Điện Ảnh, Nghệ Thuật

"Chuyện Bà Thị Kính", Màn II: Kết thúc huy hoàng

Anvi Hoàng/Viễn Đông Wednesday, 24/10/2012 - 01:49:36

Phan rút ngắn đoạn này xuống còn 9 phút, nhưng không bỏ hẳn vì muốn giữ chức năng châm biếm và cấu trúc ngôn ngữ hóm hỉnh của chèo.

Hành trình một vở opera (kỳ 6)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Quyết định sau cùng của P.Q. Phan là soạn vở opera "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính" thành 2 màn và 10 cảnh. Kỳ 6 đã bàn chi tiết về Cảnh 1-5 của Màn I. Xin bàn tiếp phần còn lại sau đây.


Tranh kỹ thuật số của Hoàng Ngọc Biên

Màn II, Cảnh 6

Trong tuần bản chèo, sau cảnh Thị Mầu tình tự là cảnh đấu trí giữa Lý Trưởng và Vợ Mõ, rồi đến cảnh dân làng họp xử Thị Mầu chửa hoang không có mặt Thị Kính một đoạn dài. Như thế thì Thị Kính sẽ vắng mặt quá lâu và làm giảm đi sức tập trung của câu chuyện vào nhân vật chính này. Vả lại, từ sau khi cắt tóc đi tu Thị Kính cũng chưa có được một lúc bình tâm để suy xét bản thân, nên P.Q. Phan tạo ra Cảnh 6 để giới thiệu Sư Cụ và cũng để cho Thị Kính có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ về tương lai của chính mình. Thị Kính lúc này không rõ chuyện gì sẽ xảy ra sau khi bị Thị Mầu dụ dỗ như thế, cũng không hay biết gì về vụ tình tự giữa Nô và Thị Mầu nhưng đã linh cảm chuyện gì đó không hay sắp xảy ra cho mình. Cho nên cuối cảnh 6, P.Q. Phan để cho Sư Cụ và Thị Kính cùng hát một bài bày tỏ niềm hy vọng về một tương lai yên ổn nhưng không chắc sẽ tốt đẹp đến mức nào.

Màn II, Cảnh 7
Trong chèo, đây là cảnh Lý Trưởng và Vợ Mõ đấu trí, dài cả 20 phút. Khán giả Tây sẽ bị phân tán vì chi tiết này không liên quan gì đến Thị Kính hoặc Thị Mầu. Họ sẽ mất bớt hứng thú và tự hỏi không biết vở opera muốn nói đến chuyện gì đây. Do đó P.Q. Phan rút ngắn đoạn này xuống còn 9 phút, nhưng không bỏ hẳn vì muốn giữ chức năng châm biếm và cấu trúc ngôn ngữ hóm hỉnh của chèo.

Màn II, Cảnh 8
Ở cảnh xử Thị Mầu, theo chèo thì chỉ có vài dân làng và một vài người làm dàn đồng ca phụ họa. Họ hát vài câu, còn lại là Lý Trưởng, Thị Mầu, Kính Tâm và Sư Cụ hát. P.Q. Phan nhận thấy rằng tiềm năng của cảnh này có phần giống như cảnh Thị Mầu lên chùa nên đã nâng cấp chức năng của dàn đồng ca lên và soạn thêm lời hát để người dân làng trở thành độc ác hơn, và đạo đức giả hơn. Yếu tố đạo đức giả là quan trọng cần được nhấn mạnh vì nó gần với châm biếm mà châm biếm là bản chất của chèo, và người Tây phương hiểu rất rõ khái niệm đạo đức giả. Vậy nên P.Q. Phan đã biến dân làng thành “nói một đằng làm một nẻo”. Cuối cùng thì câu chuyện tranh giành, đấu đá ở đây là để cho thấy sức mạnh của đồng tiền và khả năng mua đứt đạo đức của nó.

Màn II, Cảnh 9
Kính Tâm bị đuổi khỏi chùa và phải ẵm đứa trẻ bị bỏ rơi đi xin ăn ở chợ. Cảnh này hầu như được giữ nguyên hoàn toàn giống như trong chèo. P.Q. Phan chỉ thay đổi một vài câu chữ để tăng cường sự chính xác và để tăng mức độ căng thẳng khi Kính Tâm bị đuổi.

Màn II, Cảnh 10

Trong chèo, cảnh bắt đầu ở chợ và rất đơn giản. Thị Kính hát rằng mình đã yếu sức và trẻ đã đủ lớn, nên sẵn sàng từ giã trần thế, rồi chết. Sư Cụ tình cờ đi qua tìm thấy đứa bé và đọc lá thư. Không náo nhiệt, ầm ĩ như cảnh chợ với dân làng gì cả, Sư Cụ cho dựng bàn thờ cho Thị Kính và hát một câu đơn giản rằng Đức Phật mời bà lên niết bàn. Sự đơn giản đến mức một chiều kích này làm cho P.Q. Phan cảm thấy thất vọng, bởi vì theo ông, những tác giả nông dân đã bỏ công tạo ra không biết bao nhiêu chi tiết hấp dẫn trong suốt câu chuyện, để rồi cuối cùng có lẽ vì mệt mỏi vì chuyện đã dài và người xem dường như cũng buồn ngủ nên không màng đến một kết thúc xôm tụ.
Trong khi đó, ở opera Tây phương, kết thúc là một khâu rất quan trọng của màn biểu diễn. Người xem có thể không thích phần đầu hoặc phần giữa lắm, nhưng một kết thúc huy hoàng sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng họ về lâu về dài. Cũng có thể đó sẽ là tất cả những gì họ giữ lại trong đầu sau khi vở diễn kết thúc. Vì vậy, P.Q. Phan cảm thấy một áp lực nặng nề cần soạn một kết thúc thật hấp dẫn. Để khán giả về đến nhà mà vẫn nhớ đến cảnh cuối này, ông dựng lại mọi chi tiết.
Chợ mà không có dân thì không phải chợ, vì vậy ông tạo ra cảnh chợ náo nhiệt. Thị Kính ngồi ngay giữa chợ xin ăn và bị người ta nói móc và xỉ, nhổ vào mặt. Tủi thân và mệt mỏi, Thị Kính than thở về số phận của mình, chấp nhận cái chết, rồi ra đi. Sư Cụ tìm thấy đứa bé và lá thư. Thay vì để cho Sư Cụ đọc hết cả lá thư, P.Q. Phan cho Thị Kính lúc này đã ở cõi khác đọc lá thơ với hai mục đích. Thứ nhất, trong chèo, Thị Kính chết trong hình hài đàn ông. Cơ hội đọc lá thư là cơ hội để Thị Kính xuất hiện trở lại trong diện mạo đàn bà để hóa thành Phật bà. Thứ hai ông muốn làm rõ rằng lúc này Thị Kính đang ở niết bàn nói vọng xuống để kể lại sự tình cho mọi người nghe.
Thêm nữa, lúc Thị Kính kể lại sự tình cũng là cơ hội tuyệt vời để cho mọi nhân vật trong câu chuyện quay trở ra sân khấu. Tất cả bọn họ lúc này muốn tìm sự hòa giải, sự tha thứ, hoặc thú nhận tội lỗi của mình với Phật bà. Rồi thì tất cả đồng loạt thành kính hát tôn vinh Thị Kính. Hãy tưởng tượng cảnh mọi người hát tung hô Thị Kính trong âm nhạc hùng tráng của hơn 60 nhạc công đủ cả violin, kèn, trống, v.v... Đây chính là kết thúc huy hoàng của vở opera. Không đáng nhớ là không ăn tiền luôn!

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT