Đạo và Đời

Cha và hai người con trai

Thursday, 24/03/2022 - 09:19:53

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này được gọi là “Dụ Ngôn Người Con Hoang Đàng,” nhưng thực ra...


Bức tranh về câu chuyện “Dụ Ngôn Người Cha và Hai Người Con Trai” của họa sĩ Nga A.N. Mironov (sinh năm 1975) vẽ năm 2012. (Wikipedia)


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này được gọi là “Dụ Ngôn Người Con Hoang Đàng,” nhưng thực ra nó cũng có thể được gọi là “Dụ Ngôn Người Cha và Hai Người Con Trai” bởi vì Chúa Giêsu có muốn truyền dạy chúng ta qua mỗi nhân vật của câu chuyện.

Trước hết là người con trai thứ. Anh được mô tả là người con hư hỏng và hoang đàng. Anh đòi chia gia tài khi cha anh vẫn còn đang sống, và đó là điều không thể chấp nhận được trong văn hóa của người Do Thái. Anh đã vơ vét hết tài sản của anh và những gì thuộc về mình, rồi bỏ gia đình và quê hương xứ sở để đến một nơi xa lạ ăn chơi xa xỉ.

Vừa đúng lúc anh đoạn tuyệt với quá khứ và hạnh phúc gia đình, thì cuộc đời anh chìm sâu hơn trong tăm tối. Anh sống chung với người dân ngoại, và theo văn hóa thời bấy giờ, đây là điều ô nhục không chỉ cho riêng anh, nhưng còn cho gia đình, và xã hội người Do Thái. Để nuôi sống bản thân, anh phải chấp nhận chăn heo và ăn thức ăn của heo mà luật Môsê đã nghiêm cấm.

Trong một phút hồi tâm, anh hối hận vì việc mình đã làm và hoàn cảnh anh đang sống. Anh thú nhận tội lỗi và sẵn sàng trở về với cha mình, mong được sống với thân phận của một người tôi tớ trong nhà. Người con thứ này là hình ảnh tiêu biểu cho nhiều người chúng ta khi lỗi phạm với Chúa. Anh ta đã quyết tâm trở về; còn chúng ta thì khi nào mới có được quyết định đó?

Hình ảnh người cha nhân lành được mô tả khá rõ nét. Ông rất thương cả hai người con của ông, và cách riêng người con thứ, ông không hề cản trở quyết định của anh, mặc dù biết anh sai lầm. Con ông đòi chia gia tài, ông lặng lẽ trao phần tài sản cho con, không hỏi đến nửa lời. Sau khi con ông bỏ ra đi, ông ngày đêm thương nhớ và mong một ngày nào đó anh quay trở về. Mỗi ngày ông nhìn về hướng người con đã bỏ đi để hy vọng nhìn thấy bóng dáng anh.

Và người con đã trở về. Ông không những quên hết những lỗi lầm của anh, mà còn quên luôn những phong tục tập quán trong văn hóa ông đang sống. Ông quên hết và chạy ra thật lẹ để ôm chặt lấy người con của mình. Ông không để con ông nói xong lời tạ tội. Ông thúc giục gia nhân phải thật lẹ đưa áo, giầy, và nhẫn ra cho con ông để anh mau trở thành người con ở trong gia đình như trước đây.

Lòng yêu thương và vị tha của người cha là hình ảnh của Thiên Chúa nhân lành. Khi chúng ta lỗi phạm đến Ngài, từng ngày Ngài trông mong chúng ta quay trở về. Chỉ cần chúng ta trở về, mọi lỗi lầm Ngài sẽ thứ tha.

Sau cùng là người con cả. Anh là biểu tưởng của nhóm Biệt Phái và luật sĩ, phê phán Chúa đã “đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng.” Anh không chấp nhận cho cha anh mở tiệc ăn mừng người em của anh “đã chết nay sống lại.” Anh không chấp nhận người con thứ là em của anh vì nó đã phung phí hết tài sản với bọn đàn điếm. Anh coi nó là “thằng con của cha” chứ không có liên hệ gì với anh.

Cha anh giải thích và năn nỉ anh bỏ qua để vào mừng tiệc, nhưng không thấy bài Tin Mừng nói anh nhận lời hay từ chối. Có lẽ ý Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta tự trả lời cho chính mình.

Trong Chúa Nhật Laetare – Mừng Vui Lên, chúng ta mừng vui vì Thiên Chúa là Cha nhân từ không chấp nhất tội lỗi chúng ta một khi chúng ta đã ăn năn hối lỗi, nhưng luôn mong muốn chúng ta sống trong tình phụ tử với Ngài, không phải cho Ngài, nhưng để cho chúng ta được hạnh phúc. Hy vọng mỗi người chúng ta đã hồi tâm và quyết định quay trở về với cha như người con thứ, và không nên hẹp hòi như người con cả khi thấy Thiên Chúa ưu đãi những người tội lỗi để đem họ về với gia đình của Ngài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT