Chân Dung Việt Nam

Tình quê ngày giáp Tết

Thursday, 19/01/2023 - 02:15:21

Tôi còn nhớ, những năm đầu học đại học ở Sài Gòn, cứ đến đầu tháng Chạp là lòng nao nao khó tả, nhất là khi nhìn những chuyến xe...


Giáp Tết tại một chợ miền Trung (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Bài NGUYÊN QUANG

Tôi còn nhớ, những năm đầu học đại học ở Sài Gòn, cứ đến đầu tháng Chạp là lòng nao nao khó tả, nhất là khi nhìn những chuyến xe đường dài bóp còi tin tin xuôi ra Trung, ra Bắc… Đây cũng là lúc mà người ta nghĩ đến tình quê nhiều nhất, từ các hội đồng hương cho đến các sinh hoạt chùa chiền, từ thiện… đều hướng về quê hương. Thế nhưng, có một thứ tình quê khác đang chảy len lén trong tâm hồn của những người cần lao, nó chuyển hóa thành vần điệu, cho dù đó là cách độ thơ từ một tuyệt tác của Quang Dũng (Đôi Mắt Người Sơn Tây): “Đôi mắt người phu xe/ Vời trông về quê cũ/ Quê nhà bên kia núi/ Buồn viễn xứ không tiền…”

Hình như cái tình quê ấy năm nay lại hiển hiện.


Những mảnh rời cuộc sống



Hoa thờ cúng cũng chưa mấy người mua. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Dịp cuối năm cũng là thời điểm mà căn tính Việt thể hiện rõ nét nhất, những mảnh rời của cuộc sống cứ hiện ra rõ nét mặc dù không cố ý nhìn hay tìm hiểu. Như lời của chị Mãi, một người bán hoa ngoài chợ hoa Xuân, chia sẻ, “Năm nay em không muốn nhắc tới một điệp khúc, cái điệp khúc này nghe chán quá!”

“Xin chị chịu khó nhắc lại thử một lần nữa thôi!”

“Cái điệp khúc đói, đói, đói, đói muôn năm, đói vĩ đại, đói sống mãi trong sự nghiệp cần lao của chúng ta… Hình như năm nay không cần hát nó cũng vang vang trong não.”


Đã trưng được vài ngày nhưng vẫn chưa mấy ai hỏi mua... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Mọi năm chị có đi bán hoa Tết như năm nay không? Và chị bán thuê hay bán cho chị?”

“Mọi năm trước nữa, tôi đi bán hoa cho mình, tức tự mua hoa về bán kiếm lãi, còn những ngày bình thường thì tôi đi giúp việc cho người ta. Nhưng năm nay thì bán thuê luôn.”

“Đi giúp việc thì dịp Tết này mình bận bịu cùng gia đình chủ thuê chứ? Sao chị ra đây đứng bán hoa được?”

“Làm giúp việc cũng tùy, ví dụ như giúp cho chủ nhà giàu có, tầm cỡ, thì đời mình chỉ có khá lên thôi. Còn lại thì…”


Tình quê về trong các chợ hoa (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Thường thì giàu có mới thuê người giúp việc chứ chị?”

 

“Ồ, không hẳn vậy đâu. Người giàu có thì người ta thuê giúp việc tận bên Phi Luật Tân (Philippines), lương cao cả ngàn đô la, thậm chí ngàn rưỡi, hai ngàn đô la mỗi tháng lận. Còn mình thì giúp việc cho thành phần chung cư, tức những người làm nhân viên văn phòng hoặc công nhân, sống ở chung cư, nếu là nhân viên văn phòng thì đương nhiên họ cần giúp việc. Còn công nhân, cũng có nhiều người tăng ca, ăn nhín uống nhịn để thuê người giúp việc, giữ con, họ dùng tiền tăng ca để bù vào. Lương giúp việc ở chung cư thì thấp lắm, dao động từ ba triệu đồng đến năm triệu đồng mỗi tháng, tùy vào số giờ làm việc với họ. Và đến dịp Tết thì hầu hết họ về quê, người giúp việc rảnh tay, đi kiếm việc làm thuê…”

“Sao năm nay chị không buôn hoa như mọi năm mà chọn đi bán thuê?”

“Buôn thì có lãi, phải cao hơn thu nhập của bán thuê. Nhưng cũng tùy, cũng có năm lỗ chết luôn, buôn bán bây giờ khổ lắm. Như năm nay, tôi đang cầu Trời khấn Phật để chủ thuê khỏi bị cuốn gói đi đổ đêm Giao Thừa, có năm người ta đổ cả trăm chậu ấy chứ. Như năm ngoái tôi cũng bị vậy coi như vốn liếng dành dụm mấy mùa bán hoa đổ sông đổ biển anh à. Nhìn chung bây giờ khó sống lắm, nhất là sau dịch, mọi thứ cứ tăng giá trong dịp Tết, trong khi đó đồng lương công nhân bị bóp lại và những khoản tiền khác cũng chẳng có, như thưởng Tết chẳng hạn, năm nay bèo nhèo lắm. Vì vậy mà mọi người kéo nhau đi làm thuê để kiếm chút tiền ăn Tết, đời sống khó lắm, cũng may mà tụi tôi thương nhau, cùng phận làm thuê nên giúp gì được nhau là giúp liền, riêng chỉ có mấy ông cán bộ, lương bổng ổn định, rồi giới quan chức mới uống chai rượu cả ngàn đô la, thậm chí hơn vậy, chứ với dân lao động, cái số tiền đó phải làm cả đời cũng chưa chắc có!”


Thay vì bán hoa chậu, anh chàng này lại bán bó, hy vọng kiếm được khách hơn. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Chị có nghĩ rằng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tức người có tiền thì người ta hưởng thụ cao cấp, mình ít tiền thì chịu khổ, và mọi thứ không liên can gì nhau?”

“Tôi thì không nghĩ thế, tôi nghĩ mọi thứ phải có liên hệ với nhau, tôi cũng là người làm đày tớ cho người ta, tôi hiểu lắm chứ, một khi đày tớ trộm cắp, phản phúc thì chủ nhà chỉ có khổ và khổ, thậm chí sạt nghiệp vì nuôi phải loại đày tớ này. Chứ tôi hỏi anh, đày tớ lương tháng có chưa tới chục triệu bạc, mà uống chai rượu mấy chục triệu đồng, thì rõ ràng là phải có ăn cắp, ăn trộm của chủ. Nhưng đâu chỉ vậy, nó nhà cao cửa rộng, nó có biệt thự, biệt phủ, dinh này trấn nọ nữa kia, thế thì chủ nào chịu cho nổi! Nên chi, đày tớ mà càng no ấm, phè phỡn thì chủ càng chết à!”


Nơi đây tôi ngồi, nơi kia anh nằm…



Bán chiếu dạo cuối năm (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Đây là một câu nhại lại những ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chỉ có chữ cuối đổi từ ngồi thành nằm cho nó giống với bối cảnh vật vạ cuối năm của những người bán hoa Tết. Như lời của anh Mễ, một người bán hoa mai ngày Tết, “Năm nào cũng như năm nào, cũng có lúc bán được chậu bông mừng rơi nước mắt, cũng có lúc ngồi ngáp gió, cũng có lúc nằm mơ cảnh của những năm trước.”

“Cảnh của những năm trước là cảnh gì vậy anh?”

“Đó là sáng hai tám, hai chín và ba mươi Tết, người ta xúm lại lựa hoa, nói cười vui vẻ, chỉ trong buổi sáng thôi cũng bán được một mớ tiền, chừng ba buổi sáng như vậy là gỡ được vốn rồi, không khí này khiến cho người ta thấy ham, năm sau lại mua bán tiếp. Còn như vài năm trở lại đây, chẳng có chi để mà mơ màng, đụng tới là thua lỗ, mà mình cũng phải phóng lao rồi theo lao, biết đâu! Đời khó nói lắm!”

“Anh thấy năm nay hoa Tết như thế nào? Rồi các mặt hàng khác, anh có quan tâm không?”

“Hoa Tết năm nay thực sự là khốn nạn lắm. Vì thời tiết quá tồi tệ suốt mấy tháng liền nên có cây nào ngóc đầu lên nổi đâu. Thế rồi cũng Tết, người ta cũng ép cho cây nở hoa, cũng tìm mọi cách có chậu hoa mà bán, chi phí chăm sóc đội lên khá là cao. Nhà vườn bán giá sỉ năm nay cũng không cao lắm so với mọi năm nhưng nhà buôn cũng không tới mua là mấy, cuối cùng rồi cũng có người mua với giá tương đối thấp, ra thị trường bán với giá cũng thấp nhưng đến nay, không mấy người mua. Bởi tình hình kinh tế khó khăn quá, từ người lao động cho tới người buôn bán đều thất thu, chỉ có giới quan chức là khỏe re khòe rè nên họ mua. Nhưng giới quan chức mua mấy cái cây khủng kia, cây mình bán là cây bình dân, họ đâu có đụng tới!”


Kiếm cơm ngày giáp Tết (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Tôi hỏi hơi tế nhị một chút, thường thì một cái Tết, gia đình anh chi tiêu cho các việc cần thiết khoản bao nhiêu tiền?”

“Mọi năm thì khá hơn, ba năm trở lại đây, chi phí cho một cái Tết gồm cả mẹ già, vợ, con và cha mẹ vợ lên chừng ba triệu đồng, trong đó nấu vài đòn bánh tét, mua vài ký thịt heo và đậu tây, củ cà rốt về xào là có mâm cúng Tết rồi, mình khó khăn, ăn qua quýt vậy cũng được. Đến mồng Ba Tết thì khá hơn, lúc đó mình đi bán trầu cau đầu năm, rồi mình đi tát đìa, có mấy con cá lóc, về nướng trui, kho lá nghệ với lá gừng, món này bén cơm lắm đó. Năm nay được cái đỡ hơn là hàng xóm của tôi nhắn là đừng nấu, đừng mua bánh, mai mốt họ biếu mấy đòn, nghe vợ tôi nhắn là họ còn cho mứt bánh hạt dưa nữa, mang sang cho từ hai hôm trước. Nói chung Tết nghèo nó cũng có cái thú của người nghèo, chứ nếu không vậy thì sống sao nổi!”

“Các con anh có áo quần mới gì chưa?”

“Con tôi hai đứa, đứa đầu học lớp chín, đứa út học lớp bốn, đẻ cách năm năm đó, kế hoạch năm năm mà (cười). May sao bây giờ có phong trào trồng cây nhân ái, tức cây mùa xuân trong lớp học, nhờ vậy mà con tôi năm nào cũng được tặng áo quần, sách vở và giày dép vào dịp cuối kì một, tức trước Tết, rồi còn tặng mỗi đứa một trăm ngàn đồng để mua quà Tết. Thực sự thì có ai mong muốn để con mình phải ngửa tay nhận tiền từ thiện đâu chứ anh, đau đớn lắm, xót xa lắm, mình cũng là dân học có cái chữ, cũng kinh qua đại học chứ đâu phải thứ không hiểu biết gì, nghiệt nỗi nghèo quá!”


Người thì nghỉ Tết, người thì bắt đầu kiếm tiền tiêu Tết. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Ngày xưa anh học trường nào và tôi thấy có nhiều người lớn tuổi hơn anh, học xong ra trường nhà nước đưa đi làm ngay, sao cũng có nhiều người học xong lận đận cả đời, anh có lý giải được không?”

“Trời ạ, cái này quá rõ ràng, nhưng người ta, tức các nhà lãnh đạo cố ý phớt lờ, xem như không biết thôi. Cái lớp lớn hơn tôi, tức sinh năm 1975 trở về trước, nếu có đi học đại học, đương nhiên lý lịch phải đỏ rồi, họ được chọn lọc từ đầu để đưa vào môi trường giáo dục bao cấp, nhà nước lo từng miếng ăn, cây viết, cuốn tập, học xong ra trường thì nhà nước chỉ định, phân công nơi làm việc. Lứa này không lo gì chuyện thất nghiệp và đi học cũng chẳng tốn tiền. Đến lứa sau, tức cái lứa học vào thời kinh tế thị trường, mọi thứ nợp vả mồ hôi, cha mẹ phải bán đất để đi học, hồi đó đất rẻ như bèo, bán xong, học xong cái bằng thì lại bán tiếp đất để chạy việc, cũng có người bán tiếp để mua cái xe mà chạy xe ôm. Học xong cái bằng thì đất đai cũng hết, mà muốn mua lại, có khi phải cày vài kiếp mới mua nổi. Tôi cũng nằm trong trường hợp này. Còn lớp sau nữa thì lại được học trong xa hoa, vì cha mẹ chúng trước đây biết gom đất của cha mẹ đàn anh chúng, giờ bán ra, tiền tỉ này tỉ nọ, chúng thoải mái ăn chơi, chả cần học vẫn có bằng… Nhìn chung, tương lai đất nước hơi bị mù!”


Thời tiết thất thường, năm nay ít nhà vườn trúng mai Tết. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh thấy tình hình chung thì Tết năm nay vui hay buồn, cảm nhận riêng anh thôi nha?”

“Ui, tình hình Tết năm nay vui mà buồn. Vui vì mới trải qua chết chóc và còn sống sót được là mừng vui rồi. Buồn vì tình hình cái bao tử ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Vui vì tình anh em bán bông năm nay rất khác, mọi người chẳng kèn cựa như mọi năm, thay vào đó, có ly nước trà, có cái chăn đắp ngủ qua đêm, ai cần người khác có thì chia sẻ liền. Buồn vì buôn bán có vẻ ế ẩm, thời tiết này chắc cũng khó bán… Rất khó để mà vui được khi tình hình kinh tế trì trệ, hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng quá lớn. Nhưng biết làm sao bây giờ!”


Biết đâu đấy, đây là quà bà con, hàng xóm dành cho nhau ngày cận Tết! (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Câu than thở cuối cùng “biết làm sao bây giờ” của người đàn ông ngồi bán mai ngày Tết không biết có động thấu trời xanh hay không mà tự dưng, một cơn mưa rào đổ xuống, với người buôn bán ngày Tết, mưa là một cái họa, người ta phải bán tháo để chạy, thật tội nghiệp cho cái tình quê!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT