Người Việt Khắp Nơi

Từng là thành viên bă.ng đả.ng buôn m.a t.úy, nay ông Tony Hoàng là mục sư thuộc một giáo phái có vấn đề

Tuesday, 16/05/2023 - 01:35:12

Sự chuyển hóa của Tony Hoàng, nay 41 tuổi, xảy ra trên đường phố Cabramatta, một vùng ngoại ô có nhiều người Việt sinh sống thuộc thành phố Sydney, Úc. Nơi đây từng là bối cảnh cho cuộc đời đầy biến động của ông trong mấy thập niên.

Tony Hoang
(Hôm thứ Bảy, 13 tháng 5, 2023, đài ABC News Úc đã có một bài phóng sự dài về cuộc đời của ông Tony Hoàng, một người từng là thành viên băng đảng tại Cabramatta, nơi được xem là trung tâm buôn ma túy của Úc. Năm 22 tuổi, ông tìm được niềm tin trong Đức Chúa và hoàn lương, trở thành một mục sư truyền đạo. Câu chuyện của ông được truyền thông Úc kể nhiều lần, và đây là lần mới nhất với vài đoạn nhắc tới giáo phái của ông bị cho là tà giáo.)

Sự chuyển hóa của Tony Hoàng, nay 41 tuổi, xảy ra trên đường phố Cabramatta, một vùng ngoại ô có nhiều người Việt sinh sống thuộc thành phố Sydney, Úc. Nơi đây từng là bối cảnh cho cuộc đời đầy biến động của ông trong mấy thập niên.

Tuổi thơ của Tony bị tan nát vì ma túy và rượu bởi nỗi mong ước được có bạn khiến ông tham gia vào một băng đảng khét tiếng. Ma túy đã mang tới cho ông hàng chục ngàn đô la những cũng suýt lấy đi mạng sống của ông.

Vào ngày 8 tháng 2, 2004, Tony nhận được một tờ rơi. Và cuộc đời ông đã thay đổi từ đó.

Gia đình rạn nứt

Cha mẹ của Tony Hoàng (tên Việt là Hoàng Thanh Long) vượt biển đến Úc vào năm 1980 sau khi cộng sản chiếm miền. Ông kể, “Họ ra đi để tìm một tương lai tốt đẹp hơn, với bốn đứa trẻ trên thuyền. Tôi được sinh ra ở Úc.”

Ban đầu gia đình sống trong một khu nhà thuê dành cho người tị nạn ở Bondi, trước khi chuyển đến Cabramatta, phía tây Sydney. Không biết nói tiếng Anh và không có tiền, cha mẹ của Tony đã làm việc nhiều giờ để nuôi con.

Cha ông làm thợ sơn nhà, trong khi mẹ may quần áo ở nhà. Tony nói, bà may thật nhanh hằng “nhiều chiếc túi lớn chứa quần áo, to bằng cả một người,” và chỉ nhận được một xu cho mỗi món đồ may xong. Cha mẹ quá bận rộn, Tony không có nhiều thời giờ bên họ. Khi ông lớn lên, khoảng cách ngày càng xa hơn. Tony giải thích, “Tôi không nói được tiếng Việt vì tôi luôn nói tiếng Anh ở trường. Vì vậy, tôi hiểu cha mẹ nói gì nhưng không thể nói những chuyện sâu sắc hơn với họ. Tôi không thể nói cho cha mẹ biết là tôi đang gặp một số rắc rối ở trường.”

Nhưng ngôn ngữ không phải là vấn đề khó khăn duy nhất trong gia đình họ Hoàng.

Tony nhớ lại, “Tôi không có một gia đình yêu thương. Cha tôi đánh đập mẹ tôi, say rượu và đánh chúng tôi. Vì vậy, tất cả anh chị em của tôi và cả tôi đều bỏ nhà đi từ khi còn rất nhỏ.”

Trở thành kẻ bắt nạt

Tony đến trường để thoát khỏi cuộc sống gia đình đầy sóng gió, nhưng trường học cũng không mang lại nơi trú ẩn an toàn mà ông hằng mong ước.

“Tôi thực sự nuốt hết mọi thứ vào bên trong, nỗi thất vọng, tức giận, bạo hành. Vì vậy, tôi tới trường và mang trong mình sự sôi sục đó.”

Lớn lên trong một gia đình tị nạn đông con, Tony chỉ được mặc đồ cũ khiến ông trông không giống ai.

Ông kể, “Tôi nhớ rất rõ vào năm lớp 7, tôi đã phải mặc chiếc quần đùi rộng quá khổ của chú tôi, và nó trông giống như một chiếc váy. Thế là tôi bị trêu chọc. Họ gọi tôi là “Tony Skirt” (Tony mặc váy) ở trạm xe trên đường về nhà.”

Cơn thịnh nộ trỗi dậy trong Tony ngày càng rõ nét hơn sau nhiều năm bị đánh đập và những mắng chửi ở nhà.

“Tôi đã đánh một đứa học trò,” Tony kể lại.

“Sau đó, tôi tự nhủ, “Mình sẽ không còn bị trêu chọc nữa.” Tôi không có tiền mua quần áo, không có tiền mua những thứ mà người khác có. Tôi hiểu rất nhanh là tôi không bình thường như mọi người.”

Lúc đó – và trong nhiều thời điểm khác sau đó – Tony đã dùng bạo lực để khẳng định quyền lực của mình; để xoay chuyển từ một đứa trẻ tị nạn tội nghiệp thành một thiếu niên trẻ không ai trấn áp được.

Ông nói, “Tôi đã trở thành kẻ bắt nạt ở trường. Tôi đã trở thành người mà tôi từng ghét.”

Ông bắt đầu với việc tống tiền ở sân trường. Tony dọa nạt các học sinh ở trường, “Tao muốn $10 đô mỗi ngày. Nếu không đưa, tao sẽ đánh mày.”

Tony bị đuổi học và phải chuyển trường. Nhưng thói bắt nạt cứ tiếp tục leo thang.

“Tôi bắt đầu trung học với những anh em họ, trong giờ giải lao và bữa trưa, họ hút thuốc trong nhà vệ sinh, và … tôi đã nhìn thấy những thứ mà lẽ ra tôi không nên nhìn thấy,” ông nói.

“Khoảng 12 tuổi sắp 13 tuổi, tôi chơi ma túy lần đầu.” Đó là bạch phiến.

Vào các ngày trong tuần, Tony theo các anh em họ đến nơi tụ tập sau giờ học – một ổ ma túy.

“Tôi thấy súng, dao rựa… [và] tất cả những loại ma túy diễn ra trước mặt tôi.”

Ông cũng nhìn thấy rằng mạng lưới ngầm này đang thu về một lượng tiền mặt khổng lồ. Tony muốn tham gia. Ôn giải thích, “Trong tâm trí tôi, [tôi nghĩ], “Chỉ cần kiếm được tiền, tôi có thể giải quyết vấn đề của cha mẹ mình.” Vì vậy, rất nhanh tôi đã hỏi, “Làm thế nào tôi có thể kiếm tiền được như vậy?”

Lập đường dây buôn ma túy

Nhiều anh em họ của Tony thuộc về một băng đảng người Việt khét tiếng.

“[Họ] là một tập hợp những người mà chúng tôi ngưỡng mộ,” Tony nhớ lại. “Họ chỉ là những đứa trẻ tị nạn đang cố gắng thành công ở xứ Úc.”

Các người khác trong đại gia đình của ông lại ở trong phe đối địch, băng đảng Chinatown. Và Tony theo chân họ.

Ông bắt đầu buôn bán ma túy vào khoảng 13 tuổi. Tony nhớ mình đã làm việc hết sức và kiếm được $500 đô mỗi ngày. Và rồi ông ta sa lưới khi bán ma túy cho một cảnh sát chìm bên ngoài trạm xe điện Cabramatta.

Chính trong trại giam dành cho trẻ vị thành niên – nơi Tony đã trở đi trở lại nhiều lần – mà ông bắt đầu suy nghĩ về những lựa chọn của mình và gia đình băng đảng của mình.

“Có một gì đó trong tôi muốn làm điều đúng. Hãy ra khỏi và làm lại cuộc đời. Mặt khác, tôi cảm thấy tức giận với cái gọi là tình anh em, như băng đảng [China Town] này, họ nói rằng họ là anh em của tôi nhưng họ không bao giờ đến thăm tôi.”

Sau khi ra tù, Tony cắt đứt quan hệ với băng đảng và bắt đầu tạo đường dây ma túy của riêng mình. Khi 16 tuổi, ông đã kiếm được từ $7,000 đến $10,000 một tuần.

“Tôi học bảng cửu chương bằng cách đếm những tờ $50,” Tony nói. “Tôi ngồi đó và đóng gói những túi nhựa đầy tiền, mỗi túi là $10,000 đô. Và, tôi đã cảm thấy mình không ngu như cha thường rủa tôi.”

Tín hiệu của Chúa

Nhưng thời huy hoàng với ma túy không kéo dài. Tony nói rằng ma túy đã chia rẽ gia đình và bạn hữu của ông.

“Có rất nhiều nỗi đau đã diễn ra… [và] tôi là một phần chính của vấn đề, với tư cách là một kẻ buôn bán ma túy.”

Tony cũng phải chiến đấu với chứng nghiện và trầm cảm. Năm 21 tuổi, ông tự tử nhưng được anh chị em cứu sống.

“Đó là thời kỳ đen tối nhất trong cuộc đời tôi,” Tony kể. “Tôi chỉ không muốn sống nữa. Tôi sẽ xin với Chúa, tôi sẽ khóc và say khướt khi nhìn vào di ảnh của những người bạn và thành viên gia đình đã khuất.”

Trong một khoảnh khắc tệ nhất của đời mình, Tony đã đến một nhà thờ vắng người, cầu nguyện xin cho một dấu hiệu.

Ngày hôm sau, trên một con phố ở Cabramatta, ông nhận được dấu hiệu – theo đúng nghĩa đen.

Tony nói, “Tôi được đưa cho một tờ rơi có nội dung, “Nếu bạn đang tìm kiếm một dấu hiệu từ Chúa, thì nó đây rồi.” Đó là – ngay tại đó – sự thăng hoa của tôi. Không ai nhìn thấy tôi cầu nguyện vào ngày hôm trước, xin Chúa một dấu hiệu. Và tôi đã nhận được nó đây, rõ ràng trắng đen.”

Tony Hoang
Tony Hoàng buôn ma túy lúc còn học trung học. (Supplied)

Được cứu và tỉnh ngộ

Cơ Đốc Giáo đã đóng một vai trò tuy nhỏ nhưng quan trọng trong thời thơ ấu của Tony. Tony và các anh chị em đã học ở trường Công Giáo, và gia đình họ Hoàng đi nhà thờ mỗi tuần.

Tony nói, “Tôi lớn lên trong một gia đình tan nát, và tôi không có tấm gương tốt về người cha… nhưng tôi đã lớn lên với một đức tin. Thực ra, tôi đã từng muốn trở thành một linh mục… lúc 10 hay 11 tuổi.”

Dù có những trải nghiệm ban đầu này, Tony coi cuộc gặp gỡ trên đường phố năm 2004 mới là ngày ông được “cứu”.

Những người truyền giáo, thuộc Hiệp Hội Cơ Đốc Giáo Potter’s House Christian Fellowship, đã trao tặng sự thương yêu, sự đón nhận – những thứ mà ông đã thiếu trong hàng chục năm, đầu tiên là trong gia đình, sau đó là trong các băng đảng thời trẻ.

Tony nói về cuộc gặp gỡ đầu tiên này, “Một trong những anh em [Cơ Đốc] bắt đầu chia sẻ phúc âm với tôi, nói với tôi rằng Chúa Giê-xu thương yêu tôi biết bao, rằng Ngài đã chết vì tôi. [Đây là] những điều mà tôi biết trong đầu, nhưng không biết trong trái tim.”

Kể từ giây phút đó, Tony từ bỏ cuộc sống cũ của mình. Trong vòng một năm, ông hoàn toàn tỉnh ngộ – không dùng ma túy, rượu, thuốc lá và thậm chí không cả chửi thề.

Lúc đầu, gia đình và bạn bè của Tony hoài nghi về việc thay đổi này.

“Tất cả mọi người – các chị gái của tôi, gia đình tôi, những người tôi yêu thương – đều không tin,” ông nhớ lại.

“[Họ đã] nói, “Tony, ông đang trải qua một giai đoạn. Hãy dừng việc giảng Kinh Thánh cho tôi.”

Nhưng Tony vẫn bám lấy những nguyên lý Cơ Đốc. Trong vòng ba tuần sau khi trở lại đạo, Tony đã tham dự một hội nghị Kinh Thánh ở Perth. Chính tại đó, xung quanh là những anh em đồng đạo, ông “cảm thấy Đức Chúa Trời phán với mình.” Thông điệp rất rõ ràng, ông được kêu gọi trở thành một nhà thuyết giáo.

Ông nhớ lại, “Tôi đứng dậy với đôi mắt đẫm lệ và cúi đầu. Tôi nói, “Chúa ơi, nếu Ngài đang gọi con, xin hãy chuẩn bị cho con.”

Tony sau đó trở thành tuyên úy của trường và được tấn phong mục vụ vào năm 2012.

Hiện nay, ông là mục sư cấp cao tại Potter’s House Christian Fellowship ở Fairfield.

Bị cho là tà giáo

Trong khi cộng đồng Cơ Đốc là chiếc phao cho Tony Hoàng, giáo phái Pentecostal này đã bị chỉ trích vì niềm tin cứng rắn và hành vi bị cáo buộc giống như một tà giáo.

Trong tháng Tư, một cuộc điều tra của chương trình TV 60 Minutes và nhật báo Nine đã đưa ra các cáo buộc rằng Potter’s House Christian Fellowship có “mức độ kiểm soát không lành mạnh” đối với các tín đồ hội thánh. Một cựu thành viên đã cáo buộc Hiệp Hội gieo rắc “nỗi sợ hãi và sự dối trá cho những người dễ bị tổn thương”.

Giáo phái Pentecostal được thành lập tại một thị trấn khai thác vàng ở Arizona vào những năm 1970, trước khi các chi nhánh được thành lập trên khắp thế giới, gồm cả ở Perth và sau đó là Sydney ở Úc.

Ông Rick Alan Ross – người sáng lập và giám đốc điều hành của Viện Giáo Dục Giáo Phái – là người quan sát các tà giáo, đặc biệt nhóm Potter’s House.

“Tôi bắt đầu vào thập niên 1980,” ông nói. “Tôi khởi nghiệp là một nhà hoạt động chống tà giáo ở Phoenix, Arizona.”

Ông Ross nói rằng ông biết đến Potter’s House Christian Fellowship sau khi các gia đình bắt đầu gọi cho ông, yêu cầu giúp đỡ,

“[Họ nói], “Chúng tôi muốn đem một người ra khỏi nhà thờ này. Nhà thờ có ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống của họ. Nó gây chia rẽ, ghẻ lạnh trong gia đình chúng tôi và chúng tôi lo lắng rằng điều đó sẽ thực sự gây tổn hại cho tương lai của thành viên gia đình này.”

Đối với ông Ross, một trong những yếu tố “đáng lo ngại” nhất về nhà thờ là xu hướng tạo ra sự phân chia giữa “chúng ta” và “họ” giữa các thành viên và những người khác.

“Nó khiến các thành viên trong gia đình chống lại nhau,” ông Ross nói.

“Nếu ai đó nằm ngoài những gì họ coi là “người Cơ Đốc chân chính” thì họ sẽ nói, “Người đó là một mối đe dọa. Đó là một người có khả năng là quỷ dữ hoặc xấu xa.”

Ông Ross là tác giả cuốn Cults Inside Out, How People Get In and Can Get Out phát hành năm 2014 (Lật Tẩy Tà Giáo, Làm Sao Người Ta Bị Đưa Vào và Làm Sao Thoát Ra). Ông coi Potter’s House Christian Fellowship là “một tổ chức tôn giáo độc tài phá hoại.”

Trong khi nhìn nhận rằng nhà thờ và các thành viên của Hiệp Hội này đã làm “những điều tốt đẹp” – chẳng hạn như giúp mọi người tìm việc làm hoặc ngừng sử dụng ma túy – ông tin rằng sự đánh đổi là không đáng.

“Câu hỏi cho tôi là, [nhà thờ] đòi hỏi điều gì?” Ông Ross nói.

“Và có cách nào khác để họ ảnh hưởng đến cuộc sống của một người?”

Đức tin giữa bi kịch

Tony Hoàng bác bỏ quan điểm cho rằng Hiệp Hội là một “tà giáo”. Ông cho biết các thành viên có thể tham dự thường xuyên – hoặc không thường xuyên – tùy ý.

Ông nói, “Một giáo phái tà sẽ muốn giữ người ta ở trong [và] kiểm soát người ta. Tôi không làm điều đó. Chúng tôi không làm điều đó. Mọi người được tự do đến [và] đi tùy thích, và nếu chúng tôi không phải là nơi họ có thể nhận giúp đỡ, thì [tôi nói] hãy đến một nhà thờ khác và tìm một nhà thờ có thể giúp đỡ họ.”

Tony nói thêm rằng ông đã hợp tác với các mục sư và nhà thờ bên ngoài Hiệp Hội Cơ Đốc Giáo Potter’s House.

Ông hiện đang điều hành một chương trình có tên là Inspire180, nhằm đánh đổ huyền thoại hấp dẫn của ma túy và “lối sống xã hội đen.” Và ông thường xuyên nói chuyện tại các nhà tù vị thành niên, trại cai nghiện và trường học.

Tony nói, “Tôi có một niềm tin giờ đây đã được thể hiện trong cộng đồng. Từ việc giúp đỡ những người nghiện ma túy, ngăn chặn những người tham gia băng đảng, đến giúp đỡ những người vô gia cư. Tất cả là do niềm tin của tôi vào Chúa – tôi không ép buộc mọi người. Nếu mọi người muốn biết về điều đó, họ muốn biết về tôi, [thì] tôi rất biết ơn.”

Tuy nhiên, Tony cũng biết rằng có một số thành viên cũ của nhà thờ đã có những kinh nghiệm khác.

Ông nói, “Tôi không thể nói lên hết sự đau đớn dành cho những người đã có trải nghiệm xấu trong nhà thờ của chúng tôi. Đó là do lỗi của con người.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT