Phóng Sự

Trò chuyện cùng họa sĩ Nguyễn Việt Hùng về vẻ đẹp muôn sắc của hội họa (Kỳ 1)

Friday, 31/01/2020 - 07:18:43

Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, người họa sĩ có vẻ ngoài giống như một nhà hiền triết, mái tóc dài ngang vai trắng như cước, nụ cười thân thiện và tươi rói.

Giao Hưởng # 30, sơn dầu trên vải bố, 60 x 48 inches, 152 x 122 cm. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN


Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, người họa sĩ có vẻ ngoài giống như một nhà hiền triết, mái tóc dài ngang vai trắng như cước, nụ cười thân thiện và tươi rói. Tiếp xúc với ông, nói chuyện với ông mới thấy rõ sự lạc quan, vui vẻ, hài hước, yêu đời luôn toát ra từ lời nói đến phong thái, cử chỉ... Ông còn tạo bất ngờ cho người viết, bởi những suy nghĩ rất giản dị, rất đời và lại rất sâu của người họa sĩ đã có chỗ đứng vững vàng trong giới hội họa của dòng chính và cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Họa Sĩ Nguyễn Việt Hùng sinh tại Việt Nam, theo học ngành Sinh Vật tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Định cư ở Hoa Kỳ năm 1982, ông chuyển sang ngành họa sĩ minh họa, đồ họa và thiết kế. Từ năm 2015, ông đã dành toàn thời gian cho sáng tác hội họa và đã tham dự hơn 100 đợt triển lãm. Ông theo đuổi con đường nghệ thuật một cách độc lập, nghiên cứu nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống của cả Đông lẫn Tây. Tranh của Nguyễn Việt Hùng có sức biểu cảm vô cùng mạnh mẽ. Các tác phẩm của ông đã thể hiện được cái “tôi” của mình rất đậm nét. Ông thường sáng tác các loạt tranh và đặt tên như, loạt tranh "Tâm Cảnh" (Mindscape) và “Linh Cảnh” (Sacred Landscape), loạt tranh “Nhân Vật” (Personage), loạt tranh “Cổ Tùng” (Ancient Pines), loạt tranh “Nơi Chốn,” v.v..


Cảm Tính Ven Biển # 34, sơn dầu trên vải bố, 60 x 48 inches, 152 x 122 cm. (Hình cung cấp)

 

Có những họa sĩ vẽ như một nghiệp, một đòi hỏi tự thân, không vẽ không được. Với họa sĩ Nguyễn Việt Hùng cũng không ngoại lệ. Xem tranh của họa sĩ Việt Hùng, người xem cảm nhận rõ xúc cảm ào ạt, cuộn sóng, tuôn trào trong tranh của ông. Đó còn là sự biến hóa của hình, của màu đã được chắt lọc đầy tinh tế đem lại hiệu ứng thị giác lạ lẫm, cứ thế từ từ mê dụ người xem vào "mê cung" của cảm xúc, của thông điệp nào đó mà mỗi người sẽ ngầm suy và cảm nhận theo cách riêng của mình. Mỗi bức tranh của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng không còn giá trị độc bản, mà với mỗi người xem tranh, sẽ có riêng những dị bản của riêng mình và chẳng có cái nào giống cái nào.

Trong một bài phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Việt Hùng đã được đăng trên Giai Phẩm Xuân Viễn Đông 2019, ông cho biết tôn giáo của ông là “Mỹ thuật,” lần trò chuyện này, người viết mời ông chia sẻ Mỹ Thuật đã ảnh hưởng đời sống tâm linh của ông ra sao?
Họa sĩ Việt Hùng bày tỏ, “Vâng, tôi vẫn cho rằng công việc sáng tác của tôi giống như một tu sĩ thực hành trong niềm tin tôn giáo, không có nghĩa tôi là người đạo đức trong những lãnh vực khác, nhưng đối với nghệ thuật nhất là bộ môn tạo hình thì tôi luôn cố gắng làm thật tốt và thật lòng. Trong cuộc sống, tôi là người bình thường không hoàn thiện, đương nhiên mắc phải vô số điều sai lầm, nhưng thời gian tôi dành cho hội họa quá nhiều, nên có thể nói đó là cách tôi tránh một số điều không tốt. Thực hành hội họa có thể hại cho tôi, nhưng không hại người khác là tôi cảm thấy được rồi. Có những lúc mình cảm thấy chán chường, những buồn phiền từ cảm nhận những điều khốn khổ không hẳn cho chính mình nhưng từ đồng loại, thiên nhiên, môi trường,… và chẳng làm gì được thì hội họa như là cứu cánh cho sự tiếp diễn cuộc đời này.”


Tâm Cảnh, (sơn dầu trên gỗ, 72 x 120 inches, 183 x 305 cm. (Hình cung cấp)

 

- Khi sáng tác tranh trong nhiều chục năm, có khi nào ông đã trải qua những khoảng thời gian bế tắc, khi cảm xúc mờ nhạt, khi cảm hứng không còn để có thể cầm cọ vẽ không?

Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng cho biết, “Khi tôi định cư ở Hoa Kỳ năm 1982, tôi làm đủ thứ nghề với đồng lương ít ỏi, ngoài công việc mưu sinh tôi vẫn tìm được một chút thời gian để vẽ, lúc được lúc không, bởi vì có ngày làm thêm giờ overtime, xong việc ở hãng thì cũng mệt nhoài.
“Có thời gian mấy năm liền khoảng từ 1985 đến 1992, tôi vẽ đều đặn hơn với phong cách Ấn Tượng Impressionism, và không đi xa được bởi vì người bản xứ họ vẽ đẹp quá. Tôi suy nghĩ vẽ như thế mình sẽ luôn đi sau người ta, một phần sức khỏe cũng hơi sa sút, nên tôi bỏ chuyện vẽ vời mà dấn thân vào những hoạt động ngoài thiên nhiên như cắm trại, đi rừng, leo núi,… Bẵng một thời gian dài, đến năm 2000, một thiên niên kỷ mới, như là một dấu mốc của thời đại. Tôi nghĩ tôi cần làm điều gì đó trước tiên là cho tôi, và hy vọng nếu có thể đóng góp gì cho văn hóa nghệ thuật, và tôi đã trở về với hội họa bằng một cách vẽ hoàn toàn mới, dần dần tạo được phong cách đặc biệt cho riêng mình.

“Thông thường sau một triển lãm lớn như triển lãm cá nhân Solo, tôi thường bị bảo hòa, cho dù kết quả có khích lệ đi nữa, thì mình cũng đuối sức và không thể vẽ gì thêm được. Đó cũng là lúc cho phép mình thư thả một thời gian, rồi từ từ nhớ sơn, nhớ cọ, nhớ màu sắc rồi lại lục đục vào phòng studio làm việc.”
Nói thêm về cách giúp mình tái tạo lại năng lượng cảm xúc và sáng tạo, họa sĩ Việt Hùng chia sẻ, “Không chóng thì muộn, đam mê sẽ đưa mình về với công việc mình thích. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, đối với tôi, những lúc chán chường bế tắc thì làm những công việc mà mình cũng yêu thích như đi đó đây, đi xem viện bảo tàng nghệ thuật.


Linh Cảnh IV # 2, sơn dầu trên vải bố, 48 x 36 inches, 122 x 91 cm. (Hình cung cấp)

 


“Nhiều năm trước, khi tôi bắt đầu nghiêm túc thực hành hội họa, giai đoạn chập chững bước vào dòng chính, tôi có nhiều suy tư là công việc mình vẽ, bỏ quá nhiều công sức để được cái gì ? Rồi tôi thường ra một nơi hoang vắng ở Palos Verdes, có tên là Inspiration Point, một điểm cuối nơi vách đá kề với mặt nước biển. Mình tự hỏi mình và tự trả lời mình, để xác định lại tại sao mình phải vẽ. Đó là cách tôi dẹp đi những so đo lấn cấn. Giờ thì tôi không cần tự hỏi nữa. Như là con nghiện, không vẽ sẽ không yên bình.”

Những triển lãm trong năm 2019

Nhắc lại những dấu ấn hội họa của cá nhân trong năm 2019 vừa qua, những triển lãm mà ông đã tham gia và những dự định sắp tới, những ấp ủ hứa hẹn mới mẻ hơn Nguyễn Việt Hùng của hôm qua và hôm nay?
Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng cho biết, “Trong năm nay 2019, tôi vẽ vẫn đều đặn nhưng tự bớt lại một số triển làm chung nhóm. Nhưng tựu chung cũng có 15 triển lãm được mời trong năm. Về mặt thương trường, một số tranh của tôi được sưu tập ở các hội chợ nghệ thuật, những buổi gây quỹ cho viện bảo tàng, viện văn hóa nghệ thuật, cũng như được sự ưu ái từ đồng hương nhân dịp triển lãm ở vùng Little Saigon Westminster, CA
*Một vài triển lãm tôi có tranh tham dự:
bG Gallery
Launch LA Gallery
Loft at Lizs Gallery
RAFFMA (Robert and Frances Fullerton Museum of Art)

*Một vài triển lãm tôi có tranh tham dự và được sưu tập:
Art & Home at Room & Board (Đấu giá gây quỹ giúp homeless)
Cerritos College Public Art Collection (Trường ĐH sưu tập tranh)
Jonathan Art Foundation (Đấu giá gây quỹ cho hội)
Laemmle Foundation (Triển lãm loạt tranh “PLACES” Nơi Chốn)
LBMA (Long Beach Museum of Art) (Đấu giá gây quỹ cho museum)
Los Angeles Art Show (Hội chợ nghệ Thuật LA)
Nhật báo Người Việt (triển lãm một số tranh mới)
“Trong tương lai tôi không có dự tính gì nhiều, do sinh hoạt lâu năm nên dễ được mời tham gia các triển lãm từ chung nhóm và triển lãm cá nhân Solo. Tôi vẫn bận rộn với một số đề tài Linh Cảnh (Sacred Landscapes), Cổ Tùng (Ancient Pines), Nơi Chốn (Places), loạt tranh nhỏ vẽ trên hộp thuốc xì-gà, và có thể bắt đầu loạt tranh mới hình thể người với những tâm tình và ưu tư.”

- Xin họa sĩ Việt Hùng hãy chia sẻ những bí quyết cần thiết đối với sáng tạo mỹ thuật của mình?

Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng trả lời, “Câu hỏi này, xem chừng như mình có thể nêu lên đôi ba điều, nhưng thực sự là rất phức tạp, hầu như mọi yếu tố đều có sự liên hệ để đưa tới một kết quả nào đó.
“Đối với riêng tôi thì như thế này: phần cơ bản nhất là tài năng thiên phú, mình có thể học hội họa để biết cách làm tốt hơn, nhưng không ai có thể chỉ dạy bạn để trở thành họa sĩ sáng tác. Khi đã biết mình có năng khiếu cộng thêm sự đam mê mãnh liệt, thì cần luôn tìm tòi thử nghiệm. Khi xong một tác phẩm tâm đắc, mình có thể vui sướng trong một khỏang thời gian ngắn thôi, cần vận dụng mọi khả năng thu thập học hỏi tích lũy được để làm tác phẩm khác tốt hơn, có thể sẽ có vài tác phẩm không thành công như ý, nhưng từ những thiếu sót này sẽ làm nền tảng cho sự hoàn chỉnh sau này.
“Một điều quan trọng không kém là nên theo dõi nền nghệ thuật đương đại, nhiều khi mình nghĩ cái mình đang làm là độc đáo sáng tạo, nhưng biết đâu người ta đã làm rồi, xem nhiều không phải để bắt chước mà là tránh đi những gì đã có rồi.”

Phải luôn khắt khe với chính mình

Họa sĩ Việt Hùng nói rằng, trường phái hội họa mà ông đeo đuổi không cần sự tỉ mỉ để vẽ chính xác như những họa sĩ theo trường phái Hiện thực (Réalisme), nhưng rất cần sự kiên nhẫn để hoàn thành bức tranh hoàn hảo. Rất cần sự kiên nhẫn trong nhìn nhận tác phẩm của mình. Theo ông, người họa sĩ không giỏi là người họa sĩ chấp nhận thành quả sớm quá, tự hài lòng sớm quá. “Đó là sự thiếu kiên nhẫn. Nếu mình sớm tự hài lòng với những gì mình đạt được là không thể tiến bộ. Mình phải luôn có sự khó khăn với nó.”

- Họa sĩ có thể chia sẻ đôi chút về quá trình sáng tạo vài tác phẩm mà ông tâm huyết được không?

Họa sĩ Việt Hùng nói, “Nếu tôi vẫn còn vẽ sáng tác thì không có tác phẩm nào là tuyệt tác cho riêng tôi, nhưng trong mỗi giai đoạn, mỗi loạt tranh, tôi có thể nêu ra vài tác phẩm tiêu biểu vào thời kỳ đó.
“Loạt tranh Giao Hưởng (Symphony, 2003-2008)
“Qua nhiều năm, tôi đi dọc theo các bờ biển hoang vu ở vùng Palos Verdes, cách nơi tôi cư ngụ khoảng 20 phút lái xe. Những viên sỏi nhìn qua làn nước biển đã mang đến niềm cảm hứng cho đề tài hội họa này. Sóng vỗ ập vào bờ, di chuyển những viên sỏi, gầm lên những tấu điệu, và lấp lánh những tia sáng màu sắc tuyệt diệu, đã diễn đạt vẻ đẹp thật sự của thiên nhiên. Sự hòa đồng tương trợ lẫn nhau, tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa tính chất đối lập của hai vật thể. Đá sỏi thể rắn-cố định, trong khi đó thì nước biển thể lỏng-biến hóa. Âm thanh và màu sắc cũng từ đó thành hình.
“Tôi gọi đợt tranh nầy là Symphony/Giao Hưởng, để diễn đạt sự tương quan giữa âm thanh và màu sắc, cả hai đều tác động đến tâm hồn và cảm xúc. Những màu sắc khác nhau được đặt vào khung tranh để tạo nên những giao hưởng sắc độ trong hội họa, như những hợp âm thành hình từ nhiều âm thanh riêng biệt trong âm nhạc.
“Giao Hưởng # 30 (sơn dầu trên vải bố, 60 x 48 inches, 152 x 122 cm) là một tác phẩm đẹp trong loạt tranh này.
“Ngoài sự hòa hợp của hai vật thể đá sỏi và nước biển như tôi đã trình bày, trong tác phẩm này còn có sự nhịp nhàng của hai tính chất trong hội họa là sự chủ ý và sự ngẫu nhiên, như ý thức và vô thức cùng hiện hữu trong tác phẩm này.
“Loạt tranh Cảm Tính Ven Biển và Dục Cảm Ven biển (Coastal Sensation, 2006-2012). Cũng từ vùng biển Palos Verdes, tôi đi dã ngoại hầu như mỗi tuần trong 25 năm. Khi cảm thấy sự tích lũy cảm giác toàn vẹn về vùng biển hoang dã này, tôi bắt đầu vẽ loạt tranh này. Tôi tổng hợp những cách vẽ khác nhau như Thủy Mạc, Trừu Tượng, Biểu Hiện, Ấn Tượng, Siêu Thực cùng những hình thái nghệ thuật dân gian như tranh mộc bản, gốm, kính màu, chạm trổ vào loạt tranh này. Và đây cũng là lúc tôi sinh hoạt thường xuyên vào vòng chính trên Los Angeles. Cách vẽ này cũng tạo cho tôi một phong cách riêng biệt độc lập và được nhiều người biết đến.


Cổ Tùng # 28, sơn dầu trên gỗ, 48 x 48 inches, 122 x 122 cm. (Hình cung cấp)

 

“Cảm Tính Ven Biển # 34 (sơn dầu trên vải bố, 60 x 48 inches, 152 x 122 cm). Tác phẩm này tôi diễn đạt hai miền cảnh trí của California và Vịnh Hạ Long, phân cách bởi biển Thái Bình Dương. Có sự tương tác về hai vùng địa lý Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như hai thái cực ngày và đêm.
“Loạt tranh Tâm Cảnh (Mindscapes, 2012-2015). Đợt tranh này như là một tiếp nối loạt tranh Cảm Tính Ven Biển, với cảnh trí từ hai miền địa lý Đông và Tây, như Việt Nam và Hoa Kỳ. Kỹ thuật dùng chất liệu Âu Châu sơn dầu vẽ theo trường phái Á Đông Thủy Mạc.
“Tâm Cảnh (sơn dầu trên gỗ, 72 x 120 inches, 183 x 305 cm)
“Đây là tác phẩm từ 3 tấm ghép lại, cảnh trí Đông Tây, Ngày và Đêm. Tôi mất khoảng 3 tháng để hoàn thành tác phẩm này
“Loạt tranh Linh Cảnh (Sacred Landscapes, 2014-). Đây là loạt tranh tôi vẽ nhiều nhất, trong loạt tranh nầy tôi chia làm nhiều đợt theo những thời kỳ có những chuyển biến, nhưng đề tài vẫn như cũ phong cảnh.
“Tôi đã sáng tác Linh Cảnh đợt I, II, III, và nay bước vào Linh Cảnh IV
“Cảnh trí được mở rộng qua nhiều vùng địa lý rộng lớn hơn, qua những lần đi nhiều nơi trên thế giới.
“Linh Cảnh IV # 2 (sơn dầu trên vải bố, 48 x 36 inches, 122 x 91 cm). Ngoài diễn tả nhiều khu vực địa lý khác nhau, ở đây tôi cũng đem vào những thời tiết của bốn mùa trong năm, cũng như tạo nên sự đối chiếu nhưng hòa hợp của vùng núi lửa và băng tuyết.

“Loạt Tranh Cổ Tùng (Ancient Pines, 2015-). Tôi bắt đầu thăm viếng khu rừng Ancient Bristlecone Pine Forest từ năm 2003. Qua nhiều lần tiếp cận, ngày cũng như đêm, sau khi đã có đủ tình cảm và liên hệ, tôi vẽ những cây Cổ Tùng từ năm 2015 cho đến nay. Tọa lạc trên vùng đất sa mạc trên 10,000 feet, sống trên nhiều ngàn năm, có cây đang còn sống và đã gần 5,000 năm. Điều kiện khắt nghiệt nhưng vẫn tồn tại và trở thành những tuyệt tác điêu khắc của thiên nhiên, là điều cho tôi nhiều cảm hứng để sáng tác. Có điều gì liên hệ giữa những cây Cổ Tùng này và bản thân người nghệ sĩ.”
“Cổ Tùng # 28 (sơn dầu trên gỗ, 48 x 48 inches, 122 x 122 cm). Trong sáng tác nầy, tôi vẽ cây tùng trong cảnh trí về đêm, những tác phẩm trước đều vẽ ban ngày. Tôi vẽ sự khô cằn của đá sỏi trên mặt đất, bầu trời xanh đen trong nhiều sao. Cây bao gồm 3 phần: phần thân cây đã chết, phần thân cây còn sống đem nhựa sống nuôi lá và trổ bông, liên tưởng đến quá khứ, hiện tại và tương lai.”


Họa sĩ Nguyễn Việt Hùng bên tác phẩm của mình tại triển lãm tranh ở Cerritos College Public Art Collection. (Hình cung cấp)


Tranh của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng tham gia triển lãm một số tranh mới chung với các họa sĩ tại Nhật báo Người Việt. (Hình cung cấp)


(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT