Đời Sống Việt

Xem vở nhạc kịch The Tale of Lady Thị Kính (Kỳ 1)

Wednesday, 12/03/2014 - 10:53:22

Đầu tháng hai trời bỗng đổ mưa. Những cơn mưa nhẹ nhàng cứ làm ướt cả bầu trời. Bầu trời u ám làm cho tôi cứ nhìn trời mà buồn. Những ngày cuối tuần tôi không nhìn trời nữa, tôi nhìn vào màn hình chờ đợi. Cái gì sắp xảy ra đây? “Đến đúng ngày, nhấn vào link, màn hình sẽ hiện ra... sẵn sàng”.

Cao Thu Cúc



Nhà soạn nhạc P. Q. Phan ký tặng Libretto The Tale of Lady Thị Kính cho khán giả.
 
LTS: The Tale of Lady Thị Kính là một vở đại nhạc kịch (grand opera) do nhà soạn nhạc P. Q. Phan (Phan Quang Phục), giáo sư ngành Sáng Tác tại trường nhạc Jacob, thuộc đại học Indiana University, soạn nhạc và viết lời hát (libretto=tuần bản), dựa trên cốt truyện của vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Vở này đã được dàn dựng công phu và trình diễn trên sân khấu lớn của trường Indiana trong bốn buổi, tất cả đều được “standing ovation”. Các buổi này của được truyền đi qua internet, khán giả có thể ngồi nhà xem trên màn ảnh monitor, dù không thể so sánh với đi xem “live”. Dưới đây là cảm tưởng của một khán giả sau khi xem vở opera này qua internet.

Đầu tháng hai trời bỗng đổ mưa. Những cơn mưa nhẹ nhàng cứ làm ướt cả bầu trời. Bầu trời u ám làm cho tôi cứ nhìn trời mà buồn. Những ngày cuối tuần tôi không nhìn trời nữa, tôi nhìn vào màn hình chờ đợi. Cái gì sắp xảy ra đây? “Đến đúng ngày, nhấn vào link, màn hình sẽ hiện ra... sẵn sàng”. Xem gì đây? 8 giờ miền Đông là 5 giờ chiều California. A đây rồi: The Tale of Lady Thị Kính. Gia đình chúng tôi quây quần quanh chiếc truyền hình chờ đợi.

Ơi đồng quê thân thương

Sân khấu trường Jacob School of Music không ngờ rộng lớn và hoành tráng. Nhạc êm nhẹ đưa người ta vào cuộc sống thanh bình. Khung cảnh đồng quê Việt Nam hiện ra. Ôi chao! Chưa gì đã thấy thân thương rồi. Nhà tranh vách đất, cây xanh hoa nở. Chà! Nhà thiết kế sân khấu hay thiệt, kiểu này sẽ làm cho khán giả Việt Nam chưa gì đã rớt nước mắt rồi.

Tôi xem trên mạng thôi mà tôi cũng thấy mắt mình cay cay. Mãng Ông đi ra, tóc trắng râu trắng, áo quần nông dân. Ôi chao! Nghèo! Nông dân Việt Nam từ đời nhà Lý đã nghèo mà đến thế kỷ XXI cũng chẳng khá gì hơn! Rồi Thị Kính dịu dàng e thẹn đi ra, chiếc quạt hoa che mặt. Đúng là phong cách con gái nhà lành, chỉ có khác là Thị Kính ở đây giỏi quá, hát tiếng Anh rất hay, giọng trong và cao vút làm cho người xem vừa nhìn thấy đã mến mộ rồi.

Admiring how magnificent love may be
I remember the tale of Từ Thức, how he met his angelic love...
(Nghĩ về tình yêu có thể rực rỡ như thế nào
Tôi nhớ đến câu chuyện Từ Thức, hoàn cảnh nào ông đã gặp được tình yêu thiên thần của ông...)

Đúng là chàng thư sinh mặt trắng Thiện Sĩ đây rồi. Thiện Sĩ do Will Perkins thủ vai, cao lớn và mạnh mẽ hơn so với hình ảnh một chàng thư sinh Việt Nam, những chàng học trò ngày xưa vẫn được xem là “thư sinh mặt trắng, trói gà không chặt”. Hình ảnh chàng thư sinh tay cầm quyển sách ngâm nga vài câu thơ là hình tượng mơ ước của các cô gái Việt Nam thời xa xưa. Lấy được chồng thư sinh, lo cho chàng sôi kinh nấu sử, khi chàng thi đỗ ông trạng ông nghè vinh quy về làng là lúc vinh quang nhất đời. Ơi giấc mơ huy hoàng! “Lọng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Nếu chẳng may chàng suốt đời lận đận thì nàng không ngại ngần tuyên bố:

Ai ơi chớ lấy học trò,
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm. (Ca dao)

Trường hợp Thị Kính càng thảm thương hơn. Từ một cô gái ngây thơ trong sáng, lấy chồng không được bao lâu thì bị nghi có âm mưu giết chồng. Cảnh Thị Kính bị chồng nghi oan, bỏ mặc để cho mẹ chồng hành hạ trên sân khấu có lẽ là một sự ngạc nhiên lớn đối với khán giả Mỹ. Thân phận các nàng dâu Việt Nam trong chế độ phong kiến là như vậy. Diễn viên Sooyeon Kim đóng vai Sùng Bà chắc phải khổ lắm, vừa hát mà vừa phải hét, làm sao phải kềm chế cảm xúc giận dữ tuôn trào để hát không sai nhịp, không bị đạo diễn nhắc nhở.

Cả gia đình tôi ngồi xem. Scott, chồng của con gái tôi, theo dõi từ đầu nhưng có lẽ không hiểu gì mấy về phong tục Việt Nam. Đến đoạn đám cưới, Scott kêu lên: “Ồ đẹp quá!” Scott thích cảnh đám cưới truyền thống Việt Nam. Khi Thị Kính bỏ nhà đi tu, Scott không hiểu, Scott hỏi:

- Thị Kính hổ thẹn hả?

Xã hội Việt Nam dưới thời phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng, tiếng nói của họ không được lắng nghe. Những người vợ bị bạc đãi bị nghi oan như Thị Kính, thông thường có hai cách giải quyết để bảo toàn danh tiết cho mình. Một là tự tử. Thắt cổ tự tử, nhảy xuống giếng hay nhảy xuống sông tự tử. Câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương là một điển hình. Đó là cách giải quyết của những người đàn bà thiếu ý chí, thiếu sức mạnh.

Cách giải quyết thứ hai là đi tu. Cách giải quyết này dành cho những người tự tin vào bản chất của mình, người có ý chí mạnh mẽ. Xã hội đã không tin họ, luật làng xã không giải oan cho họ, cả cuộc sống tốt đẹp của họ không đủ để minh oan thì họ tìm đến con đường sức mạnh tâm linh, họ đi vào chùa kiên trì tu hành, và họ tin rằng một ngày không xa tấm lòng ngay thẳng của họ sẽ được Trời Phật chứng giám, mối oan của họ sẽ được rửa sạch, trả lại cho họ một tâm hồn trong sáng như ánh hào quang. Thị Kính chính là một người sẽ làm được như vậy.

I must leave to seek peace under a benevolent roof,
Turn myself into a monk,
Take buddha's teachings, and find a peaceful life.
(Ta phải ra đi để tìm kiến một mái chùa nhân ái,
Sống đời người tu hành,
Học theo lời dạy của Phật và tìm một cuộc sống bình yên.)

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT