Đời Sống Việt

Xem vở nhạc kịch The Tale of Lady Thị Kính (kỳ cuối)

Wednesday, 19/03/2014 - 10:27:29

The Tale of Lady Thị Kính là một vở đại nhạc kịch (grand opera) do nhà soạn nhạc P. Q. Phan (Phan Quang Phục), giáo sư ngành Sáng Tác tại trường nhạc Jacob thuộc đại học Indiana University, soạn nhạc và viết lời hát (libretto=tuần bản), dựa trên cốt truyện của vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính.

Cao Thu Cúc



Hình bìa libretto (tuần bản) The Tale of Lady Thị Kính của P.Q.Phan.
 
LTS: The Tale of Lady Thị Kính là một vở đại nhạc kịch (grand opera) do nhà soạn nhạc P. Q. Phan (Phan Quang Phục), giáo sư ngành Sáng Tác tại trường nhạc Jacob thuộc đại học Indiana University, soạn nhạc và viết lời hát (libretto=tuần bản), dựa trên cốt truyện của vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Vở này đã được dàn dựng công phu và trình diễn trên sân khấu lớn của trường Indiana trong bốn buổi, tất cả đều được “standing ovation”. Các buổi này của được truyền đi qua internet, khán giả có thể ngồi nhà xem trên màn ảnh monitor, dù không thể so sánh với đi xem “live”. Dưới đây là cảm tưởng của một khán giả sau khi xem vở opera này qua internet.

Mùa xuân, mùa lễ hội

Spring has returned,
Birds sing, flowers bloom,
Life is renewed after a long gloomy autumn,
So has desire returned.
(Mùa xuân đã trở về,
Chim đua hót và hoa đua nở,
Cuộc sống mới hồi sinh sau mùa thu dài u ám,
Ước vọng cũng theo về).

Đó là lời nhạc mở đầu phần hai với phông cảnh mùa xuân cùng với nhạc của dàn đồng ca, rồi tiếng các cô gái gọi nhau đi chùa như đi lễ hội, một khung cảnh thanh bình mang đậm tính chất văn hóa Việt Nam được tái hiện ở đây. Mùa xuân, mùa lễ hội, mùa vui chơi, mùa nghỉ ngơi của Việt Nam. “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Người ta tham dự nhiều lễ hội, người ta cũng đua nhau đi chùa. Đầu năm đi chùa cầu nguyện cho gia đình êm ấm mùa màng tốt tươi. Rằm tháng giêng là ngày rằm lớn nhất trong năm, các cô gái cũng nao nức đến chùa, cầu nguyện cho mình lấy được tấm chồng xứng đáng “Bõ công trang điểm má hồng răng đen”. Các cô nô nức rủ nhau đi từng đoàn.

Ba cô đội gạo vô chùa,
Một cô áo đỏ bỏ bùa cho sư. (Ca dao)

A cô áo đỏ đây rồi. Thị Mầu trẻ trung tươi xinh nhưng lẳng lơ táo bạo. Vai Thị Mầu là vai ăn khách nhất trong các vở chèo Quan Âm Thị Kính của Việt Nam. Vai Thị Mầu do Sandra Period hoặc Angela Yoon đóng, yểu điệu nhí nhảnh vui tươi. Cô xuất hiện làm cho sân khấu sống động thêm.

Thị Mầu là một cô gái mới lớn đầy sức sống, khao khát tình yêu, xinh tươi rực rỡ, biểu hiện của tuổi trẻ, chưa bị đạo lý của xã hội đóng khung, nên tự do phóng túng. Có điều Thị Mầu ở đây bậy quá, lại chọn một người chí tâm tu hành như Thị Kính để quyến rũ và giải quyết danh dự cho bản thân và cho gia đình mình, nếu nói theo quan điểm nhà Phật thì có lẽ đây là thử thách lớn mà một con người tu hành phải chịu trước khi được giải thoát.

Oan trái và thăng hoa

Nỗi oan giết chồng của Thị Kính chỉ xảy ra trong phạm vi gia đình và giải quyết trong gia đình. Vụ án với Thị Mầu có một tương quan rộng lớn hơn, liên quan đến phong tục tập quán của làng xã, vì vậy phải đem ra giải quyết giữa làng. Đó là luật của làng xã Việt Nam thời xưa.

Nếu ở phần một, tác phẩm muốn phê phán quan hệ mẹ chồng nàng dâu, nêu lên thân phận người phụ nữ thì bức tranh phê phán ở phần hai rộng hơn, toàn diện hơn, đó là: hủ tục môn đăng hộ đối trong hôn nhân, người đại diện cho luật pháp xét xử bất công, sai nha tàn bạo.

Sư Cụ, người có địa vị cao nhất trong tăng đoàn, cũng chưa thấm nhuần đức từ bi của Phật Thích Ca mà chính ở đây, Thị Kính mới là hiện thân của Bồ Tát: Đem tình thương rưới khắp đều vạn vật. Không những không oán hận Thị Mầu đã vu oan cho mình, Thị Kính còn đem con của Thị Mầu về nuôi mặc cho người đời gay gắt kết án:

Sin you do not accept;
Mercy you dare seek!
This child is the seed of sin,
Like his father.
We care nothing for him!
(Tội lỗi ngươi không nhận;
Tình thương ngươi dám xin!
Đứa bé này là mầm mống của tội lỗi,
Như cha của nó.
Chúng ta không quan tâm.)

Thật ra tất cả họ không phải là người xấu, họ sống theo đạo lý làm người và chỉ lên án cái xấu mà thôi.
Ở giai đoạn này, Thị Kính càng tỏ rõ là một con người tu hành chân chính, thực hiện đúng nghĩa hai chữ từ bi, hy sinh cứu người, chịu đựng mọi nhẫn nhục, rồi đến lúc được siêu sinh đắc đạo thành Phật. Đi vào cao trào này, sân khấu được thiết kế hai tầng cùng với sự xoay chuyển của ánh sáng tạo ra một cảnh tượng huyền bí siêu nhiên. Âm nhạc cũng thay đổi, có thêm sức mạnh mới, làm sao cho khán giả cảm nhận được tính chất vừa bi thương vừa cao cả trong giai đoạn thăng hoa này. Đắc đạo là vượt thoát qua bờ bên kia.

Âm nhạc ở phần cuối này cũng đã đưa người nghe vượt qua ranh giới của sự bi thương để cảm nhận một cảm giác siêu thoát nhẹ nhàng đưa người ta đến với con đường mầu nhiệm của tôn giáo. Lời tụng Nam Mô A Di Đà Phật liên tiếp vang lên không ngừng với sự hỗ trợ của dàn đồng ca đã đạt đến đỉnh điểm của sự thăng hoa. Nhạc hay và dồn dập như một cơn gió mạnh cuốn hút hồn người không sao cưỡng lại được làm cho tôi nhớ đến tiếng đàn Lyre mê hồn của Orpheus trong huyền thoại Hy Lạp.

Quan Âm Thị Kính là một câu chuyện cổ trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam và thường được đem trình diễn dưới hình thức hát chèo, cũng là một hình thức nghệ thuật dân gian Việt Nam. Hôm nay câu chuyện này được dàn dựng dưới một hình thức nghệ thuật hoàn toàn mới, opera, nhạc kịch của phương Tây. Sự thay đổi này đã khoác một bộ mặt mới cho câu chuyện Quan Âm Thị Kính.

Chèo thường được diễn với sân khấu đơn sơ, với một dàn nhạc khiêm tốn cổ truyền. Với opera, The Tale of Lady Thị Kính được diễn trong một sân khấu hoành tráng với sự hỗ trợ của một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ, vở nhạc kịch trở nên phong phú hơn, đẹp hơn, mang đầy đủ màu sắc âm thanh sống động, nhưng vẫn giữ được sắc thái Việt Nam, có sức hấp dẫn lớn. Thay đổi một câu chuyện của Việt Nam như thế, nhà soạn nhạc kiêm người viết lời ca Phan Q. Phục đã đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập vào nghệ thuật tinh hoa của thế giới. Đây chỉ mới là cơ hội đầu tiên, mong rằng khán giả sẽ còn được thưởng thức nhiều hơn như thế nữa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT