
(Getty Images)
Bài CHU TẤT TIẾN
Buổi chiều tháng 6, trời hơi lạnh. Ngồi trước bàn làm việc, vô tình nhìn thấy đĩa DVD do một bạn học Lê Bảo Tịnh từ những năm 1956-1959 gửi cho, có hàng chữ: “Các Thầy cũ: Cha Cửu, Thầy Hồ, Thầy Oánh, Cha Vinh, Cha Thuấn, Thầy Dậu, và học sinh cũ: Cha Lục,” vội cho vào máy vi tính và chờ đợi.
Từ monitor, hình ảnh những bông hoa huệ, hoa Lay-ơn, hoa cúc chầm chậm hiện ra cùng với giọng hát ngọt ngào của một nữ ca sĩ bài “Trường Cũ, Tình Xưa,” sáng tác của Duy Khánh, bất chợt làm tim như ngừng đập: “Hôm nay, tôi trở về thăm trường cũ. Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ. Bên hiên, hằng giờ, tìm những bạn xưa… Bâng khuâng đợi chờ, người sao chẳng đến, hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm. Cây dương đầu trường còn khắc hàng tên. Hoa leo phũ phàng đan kín. Tiếng ve ru, nghe gợi buồn thêm… Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày xưa. Vang trong nỗi nhiềm nhung nhớ. Có ai đi thương về trường xưa?”
Rồi từ từ những chân dung của các vị Thầy ngày trước lướt qua, những khuôn mặt thân quen, đáng kính nhưng khác hẳn hồi xưa ấy vì mái tóc quý Cha, quý Thầy đã bạc trắng, những cặp lông mày cũng bạc xơ và các nếp nhăn chồng lên nếp nhăn. Những nụ cười đã méo mó, không tươi, dù đã cố gắng muốn tặng cho người xem hình tình cảm thân thiện, vui vẻ, cởi mở ngày đó. Có vị hai tay hai gậy, nhưng muốn nhoài mình ra phía trước như để gặp lại những đứa học trò cũ, xem đứa nào còn hay mất, đứa nào thành công, tên nào bất hạnh, cũng như để nghe lại những tiếng gọi “Thưa Cha, Thưa Thầy” của những đứa học trò cũ.
Một vài bức hình chụp quý Cha, quý Thầy ngồi im lặng, đối diện với nhau, nhớ về quá khứ, thời mà quý Thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống đám học trò lau nhau, quậy phá, cười dỡn. Có lẽ quý Thầy chỉ nhớ đến học sinh nào quậy nhất, học giỏi nhất cũng như lười nhất, nghĩa là chỉ nhớ đến những cái “nhất” của học trò, còn những đứa bình bình, không có gì đặc sắc thì chịu, không nhớ nổi. Và mỗi lớp, các Thầy chỉ nhớ vài đứa. Nhưng với thời gian, ký ức của các vị Cha, Thầy này không thể chứa hết danh sách của vài ngàn học trò qua bao nhiêu năm, tặng lá phổi cho thế hệ tiếp nối. Điều chắc chắn là Quý Vị Sư Phụ thắc mắc là trong số những đứa học trò năm ấy, bao nhiêu đứa đã tiếp tục được công việc của quý Thầy là miệt mài trao tặng kiến thức cho đời sau…
Rồi hình ảnh tiếp nối hình ảnh. Âm thanh tiếp nối âm thanh. Tiếng hát của người ca sĩ như những nhát dao cắt vào tim, khi nghĩ đến những khuôn mặt các vị Sư Phụ ấy đã không còn, không còn trên thế gian. Thầy Oánh, Thầy Hồ, Thầy Dậu... đều đã đi cả. Cha Yên, Giám Đốc, đã lên Trời. Cha Thuấn, Cha Vinh, Cha Cửu, đã mấy chục năm không nghe tin, có lẽ đã về chầu Chúa cả rồi?
Rồi, sau khi nhớ về Quý Cha, Quý Thầy, điều làm tim đau nhói là khi liên tưởng đến các bạn học ngày ấy, bây giờ họ ở đâu? Còn sống được bao nhiêu? Còn khỏe được mấy người? Có ai còn nhớ đến mình không? Bao người còn nhắc đến tên mình, đến những kỷ niệm thời ấy với mình? Còn nhớ đến những lần cãi nhau, giận hờn, hay vui mừng khi gặp mặt? Ngay cả thằng ngồi kế bên mình, từng chia xẻ cái bút, cây thước kẻ, có còn nhớ đến mình không? Rồi, vài năm nữa, ai đi trước, ai đi sau? Ngày mình ra đi không mang vali, bạn có đến nhỏ được giọt nước mắt nào cho mình không?
Nhiều nhà văn đã ví đời người như một chuyến tầu vĩnh viễn. Người lên trước, kẻ lên sau. May mắn thì đi cùng nhau qua nhiều ga, trạm, rồi lần lượt xuống ở trạm cuối của đời mình. Không bao giờ có việc cùng lên tầu và cùng xuống một trạm. Trong suốt thời gian ở trên chuyến tầu vĩnh cữu ấy, biết bao nhiêu biến cố đã xẩy ra, hạnh phúc và bất hạnh cứ thay đổi chỗ cho nhau, và nếu có duyên thì cùng nhau chia xẻ những vui buồn trong vài khoảnh khắc rồi thôi. Cuộc đời thật là Vô Thường! Chẳng có gì là vĩnh viễn, không có chi là trường cửu, ngoài Tình Yêu, Tình Cha Mẹ, Tình Thầy Trò, Tình Bạn. Vì thế, xin hãy chia sẻ với nhau, khi còn có thể, một chút Tình nào đó, để cho những thời gian còn lại trên chuyến tầu vĩnh cửu, chúng ta nhìn nhau mà cùng nở những nụ cười hạnh phúc.
(6 tháng 6, 2021)