Phóng Sự

Tìm hiểu về bệnh Tự Kỷ (kỳ 14)

Sunday, 16/09/2018 - 05:17:21

Nếu nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố thính lực của trẻ thì phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Trước 5 tuổi việc điều trị cho trẻ vẫn rất khả quan bằng cách phẫu thuật. Nếu trường hợp xấu nhất trẻ không nghe được thì có thể cho trẻ đeo máy trợ thính.


Bài BĂNG HUYỀN

Chậm nói là một trong những dấu hiệu khá điển hình của tự kỷ. Nhưng không phải trẻ chậm nói nào cũng bị tự kỷ. Trẻ chậm nói có thể chia làm hai dạng, trẻ chậm nói đơn thuần (speech delay) và trẻ chậm nói do khiếm khuyết về sự phát triển của não bộ hay còn gọi là tự kỷ (autism).

Nguyên nhân không do tự kỷ

Bác sĩ Lê Đức Xuân Tô là bác sĩ chuyên về Nhi Khoa và chuyên khoa về bệnh Dị Tật Bẩm Sinh cho biết, trẻ chậm nói đơn thuần (không phải do tự kỷ) là do rối loạn phát triển ngôn ngữ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói đơn thuần. Nguyên nhân xuất phát từ những vấn đề tại các bộ phận, cơ quan trong cơ thể đảm trách nhiệm phát âm như tai, mũi, họng, lưỡi hoặc cơ quan giữ vai trò chỉ huy ngôn ngữ ví dụ như não hoặc các trục trặc tại não (khiếm khuyến trong sự phát triển não bộ, viêm màng não, dị tật bẩm sinh…).

Có thể trẻ bị hở hàm ếch bẩm sinh (hay còn gọi là hở vòm miệng). Đây là một dị tật bẩm sinh với nhiều mức độ khác nhau, nhẹ nhất là tách đôi lưỡi gà và nặng nhất là tách toàn bộ vòm mềm và xương khẩu cái. Sự biến dạng của vòm miệng dẫn đến tình trạng rối loạn phát âm và một số rối loạn khác về chức năng hô hấp, ăn uống và thính giác. Mặc dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn gây ra tật nói ngọng.
Hoặc trẻ bị viêm lỗ tai nhiều quá trong lúc nhỏ mà không chữa hết, nên nhiều khi nước vẫn còn trong lỗ tai khiến trẻ lùng bùng không nghe được nên trẻ chậm nói. Hoặc trẻ bị sinh thiếu tháng, bị thiếu cân nặng khi sinh, là trẻ sinh đôi, sinh ba. Bé trai thường phát triển ngôn ngữ chậm hơn một số tháng so với trẻ gái. Hoặc có thể trẻ bị sốt cao co giật lúc nhỏ, từng bị ngã chấn thương hoặc bị bất cứ một vấn đề gì gây rối loạn.
 

Anh Michael Trần đang dạy nói cho trẻ (Hình cung cấp)

Với những trẻ là di dân Mỹ gốc Việt, có trẻ do nghe cùng lúc hai ngôn ngữ, sẽ chậm nói hơn là chỉ nghe một thứ tiếng. Ví dụ trẻ đi học ở trường nói tiếng Mỹ, về nhà phụ huynh chỉ nên nói tiếng Việt với trẻ, chứ không nên vừa nói tiếng Việt, vừa nói tiếng Mỹ, khiến trẻ bị bối rối.
Còn có nguyên nhân do trong gia đình ông bà hay ba mẹ của trẻ có “truyền thống” chậm nói, nhưng vẫn phát triển bình thường.

Hoặc còn có nguyên nhân do tâm lý khiến trẻ chậm nói. Có thể do trẻ bị cú sốc tâm lý, hoặc do gia đình bỏ bê, không quan tâm đến trẻ. Quá cưng chiều cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến trẻ chậm nói, lười nói. Ví dụ trẻ muốn ăn cái này, hoặc muốn lấy đồ chơi nọ, thay vì phụ huynh tập cho trẻ nói ra những gì trẻ muốn, thì lại chiều theo trẻ, nghĩa là chỉ cần trẻ khóc đòi, hoặc chỉ những thứ trẻ muốn, thì lại đưa ngay cho trẻ, mà không kiên nhẫn tập cho trẻ nói trẻ muốn gì. Hoặc trẻ là con một, không có trẻ khác chơi chung, mà phụ huynh thì lại không thường xuyên chơi chung, nói chuyện với trẻ, để cho trẻ xem tivi, xem I Pad nhiều quá.

Phân biệt nguyên nhân chậm nói

Bác sĩ Xuân Tô nêu ra một vài điều để giúp phụ huynh phân biệt giữa trẻ chậm nói đơn thuần với trẻ chậm nói tự kỷ, “Nếu trẻ vẫn hiểu được lời nói, khi nghe ba mẹ hỏi tai đâu, mắt đâu, mũi đâu, và thực hiện đúng những mệnh lệnh giản đơn như lấy đồ chơi, lấy nón, mang giày… đưa đồ cho mẹ, biết vỗ tay khi nghe nói hoan hô, nói bye bye trẻ biết vẫy tay, thì đó chỉ là chậm nói đơn thuần. Nếu được giúp đỡ tốt thì trẻ có thể phát triển lời nói rất nhanh để không bị chậm trễ về mặt ngôn ngữ khi đến tuổi đi học.
“Ngược lại, những trẻ bị chậm cả diễn đạt lẫn cảm thụ ngôn ngữ thường có căn nguyên nghe kém hoặc chậm khôn. Việc giúp đỡ sẽ khó khăn hơn nhiều. Trẻ phải được các bác sĩ chuyên khoa tai khám, đo sức nghe và đo chỉ số IQ.

“Trẻ chậm nói do tự kỷ có thể nói rõ nhưng nói những câu vô nghĩa hay không đúng ngữ cảnh, ngoài hạn chế về ngôn ngữ, trẻ còn hạn chế biểu hiện cảm xúc, tránh giao tiếp bằng mắt ngay cả với người thân.
“Trẻ chậm nói đơn thuần là trẻ không đủ vốn từ để diễn tả, trẻ vẫn hiểu được lời nói và thực hiện được mệnh lệnh đơn giản tuy nhiên rất dễ nhận ra trẻ muốn nói nhưng lại không biết nói như thế nào hoặc chỉ nói được một từ. Trẻ chậm nói đơn thuần có sự hạn chế về giao tiếp nhưng các dạng vận động về thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường.

“Chậm nói thông thường và chậm nói do khiếm khuyết về sự phát triển của não bộ- chứng tự kỷ. Nếu bên cạnh việc chậm nói thông thường trẻ có thêm một vài các biểu hiện như khả năng hiểu lời của trẻ không tốt, khó ngủ, giấc ngủ không sâu, hành vi bất thường lặp lại, khó hòa nhập, thích một mình thì cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý để làm test tâm lý và loại trừ.
“Trẻ chậm nói hoặc chậm phát triển tuy có một số biểu hiện giống trẻ tự kỷ như giao tiếp ngôn ngữ kém, chậm đáp ứng yêu cầu người lớn... song các dạng vận động về thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường. Những trẻ như thế này vẫn có thể giao tiếp bằng mắt, nhận ra và giao cảm tốt với người thân, vận động như trẻ bình thường.”

Quá trình phát triển ngôn ngữ

Bác sĩ Xuân Tô cho biết quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ phát triển bình thường về thể chất, tinh thần, sẽ có những đặc điểm như sau:

Từ 3 đến 6 tháng tuổi, trẻ sẽ hướng về phía mọi người đang nói chuyện và chăm chú lắng nghe. Ở độ tuổi này trẻ cũng có thể phát ra các âm thanh như ê, a, ba, bà...

Từ 6 - 9 tháng tuổi: trẻ có thể phát âm được những từ có 2 âm tiết đơn giản như ba ba, ma ma.
Từ 9 - 12 tháng tuổi: trẻ có thể phát âm được nhưng câu dài giống người lớn nhưng câu từ không rõ ràng mà chỉ bao gồm những tiếng ê, a. Một số trẻ phát triển nhanh thì đã có thể nói được khoảng 3 từ như mẹ, ba, bà.

Từ 12 - 15 tháng tuổi: trẻ có thể phát âm những âm thanh có tiết tấu giống với âm nhạc.
Từ 15 - 18 tháng: bé đã có thể nói được câu dài 4 từ. Ở tầm tuổi này bé đã tự biết cách ghép các từ lại với nhau thành câu và sắp xếp các từ cho đúng trật tự. Đồng thời trẻ cũng phân biệt được các bộ phận của cơ thể, các hình con vật khác nhau.

Từ 18 tháng đến 2 năm: vốn từ của trẻ đã lên đến khoảng 25 từ, trẻ biết chào mọi người theo đúng tên, biết từ chối khi không thích.

Từ 2 - 3 tuổi: trẻ đã nói được rất nhiều, vốn từ vựng của trẻ lúc này đã rất phong phú từ 50 – 200 từ, đã có thể tự nói chuyện tự hát một mình. Khi trẻ 3 tuổi, câu từ sử dụng đã có đầy đủ thành phần chủ ngữ và vị ngữ. Trẻ cũng biết trả lời các câu hỏi của người lớn như con đang làm gì vậy? Con thích ăn món gì?
Từ 3 - 4 tuổi: trẻ đã có thể nói được những câu phức tạp và biết sử dụng gần như thành thạo những câu từ đó khi hội thoại.

Tuy là mỗi trẻ đều có một mức độ phát triển khác nhau phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, hoàn cảnh sống, cách giáo dục của ba mẹ. Nhưng hầu hết các trẻ trước 24 tháng đều nên nói được 25 từ cơ bản. Nếu không, có thể coi là chậm nói.

Theo bác sĩ Xuân Tô, nếu trẻ chậm là do yếu tố tâm lý, thì cần phải áp dụng các phương pháp theo sự chỉ dẫn của bác sĩ tâm lý. Bên cạnh đó gia đình cần dành nhiều thời gian quan tâm đến trẻ nhiều hơn, cần để cho trẻ có thời gian tự lập và có cơ hội để phát triển ngôn ngữ.

Nếu nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố thính lực của trẻ thì phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Trước 5 tuổi việc điều trị cho trẻ vẫn rất khả quan bằng cách phẫu thuật. Nếu trường hợp xấu nhất trẻ không nghe được thì có thể cho trẻ đeo máy trợ thính.

Nếu nguyên nhân xuất phát từ sự kém phát triển của vùng não bộ đảm nhiệm vai trò ngôn ngữ thì cần phải có những tác động tích cực vào khu vực này. Cha mẹ cần xem xét lại chế độ ăn uống của con mình đã đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt là các loại vitamin và các nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển của não bộ chưa. Đôi khi chế độ ăn hàng ngày cung cấp không đầy đủ các loại vitamin này hoặc do trẻ hấp thu kém, ăn kém. Trong trường hợp này hãy tìm cách bổ sung các chất còn thiếu bằng các sản phẩm dinh dưỡng bên ngoài.

Bác sĩ Xuân Tô khuyên các phụ huynh đừng chần chừ khi trẻ chậm nói, đừng chờ đợi sự tự nói ở trẻ mà hãy giúp trẻ tập nói. Việc chăm sóc cho trẻ chậm nói là một tiến trình lâu dài và không được nôn nóng. Khi trẻ có biểu hiện của “ làm biếng nói” phụ huynh cần có những tác động kích thích ôm ấp, vỗ về, kích thích để trẻ có thể nói.

Những điều ba mẹ có thể làm gì để giúp trẻ khi trẻ chậm nói?
Bác sĩ Xuân Tô khuyên, “Phụ huynh hãy dành thật nhiều thời gian trò chuyện với con, thậm chí từ lúc ẵm ngửa, nói với con, hát và bắt chước các âm thanh và cử chỉ.

“Đọc cho trẻ nghe, bắt đầu từ lúc 6 tháng, những cuốn sách mà trẻ có thể bắt chước cử động, hoặc có các hình hoa văn để trẻ có thể chạm vào. Cho trẻ chỉ các bức tranh và cố gắng gọi tên chúng.
“Tận dụng mọi tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ. Mặt khác, ba mẹ cũng nói liên tục nếu có thể. Chẳng hạn giải thích đang làm gì cho trẻ khi ba mẹ đang nấu hoặc lau nhà, chỉ các vật ở quanh nhà, và khi đưa bé lên xe, chỉ các âm thanh mà bạn nghe thấy. Đặt câu hỏi và lắng nghe trẻ trả lời. Nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ để khám và can thiệp kịp thời khi trẻ có các dấu hiệu bất thường.”

Anh Michael Trần từng dạy về ABA (Therapist Applied Behavior Analyze. Creative Solution for Autism.) cho trẻ bị tự kỷ và nay chuyên dạy nói (speech therapist) cho trẻ bị chậm nói, trẻ tự kỷ, cho biết, trẻ bị chậm nói đơn thuần nếu can thiệp về ngôn ngữ hợp lý thì sau ba đến sáu tháng sẽ tương đối ổn định. Sau khi chuyên viên dạy nói cùng chơi và hướng dẫn các bài tập ngôn ngữ với trẻ, cùng sự dạy nói của ba mẹ với trẻ tại nhà, trẻ sẽ có nhiều biểu hiện tiến bộ, biết nói bập bẹ những từ mà trẻ cùng lứa có thể phát âm được.

Anh Michael Trần khuyên, dù mắc chứng chậm nói hay tự kỷ thì trẻ luôn cần được điều trị sớm ngay từ khi phát hiện và được hướng dẫn tập luyện. Chứng chậm nói có thể điều trị khỏi. Còn với trẻ tự kỷ, các phương pháp điều trị sẽ giúp bé cải thiện chức năng tương tác, hành vi, ngôn ngữ, giúp bé ổn định và phát triển nhất định để giảm bớt khó khăn hội nhập cuộc sống. Việc phát hiện trễ các triệu chứng liên quan, sức khỏe tâm lý của trẻ sẽ hạn chế rất nhiều kết quả trị liệu, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để phát hiện sớm các triệu chứng này và có kế hoạch để giúp đỡ trẻ hiệu quả.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT