Hôn Nhân, Cuộc Sống

Tập dần cho con trưởng thành (kỳ 1)

Friday, 08/02/2019 - 08:04:26

Trong giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu nhi lên tuổi thanh thiếu niên, ngoài những thay đổi trong cơ thể, chúng cũng bắt đầu một loạt những trải nghiệm xã hội mới lạ. Điều đó có thể được bộc lộ bằng tình bạn mới và bắt đầu có những mối quan tâm lãng mạn.


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Yêu thương và ủng hộ trẻ
Ngày bé Na đi học, người khóc sướt mướt không phải là bé, mà là...mẹ của bé. Ai cũng thắc mắc vì sao người mẹ phải lo lắng đến mức như vậy khi bé bắt đầu đến trường. Người mẹ trả lời, “Từ nhỏ đến lớn, bé chỉ quanh quẩn trong nhà với ba mẹ, có gì là gọi mẹ ngay, ăn, ngủ cũng chỉ có mẹ, có ba. Còn bây giờ hết nửa ngày bé phải sống xa ba mẹ. Cứ nghĩ đến lúc đó là tôi lại rơi nước mắt.”

Sau đó, người mẹ bắt đầu tập làm quen với cuộc sống ngoài vỏ bọc gia đình của con trẻ. Bé Na ngày nào nay đã trưởng thành, sống vui, và luôn mang ơn cách dạy dỗ, chăm sóc của ba mẹ. Thực tế có những bậc cha mẹ những tưởng cứ bọc con trong vỏ thì con sẽ ngoan, sẽ phát triển tốt, nhưng ngược lại, những đứa con ấy khi lớn lên lại gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mà các em phải làm chủ.

Giúp con tự lực

Dưới cặp mắt của nhiều bậc cha mẹ, con cái dù còn bé dại, hay đã trưởng thành cũng vẫn là đứa con bé bỏng trong gia đình. Vì thế, họ cảm thấy rất khó khăn khi phải chứng kiến con cái lớn dần lên, từ một đứa trẻ dễ thương bước vào tuổi vị thành niên (teenager) với những tính cách thất thường, rồi trở thành người lớn độc lập một cách quá nhanh chóng. Làm quen với việc con cái dần trưởng thành có nghĩa là chuẩn bị cho cả bạn và con mỗi khi bước vào giai đoạn mới của cuộc sống. Điều đó có nghĩa là bảo bọc nhưng cũng cần nới lỏng dần để con bạn trở thành một người tự lập.

Ngày đầu đưa con đi học, chắc chắc ba mẹ sẽ không kém buồn bã, nhưng cũng không ít người luôn giữ thái độ tích cực. Đây là điều cần thiết cho sự trưởng thành của con trẻ. Thay vì lo lắng cho con trong thời gian con ở lớp học, họ luôn nghĩ về việc con đã học được gì và hãnh diện về điều đó, cũng như cảm thấy yên tâm vì không có mình bên cạnh, bé vẫn ổn, vẫn sống tốt, lại có thể tự ăn, tự đi ngủ.

Cũng theo cách đó, nhiều bậc cha mẹ cố gắng đánh giá cao khả năng đang hoàn thiện của trẻ như tự đi học, hoàn thành bài tập không cần bạn giúp và tự ra quyết định.

Các bậc phụ huynh cũng nên cho con biết trước những gì được mong đợi ở trường. Giúp con sẵn sàng với việc coi thời khóa biểu hàng ngày, những kỳ vọng, niềm vui và nỗi sợ như là một phần của việc đến trường. Bạn cũng nên tập cho con thức dậy sớm, tự chọn quần áo mặc đi học, và sẵn sàng để đến trường khi đã xong bữa sáng. Bạn cũng nên chỉ cho trẻ lớp học của mình, để bé tự vào lớp mỗi ngày. Đó là những cách mà bạn có thể chuẩn bị giúp con tự lập hơn.

Lấp khoảng trống khi con ở trường

Nếu bạn đang đi làm, bạn sẽ vẫn bận rộn dù đã đưa con đến trường. Tuy vậy, một lúc nào đó trong ngày, khi con ở trường, có thể bạn sẽ cảm thấy trống trải. Bạn nên tìm cách khỏa lấp chỗ trống bằng một việc bạn ưa thích. Ví dụ, bạn xong công việc lúc 3 giờ chiều, nhưng đến 6 giờ con mới tan học. Ba tiếng đồng hồ ấy sẽ qua nhanh khi con cùng ở bên bạn, nhưng sẽ dài đằng đẵng nếu bạn phải ngồi chờ tới giờ đón con. Giải pháp là bạn nên tìm một việc gì đó mà bạn thích thú để làm. Như thế sẽ khiến quá trình thay đổi dễ dàng hơn và có lợi cho cả bạn và con về lâu dài.

Con tới tuổi đến trường có thể là giai đoạn mới trong cuộc đời bạn, và đó là lúc thuận lợi để bạn cải thiện bản thân, mở rộng hiểu biết của mình hoặc thử điều gì đó mà bạn luôn muốn thực hiện. Nếu từ trước đến nay bạn chỉ ở nhà chăm con cái, thì đây là lúc bạn có thể bắt đầu một thú vui mới, là cơ hội để bạn tham gia các chương trình từ thiện, hoặc ngay cả các hoạt động tại trường của con bạn. Đó có thể là giải pháp tích cực và tạo ra sự gắn bó mới giữa bạn và con.

Tuy nhiên, suốt ngày quanh quẩn bên con cũng không phải là điều tốt. Dù với lứa tuổi nhỏ như vậy, bạn cũng cần bắt đầu nới lỏng việc giám sát con dần dần.

Đồng cảm trong giai đoạn chuyển tiếp của con

Con bạn đang lớn lên, điều này trở nên rõ ràng khi bạn bắt đầu nhận thấy những thay đổi về cơ thể của trẻ. Hãy dùng kinh nghiệm và sự đồng cảm để định hướng và giúp con bước vào giai đoạn chuyển tiếp này.
Những thay đổi thể chất rõ nét xuất hiện tại thời điểm này là do thay đổi hormon trong cơ thể. Các tuyến nội tiết sản sinh hormon dẫn đến sự thay đổi của cơ thể, kéo theo thay đổi về tâm lý và cảm xúc của trẻ.
Khi con thắc mắc về những thay đổi về thể chất, bạn hãy cởi mở trong việc trả lời cho con. Nhưng tốt nhất, bạn nên bắt đầu trao đổi về những biến chuyển của cơ thể trước khi con bước vào tuổi dậy thì. Bạn hãy giúp con biết rằng những thay đổi như vậy là bình thường và là một phần của sự trưởng thành.

Tuy có thể đã được chuẩn bị trước, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng sẵn sàng đón nhận một cách thoải mái, nhất là những cảm xúc thất thường mà đa số trẻ vị thành niên đều phải trải qua trong giai đoạn chuyển tiếp. Bạn cũng nên biết thay đổi hormone mà con bạn đang trải qua ảnh hưởng trực tiếp đến bộ não. Vì vậy, sở thích, mong muốn và nhu cầu của con trẻ cũng sẽ thay đổi. Chắc chắn những trạng thái buồn rầu, và cáu giận sẽ tăng lên trong giai đoạn này.

Trẻ có thể muốn được ở một mình, được tự do hơn, thậm chí nhiều đứa trẻ không muốn kể cho ba mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra trong một ngày của chúng. Tuy nhiên, có thể sau đó chúng sẽ tìm bạn để hỏi, và tất nhiên muốn bạn có ý kiến. Lúc này, bạn cần tập trung lắng nghe lời con, và nếu được hãy cho con những lời khuyên chân thành và đúng đắn. Chúng cần có bạn.

Trên thực tế cũng có cũng có những đứa trẻ hoàn toàn không muốn sự can thiệp của phụ huynh, thậm chí có thái độ giận dữ, to tiếng với bạn, nhưng hãy nhớ điều đó không có nghĩa là trẻ không yêu bạn. Sau đó, chúng có thể sẽ hối hận. Bạn hãy cho chúng biết bạn luôn yêu thương và ủng hộ con cái.

Bộ não của trẻ chưa hoàn thiện trước lứa tuổi 20. Sự phát triển chưa đầy đủ của bộ não có thể gây ra những bồng bột về cảm xúc thường khiến cha mẹ buồn lòng. Có những đứa trẻ thích thử một điều gì mới mẻ. Những biến động cảm xúc của con có thể khiến bạn đau đầu nhưng hãy nhớ rằng trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi điều đó. Chúng đang cố gắng phát triển tính cách của mình trong khi phải đối mặt với những thay đổi như vậy. Hãy ủng hộ con, dù cho điều con thực hiện thành công hay thất bại. Nếu làm được như vậy, bạn đã khẳng định vai trò là cha mẹ và góp phần vào quá trình phát triển của con. Những đứa con trẻ sẽ rất cần sự ủng hộ của bạn trong thời điểm này. Cho con biết rằng bạn yêu chúng và luôn luôn có mặt để ủng hộ chúng. Làm như thế bạn sẽ tạo cho trẻ một chỗ dựa để trông cậy trong những lúc khủng hoảng.

Trong giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu nhi lên tuổi thanh thiếu niên, ngoài những thay đổi trong cơ thể, chúng cũng bắt đầu một loạt những trải nghiệm xã hội mới lạ. Điều đó có thể được bộc lộ bằng tình bạn mới và bắt đầu có những mối quan tâm lãng mạn.

Đừng vội cấm cản con, khi biết chúng đang có một mối quan hệ. Nếu bạn càng cởi mở, con bạn sẽ không ngại ngùng để chia sẻ những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con. Đó là điều bạn cần biết.
Nếu con có một nhóm bạn và bắt đầu đi chơi với nhóm bạn ấy, bạn đừng nên cấm cản, vì trẻ ở tuổi mới lớn có cảm giác an toàn khi thuộc về một nhóm. Và dovẫn chưa phát triển cá tính độc lập của riêng mình nên chúng có mong muốn mãnh liệt để trở thành một phần trong nhóm bạn.
Con đang lớn dần lên, cũng là lúc bạn phải trở thành bạn của con mình. Không có cách nào tốt hơn cho bạn là giữ quan hệ và dành thời gian ở bên con, ăn tối và nói chuyện với con. Đồng hành với con, bạn sẽ có cơ hội biết và giới hạn những hành động có xu hướng hành xử mạo hiểm của con (nếu có), và khi đó, bạn giúp được con trẻ phân biệt được giữa cách hành xử tốt và xấu, giữa những quan hệ lành mạnh và không lành mạnh. (Còn tiếp)
(Nguồn Parents.com, Wikihow)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT