Phóng Sự

Trò chuyện cùng họa sĩ Nguyễn Việt Hùng về vẻ đẹp muôn sắc của hội họa (kỳ 2)

Friday, 07/02/2020 - 05:43:42

Graphic Design là công việc kết hợp giữa các hình ảnh, kí hiệu, họa tiết và chữ viết, để tạo nên tác phẩm lên một bề mặt chất liệu nào đó nhằm tạo ra thông điệp


Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng bên tác phẩm của ông trong cuộc triển lãm Paths do VASCAM tổ chức năm 2018 tại hội trường Việt Báo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

 




Bài BĂNG HUYỀN

Graphic Design là công việc kết hợp giữa các hình ảnh, kí hiệu, họa tiết và chữ viết, để tạo nên tác phẩm lên một bề mặt chất liệu nào đó nhằm tạo ra thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Để giúp mọi người hình dung tốt hơn, hiểu rõ hơn về một vấn đề nào đó. Những Graphic Designer sẽ diễn đạt câu chuyện, thông điệp và ý tưởng của doanh nghiệp hoặc cá nhân họ muốn đưa đến với mọi người. Chúng có thể là các poster phim, show âm nhạc, các tấm bảng quảng cáo sản phẩm, flyer về cơ sở thương mại… với thiết kế màu sắc thu hút thị giác người nhìn.

Mối quan hệ giữa graphic design và hội họa

Không chỉ là một họa sĩ đã tạo được chỗ đứng và tên tuổi trong dòng chính tại Hoa Kỳ, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng còn làm việc trong lĩnh vực Graphic Design để sinh sống và nuôi dưỡng đam mê hội họa.
Nói về mối quan hệ giữa Graphic Design và hội họa, về công việc Graphic Design có hỗ trợ cho phong cách hội họa của ông hay không, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng cho biết, “Nghề Graphic Artist cùng với nguồn lợi tức của vợ tôi đã giúp tôi và gia đình tôi sinh sống, trả nợ và hỗ trợ việc học hành của hai đứa con tôi. Và sau khi mọi chuyện yên ổn, tôi đã về hưu được 5 năm rồi.


Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng đang trò chuyện cùng người xem tranh đến dự triển lãm Paths của ông do VASCAM tổ chức ngày 14 tháng 7, 2018 tại hội trường Việt Báo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

“Tôi nghĩ tùy theo chuyện gì mình làm trong lãnh vực Graphic Design, nếu mình phối trí đường nét, không gian hoặc màu sắc thì không ít thì nhiều cũng là cách phát triển thêm khả năng trong hội họa thuần túy. Việc tôi làm thì quá chuyên môn và thiên về kỹ thuật; tôi vẽ và thiết kế các cơ phận, dụng cụ, máy móc cơ khí cho máy bay, trước thì vẽ trên giấy với dụng cụ thước đo, sau này thì trên máy computer. Sản phẩm là bảng chỉ dẫn bằng hình vẽ, tương tự như nếu bạn mua bàn ghế ở IKIA có tờ hướng dẫn lắp ghép qua hình vẽ.
“Có điều chuyện tôi vẽ phức tạp hơn. Nói chung nghề Graphic Design của tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ thôi, những điều tôi làm trong nghề Graphic Design trong 30 năm giúp tôi về hội họa là có bố cục cân bằng, về sự sắp xếp trong không gian, bởi vì tôi tạo dựng các hình vẽ trên không gian ba chiều 3D, mà nguyên thủy là từ những bản vẽ hai chiều 2D. Tôi vẽ bên Graphic Design không có màu, tất cả đều là hình trắng đen. Còn bên hội họa, tôi sử dụng đủ các màu sắc khác nhau đưa vào tranh của mình.
“Phần chủ yếu trong nghề Graphic Design là giúp tôi về tài chánh vì lương cao, và giúp tôi có sức để vẽ nhiều vì công việc hàng ngày trong sở làm khá nhàn hạ. Tôi đánh giá đó là yếu tố tích cực cho sự thành công về hội họa của tôi. Tôi nghĩ khi mình vẽ là giây phút riêng tư nhất, tác phẩm là kết nối tất cả từ ý thức đến vô thức, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Nên nghề Graphic Design cũng như những phần khác trong cuộc đời của tôi đều dự phần vào các sáng tác hội họa của mình.”


Tranh của Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng tham gia trong triển lãm Los Angeles Art Show. (Hình cung cấp)

 

Ngành học và nghề Graphic Design

Giới thiệu vài nét tiêu biểu về ngành học Graphic Design và nghề Graphic Design tại Hoa Kỳ, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng nói, “Đây là ngành nghề thông dụng cho những ai yêu thích nghệ thuật tạo hình, bởi vì làm họa sĩ sáng tác thuần túy thì khó mà sống còn, nên trong các trường lớp dạy về nghệ thuật tạo hình, luôn có lớp học về Graphic Design. Nhưng nói chung thì cũng là một ngành nghề không cần chứng nhận certify bởi cơ quan trách nhiệm, nên lương bổng và trách nhiệm thay đổi tùy nơi, không như bác sĩ, luật sư. Nếu bạn giỏi và làm đúng chỗ thì mức lương và địa vị của bạn còn hơn những nghành nghề cao trong xã hội, con số này thì cũng ít thôi. Một số họa sĩ làm công việc này, toàn thời gian hay bán thời gian, cũng chỉ là để nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa của mình.”
Riêng về vai trò của Graphic Design trong cuộc sống, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng nhận xét, “Tôi có thể nói rằng nghề Graphic Design không làm ra sản phẩm thực tế và trực tiếp, thí dụ lon nước ngọt, bịch nho khô, thành phẩm chính từ nguyên liệu và những công nhân chế biến, nhưng hình ảnh nhãn hiệu bắt mắt là từ Graphic Designer tạo ra hình ảnh đẹp tăng sự chú ý của khách hàng.
“Trong thời đại toàn cầu hóa, khi các sản phẩm khắp nơi được giới thiệu đến khách tiêu dùng, trước khi xác định thành phẩm tốt hay xấu, thì bộ mặt bề ngoài rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong bước thử nghiệm đầu tiên. Ở đây tôi chỉ nói về một khía cạnh của hàng tiêu dùng, Graphic Design đã có mặt khắp nơi trong một xã hội phát triển. Graphic Design luôn có chỗ đứng trong những khâu quảng cáo, thiết kế, phim ảnh, giải trí, v.v.. Một thí dụ khác: Nước Nhật là xứ sở dùng nhiều về graphics, các biểu tượng hình ảnh trên đường phố đóng góp thiết thực vào đời sống đô thị, tạo nên một trật tự nào đó.”


Một người không biết vẽ có nên học Graphic Design? Học Graphic Design có cần vẽ đẹp hay không?

 

Họa sĩ N.V. Hùng: “Khi một người học Graphic Design là chắc họ cũng thích điều gì về nghệ thuật thị giác rồi, tôi nói đến đường nét, màu sắc, khối thể. Chuyện vẽ đẹp hay xấu không là phải là yếu tố để thành Graphic Designer, nhưng một người có năng khiếu về nghệ thuật thị giác thì chắc sẽ dễ thiết kế đẹp hơn. Hồi xưa khi tôi vào nghề, vẽ bằng tay, nên vẽ đẹp vẽ xấu cũng thấy được. Sau khi chuyển qua vẽ trên computer thì đường nét giống nhau, người giỏi hay thường nhận biết được qua cách sắp đặt phối trí và độ phức tạp khó khăn của công trình.
“Ngoài ra có những thiết kế rất đơn giản nhưng đầy sáng tạo thì người Graphic Design nầy giỏi. Giỏi đây cũng từ năng khiếu và sự học hỏi. Cũng như hội họa người Graphic Design cũng nên xem nhiều để có chất liệu cho những thiết kế kế tiếp
“Có người vẽ xấu (cho tôi mỡ ngoặc đóng ngoặc ở đây, vẽ xấu là sao? Trong nghệ thuật thị giác thì từ xấu đẹp cũng khó mà khẳng định) nhưng giỏi về bố cục và màu sắc thì vẫn làm những thiết kế đẹp, computer vẽ đường nét theo ý mình, nét ai vẽ cũng như nhau.”


Muốn trở thành một họa sĩ thì cần những kỹ năng gì? Và muốn trở thành nhân viên Graphic Design thì cần những kỹ năng gì?

Họa sĩ N.V. Hùng: “Ai cũng có thể gọi mình là họa sĩ, một công việc đâu cần giám định certify. Đi học để vẽ hay hơn đẹp hơn, nhưng không ai có thể dạy bạn thành họa sĩ. Do đó nếu cái nghiệp bạn là họa sĩ thì bạn sẽ thành họa sĩ, thành công hay không tùy thuộc tài năng, đam mê cũng như kiên trì làm việc học hỏi, và sự may mắn đúng thời đúng chỗ.
“Graphic Designer thì cần học những lớp căn bản, cần thực tập mày mò nhiều. Cũng như những nghành nghề khác, có người giỏi có người thường. Nhưng ra đời lại là một chuyện khác, nói chung nghành nghề nào cũng vậy có yêu thích thì sẽ dễ dàng hơn. Nghề này có thể cần biết về tâm lý quần chúng nữa. Vì khi tạo mẫu ra một hình vẽ của sản phẩm nào đó, thì phải hiểu rõ tâm lý mới tạo được sự bắt mắt. Ngoài tài về màu sắc, đường nét, cần thêm phải tìm hiểu tâm lý quần chúng. Đây không còn là sản phẩm riêng mình, mà là sản phẩm của người khác.
“Trong hội họa, vẫn có những họa sĩ vẽ theo quần chúng, để bán tranh, nhưng đa số là vẽ cho cảm xúc của chính mình. còn họa sĩ thiết kế thì không còn tạo ra riêng tư cho mình nữa, mà cho người khác. Tôi nghĩ Graphic Design dành cho những ai yêu thích thiết kế nghệ thuật, một công việc có dính dáng đến nghệ thuật, sản phẩm theo cung cầu, nên có đồng lương. Cũng là lối giải quyết cho những nghệ sĩ sáng tác cần tài chánh để sống.”


Một tác phẩm Graphic Design được phổ biến trên internet.

 


Những đặc tính thị giác nào cần nắm vững để không mắc sai lầm trong thiết kế?

Họa sĩ N.V. Hùng: “Một số điều căn bản trong một bản vẽ hoặc thiết kế, như bố cục và màu sắc, sự sắp đặt đường nét, không gian và màu sắc có hài hòa, có cân xứng để người nhìn vào không có cảm giác khó chịu. Cái mức độ khó chịu này cũng có nhiều tầng lớp, khó chịu hơi hơi hay nhiều hay bực bội.
“Người Graphic Design kinh nghiệm sẽ dễ dàng chỉnh những thiếu sót này. Nhưng đó là tôi nói rất chung chung thôi, chứ thế giới Graphic Design bây giờ muôn vàn muôn cách tùy thuộc vào sự nhạy cảm và đòi hỏi của thị trường, có những design không theo quy luật cơ bản, họ có thể sắp xếp bố cục nghiêng ngã kỳ lạ, màu sắc chỏi nhau, để đạt đến điều họ mong muốn từ sự phản ứng của những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Mục tiêu của họ là ai, thì sản phẩm sẽ theo hướng đó.”


Người ta thường nói “Đằng sau thành công của một người đàn ông, luôn có bóng dáng của một người đàn bà,” xin ông bật mí một chút về “một nửa” của mình? Công việc vẽ tranh của ông nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ phía gia đình?

Họa sĩ N.V. Hùng, “Tôi gặp vợ tôi, nhân chuyến cô du lịch sang Mỹ thăm gia đình năm 1984, và hai tuần sau chúng tôi làm đám cưới trên tòa đô chánh Santa Ana. Và cô trở về lại xứ Pháp, chờ giấy tờ hợp lệ mới qua đoàn tụ. Trong thời gian chờ đợi, tôi có dịp sang Pháp thăm vợ và gia đình bà chị, tôi đã đi thăm viếng các viện bảo tàng và những địa danh ở Paris, nơi các danh họa, những nghệ sĩ, những triết gia từ những thế kỷ trước đã sống, sáng tác và sinh hoạt.
“Và cũng từ đây niềm đam mê hội họa trở lại với tôi, để từ đó tôi dành thời gian nhiều cho vẽ. Tôi may mắn có được người vợ rất tốt, cho tôi những giờ giấc và khoảng trống riêng tư. Tôi nghĩ vợ tôi rất thông minh, không phải là sự đầu tư vào hội họa của tôi, mà cho tôi thỏa thích với niềm đam mê hội họa để không còn thời gian với những thú vui tiêu cực khác. Thử nghĩ nếu tôi không miệt mài vẽ thì ai biết sẽ có những chuyện xấu gì đã xảy ra?”


Một tác phẩm Graphic Design được phổ biến trên internet


Ông có hướng con cái theo nghiệp vẽ không?

 

Họa sĩ N.V. Hùng: “Hình như chẳng cha mẹ nào thúc đẩy con cái theo hội họa cả, ngoại trừ họ nhận thấy năng khiếu phi thường. Nhưng tôi sẽ giúp đỡ hỗ trợ nếu con của tôi quyết tâm chọn hội họa. Tôi quan niệm hội họa là nghiệp chứ không phải nghề, đơn giản là ai thích làm nhiều tiền thì không nên chọn nghề hội họa, sự thành công danh tiếng của họa sĩ là một chỉ số hiếm hoi, và đa phần cũng không còn tại thế để hưởng những thành tựu của mình.”
Theo họa sĩ Việt Hùng, người ta nói rằng nghệ thuật khởi đi từ bi kịch là rất đúng. Cuộc đời của những nghệ sĩ vang danh thế giới nói chung, hay những danh họa nổi tiếng từ xưa đến nay nói riêng, thì luôn có những bi kịch buộc họ phải đối diện. Mỗi cá nhân trong đời sống này đều có nỗi khổ tâm riêng, nhưng với người làm nghệ thuật, họ đã sử dụng sáng tạo nghệ thuật để giải quyết nỗi khổ tâm đó tốt hơn.
Họa sĩ Việt Hùng bày tỏ, “Người họa sĩ cô đơn, đó không phải là sự khiếm khuyết. Mà cô đơn là rất cần thiết, cô đơn là một sức mạnh. Khi mình không cô đơn, quá nhiều bạn bè để mình gặp gỡ, tụ tập, thì những sản phẩm làm ra cũng bị ảnh hưởng sự xôn xao náo nhiệt đó. Cô đơn để làm ra những sản phẩm thực sự của mình, để mình đối diện sự cô đơn của mình, làm ra những gì rất đặc biệt. Tôi không biết những họa sĩ khác ra sao. Đối với riêng tôi, rất cần sự cô đơn, và sự riêng tư đó được chuyển thành tác phẩm. Đó cũng là cách thoát ra khỏi sự cô đơn, bộc lộ ra được sự cô đơn của mình lên tác phẩm.
“Có những người không bao giờ đối diện được với cô đơn, nên tìm đến những cuộc vui, mong giúp bản thân quên đi. Nhưng rốt cuộc sau khi những cuộc vui kết thúc, thì cô đơn vẫn còn đó. Còn người nghệ sĩ nói chung, hay họa sĩ nói riêng, dùng sự cô đơn để làm ra tác phẩm. Khi mình cô đơn, tâm tĩnh lặng, sẽ tạo nên một sức mạnh đạt đến sự tỉnh thức, lúc đó sự sáng tạo sẽ thăng hoa. Nếu tạo ra được những tác phẩm hay, tốt, thì đó là sự cống hiến rất đặc biệt cho văn học nghệ thuật.”


Một tác phẩm Graphic Design được phổ biến trên internet

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT