thống trị, khiến người dân không còn nhớ nhung đến tiền triều hay lợi dụng điều này để tạo phản phục quốc, Hoàng đế của vương triều mới phải tiêu diệt tận gốc hoàng tộc tiền triều, để họ mãi mãi biến mất trên cõi đời.

Tuy nhiên, vương thất đông thành viên, “cá nhỏ sẽ thoát khỏi lưới trời lồng lộng”, không ít hoàng thân quốc thích liều mạng chạy thoát, thay tên đổi họ để tránh sự truy sát của triều đình đương nhiệm, mai danh ẩn tích, sống âm thầm qua ngày, hoàn toàn từ bỏ sự phồn vinh và họ thị cao quý khi xưa.

Vào ngày 12/2/1912, triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc tồn tại 276 năm chính thức kết thúc bởi sắc lệnh thoái vị của Long Dụ Thái hậu. Với sự sụp đổ của nhà Thanh, hoàng tộc lần lượt thay đổi họ để tránh bị truy bắt. Không chỉ có hoàng tộc, các quý tộc Bát Kỳ Mãn Châu cũng phải đổi họ để tránh hiểm họa khôn lường.

Ái Tân Giác La là họ của hoàng gia nhà Thanh. Ban đầu, "Ái Tân" là tên một gia tộc, còn "Giác La" là họ. Trước khi thành lập nhà Hậu Kim, Ái Tân Giác La chỉ là một gia tộc nhỏ chỉ có Nỗ Nhĩ Cáp Xích và 22 người con trai. Tuy nhiên, sau khi thành lập triều đại Hậu Kim, để thể hiện dòng dõi và địa vị cao quý của mình, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã chỉ định Ái Tân Giác La là họ độc quyền của dòng dõi mình.

Khi Ái Tân Giác La trở thành họ của hoàng gia, con cháu bắt đầu sinh sôi nảy nở và phát triển nhanh chóng. Theo ghi chép, thời Hoàng Thái Cực có khoảng 100 thành viên hoàng tộc; đến thời Khang Hi, con số này đã tăng lên khoảng 490; sau khi nhà Thanh sụp đổ, có hơn 20.000 con cháu hoàng tộc nhà Thanh.

Theo nhiều sử liệu để lại, sau khi nhà Thanh diệt vong, rất nhiều hậu nhân Ái Tân Giác La đổi họ thành “Kim”, vì “Ái Tân Giác La” vốn là văn tự tiếng Mãn, khi được chuyển nghĩa theo tiếng Hán có thể hiểu là “vàng” (kim).

Song được biết, không phải con cháu hoàng thất Mãn Thanh nào cũng được đổi họ thành Kim, chỉ nhóm hoàng tộc gần gũi với Hoàng đế cao quý nhất mới có đặc quyền này. Mà một số gia đình con cháu Ái Tân Giác La thuộc nhánh họ xa xôi khác đổi họ thành “Bác”, “Dục”, “Khải”...

 

Quý tộc Bát Kỳ Mãn Châu cũng thay tên đổi họ để hòa nhập với cuộc sống thời đại mới. Ví dụ như Hách Xá Lý thị đổi thành “Hách” hoặc “Hà”, Nữu Hỗ Lộc thị đổi thành “Lang” hoặc “Nữu”, Đông Giai thị đổi thành “Đông”... Sự thay đổi này giúp họ tránh khỏi những lời đàm tiếu, cứ thế yên bình mà sống dưới thân phận mới.

Có thể nhiều người thắc mắc rằng người Trung Quốc rất xem trọng họ tổ tiên, vậy đến thời hiện đại, hậu nhân hoàng thất và quý tộc nhà Thanh có lấy lại họ gốc không?

Câu trả lời chính là: Vô cùng hiếm hoi.

Cũng giống như câu chuyện của Phổ Nghi sau khi trở thành công dân bình thường. Ra đường hoặc đến Cố cung thăm thú, khi biết ông là Ái Tân Giác La Phổ Nghi - vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, nhiều người đã bàn tán xôn xao, ác ý và hiếu kỳ đều có. Mặc dù tự hào về họ tên của mình, nhưng Phổ Nghi ít nhiều cũng cảm thấy ngậm ngùi, chua chát.

Hậu nhân triều đại cũ đã quá quen với cuộc sống dưới thân phận sau này. Nếu đột ngột sử dụng lại họ tổ tiên thì sẽ gây ra rất nhiều phiền phức. Do đó, hãy để nó chôn vùi vào lịch sử, bản thân biết và nhớ đến là được.

Theo FB Lịch Sử Trung Hoa

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT