.jpg)
Thời đồ thờ cúng lên ngôi (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Bài NGUYÊN QUANG
Đây là nhận xét của một cư sĩ, một người tu tại gia, vấn đề ông nêu ra không chỉ dừng ở chuyện tu hành, chuyện đạo Phật hay các tôn giáo mà nó liên quan đến tâm tính xã hội loài người có thể nhận biết được, chí ít trong lúc này. Bởi câu chuyện có giới hạn độ dài, nên chỉ xoay quanh trục Việt Nam, vấn đề chay tịnh Việt Nam và thế nào là chay tịnh? Chay tịnh nên hiểu như thế nào? Khi mà thời chay tịnh chấm dứt thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Chay tịnh, nên hiểu như thế nào?
Một vị tu sĩ, từng tu đến cấp bậc Đại Đức, tức từng thọ giới Sa Di, Tỳ Kheo, sau đó bỏ chùa ra ngoài, hoàn tục, có vợ con, chia sẻ, “Việc đi tu của thời những năm đầu thập niên 1960 đến bây giờ rối rắm và phức tạp lắm, khó nói lắm!”
.JPG)
Mắm tôm bày bán tại gian hàng đậu hũ vào ngày rằm, chay mặn lẫn lộn. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Như vậy nghĩa là trước đó không rối rắm, phức tạp? Và rối rắm, phức tạp nên được hiểu như thế nào ạ?”
“Không phải như thế, trước thập niên 1960, chuyện tu hành cũng khá là phức tạp, cũng đầy rẫy chuyện để bàn. Nhưng ít ra thì những năm đó trở về trước, mức độ tu hành không có nở rộ và kinh tế Việt Nam thời đó cũng khó khăn, người tu hành chủ yếu tương cà, dưa muối, đạm bạc qua ngày nên chẳng có chuyện vật dục đáng kể như bây giờ, mà nói thật, vật khan hiếm thì dục cũng tịnh, thời đó ăn uống kham khổ, người ta ổn định năng lượng để mà tu tĩnh, suy tư, tư lự và chiêm nghiệm kinh kệ… Nó khác bây giờ, nhất là những năm 1960 trở về sau, khi mà mọi thứ phát triển, người ta có cái ăn cái để…”
.jpg)
“Việc đi tu bây giờ phức tạp, khó nói lắm...” (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Dạ, vấn đề phức tạp là ở khía cạnh vật dục không thôi, hay còn yếu tố nào khác?”
“Nó là cộng nghiệp, từ chỗ có cái ăn, đất nước từ năm 1960 trở đi, miền Nam khá là phồn thịnh, sầm uất, miền Bắc cũng ổn định chính trị tuy chưa có kinh tế, chính vì vậy thời đó người ta vào chùa tu, chùa miền Nam phát triển hơn miền Bắc. Đặc biệt nguồn trốn lính, trốn quân dịch trong lứa tuổi thanh niên cũng là nguồn cung khá lớn các sa môn ở các chùa. Tôi thời đó cũng là một người trốn quân dịch, cũng vào chùa chay tịnh, xuống tóc, tụng kinh gõ mõ chờ ngày can qua… Và ngay lúc đó, tôi hiểu rằng mình đang trốn quân dịch, mình được phép yêu nhưng muốn gì thì phải nhập gia, sau này tôi có vợ.”
.jpg)
“Chay tịnh của đạo cũng là chay tịnh của đời...” (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Chú vẫn chưa chia sẻ vấn đề phức tạp và rối rắm nên hiểu như thế nào?”
“Thì tôi nói rồi đó, nguồn cung có vấn đề, người tu không có lý tưởng tu, chủ yếu trốn quân dịch, đến khi trái lứa lỡ thì thôi kệ ở lại tu luôn, kiểu tu này sẽ có rất nhiều trắc trở. Rồi thêm nữa khi kinh tế phát triển, mới có cái để người ta chấp thủ bởi Phật Tử cúng dường mạnh tay. Lúc này, với tâm thế ngay từ đầu không phải đi tu, cộng với tình trạng tiền bạc luôn bày ra trước mắt, làm sao mà không có những thay đổi, rồi đổ đốn nữa kia… Nhưng anh cũng nên để ý, miền Bắc khác miền Nam, phong trào xây dựng chùa, đi tu, xưng sư xưng sãi chỉ mới có cách đây chừng hai mươi năm trở lại, trước đó không có, bởi vì kinh tế mới phình nở chừng hai mươi năm trở lại, đặc biệt các kiểu hầu đồng sau chùa, rồi ban lộc, cầu chức, cầu phước… Mới có đây, kể từ khi văn hóa hầu đồng được công nhận di sản, thực tâm mà nói thì tu hay chùa gì bây giờ cũng cho thấy lúa thóc đi đâu bồ câu theo đó. Tu là một hình thức kinh doanh. Hiếm gặp bậc chân tu lắm, vì chả có bậc chân tu nào lại dại dột xông vào chốn thị phi để ôm một mớ tiền, bởi đó là thứ phá tu đầu tiên!”
.jpg)
Những điểm kinh doanh tâm linh dựa vào trục vong, vớt vong ngày càng xuất hiện nhiều. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Cháu hỏi riêng chú chuyện này, khi ra có vợ, sau đó sống đời sống bên vợ con tuy hạnh phúc, ổn định như không giàu có như mấy ông đi tu, chú có tiếc không?”
“Ồ, chỉ có bọn điên mới tiếc, vì ăn của thập phương, trả lại cho thập phương không nhỏ tí nào, đời đừng bao giờ thấy dễ mà xông vào, cảm thấy anh còn tục lụy thì cứ ra đời, lấy vợ đàng hoàng, đừng có nửa nạc nửa mỡ, sắc dục cũng ham mà áo cà sa cũng ham, đó là ma tâm chứ tu hành gì!”
“Chú thấy các sư bây giờ như thế nào?”
“Hỏi như vậy chung chung quá, tôi nghĩ đạo Phật còn thì chân sư sẽ còn, chắc chắn là vậy. Còn những kẻ mượn đạo để làm chính trị, để phá đạo, để làm kinh tế… thì rõ ràng họ chẳng có gì để nói, thậm chí tư cách của họ chưa phải con người. Rất tiếc thời bây giờ, loại đó trong các chùa nhiều quá, mà hình như tôn giáo nào cũng gặp loại đó, ít hay nhiều thôi, chứ chẳng có tôn giáo nào thoát! Bởi vì thời chay tịnh đã qua”
.jpg)
Một trong những điểm hầu đồng nổi tiếng trên đất Bắc (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Chay tịnh của chú nói, hình như rộng hơn chay tịnh của tôn giáo?”
“Thực ra đạo với đời chỉ là một, không phân biệt, chay tịnh của đạo cũng là chay tịnh của đời, đời trở nên hung hăng và cuồng vội, thậm chí đời trở nên điên loạn bởi vì đạo nó vốn dĩ đã vậy, đã mất đi chay tịnh, và đời cũng mất chay tịnh nên con người trở nên hung hăng, điên loạn, đạo và đời chẳng thể phân biệt, người ta lợi dụng đạo, biến đạo hữu thành một loại lừa hay la của họ chẳng hạn. Thời đại của chay tịnh chết đi sẽ là thời của cuồng nộ và tàn nhẫn, tham độc…”
Trước chùa, sau điện
Hình ảnh nhiều chùa ở miền Bắc Việt Nam với cấu trúc trước chùa sau điện, tức phía trước là chánh điện thờ Phật, phía sau lưng chánh điện lại là điểm hầu đồng, còn gọi là điện và Phật tử chỉ đến những chùa có cấu trúc như thế này, hầu hết các chùa không có cấu trúc trên hoặc là ế ẩm, vắng vẻ như chùa bà Banh (chứ không phải chùa bà Đanh, bà Banh là cách nói dân gian về hình ảnh Apsara đứng múa trước cổng chùa với tư thế mở… Chùa Bà Banh có từ thời nhà Trần, là dấu vết văn hóa Chăm trên đất Bắc, và hầu hết các chùa bà Banh đều vắng vẻ...) hoặc sống dựa vào nguồn kinh phí của nhà nước trong diện du lịch, di tích…
.jpg)
Du lịch tâm linh, một kiểu bẻ lái niềm tin hết sức tế nhị (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Một vị thầy yêu cầu giấu tên, đang hoạt động ốp đồng trong một điện thờ sau lưng chánh điện một ngôi chùa thuộc vào hàng “đại cổ tự” của Việt Nam, chia sẻ, “Ở đây, hầu hết các chùa đều vậy, sự linh thiên của điện thờ phía sau sẽ hỗ trợ cho chánh điện phía trước”
“Nghĩa là sao, thưa thầy, tôi vẫn chưa hiểu?”
“Nếu các điện thờ, điểm hầu đồng sau lưng chánh điện mà không thiêng, không có thu nhập thì chùa chỉ có đói. Chùa dựa vào đồng, cũng như chùa Ba Vàng, ông sư Thích Trúc Thái Minh phải dựa vào chuyện trục vong để mà ăn tiền thiên hạ.”
.jpg)
Chỉ có trời mới biết... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Như vậy thì sao gọi là chùa được?”
“Chứ tôi đâu có nói rằng các chùa là chùa, đây chỉ là điểm kinh doanh tâm linh, đó là qui luật chung của xã hội bây giờ, mình mà không bám điểm thì có thằng khác nó nhào vô dây máu ăn tiền ngay. Có chốn nào chộn rộn mà an toàn hơn chốn chùa chiền đâu! Thử nghĩ đi, chốn quan trường, chính trị, nghe thì tiền bạc rủng rẻng, quyền lực đầy mình, nhưng khi rớt một phát thì chả còn thứ gì, thân tàn ma dại… Còn chốn chùa chiền, kiếm ăn nhẹ nhàng, mau giàu, chẳng sợ khi rớt, đó là sự thật, chính cái sự thật này khiến cho chúng tranh nhau khốc liệt!”
.jpg)
Điểm du lịch được đồn đoán xây dựng từ nguồn vốn của gia đình một quan chức cấp cối. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
“Có khi nào các thầy suy tư về Nghiệp - Karma không? Và khi làm những việc này, các thầy cho rằng đó là duyên hay nghiệp?”
“Mọi thứ duyên - nghiệp do con người định nghĩa thôi, làm sao mà nói cho chính xác, ví dụ như nói rằng việc các chùa làm kinh tế là tạo nghiệp, thì tôi hỏi ông, người ta nói rằng có phước báu, có duyên kia mới gặp gia cảnh cao quí, như vậy kiếm được nhiều tiền, sống đời giàu sang thì không cao quý là gì? Vả lại chúng tôi cũng vớt vong, trục vong, cũng làm đủ thứ để quí vị bình an, nhương sao, giải hạn, cầu an, cầu siêu, tất cả không vì sự bình an của quí vị thì vì cái gì?”
“Thầy nghĩ rằng kiếm được nhiều tiền là sang sao? Nếu như vậy thì những kẻ tham quan, hối lộ, trộm tiền nhà nước, thụt két quốc gia… đều là kẻ có phước báu, đều là kẻ sang trọng sao?”
“Làm sao có thể đánh đồng sự cao quí của các sư với sự thấp hèn của quan lại được chứ. Chính các quan lại mang tiền đến lạy dạ chúng tôi để chúng tôi cứu giúp họ, nên nhớ điều này. Vì thân phận khác nhau, sứ mệnh cũng khác nhau, nên hệ quả, nhân quả cũng khác nhau!”
.jpg)
Thời chay tịnh đã hết... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)
Tôi chỉ biết cảm ơn vì ông thầy đã chịu ngồi nói chuyện và nói thật lòng, còn vấn đề ông đã nói đúng sai ra sao, có lẽ không cần bàn thêm. Điều đó chỉ cho thấy sự chay tịnh gần như mất dấu trong xã hội này, con người có thể kinh doanh trên sự chay tịnh và khi xã hội đánh mất sự chay tịnh, thì lúc ấy, mọi sự nhiễu nhương, độc ác hay thủ đoạn chỉ là điều tất yếu.
Những vụ tai tiếng gần đây của Phật Giáo nhà nước, Phật Giáo tự phát tại Việt Nam có gì đó thật quá bi thảm. Bởi khi niềm tin của con người bị rẻ rúng, bị lợi dụng và bị bẻ lái thành sự mê tín, ngu muội để rồi làm lợi cho một nhóm người, thì còn gì buồn hơn?!