
Chuyên gia Đặng Văn Thắng (bên phải) đang trình bày về di cốt người cổ Cần Giờ tại hố khai quật. (Tuổi Trẻ)
Theo tin của báo Tuổi Trẻ, một di cốt người cổ có niên đại khoảng 2,300 năm trước vừa được khám phá tại địa điểm khảo cổ Giồng Cá Vồ, Cần Giờ, thuộc địa phận Sài Gòn. Hai bên cổ còn hai chiếc nanh thú, cho thấy đây có thể là một người có vị trí cao trong xã hội. Di cốt cao 1.65 mét (5.41 feet).
Đây là kết quả bước đầu của đợt khảo cổ học 2021 - 2022 do Viện Khảo Cổ thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam phối hợp với Bảo Tàng Lịch Sử tiến hành, được trình bày tại chuyến khảo sát thực địa của ông Trần Thế Thuận, giám đốc Sở Văn Hóa - Thể Thao hôm thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022.
Bên cạnh năm hố thăm dò, đợt này nhóm khảo cổ đào một hố khai quật diện tích hơn 200 mét vuông phát hiện nhiều di tích mộ chum và mộ đất với mật độ dày đặc (224 mộ chum, 15 mộ đất).
Trong một di tích mộ đất, các chuyên gia khảo cổ đã làm di cốt được phát hiện để thấy đó là một người cổ, được xác định là đàn ông cao khoảng 1.65m, hai bên cổ còn hai chiếc nanh thú.
Khung niên đại 2,300 năm đến 2,200 năm cách ngày nay cũng chính là niên đại được xác định cho di tích Giồng Cá Vồ, nằm trong giai đoạn hậu kỳ kim khí ở Việt Nam.
Trước đây, di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ được biết đến từ những lần khai quật khảo cổ vào năm 1992, 1994 với nhiều thông tin và di tích, di vật thu hoạch được. Tuy nhiên, lần khai quật này bắt đầu từ tháng 3, 2021 đến nay mang lại nhiều kết quả rất quan trọng.
Chẳng hạn như di tích mộ chum vốn quen thuộc với di chỉ Giồng Cá Vồ, tuy nhiên đến lần khai quật này mới phát hiện một kiểu mộ chum có "cửa thoát hồn" là một lỗ tròn nằm bên hông chum.
Càng độc đáo hơn khi cửa thoát hồn này còn có nắp - là một miếng gốm được đẽo tròn vừa khít để lắp vào "cửa." Nghi thức an táng này của người cổ Cần Giờ gợi mở nhiều hướng nghiên cứu cho giới khảo cổ học.
Với vị trí nằm ở tả ngạn sông Hà Thanh (một nhánh của sông Dinh Bà), du khách có thể đi từ trung tâm Sài Gòn đến Giồng Cá Vồ bằng đường thủy.