Hôn Nhân, Cuộc Sống

Tránh gây tranh cãi với người ấy

Friday, 28/09/2018 - 08:16:04

Cách khắc phục tốt nhất là hai bạn hãy nói chuyện với nhau và học cách thỏa hiệp. Con cái là của chung, vì vậy, hãy lắng nghe ý kiến của nhau và cùng hợp tác với nhau trong việc giáo dục chúng. Có như vậy, con bạn mới được nuôi dạy tốt hơn.


Anh nói sao? Tui xài tiền của tui chứ có phải của anh đâu mà cằn nhằn? Ở nhà anh không chịu phụ rửa chén, hút bụi thì đừng trách em sao hay mua đồ lặt vặt. (Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

"Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng vượt qua."
Vậy mà tại sao những cặp nam nữ yêu nhau vẫn thường xuyên cãi cọ, thậm chí trách mắng nhau? Một cuộc khảo sát được thực hiện gần đây cho thấy trung bình các cặp cãi nhau khoảng... 2,465 lần một năm, tương đương 7 lần mỗi ngày. Kết quả này có thể gây bất ngờ, ngạc nhiên, nhưng mọi sự được hóa giải bởi các nhà tâm lý học người Anh.

Hết sức tò mò, không hiểu vì sao người ta yêu thương nhau mà lại hay cãi cọ nhau như vậy, các nhà tâm lý học người Anh đã thực hiện một cuộc nghiên cứu.

Công trình nghiên cứu được tiến hành thông qua khảo sát và lấy ý kiến của 3,000 người (bao gồm cả những người đã kết hôn và những người đang yêu). Theo đó, những người tham gia vào cuộc khảo sát sẽ trả lời một bảng câu hỏi về số lần cãi nhau của họ, nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc cãi nhau ấy là gì?
Kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nguyên nhân chính dẫn đến cãi nhau ở các cặp nam nữ là do bất đồng trong quan điểm, và thiếu sự lắng nghe lẫn nhau.

Những bất đồng quan điểm của vợ chồng thường xoay quanh vấn đề chủ yếu là tiền bạc, chi tiêu và phân công công việc trong gia đình. Theo ước tính, đây là nguyên nhân chính dẫn đến 115 vụ cãi nhau mỗi năm.
Nguyên nhân chính thứ hai khiến các cặp vợ chồngthường xuyên tranh cãi đó là vấn đề vung tay quá trán. Trong cuộc sống hôn nhân, việc một người chi tiền quá mức vào những món đồ vô nghĩa hoặc không cần thiết thường khiến đối phương vô cùng bực mình và khó chịu. Đây là nguyên nhân của 109 vụ cãi nhau mỗi năm, trong đó có 108 vụ liên quan đến... tiền bạc. Và 105 vụ cãi nhau khác là do một trong hai người lười biếng và không chịu chia xẻ công việc trong gia đình.

Ngoài ra, việc bàn luận xem nên ăn gì vào bữa tối cũng là đề tài gây 92 vụ tranh cãi mỗi năm. Và có đến 80 cuộc tranh cãi khác bắt nguồn từ việc… một người đi giầy dính bùn vào trong nhà.

Những chuyện lặt vặt khác tưởng như không đáng để gây ra những lời to tiếng, hay gắt gỏng, nhưng lại là nguyên nhân của 80 vụ cãi nhau mỗi năm, như xem chương trình nào trên tivi; chuyện bỏ rác; lái xe quá nhanh, v.v. và v.v..

Đồng thời, kết quả khảo sát cũng cho thấy 88 vụ cãi nhau của các cặp vợ chồng liên quan đến những nguyên tắc giáo dục con trẻ, 79 vụ tranh cãi xuất phát từ việc vi phạm những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức ở trên.

Tuy nhiên, việc các cặp vợ chồng hay cãi nhau không có gì đáng lo bởi đó là một phần cơ bản của cuộc sống. Cãi nhau cũng quan trọng như tình yêu vậy. Vì sao? Vì chính những cuộc tranh cãi và bất đồng mới khiến hai bên hiểu và thông cảm lẫn nhau hơn. “Thậm chí ngay cả những đôi nam nữ hoàn toàn tâm đầu ý hợp cũng không thể tránh khỏi cãi vã, bởi đó là cơ sở tạo nên một mối quan hệ vững chắc. Và đó mới là cuộc sống thực sự,” một thành viên thuộc nhóm nghiên cứu cho biết.

Tuy vậy, nếu cãi nhau để hiểu nhau hơn thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu các cuộc cãi cọ, tranh luận kéo dài và diễn ra thường xuyên cũng sẽ làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Vậy, khắc phục và giảm bớt những cuộc cãi cọ bằng cách nào?

Nếu những cuộc thảo luận và cãi vã liên quan đến con cái như: khi nào nên sinh con? việc nuôi dạy chúng thế nào? cho chúng ăn uống ra sao?, chi bao nhiêu tiền cho chúng? cho phép chúng đi chơi với những ai? theo dõi việc học hành thế nào?

Cách khắc phục tốt nhất là hai bạn hãy nói chuyện với nhau và học cách thỏa hiệp. Con cái là của chung, vì vậy, hãy lắng nghe ý kiến của nhau và cùng hợp tác với nhau trong việc giáo dục chúng. Có như vậy, con bạn mới được nuôi dạy tốt hơn.

Nếu nguyên nhân gây tranh cãi là chuyện sắp xếp công ăn việc làm và dành thời gian cho nhau giữa hai người, thì việc hạn chế xảy ra cãi cọ cũng vẫn là hai bạn phải cùng ngồi xuống và nói chuyện với nhau. Hãy cho đối phương biết sự nghiệp của bạn rất quan trọng nhưng luôn đứng sau gia đình, bạn có chăm lo cho sự nghiệp thì cũng là vì gia đình. Bên cạnh đó, đừng quên sắp xếp thời gian để thỉnh thoảng dẹp bỏ tất cả công việc lại phía sau và cùng nhau đi nghỉ, dù chỉ là một vài ngày.

Tiền bạc là một trong những chủ đề tranh cãi phổ biến giữa các cặp vợ chồng, từ việc ai sẽ chi những khoản gì và chi tiêu ra sao cho đến tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng. Vấn đề này có thể khắc phục bằng cách cả hai đều phải hiểu rằng tiền bạc có thể kiếm được, nhưng tình cảm đã mất rất khó được như xưa. Hãy cùng nhau lập ngân sách tiết kiệm và chi tiêu mỗi tháng. Cả hai người đều cần biết hy sinh và cắt giảm những thứ không cần thiết của bản thân.

Việc nhà cũng là một vấn đề gây xung đột lớn ở nhiều gia đình. Nếu một trong hai người (thường là phụ nữ) chăm chỉ làm việc nhà trong khi nửa kia lại lười nhác thì cãi vã rất dễ xảy ra. Bí quyết của một gia đình hạnh phúc là tình yêu và sự tôn trọng. Hãy cùng ngồi lại và nói chuyện với nhau về việc nhà. Hãy phân chia công việc và cùng gánh vác với nhau.

Người ta hay nói “Đường đến trái tim đàn ông đi qua dạ dày.” Vì thế, nếu bạn là phụ nữ, đừng bao giờ chỉ nấu những món mình thích mà không nghĩ xem chồng mình thích ăn gì. Bạn có thể nấu món mình thích, nhưng ngày hôm sau nhớ chiều chồng nhé!. Tương tự, nếu bạn thích xem phim Đại Hàn với những câu chuyện tình cảm ướt át, thì cũng đừng nên chê bai những bộ phim hành động kiểu Hollywood mà chồng thích. Thậm chí bạn cũng nên cùng xem với anh ấy.Hòa hợp với bố mẹ anh ấy chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có rất nhiều tình huống làm nảy sinh mâu thuẫn giữa bạn và bố mẹ chồng. Hãy nói chuyện với anh ấy và cho họ biết điều bạn không thích ở bố mẹ chồng/vợ, và cùng tìm cách để khắc phục. Hãy nhớ rằng hai bạn cần phải cùng hợp tác với nhau một cách hòa thuận. Không nên đứng về phía bố mẹ mình mà phản đối bạn đời trước mặt họ.

Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Các chuyên gia khẳng định rằng, 50% các cuộc xung đột vợ chồng có thể tránh được nếu hai bên biết kiểm soát lời nói của mình. Ngược lại, những bất đồng không đáng có lại nảy sinh chỉ vì nói một hai câu khó lọt tai.

Dưới đây là những điều bạn nên cân nhắc để vợ chồng không bao giờ cãi nhau.
Nếu bạn cảm thấy bực bội điều gì, cũng đừng nên nói “Tôi không muốn nói chuyện với anh”, mà hãy dùng câu “Chúng ta có thể nói về chuyện này sau được không anh?”

Khi chồng có điều băn khoăn cần sự tư vấn của bạn, bạn chỉ chốt lại một câu cụt lủn: “Anh cứ làm những gì anh muốn” có thể khiến cho mối quan hệ trở nên lạnh nhạt và nảy sinh những mâu thuẫn. Điều bạn nên nói lúc này là: “Chúng ta có thể cùng xem xét điều gì tốt nhất và làm nhé.”

Đừng nói với người ấy của bạn câu “Anh/Em thật là tồi tệ.” Vì nó sẽ làm hai bạn thêm xa cách. Thay vào đó, nên dùng câu: “Anh/Em cảm thấy bị tổn thương khi nghe những lời này.”

Tương tự, nếu người ấy không chịu giúp bạn công việc trong gia đình, bạn cũng đừng nên trách cứ và buông ra câu nói “Anh thật lười biếng”, mà chỉ nên nhắc khéo “Em cần sự giúp đỡ của anh, nếu không em sẽ không thể làm tốt mọi chuyện được.”

Nếu chồng bạn làm một điều gì đó thất bại nằm trong dự đoán của bạn, bạn thốt ra câu: “Em biết điều này sẽ xảy ra, em đã nói cả trăm lần mà anh đâu có nghe.” Câu nói này chỉ làm cho anh ấy thấy tồi tệ hơn và không tìm được sự động viên từ vợ. Nếu mọi chuyện chẳng thể thay đổi được gì, hãy nói: “Thời gian sẽ mang tới cho chúng ta những cơ hội khác mà.”

Chúng ta luôn muốn cuộc sống yên bình, nhưng điều đó không có nghĩa là không bao giờ tức giận. Giận mất khôn. Vì thế bạn cần học cách kiểm soát nóng giận để tránh gây ra những cuộc tranh cãi không cần thiết, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
(Theo Family, Lifehack)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT