Pháp Luật

Vài hàng về trưng cầu dân ý

Friday, 17/10/2014 - 03:17:20

Cách đây hơn 200 năm, khi dân Mỹ muốn tách rời khỏi Vương Quốc Anh thì họ đã phải thực hiện một cuộc cách mạng. Nay, Vương Quốc Anh đã chấp nhận cho Scotland quyền tự chủ nếu có hơn 50% số dân tỏ ý ủng hộ sự độc lập.

Bài LS DIỆP THẾ LÂN

Ngày 18 tháng 9 mới đây, nước Tô Cách Lan, tức Scotland, đã tổ chức một trưng cầu dân ý để quyết định rằng Scotland có nên tách rời khỏi Vương Quốc Anh, tức United Kingdom, hay không. Nguyên do là vì trong nhiều năm gần đây, có nhiều người tại Scotland cảm tưởng là chính quyền của Vương Quốc Anh, trụ sở tại Luân Đôn, đã ưu tiên cho quyền lợi của người Anh hơn, và chỉ hưởng lợi từ các tài nguyên của Scotland, trong khi không quan tâm cho mấy đến những vấn đề của dân Scotland. Cuối cùng, phe muốn ở lại với Vương Quốc Anh đã thắng với 55.3% số phiếu, trong tổng số 84.6% số người đi bỏ phiếu.
Bất kể những lợi hoặc bất lợi cho Scotland hoặc nền kinh tế trong vùng, qua sự tách rời khỏi Vương Quốc Anh, sự kiện mà người dân Scotland đã có thể tổ chức trưng cầu dân ý một cách ôn hòa, để quyết định tương lai của đất nước là một điều đáng chú ý. Cách đây hơn 200 năm, khi dân Mỹ muốn tách rời khỏi Vương Quốc Anh thì họ đã phải thực hiện một cuộc cách mạng. Nay, Vương Quốc Anh đã chấp nhận cho Scotland quyền tự chủ nếu có hơn 50% số dân tỏ ý ủng hộ sự độc lập.
Việc trưng cầu dân ý được tổ chức tại Scotland cách đây vài hôm đã tạo thêm phấn khởi cho nhiều sắc dân khác quanh thế giới mà cũng có ý muốn có được sự độc lập từ chính quyền hiện tại của họ, ví dụ như người Québec tại Canada, người Flemish tại Bỉ, người thuộc đảo Corsica tại Pháp, người Basque và người Catalonia tại Tây Ban Nha, và cũng như người Hồng Kông tại Hoa Lục Địa. Ngay tại Cali này, cũng đã có những nỗ lực tổ chức trưng cầu dân ý để chia tiểu bang Cali thành sáu tiểu bang nhỏ hơn, để tiền thuế của từng vùng sẽ phục vụ cho vùng đó thôi.
Nhìn thoáng qua thì cái khái niệm trưng cầu dân ý là thật hay, là một cơ hội cho người dân bày tỏ ý muốn của mình. Quả thật là có một số vấn đề nên để cho toàn dân biểu quyết, như là vấn đề liên quan đến sự độc lập. Tuy nhiên, không phải vấn đề gì cũng nên mang ra cho toàn dân biểu quyết, vì khi người dân có nhiều cơ hội biến ý kiến của đa số thành luật thì sẽ làm cho những đại diện trong chính quyền bị bó tay.
Hiện nay tại Cali người dân có quyền thay đổi luật pháp qua cách tổ chức trưng cầu dân ý, còn được gọi trong tiếng Anh là ballot initiative. Qua cách này, một ai có sáng kiến muốn lập luật mới có thể viết luật này ra thành văn bản và nộp lệ phí cùng đủ số chữ ký ủng hộ của dân Cali cho tiểu bang. Nếu đạt được đủ số chữ ký thì dự luật này sẽ được in trên lá phiếu trong kỳ bầu cử kế tiếp để dân có thể quyết định.
Trong quá khứ, dân Cali đã dùng cái ballot initiative để thay đổi luật pháp trong tiểu bang nhiều lần, kể từ đầu thập niên 20, khi hiến quyền tổ chức trưng cầu dân ý đã được trao cho dân bởi thống đốc Hiram Johnson. Ví dụ, vào năm 1996 dân Cali đã thông qua Proposition 215 để cho phép dùng cần sa một cách hợp pháp nếu có lý do y tế; vào năm 1998 dân Cali đã thông qua Proposition 5 để cho phép người dân tộc Hoa Kỳ mở các sòng bài; vào năm 2008 dân Cali đã thông qua Proposition 8 để bắt tiểu bang không được công nhận các cuộc hôn nhân đồng tính luyến ái.

Nhưng cái ví dụ cụ thể nhất để cho thấy cái lợi hại của việc cho dân quyền tự tạo nên chế luật mới là Proposition 13 của năm 1978 và Proposition 98 của năm 1988. Proposition 13 đã giảm khả năng đánh thuế của tiểu bang trên mọi bất động sản, vì quy định rằng tiểu bang chỉ có thể đánh 1% thuế trên giá trị của một miếng đất, căn cứ trên giá trị của nhà ấy vào năm 1975. Hơn nữa, Proposition 13 không cho phép xét lại cái giá trị của một miếng đất cho đến khi đất ấy được sang cho chủ mới, hoặc có một căn nhà mới xây trên đất ấy. Proposition 13 đã làm eo hẹp lại nguồn tài chánh của tiểu bang Cali vào thập niên 70, với mục đích ngăn chặn sự bành trướng của bộ máy hành chánh tiểu bang. Nhưng cũng chính vì mất nguồn tài chính từ tiền thuế bất động sản, chính phủ Cali cũng phải ngưng chi xài cho dân.
Một trong những nạn nhân của Proposition 13 là các học khu trong tiểu bang. Quỹ của các học khu khắp Cali đã bị ảnh hưởng, và vì thế trong năm 1988 một số thế lực đã vận động thông qua Proposition 98, quy định rằng tiểu bang Cali phải chi ít nhất là 39% của ngân sách tiểu bang vào năm 1988 để ủng hộ nền giáo dục tại Cali. Hơn nữa Proposition 13 ép tiểu bang Cali mỗi năm phải chi hơn năm ngoái vào việc giáo dục.
Vì hai luật này được thông qua mà mãi cho đến nay, tiểu bang Cali thường gặp khó khăn trong vấn đề ngân sách hàng năm. Vì bất động sản không thể là một nguồn thuế chính, tiểu bang phải mong đợi vào các thuế tiêu thụ (tức sales tax). Thế nhưng, người dân có mua sắm, tiêu thụ hay không là tùy thuộc vào nhiều yếu tố khó lường, và nếu dân không chi xài thì tiểu bang sẽ bị mất đi một số tiền đáng kể và cần thiết. Hơn nữa, cho dù có tiền vào, các dân biểu của tiểu bang đã bị bó tay trước bởi Proposition 13, bắt buộc phải chi một số tiền lớn để đầu tư vào việc giáo dục, bất kể các ưu tiên trước mặt là thế nào.
Dân Cali - và dân tại nhiều nơi khác - thông qua các luật bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý là muốn đạt được những ý muốn nhất thời. Họ bỏ phiếu vì nghe theo quan điểm của người quen, vì bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo trên đài truyền hình hay truyền thanh, và cũng có thể họ bỏ phiếu đại. Không phải ai cũng hiểu cho thấu đáo cái mặt trái phải của từng vấn đề, và hậu quả lâu dài của từng luật. Trong khi đó, các dân biểu và nghị sĩ là những người được bầu lên để làm việc lập pháp. Họ có cái nhìn toàn bộ và có biết bao nhiêu nhân viên để nghiên cứu và giáo dục họ về từng vấn đề một. Tại sao lại không để cho họ làm việc, mà phải qua mặt họ qua những trưng cầu dân ý? Dĩ nhiên, sẽ có trường hợp nên tổ chức trưng cầu dân ý cho toàn dân biểu quyết, nhưng càng cho dân cơ hội biểu quyết thì sẽ càng làm bó tay các chính trị gia một cách không cần thiết, và đôi khi có tác hại xấu.
Dân chủ không phải là một ý niệm đơn giản có thể tóm tắt bằng khái niệm “đa số là thắng.” Nền dân chủ đích thực bảo vệ luôn cho quan điểm và tiếng nói của thiểu số, và hiểu rằng không phải lúc nào số đông cũng chọn cái đúng, cái phải. Trưng cầu dân ý là một hình thức dân chủ nguyên thủy, tức cho dân quyết định trực tiếp. Nhưng muốn chọn lựa cho sáng suốt và khôn khéo thì phải nắm vững vấn đề, và biết những lý do tại sao nên có chọn lựa ấy. Trong thực tế thì người thường dân không có đủ thời gian hoặc hiếu kỳ để tìm hiểu mọi vấn đề trước khi bỏ phiếu để quyết định một vấn đề gì đó. Vì thế mới có việc bầu ra những người đại diện chúng ta ở mọi cấp thành phố, quận, tiểu bang, và liên bang để cho họ có thể tập trung vào việc làm chính sách và có những chọn lựa sáng suốt cho dân. Chúng ta do đó nên để yên cho họ làm việc. Nếu họ không làm việc đến nơi đến chốn thì chúng ta sẽ bầu người khác vào thay thế.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT