Phóng Sự

Tìm hiểu về bệnh Tự Kỷ (kỳ 6)

Sunday, 22/07/2018 - 09:27:46

Chậm phát triển trí tuệ, nhiều trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ ở mức độ khác nhau. Ngay trong trắc nghiệm có nhiều lĩnh vực trẻ phát triển bình thường (ví dụ chép hình ảnh), nhưng nhiều lĩnh vực khác lại bị chậm (chẳng hạn ngôn ngữ).


Bác sĩ Lê Đức Xuân Tô (Băng Huyền/Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Các mức độ của tự kỷ
Anh Khang Joseph Nguyễn là giám đốc điều hành của Hearts of ABA, là nơi chuyên cung cấp chương trình trị liệu bằng phương pháp ABA (Applied Behavior Analysis), là phương pháp giúp cải thiện nhiều mặt cho trẻ tự kỷ về nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ, giúp loại bỏ hành vi tiêu cực tự xâm hại bản thân của trẻ… cho biết, khi trẻ được xác định là tự kỷ, các chuyên gia sẽ có những kiểm tra để kết luận được dạng tự kỷ của trẻ. Các chuyên gia cần kết luận được dạng tự kỷ của trẻ. Vì việc hiểu biết về bệnh tự kỷ có mấy loại, bao gồm nặng nhất (Modevate Severe), trung bình (Mild Moderate) và nhẹ (Mild).
 

Logo của Hearts of ABA nơi chuyên cung cấp chương trình trị liệu bằng phương pháp ABA cho trẻ tự kỷ.

Chỉ khi xác định chính xác dạng tự kỷ trẻ mắc phải thì mới xây dựng được kế hoạch cũng như lựa chọn được phương pháp can thiệp phù hợp với trẻ.

Tự kỷ dễ bị nhầm với tình trạng chậm nói, chậm phát triển hay một số bệnh khác như khuyết tật thính giác, hội chứng mất ngôn ngữ dạng động kinh… Vì vậy, để xác định chính xác trẻ có bị tự kỷ không, các phụ huynh cần đưa trẻ đến khám và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các bác sĩ chuyên ngành. Trước đây, tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới điều trị bệnh tự kỷ như bệnh tâm thần, nhưng ngày nay hướng điều trị mới cho các trẻ tự kỷ là điều trị bằng tâm lý.

Những dấu hiệu tự kỷ nặng nhẹ  

Những dấu hiệu để nhận biết trẻ tự kỷ mức độ nặng, trẻ không giao tiếp với người ngoài, không giao tiếp bằng mắt và mất khả năng nói, không thể giao tiếp bằng lời nói, không nói được, việc tương tác xã hội và học tập rất khó khăn. Điều này là chướng ngại lớn cho việc hòa nhập của trẻ.

Trẻ mắc tự kỷ nặng có thể có hành vi gây thương tổn cho bản thân. Trẻ khó kiềm chế cảm xúc và có những hành vi tiêu cực. Ở mức độ rất nặng, trẻ có thể bị rối loạn chức năng cảm giác. Trẻ nhạy cảm với bất cứ ánh sáng, va chạm, âm thanh, hương vị và mùi. Cuộc sống của trẻ mắc tự kỷ nặng gặp rất nhiều khó khăn.

Trẻ tự kỷ mức độ trung bình, trẻ có thể giao tiếp với người ngoài, có thể nói được nhưng rất hạn chế. Có thể giao tiếp bằng mắt.

Trẻ tự kỷ mức độ nhẹ, trẻ giao tiếp bằng mắt khá bình thường, hạn chế giao tiếp với người ngoài, nói được bình thường, có khả năng học, chơi ở mức độ đơn giản.

Ngoài ra còn có các dấu hiệu để phân loại trẻ tự kỷ theo chỉ số thông minh.
Những trẻ tự kỷ có chỉ số thông minh cao và nói được, trẻ không có những hành vi tiêu cực, nhưng rất thụ động, có những hành vi bất thường trong giao tiếp bên ngoài. Trẻ có thể biết đọc sớm (2 - 3 tuổi). Kỹ năng nhìn tốt. Có xu hướng bị ám ảnh, nhận thức tốt hơn về hành vi khi trưởng thành.
Những trẻ tự kỷ có chỉ số thông minh cao và không nói được, trẻ có sự khác biệt giữa kỹ năng nói và kỹ năng vận động, cử động, thực hiện. Trẻ có thể quá nhạy cảm khi kích thích thính giác. Hành vi có thể bất thường ở mức độ nhẹ. Kỹ năng nhìn tốt (có thể nhìn đồ vật một cách chăm chú). Có thể giữ yên lặng hoặc tự cô lập một cách dễ dàng, có thể buớng bỉnh. Là những trẻ có thể giao tiếp luân phiên hoặc thích giao tiếp.

Những trẻ tự kỷ có chỉ số thông minh thấp và nói được, trẻ có hành vi kém nhất trong các dạng tự kỷ (thường xuyên la hét to, có thể trở nên hung hãn khi tuổi lớn hơn). Có hành vi tự kích thích. Trí nhớ kém. Nói lặp lại (lời nói không có nghĩa đầy đủ). Khả năng tập trung kém.

Những trẻ tự kỷ có chỉ số thông minh thấp và không nói được, trẻ thường xuyên im lặng. Biết dùng một ít từ hoặc ít cử chỉ. Có sự quan tâm đặc biệt đến máy móc. Nhạy cảm với các âm thanh, tiếng động. Kỹ năng xã hội không thích hợp. Không có mối quan hệ với người khác.

Hội chứng Asperge

Ngoài những phân loại trên, bác sĩ Lê Đức Xuân Tô (là bác sĩ chuyên về Nhi khoa và chuyên khoa về bệnh Dị Tật Bẩm Sinh) cho biết có trẻ tự kỷ kèm theo hội chứng Asperger, là những trẻ có những lề thói hoặc nghi thức lặp đi lặp lại. Những trẻ này có ngôn ngữ và lời nói kì lạ. Nói năng trịnh trọng hơi thái quá bằng một giọng đều đều, hoặc hiểu lời nói theo nghĩa đen. Hành vi của trẻ không thích hợp về mặt xã hội và cảm xúc. Trẻ thiếu khả năng tương tác với bạn bè cùng lứa. Trẻ cũng gặp khó khăn trong giao tiếp không lời, bao gồm hạn chế trong việc sử dụng những cử chỉ điệu bộ. Khả năng biểu cảm nét mặt bị hạn chế hoặc không thích hợp. Trẻ có thể hay nhìn chằm chằm một cách kì lạ, mất tự nhiên. Cử động của trẻ vụng về và thiếu nhịp nhàng.

Thường thì chỉ khi trẻ đến tuổi đi học, người ta mới có chẩn đoán hội chứng Asperger. Hội chứng Asperger chỉ được nhận ra trên cơ sở những tương tác xã hội của trẻ. Trẻ tự kỷ mắc hội chứng Asperger vẫn phát triển ngôn ngữ bình thường và thường có vốn từ vựng trên mức trung bình. Tuy nhiên, khi chúng tương tác với những người khác, chúng sẽ sử dụng những kĩ năng ngôn ngữ không phù hợp hoặc rất lúng túng.

Tự kỷ không điển hình

Theo bác sĩ Lê Đức Xuân Tô, tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển về nhiều mặt, chủ yếu là rối loạn về kỹ năng quan hệ xã hội, giao tiếp bằng lời nói và hành vi bất thường. Khác với trẻ tự kỷ điển hình, hay còn gọi là tự kỷ bẩm sinh (trẻ phát triển chậm và triệu chứng xuất hiện ngay sau khi sinh đến trước khi trẻ được 3 tuổi), những trẻ tự kỷ không điển hình (trẻ phát triển bình thường cho đến khi 12–30 tháng tuổi, rồi đột ngột không phát triển nữa hoặc mất hết những kỹ năng đã học được) và những dấu hiệu khác xuất hiện. Những trẻ tự kỷ không điển hình không có liên quan đến yếu tố di truyền, trẻ không có triệu chứng bất thường nào lúc mới sinh ra.

Tuy nhiên trong thời gian trưởng thành, trẻ bắt đầu học nói, học chơi và học giao tiếp với mọi người xung quanh thì những triệu chứng bất thường mới dần xuất hiện. Triệu chứng đầu tiên là biểu hiện trên khuôn mặt của trẻ dần dần biến mất. Sau đó bớt chơi đùa cùng với mọi người, và tránh nhìn thẳng vào mắt người khác khi trò chuyện. Càng ngày thì khả năng giao tiếp và nói chuyện với bạn bè cùng lứa tuổi cũng giảm theo, tuy là đã biết nói và biết xã giao từ lúc nhỏ, nhưng bây giờ thì nói năng chậm chạp hơn, và nhiều lúc không thể trả lời những câu hỏi đơn giản. Nhiều khi thấy bạn bè thốt ra những lời nói vô nghĩa thì trẻ cũng bắt chướt nói theo, tuy nhiên, trẻ không thể hiểu hết được nghĩa sâu của những lời nói đó. Sau đó thính giác bị kém đi, khi ba mẹ gọi thì thường không trả lời, hoặc có nghe nhưng phớt lờ đi. Khi có gì muốn làm thì chúng không biểu hiện bằng lời nói mà dùng tay kéo ba mẹ, hoặc dùng ngón tay để ra hiệu cho ba mẹ biết là mình muốn gì.

Trẻ khó thích ứng với hoàn cảnh, môi trường sống, không thích những chỗ đông người, không thích tham gia chơi đùa cùng với bạn bè, nên thường chọn một nơi yên tỉnh, chọn một trò chơi thích hợp và chơi một mình mà thôi. Nếu trẻ đã yêu thích một trò chơi nào đó thì chúng có thể chơi liên tục trong một thời gian dài mà không chán, đây là điểm khác biệt so với những đứa trẻ khác. Cũng vì trẻ ít có tính tò mò và khó thích ứng với hoàn cảnh mới, do đó, nếu môi trường sống bị thay đổi sẽ là một trở ngại đối với trẻ.
Cũng giống như khi đi học, nếu ba mẹ không đi theo con đường thường ngày vẫn đi mà dẫn trẻ vào một con đường khác, trẻ có thể la khóc và kháng cự vì chúng không thích. Đôi khi cũng có những đứa trẻ dù mắc chứng tự kỷ không điển hình nhưng vẫn có thể đọc trôi chảy những quyển sách khó, chúng cũng có những khả năng đặc biệt và tài năng trong các lĩnh vực như toán học, nghệ thuật, kỹ thuật hoặc con số. Đôi lúc trẻ đọc được những con số chính xác, nhưng lại không hiểu được ý nghĩa thật sự.

Năng lực của chúng có thể vượt qua hẳn những thiên tài bình thường. Tuy nhiên, trẻ bị bệnh tự kỷ khác với những thiên tài bình thường là chúng không có tính sáng tạo. chứng tự kỷ không điển hình không giống như chứng tự kỷ bẩm sinh, nếu các bậc cha mẹ phát hiện sớm và đưa trẻ đến khám bác sĩ trong thời kỳ đầu thì căn bệnh có thể được chữa khỏi.

Bác sĩ Xuân Tô cho rằng những người làm cha làm mẹ không nên lơ là với bệnh tự kỷ không điển hình khi trẻ còn nhỏ, nếu không phát hiện sớm, không đưa trẻ đi điều trị thì bệnh sẽ trở nên nặng hơn khi trẻ càng lớn. Khi chứng bệnh này kéo dài thì khả năng giao tiếp, trí tuệ và ngôn ngữ của trẻ sẽ giảm dần theo thời gian, khiến cho việc học và sinh hoạt hàng ngày sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, trẻ sẽ bớt chia sẽ những suy nghĩ và cảm giác của mình với người khác, khiến cho trẻ dễ cách ly với xã hội và làm cho chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu trẻ bị tự kỷ không điển hình ở mức trung bình thì ba mẹ cần dùng đồ chơi để kích thích não bộ của bé, hoặc đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị bằng tâm lý. Trong trường hợp trẻ bị nhẹ thì ba mẹ cần phải bỏ thêm thời gian để chơi đùa, quan tâm và chăm sóc trẻ sao cho đúng cách để trẻ có thể phát triển một cách bình thường. Cho dù ba mẹ có bận rộn thì cũng cần dành thời gian mỗi ngày để chơi đùa và tâm sự với trẻ. Nếu trẻ mắc phải lỗi lầm thì hãy giúp trẻ sữa lại những lỗi lầm đó thay vì la mắng.
Khi trẻ làm xong một việc gì đó thì hãy khen thưởng trẻ, giúp trẻ tự tin và phấn khởi hơn. Trái lại, nếu ba mẹ mong đợi hoặc hi vọng ở con quá nhiều trong việc học tập khi các cháu còn quá nhỏ thì kết quả sẽ đi ngược lại. Cần phải giúp cuộc sống của trẻ trở nên phong phú và thú vị hơn, không nên kích thích và chỉ trích trí tuệ của trẻ. Chỉ cần chăm sóc, vỗ về và dạy bảo trẻ đúng cách thì trẻ sẽ trở nên vui vẻ và khỏe mạnh hơn trong tương lai. Nên đưa con ra ngoài chơi, không nên cho trẻ giải trí bằng cách chơi ipad, xem tivi quá nhiều, không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Cũng như các trẻ tự kỷ năng, trung bình, tự kỷ không điển hình loại nhẹ đều không chữa được. Tuy nhiên ở trẻ tự kỷ nhẹ, nếu phát hiện sớm, giúp trẻ bổ sung sự thiếu hụt các kỹ năng xã hội sẽ giúp việc học hòa nhập của trẻ thuận lợi hơn. Nếu can thiệp kịp thời và phù hợp, cuộc sống của trẻ sẽ ít bị ảnh hưởng, hòa nhập được với cộng đồng. Đến khi trưởng thành có thể sống độc lập và có việc làm để mưu sinh, lập gia đình. Với trường hợp nặng hơn, các biện pháp can thiệp chỉ có thể giúp trẻ ổn định và biết cách giao tiếp hơn.

Tự kỷ kèm theo những rối loạn

Bác sĩ Lê Đức Xuân Tô lưu ý, thường trẻ tự kỷ còn có những rối loạn khác kèm theo như  
Rối loạn giác quan, nếu nhận thức của trẻ đã khá, trẻ có thể học được từ những gì chúng nhìn thấy, cảm thấy hoặc nghe thấy. Hoặc ngược lại nếu các thông tin từ giác quan bị sai lệch, những kinh nghiệm về thế giới có thể lẫn lộn. Nhiều trẻ tự kỷ có thể hòa nhập tốt hoặc thậm chí có nhạy cảm đau đối với một số âm thanh, loại vải, mùi vị. Một số trẻ không chịu đựng nổi khi quần áo chạm vào da. Một số âm thanh ví dụ như: máy hút bụi, chuông điện thoại, sấm chớp, ngay cả tiếng sóng vỗ vào bờ có thể khiến trẻ bịt tai và khóc thét lên. Ở trẻ tự kỷ, não thường tỏ ra khó cân bằng các cảm giác cho tương xứng. Một số trẻ tự kỷ không chú ý tới quá lạnh hoặc quá đau, chẳng hạn trẻ có thể tự đập đầu vào cạnh bàn làm lõm bên đầu nhưng không có cảm giác đau.

Chậm phát triển trí tuệ, nhiều trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ ở mức độ khác nhau. Ngay trong trắc nghiệm có nhiều lĩnh vực trẻ phát triển bình thường (ví dụ chép hình ảnh), nhưng nhiều lĩnh vực khác lại bị chậm (chẳng hạn ngôn ngữ).

Co giật, có khoảng một phần tư trẻ tự kỷ bị động kinh. Đó là những cơn co giật có tính chu kỳ đi kèm với rối loạn tri giác. Trong cơn giật, trẻ hoàn toàn không biết mọi điều đang xảy ra xung quanh. Để chuẩn đoán thể động kinh cần cho trẻ đi khám chuyên khoa thần kinh và làm điện đồ não. Nhờ đó mà bác sĩ có thể sử dụng các thuốc chống động kinh cho phù hợp.

Hội chứng nhiễm sắc thể X gãy, đây là bệnh lý di truyền thường gặp trong chậm phát triển trí tuệ. Bệnh có tên Gãy. Hội chứng này gặp ở  hai đến năm phần trăm người bị tự kỷ. Cần tìm nhiễm sắc thể X trong trường hợp cha mẹ trẻ muốn có một đứa con nữa. Nếu đã có một con bị tự kỷ nguy cơ của đứa thứ hai sẽ là ½.

U xơ thần kinh, là bệnh lý di truyền hiếm gặp với các u lành trong não trong cơ quan cơ thể. Có ¼ trẻ bị tự kỷ mắc chứng này.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT