Hôn Nhân, Cuộc Sống

Vợ tôi ích kỷ

Friday, 14/09/2018 - 08:05:11

Nếu bạn thường xuyên làm người khác buồn bằng lối hành xử của mình và không để ý đến cảm xúc của họ, khi đó bạn cần xem xét lại bản thân để xây dựng sự đồng cảm với họ và bớt quan tâm đến mình.


Anh la vừa vừa chứ, tui ích kỷ chứ đâu có điếc? (Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Trong mọi cuộc tranh luận với vợ, tôi luôn “phải” là người thua; trong việc lựa chọn hàng hóa mua sắm, tôi thường là người nói câu “tùy em,” bởi cái tôi chọn mà không hợp với cô ấy, tôi luôn phải thay đổi; tôi hay phải nhắc nhở: đừng chìm đắm vào những “lời mật ngọt” của kẻ xu nịnh, nhưng cô ấy đáp lại “em là người thích nịnh.” Vợ tôi sống vì mình nhiều hơn vì người khác. Với chồng mà cô ấy còn ích kỷ như thế, huống chi là với bạn bè, đồng nghiệp. Vì muốn giữ hạnh phúc gia đình, trước đây tôi đều nhịn và bỏ qua những hành vi thể hiện tính ích kỷ của vợ. Nhưng vì sợ cô ấy đi quá đà, sẽ bị cô lập, không ai muốn đến gần, tôi đã nhiều lần nói chuyện với vợ. Rất may, vợ tôi dần dần hiểu ra và thay đổi.

Khi tôi nói, “Em sống ích kỷ quá.” Vợ tôi đã bị sốc. Thật vậy, chẳng ai muốn bị nói mình là người ích kỷ cả.

Người ích kỷ sống thế nào?

Biểu hiện của người ích kỷ là gì? Người ích kỷ chỉ biết quan tâm đến lợi ích của bản thân họ mà không quan tâm tới người khác. Ai cũng muốn nghĩ rằng mình là con người biết đồng cảm và có lòng trắc ẩn, biết tôn trọng cảm xúc của người khác cũng như của bản thân. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ vướng vào thói quen chỉ biết chăm lo cho bản thân mà quên đi những người xung quanh. Nếu nhận biết được các phẩm chất đặc trưng của một người ích kỷ, bạn có thể thay đổi thói quen và lối suy nghĩ của mình sao cho biết tôn trọng nhu cầu và cảm xúc của người khác hơn.

Lần đầu tiên nghe phán mình là người ích kỷ, vợ tôi ngồi một lúc lâu, rồi hỏi ngược lại, “Sao anh nói vậy?”
Tôi đã mất không ít thời gian để giải thích và thuyết phục cô ấy thay đổi suy nghĩ, cũng như cách cư xử hàng ngày.

Trước tiên, tôi đặt ra một số câu hỏi để cô ấy trả lời: Trong các cuộc tiếp xúc, chuyện trò, ai nói nhiều nhất? Ai có khuynh hướng “dẫn dắt” hay chi phối buổi nói chuyện? Em đã thu thập được những thông tin gì về người mình nói chuyện với? Em có hỏi câu nào về họ mà không liên quan đến cuộc sống hay trải nghiệm của mình? Tôi hỏi như vậy để kiểm tra kỹ năng lắng nghe của cô ấy.

Kỹ năng lắng nghe thể hiện bạn có ích kỷ hay không. Những người ích kỷ có khuynh hướng đẩy nội dung buổi nói chuyện về bản thân họ. Nếu là người ích kỷ, bạn sẽ không tỏ ra lắng nghe những điều người khác nói. Hãy tự nhận xét xem có phải bạn là người chịu lắng nghe, biết tham gia vào vấn đề của người khác hay không, thay vì chỉ chờ tới lúc dừng để lái chủ đề về phía mình.

Theo những nhà tâm lý, khi tương tác với người khác, bạn hãy để ý đến cảm xúc của mình sau đó. Bạn có cảm thấy buổi nói chuyện giống như cuộc tranh đua? Bạn có phải giành giật thời gian để nói, hay phải xen ngang hoặc nói át người khác để nêu ra ý kiến của mình? Bạn có thấy cần phải làm câu chuyện của mình thêm phần mãnh liệt hơn so với người khác? Đây có thể là dấu hiệu của sự ích kỷ.

Một dấu hiệu khác cho thấy bạn ích kỷ là quá tập trung chứng minh mình đúng, hoặc cố giành phần thắng khi tranh luận, thay vì thông cảm cho hoàn cảnh hay quan điểm của người khác.

Một dấu hiệu kinh điển của sự ích kỷ đó là không thể đặt mình vào vị trí của người khác. Có lần, tôi đã phải lỡ hẹn với người bạn từ New York qua chơi, để đưa gia đình vợ đi Las Vegas. Vợ tôi lập luận, “Bạn của anh sinh sống tại Mỹ, sang chơi lúc nào chẳng được, trong khi dì của em ở Việt Nam phải xin visa mãi mới qua được bên này.”

Nếu bạn ít khi nghĩ xem người thân của mình đang cảm thấy thế nào, chứng tỏ bạn ích kỷ. Đương nhiên ai cũng cần cảm giác hạnh phúc và vừa ý, điều đó hoàn toàn bình thường nhưng bạn cũng đừng bao giờ phớt lờ niềm vui của người khác, đặc biệt đó là những người thân yêu của bạn.

Nếu bạn thường xuyên làm người khác buồn bằng lối hành xử của mình và không để ý đến cảm xúc của họ, khi đó bạn cần xem xét lại bản thân để xây dựng sự đồng cảm với họ và bớt quan tâm đến mình.

Hãy bỏ lối sống ích kỷ

Người ích kỷ thường muốn được người khác khen ngợi. Do đó nếu bạn không chỉ thích mà còn sống vì những lời khen “mật ngọt chết ruồi” ấy, chứng tỏ bạn đang ích kỷ. Vấn đề hoàn toàn bình thường nếu bạn chỉ xem lời khen là một niềm vui bất ngờ. Lời khen chỉ nên là “thêm chút gia vị” vào cuộc sống, giúp bạn vui vẻ và có động lực hơn.

Bạn cũng nên từ bỏ thói quen ghen tị khi người khác được khen. Những người ích kỷ khó có cảm giác hạnh phúc cho người khác khi họ được khen ngợi. Nếu ai đó trong số những người bạn quen được khen thưởng, chẳng hạn một người anh hay em được tán dương vì nhận được điểm số cao, hay đồng nghiệp của bạn kết thúc thành công một dự án, bạn sẽ tự nhiên cảm thấy vui mừng cho họ. Ngược lại, nếu có cảm giác ghen tị, bực tức hay rối bời vì không hiểu vì sao mình không được tuyên dương, khi đó bạn cần xem lại tính ích kỷ của mình.

Người ích kỷ sẽ rất khó chịu khi bị ngược đãi, dù họ thường xuyên lạnh lùng với người khác mà thậm chí không nhận ra sự đạo đức giả của mình. Nếu bạn mong muốn được đối xử thế nào thì hãy đối xử với người khác như vậy, đó là cách để bạn xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp và tạo hình ảnh tích cực trong mắt người khác. Muốn vậy, hãy quan tâm đến mọi người.

Người ích kỷ thường không quan tâm đến việc họ đang làm tổn thương người khác, một phần vì họ không để ý tới cảm xúc của người nghe. Nếu bạn đang cố sửa đổi tính ích kỷ của mình thì hãy đặt bản thân vào vị trí của người nghe và xin lỗi nếu đã làm điều gì khiến họ buồn. Nhưng đó phải là lời xin lỗi chân thành. Những gì bạn nói không quan trọng bằng việc bạn thật sự cảm thấy hối tiếc và cảm thông cho họ. Nếu bạn không quen với việc xin lỗi hay thể hiện sự cảm thông với người khác thì lời xin lỗi có thể nghe hơi lạ tai, nhưng cũng không sao. Từ từ bạn sẽ quen hơn và cơ hội để phải nói lời xin lỗi cũng ít dần theo thời gian.

Để từ bỏ tính ích kỷ, bạn hãy tạm dừng suy nghĩ về bản thân và nên làm việc tốt cho những người đang cần giúp đỡ. Bạn có thể cân nhắc tham gia làm việc tình nguyện cho một tổ chức từ thiện hay một cơ sở phát thức ăn miễn phí. Hãy tập làm những công việc mà không cần được đền đáp, đây là cách xây dựng lòng cảm thông, cũng như sự quan tâm tới những người xung quanh.

Ranh giới giữa việc yêu quý bản thân và sự ích kỷ rất khó xác định. Thật sự bạn cần phải yêu và công nhận cái tôi của mình, đồng thời phải chắc chắn người khác lắng nghe lời nói của bạn. Lòng tự trọng giúp người khác tôn trọng bạn và tránh cho bạn bị tổn thương, nhưng không có nghĩa bạn có thể lợi dụng người khác. Điều quan trọng trong khái niệm tự yêu quý bản thân chính là tìm sự cân bằng. Nếu có lòng trắc ẩn với bản thân cũng như với những người xung quanh thì bạn sẽ không bị xem là ích kỷ.

Cuối cùng, nếu một ai đó nhận xét bạn là người ích kỷ, đừng nghĩ đơn giản rằng họ là người thô lỗ, ghen tị và phản ứng bằng cách gạt họ đi. Hãy xem đó là cách họ muốn bạn dừng lại, không phải để sỉ nhục bạn, mà muốn bạn trở thành người sống tốt hơn với mọi người.
(Theo Missouri.edu, Psychologytoday.com, Wikihow)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT