Chuyện Nước Pháp

Trưng bày lịch sử 20-50 và thế chiến thứ Hai 39-45 (kỳ 2, hết)

Monday, 09/04/2018 - 10:54:35

Lên mạng tìm, chúng ta sẽ thấy toàn là thứ này vẫn còn được làm ra, giá cả rất đắt từ bốn đến năm chục đồng Tây một cái. Hầu như mua về làm sưu tầm tư nhân, mấy thế kỷ sau con cháu bán lại thu về khối tiền.

Bài NGỌC DIỄM

Chiếc xách tay phụ nữ (sac à main) làm bằng chất nhựa bên mặt ngoài đính cườm họa hình hoa hồng với cành lá thời đại ấy hiện giờ đã hoàn toàn lỗi thời và biến mất dạng không sản xuất ra nữa. Phụ nữ thời 50 hay cầm chiếc xắc tay chỉ có một quai, thường làm bằng da, quai nạm vàng giả. Lên mạng tìm, chúng ta sẽ thấy toàn là thứ này vẫn còn được làm ra, giá cả rất đắt từ bốn đến năm chục đồng Tây một cái. Hầu như mua về làm sưu tầm tư nhân, mấy thế kỷ sau con cháu bán lại thu về khối tiền.


Ảnh chụp loại y phục công sở của phụ nữ năm 1948. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Loại trang phục chỉnh tề trong hình, còn gọi là tailleur, áo vét và váy đầm cùng tiệp màu rất thông dụng thời ấy. Bên trong là áo lót và áo sơ mi trắng. Ve áo vét có đính cành hoa. Tôi nhớ lại thời xưa, cô giáo dạy Nhạc trường trung học mặc áo dài rất đẹp và cổ áo luôn luôn có đính cành kim thoa Tây gọi là broche. Thông thường, tác dụng của cành thoa bằng kim loại nhẹ đủ kiểu nhằm làm tăng thêm phần duyên dáng cho người mang nó trên ve áo. Đã vậy, điều này còn làm chủ nhân trông sang trọng và lập dị hơn nữa.
Vào thế kỷ XXI, các thứ trang sức này có thể được gắn trên cả cái xách tay, áo thun, quần dài, va li, vòng cột tóc, mũ nón v.v. Bên Tây, các cô gái và mệnh phụ phu nhân thường hay gắn nó về phía tay trái. Áo dài Việt Nam truyền thống thì gắn ngay chính giữa cổ áo.

Tôi nhớ lại và thầm công nhận ngày ấy cô giáo có cành thoa đẹp trông quý phái, trang trọng, duyên dáng hơn các cô giáo khác chút xíu vì cô nào cũng cao lớn và đặc biệt thật xinh đẹp dưới mắt các em học sinh. Các cô lại được phép trang điểm son phấn nên mới thành lộng lẫy khác thường.

Lạ hơn nữa, chỉ có cô giáo ấy là ngồi chiếc xe nhà màu đen như mệnh phụ phu nhân các ông lớn để đến trường do tài xế riêng đưa rước. Và cô hát hay nhất nước lúc đó, tiếng hát tự nhiên không cần micro mà trong vắt như suối nguồn và thanh tao thu hút không thể tả được… Ôi, một thời kỳ lịch sử riêng vô giá đã lùi sâu vào dĩ vãng.


Bản đồ đường xá nước Pháp rất đơn sơ. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Giá của tấm bản chỉ đường này chỉ có 30 xu, lúc còn tiền tệ tính theo đồng quan cũ. Hiện nay giá một Âu kim (Euro) là sáu đồng quan xưa (franc). Trên bản đồ có ghi rõ đây là bản rẻ nhất, tiết kiệm nhất và đầy đủ nhất dành cho người đi xe đạp, xe hơi và du khách. Còn toàn thể nước Pháp khi đó chỉ chia ra làm 18 phần giá bán bản đồ đô thị là năm quan. Bên cạnh nó là đôi giày vải cột dây đế thấp và cái hộp sành đựng sô cô la hiệu Poulain trống không cắm cờ Tây quảng cáo nói rằng hãy nếm thử và so sánh vì nó tuyệt nhất. Đó là lời mào đầu chào hàng của hãng này.
Thương hiệu Poulain lâu đời từ năm 1848 với hình con ngựa non trẻ miệng ngậm thỏi sô cô la chạy tung tăng vui vẻ. Tình cờ, ông chủ sáng lập tên như vậy: V.A. Poulain. Danh từ Poulain có đến ba nghĩa, trong đó hai nghĩa còn lại là chỉ người mới vào nghề đã giỏi có tương lai sáng lạn, và nghĩa chót là dụng cụ để lấy ra hay lấp đầy hàng hoá từ các thùng gỗ tròn rất lớn bằng cây hay kim loại. Đây là một trong ba thương gia lớn nhất nước Pháp đi tiên phong trong ngành chế biến sô cô la bột hay thanh đặc, xưa hơn là Suchard 1826 và Menier 1836.


Thẻ căn cước của nữ công dân Pháp, còn là sinh viên. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trên thẻ (carte didentité) có ghi tên họ, nghề nghiệp, ngày sinh, nơi sinh, địa chỉ, quốc tịch và giấy chứng nhận lời khai vốn là sổ khai gia đình. Tất cả đều bằng giấy chưa hề bọc nhựa và hình đen trắng, chữ viết họ thật to và kiểu cọ cho nổi bật. Dưới hình là chữ ký của cô gái. Không thấy ghi ai cấp, ngày nào, nơi đâu. Trong khi hiện nay, thẻ căn cước mới nhất của thế kỷ XXI có hình màu và hiệu lực đến 15 năm. Nhân vật cấp cho là đại diện Toà Thị Chính, nơi công dân cư ngụ. Đặc biệt có lấy thêm dấu vân tay của người xin thẻ nhưng tích trữ riêng trong máy tính không in trên thẻ bọc nhựa nhỏ bằng lòng bàn tay.


Thẻ sắt căn cước tù binh Pháp bị bắt giam đưa qua Đức tạm trú. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Thật kinh hoàng khi chúng ta được biết con số tù nhân lính Pháp bị bắt năm 1940 vào mùa hè sau khi Pháp đầu hàng là 1,845,000 người đưa qua Đức! Khoảng một phần ba được thả về vì những lý do khác nhau. Số người bị đày đi trại giam đặc biệt có tên là Stalag viết tắt của tiếng Đức rất dài hàm ý nơi giam lính trơn và hạ sĩ quan lên đến khoảng hai chục ngàn. Còn bậc sĩ quan bị giam ở Oflags.

Có khoảng 250,000 người trốn được ở lại Pháp trước khi bị đưa đi. Qua đến Đức, con số tù nhân vượt ngục trong thời gian hè 40 đến thu 42 là 80 ngàn người. Một số lớn được đưa trở về Pháp vì bệnh tình trầm trọng, 50 ngàn người qua đời hay mất tích khi bị giam cầm. Hè 45, họ trở về Pháp khi Đức bại trận trong tinh thần không vui vẻ gì.

Một số tù binh còn bị chê trách là đầu hàng nhanh quá chứ không hề chiến đấu cho quê hương đến tận cùng. Cạnh đó, còn có một số tù binh ngoại quốc đánh thuê cho Pháp bị đối xử tệ bạc hơn. Trong số vài chục ngàn người gốc Phi Châu có chừng hai ngàn tù binh Đông Dương.
 

Vật dụng hàng ngày của tù binh Pháp còn để lại làm kỷ tích. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Dưới thời Đức “đô hộ” Pháp, dân chúng bị sống thiếu thốn khắc khổ và phần ăn đều có giới hạn. Mỗi gia đình chỉ được mua một số thực phẩm hay được phát cho bánh mì đen ngòm, ướt mèm, dính khắn. Khi nào có bánh mì trắng là sướng như tiên. Nhờ hiệp ước Genève, tù binh Pháp viết thư về thăm vợ con, những người này trở thành chinh phụ trong mấy năm dài rất đau khổ về tinh thần lẫn vật chất.
Tuy thế, những phụ nữ Pháp đầy can đảm đã cùng nhau nhất quyết chịu đựng qua ngày vì họ chờ đợi lúc trở về của chinh phu qua tin tức hàng tuần. Nhiều gia đình bị nạn đói rình rập nhưng rồi cũng trải qua đại họa khi người cha vượt ngục trở về được làm đầu tàu kéo đi. Một số bức ảnh cũng ghi lại sự phòng tránh máy bay Đức dội bom, cách dùng mặt nạ chống hơi ngạt cho dân sự.
Bên lề cuộc trưng bày, phía bên kia thương xá có một chiếc xe hơi đen hiệu Citroen đã chạy từ năm 1935. Tôi nhớ đến kỷ niệm cũ, một phụ nữ năm xưa đã lái chiếc xe giống y chiếc này và bà luôn luôn đậu nó bên kia đường rồi băng qua vào xóm nhỏ. Sự kiện thật hiếm có vô cùng khi đó, những năm 1960-65. (nd)


Chiếc xe thật đẹp xuất hiện từ năm 1935 còn bảo quản đến nay. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

 

 


 


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT