Chân Dung Việt Nam

Tết và điệp khúc Xuân

Thursday, 26/01/2023 - 11:14:12

Nói đến Tết, có muôn chuyện để bàn, từ chuyện ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết… Từ trước Tết, nếu giới quan chức phải nghĩ sao...


Vãn cảnh chùa ngày mồng Một Tết... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Bài NGUYÊN QUANG

Nói đến Tết, có muôn chuyện để bàn, từ chuyện ăn Tết, chơi Tết, chúc Tết… Từ trước Tết, nếu giới quan chức phải nghĩ sao cho câu văn suôn sẻ để tờ lệnh không được biếu quà Tết cho cấp trên, lãnh đạo nghe sao cho hợp tai, anh công chức phải nghĩ sao để biếu được quà cho lãnh đạo mà không trái lệnh thì người dân lại phải nghĩ xem Tết này làm sao ra khoản tiền để sắm Tết, mâm cơm cúng rước, cúng tiễn ông bà làm sao cho ấm áp, Tết này thăm ai, chúc Tết ai... Nhưng đó là chuyện của những năm trước, năm nay, ngoài những nỗi lo nghĩ thường năm, nhiều quan chức còn phải nghĩ sao để có một cái Tết an lành khi ông Chủ Tịch Nước vừa “xin nghỉ việc” ngay trước thềm năm mới, người dân thì nghĩ sao để có một cái cớ đỡ ra khỏi nhà, để đỡ đi chúc Tết, bởi buôn hoa ngày Tết thua lỗ, bởi lúa chẳng lên giá mà vật giá thì cứ leo thang!

 

Pháo nổ đì đùng Tết mịt mùng

 


Chánh điện Chùa vắng người thắp nhang. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Đó là lời than thở của cô Hương, một giáo viên dạy sử cấp ba ở Đà Nẵng. Cô Hương cho hay Tết năm nay cô được nghỉ Tết sớm mấy ngày so với mọi năm vì không có tiết trong những ngày đầu tuần. Dịch giã mấy năm ròng, Tết này cô quyết định không đón Tết thành phố mà cùng chồng con về quê ở Quảng Nam ăn Tết. Đây cũng là dịp mà cô phát hiện ra Tết ở quê “Pháo nổ đì đùng, Tết mịt mùng.”

“Xin cô chia sẻ thêm về câu nói này.”

“Anh thấy đó, tôi về quê từ 25 Tết, suốt ngày nghe pháo hoa nổ khắp nơi, nghe dì tôi bảo là từ tầm đầu tháng Chạp là pháo đã bắt đầu nổ rồi. Vậy rồi đến đêm giao thừa, chẳng cần lên tivi để xem bắn pháo hoa, bởi từ 6 giờ tối là pháo hoa nổ khắp bốn phương tám hướng nhà tôi rồi. Đã mồng Bốn Tết, pháo hoa vẫn nổ đì đùng, vậy mà Tết vẫn mịt mùng.”


Phố cổ vắng khách hơn mọi năm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Cô vẫn chưa nói rõ?”

“Thì có gì đâu mà cần nói rõ, chợ ba mươi Tết năm nay đã nói rất rõ điều đó rồi. Nhiều người mong một cái Tết ấm cúng, đầy đủ nên bỏ tiền ra buôn hoa, cuối cùng từ Sài Gòn cho đến Đà Nẵng, kể cả cái xứ quê này, hoa hạ giá, bán như cho, đem đổ bỏ đầy. Người trồng hoa thì gặp thời tiết khắc nghiệt, bán được giá cho lái buôn nhưng thực ra cũng chẳng lời mấy vì cả vườn hoa chẳng còn được mấy cây. Lái buôn thì khổ rồi, một bó lay ơn từ hơn 100 ngàn ($4.25) hạ xuống còn 30 ngàn ($1.30) cũng chẳng có người mua. Như dì tôi Tết trước còn trông vô bán buồng cau Tết, năm nay cau rớt giá thê thảm, cũng chẳng còn được khoản thu này. Cuối cùng bán lúa mua đồ Tết, bán cả bao lúa mua được 2 kí thịt, 1 kí hạt dưa, hai kí cà rốt và hai kí khoai tây. Khổ, rau thì làm ra biếu quanh, rồi mang ra chợ bán rẻ, vậy mà cà rốt khoai tây, thịt.. lên giá quá chừng.”


Hết ba ngày Tết, lại bảy ngày Xuân. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Vậy là Tết nay cô ở nhà vẫn nghe vẫn thấy pháo hoa và Tết thì chẳng mấy vui?”

“Có riêng gì tôi hay nhà dì tôi đâu anh ơi, khắp nơi là vậy. Giới đầu tư bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam thì đang như ngồi trên đống lửa bởi bác Phúc vừa xin về hưu, mà anh biết ai đầu cơ đất ở đây nhiều không, đa số là người Bắc, người ta đổ tiền vào từ hồi bác Phúc lên thủ tướng, giờ thì hay rồi. À, mà chẳng biết có phải vì vậy không mà vừa rồi Hội An không mua ra pháo rồi quyết định hủy bắn pháo hoa vào đêm giao thừa nhỉ? Mà cũng đâu riêng gì giới đầu tư bất động sản, nhiều tiệm buôn cũng ế hàng vì chẳng mấy người mua sắm Tết, thành ra Tết đến nhà nào cũng đóng cửa, một phần để khỏi phải nhận lại hàng người ta đã mua sắm, bởi nhiều người lỡ mua rồi không biết quà cáp biếu tặng thế nào, lại nhờ các cửa hàng bán lại, gỡ được đồng nào thì gỡ. Nói chung là ba ngày Tết qua rồi, tình hình chung theo tôi là pháo thì nổ đì đùng mà Tết thì mịt mùng bởi nhiều thứ, bởi nỗi bất an kinh tế, bất an về bệnh tật, bất an về lịch sử, bất an về đất đai, bất an về văn hóa, bất an về lối sống…”


Các tiểu cảnh ở chùa là nơi có nhiều người 'check in' nhất. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


“Sao Tết mà chẳng thấy cô nói chuyện gì vui, toàn là nỗi bất an?”

“Sao mà vui nỗi anh ơi. Tôi cũng muốn tìm niềm vui nên mới rời thành phố, về chốn quê này đón Tết. Nhưng Tết quê bây giờ cũng chộn rộn rồi, chẳng còn cái đầm ấm, chẳng còn cái không khí quê mà mình trông ngóng như ngày xưa, bởi người ta làm gì cũng đặt tiền làm kim chỉ nam. Thử hỏi anh, về quê ăn Tết mà nghe toàn chuyện chồng vợ cãi nhau vì đất đai, anh em bất hòa vì đất đai, nghe người than vì thất nghiệp, về không làm ra đồng nào, rồi thì trẻ em chỉ thuộc những bài hit tiktok thay vì đồng dao, nhạc quê hương… Thanh niên thì chạy xe rồ ga đầy đường, pháo hoa thì bắn khắp nơi, con mình chẳng dám để ra khỏi ngõ thì còn gì là Tết quê nữa. Đó là chưa nói đến, đi chơi Tết, chúc Tết người ta cũng chọn nhà nào có cảnh đẹp để seo phì (selfie) chứ chẳng phải chúc Tết. Vậy thì thôi, Tết còn ý nghĩa gì nữa. May sao mà Tết này nhà dì tôi gói bánh tét, con tôi cũng được tham gia vào buộc lạt, Tết cũng dẫn nó đi chùa thắp hương, coi như cũng có cảm thức Tết quê, vậy là mừng rồi. Mà nói tới chùa mới nhớ, anh cứ ghé các chùa, sẽ hiểu sao tôi bất an và cảm giác Tết mịt mùng.”

 

Mưa, rét, trời thương ai!?

 


Vật giá leo thang, Tết càng thêm khổ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Tạm biệt cô Hương, theo như lời cô gợi ý, chúng tôi tìm đến một số chùa để vãn cảnh. Không khí ở các chùa năm nay có vẻ đông hơn năm trước, một phần vì nhiều người đã không còn e dè đám đông như năm trước khi dịch Covid chưa vãn, một phần vì chùa có vẻ được thờ cúng và trang hoàng đẹp hơn mọi năm. 

Gặp một trụ trì chùa ở Duy Xuyên, Quảng Nam, chúng tôi được biết từ trước Tết, chùa cũng định năm nay thờ cúng đơn giản, nhưng không hiểu sao từ 26 Tết, có rất nhiều quan chức và doanh nghiệp tìm đến chùa để dâng hương, lễ vật. Họ mang đến các loại trái cây có giá cả triệu bạc và hoa, bánh rất đẹp mắt, chỉ nhờ chùa cầu bình an giùm. Cũng nhờ thế mà chùa năm nay đẹp hơn năm trước, và cũng có nhiều khách vãn cảnh hơn, nhưng cũng chính điều này làm cho chùa chộn rộn.

“Đi chùa giờ đâu phải để thắp hương lễ Phật, vậy nên anh đừng ngạc nhiên vì chốn chùa chộn rộn,” một vị Phật tử chia sẻ.


Chùa Cầu Hội An (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Sao vậy anh, đến chùa không thắp hương lễ Phật cầu bình an thì chẳng lẽ chỉ vãn cảnh.”

“Anh nói đúng rồi, nhưng giờ con người ta đi vãn cảnh trong cái tâm thế cũng khác lắm. Người ta không vãn cảnh chùa để cầu bình an trong tâm hồn, để hưởng cái khí đất trời đầu năm mà người ta vãn cảnh để chọn cảnh nào đẹp rồi chụp ảnh, rồi ‘check in’. Năm nay người đến chùa thì đông mà chánh điện chẳng mấy ai ghé, chỉ có sân chùa là chộn rộn.”

Mồng Ba Tết, trời miền Bắc bắt đầu chuyển rét, nhiều tỉnh miền Trung thì chuyển mưa, lạnh. Đối với nhiều người đây là dịp trời thương, nhưng với không ít người, trời không thương tới họ. Như lời anh Hùng, chủ một gian hàng bầu cua tôm cá ở khu vui chơi dịp Tết, “Trời chẳng thương tới tụi tôi, nhưng lại thương mấy bà con ở nhà.”


Mưu sinh ngày Tết (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Sao anh nói vậy?”

“Tôi chạy kiếm việc khắp nơi cũng chỉ mong có tiền tiêu Tết nhưng chẳng có mấy đồng. Cuối cùng kiếm được chân ở hội chợ Tết này, nhưng được có hai ngày đầu, thời tiết đẹp, nhiều người ghé, mặc dù đi 10 người thì cũng tầm 4 đến 5 người ghé chơi lấy may vài đồng nhưng chừng đó cũng đủ để mình kiếm được ngày 300 đến 400 ngàn ($13 - $17). Hai bữa nay mưa, lạnh, mình còn ngồi co cụm huấn chi người đi chơi. Thành thử ra trời chẳng ngó tới mình, biết vậy thôi chứ sao giờ.”

“Vậy sao anh nói trời thương những người ở nhà.”


Trang trí Tết ở phố cổ đơn giản hơn mọi năm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Điều này rõ vậy mà. Mấy đứa con của tôi ở nhà có đúng một cái áo mới, mặc hai ngày rồi, chẳng lẽ ngày mồng Ba cũng mặc nữa. Nhiều bà con của tôi ở cùng làng nhưng cũng gọi điện chúc Tết, cái cảnh này tôi rõ quá rồi. Còn gì mừng hơn có cái cớ để khỏi ra khỏi nhà, để khỏi phải đi thăm Tết. Hiếm nhà nào không có trẻ nhỏ hoặc người già, thành thử ra khi đi chúc Tết sẽ phải kèm phong bao lì xì. Xưa còn mừng tuổi 10 ngàn, 20 ngàn, giờ mà mừng tuổi kiểu đó người ta cười cho, nhiều khi còn bị trách… nên thành ra, trời mưa là trời thương rồi. Mà thôi, trời thương hay không thương gì thì Tết cũng hết, Xuân cũng về. Giờ tôi chỉ mong ngày mai trời tạnh ráo để còn kiếm ít đồng, họp làng, họp xóm, họp lớp lại đến nơi rồi.”


Hương vị Tết quê… (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Họp làng, họp xóm, hợp lớp đầu năm… cùng cái điệp khúc “Ba ngày Tết, bảy ngày Xuân” sẽ còn kéo dài đến hết tháng Giêng thậm chí sang tận tháng Hai ở cái xứ sở thích hội hè đình đám này. Chẳng biết sẽ có bao nhiêu người dân có việc cần phải đợi cơ quan nhà nước mở cửa bởi lãnh đạo bận đi họp mặt, cà phê, du lịch đầu năm, bao nhiêu cuộc cãi vã thậm chí là ẩu đả khi rượu vào lời ra ở đất nước tiêu thụ rượu bia thuộc top 10 thế giới này? Thôi thì chỉ biết cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn đến với mọi người, mọi nhà!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT