Pháp Luật

Vụ kiện bế tắc của ông John Boehner

Saturday, 16/08/2014 - 12:08:08

Ngay trước khi đi nghỉ hè vào tháng Tám, Hạ Viện tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu 225-201 để trao quyền cho Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner làm đơn kiện Tổng Thống Barack Obama vì tội lạm quyền của chức vụ tổng thống, được ghi rõ trong Hiến Pháp. Cụ thể hơn, ông Boehner và đa số thành viên của Hạ Viện

LS Diệp Thế Lân

Ngay trước khi đi nghỉ hè vào tháng Tám, Hạ Viện tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu 225-201 để trao quyền cho Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner làm đơn kiện Tổng Thống Barack Obama vì tội lạm quyền của chức vụ tổng thống, được ghi rõ trong Hiến Pháp. Cụ thể hơn, ông Boehner và đa số thành viên của Hạ Viện cảm thấy rằng là TT Obama gần đây đã tự ý tuyên bố nhiều lệnh từ văn phòng của Tổng Thống, thay đổi một số luật tại Hoa Kỳ, và qua hành động này TT Obama đã qua mặt và tước quyền của Quốc Hội.

Đặc biệt là Hạ Viện đang nhắm vào hành động TT Obama đã tự ý thay đổi một điều khoản trong bộ luật Affordable Care Act, tức Obamacare, và cho phép các chủ nhân có hơn 50 nhân viên thêm một năm trước khi buộc họ phải mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên. Nếu TT Obama không can thiệp, đáng lẽ là họ đã phải mua bảo hiểm cho nhân viên kể từ năm nay. Đơn kiện này của Hạ Viện có một chút khôi hài, vì chính Hạ Viện đã chính thức bỏ phiếu hơn 50 lần để bãi bỏ đạo luật Obamacare kể từ ngày nó đã thành luật, nhưng đã không thành công vì đảng Dân Chủ nắm Thượng Viện. Tuy nhiên, ông Boehner và đảng Cộng Hòa có cái lý của họ khi họ khẳng định rằng dưới cơ cấu chia quyền giữa hành pháp, lập pháp, và tư pháp của Mỹ, chỉ có riêng Quốc Hội có quyền tu chính các luật lệ quốc gia, và một vị tổng thống không có quyền tùy ý thay đổi điều khoản trong một bộ luật nào đó.

Nhưng vấn đề chính không phải là ông Boehner sẽ thành công trong việc kiện tụng TT Obama hay không. Vấn đề chính là có tòa nào sẽ nhận đơn kiện này không. Vì trong lịch sử của Hòa Kỳ, chưa từng có một trường hợp nào tương tự xảy ra. Quả thật là không ai biết rằng sẽ có tòa nào nhận đơn kiện của ông Boehner không. Từ khía cạnh của luật pháp, từ lâu, các tòa tại Hoa Kỳ đã từ chối xét xử những câu hỏi có tính cách chính trị vì hiểu rằng những tranh chấp chính trị nên có giải pháp chính trị, chứ không nên có một thẩm phán quyết định thay thế cho những chính trị gia đã được dân bầu lên. Trong giới luật pháp, thái độ này có tên là “the political questions doctrine.”

Những người hiểu về Hiến Pháp biết rằng một vị tổng thống có quyền ban hành những “executive order,” tức những lệnh của tổng thống. Ông Boehner cho rằng TT Obama đã thay đổi luật Obamacare khi gia tăng thời hạn cho các chủ nhân khỏi phải mua bảo hiểm cho nhân viên cho đến năm 2015, trong khi luật ghi rõ là các chủ nhân phải bắt đầu làm việc ấy vào năm 2014. Nhưng từ phía TT Obama, ông ta đã không thay đổi luật lệ gì cả, ông ta chỉ quyết định lờ đi phần này trong luật, và đã bảo bộ máy chính quyền khoan phạt ai vì không làm theo khoản này cho đến khi năm 2015. Sự tranh chấp này là một vấn đề chính trị, một sự giành quyền giữa bộ phận lập pháp và bộ phận hành pháp của Hoa Kỳ. Nếu có một thẩm phán bước vào để quyết định ai đúng ai sai, chắc chắn sẽ có người đồng ý và người không đồng ý. Nhưng nói chung là bộ phận tư pháp sẽ bị mất tư thế trong mắt của không ít người dân, vì trong một vụ tranh chấp như thế này, người thẩm phán không thể nhờ đến một luật lệ nào đó, mà sẽ phải dựa vào sự nhận định cá nhân của mình để có quyết định.

Thêm vào đó, và có lẽ quan trọng hơn, là điều kiện của mọi tòa đòi hỏi người khởi kiện phải có “standing” trước khi có quyền khởi kiện. Nói một cách khác, để được tòa nhận xử một vụ kiện, người đứng kiện phải chính là người đã bị hại bởi hành động của người bị kiện. Nếu không phải là nạn nhân của bị đơn, thì cho dù có thua kiện, bị đơn cũng chẳng cần bồi thường gì cho nguyên đơn, cho nên tòa sẽ không chịu mất thời giờ để xử án mà không giải quyết được cụ thể một việc gì đó.

Ví dụ, nếu một ai làm trong một hãng và bị đối xử kỳ thị, người ấy có thể kiện hãng của mình. Nhưng nếu người ấy không dám lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của chính mình, thì không còn chuyện để nói. Có thể người chồng, người vợ, hay đứa con mạnh dạn hơn, thấy thân nhân của mình bị đối xử không phải, là muốn lôi hãng này ra tòa kiện thay thế cho người nhà của mình, nhưng tòa sẽ không tôn trọng đơn kiện của người này. Chính người bị hại phải ra tay kiện tụng.

Trong trường hợp của ông Boehner, Hạ Viện đã ủy quyền cho ông ta khởi kiện và mang TT Obama ra tòa, nhưng có thể nói là ông Boehner đã không bị hại gì bởi hành động của TT Obama. Tùy lối nhìn, một là TT Obama đã lạm quyền. Hai là TT Obama đã hành xử trong phạm vi và quyền hành của một vị tổng thống. Nhưng dù sao đi nữa, cá nhân ông Boehner không phải là một nạn nhân của TT Obama. Nếu TT Obama có lỗi, thì ông ta có lỗi với quốc gia nói chung, hoặc Quốc Hội nói riêng, chứ TT Obama không có lỗi đối với ông John Boehner. Và cho dù ông Boehner là chủ tịch của Hạ Viện, Hạ Viện chỉ là một thành phần của Quốc Hội thôi, cho nên không thể đại diện cho cả Quốc Hội để đứng ra làm đơn kiện.

Tuy nhận xét như thế, gần đây bộ phận tư pháp đã có những hành động mạnh dạn, càng ngày càng bước vào phạm vi chính trị của hai bộ phận hành pháp và lập pháp. Khác hẳn với những tòa của các thế kỷ trước đây, trong thế kỷ 21, các tòa tại Hoa Kỳ đã nhận xử nhiều vụ kiện mà trước đây các tòa sẽ không nhận. Cho nên cho dù những người theo dõi vụ kiện của ông Boehner đều cho rằng đây là một hành động múa may trên sân khấu chính trị để có thể tấn công TT Obama và đảng dân chủ trước khi mùa bầu cử cuối năm nay, rất có thể sẽ có một người thẩm phán liên bang nào đó sẽ làm cho mọi người bất ngờ và nhận đơn kiện của ông Boehner. Nhưng thực tế là nếu thắng vụ kiện, ông Boehner và đảng Cộng Hòa sẽ bị đặt vào thế khó xử, vì thắng kiện đối với TT Obama sẽ đồng nghĩa với việc ép mọi cơ sở thương mại có hơn 50 nhân viên mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên mình sớm hơn ý muốn kéo dài của TT Obama. Và điều này sẽ bất lợi, vì đảng Cộng Hòa được xem là đảng đại diện cho quyền lợi của giới kinh doanh.

Kết cục, không ai có thể khẳng định vụ kiện này sẽ đi về đâu. Nhưng một điều biết chắc là dù thắng hay thua, về lâu về dài, vụ kiện này sẽ gây bất lợi cho ông Boehner và đảng Cộng Hòa. Lợi điểm, nếu có, chỉ có trong ngắn hạn, vì sẽ mượn được giới truyền thông để phổ biến lời phê bình và lên án đảng Dân Chủ trong vài ngày. Nhưng đây là cái thực tế của việc làm chính trị tại Mỹ này. Chính sách lâu dài không cần; kẻ thắng là kẻ gây được sự chú ý trong ngày, và ngày hôm sau cuộc tranh đua lại diễn ra tiếp tục.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT