Đạo và Đời

Tam Nhật Thánh tại Giáo Phận Orange, California

Thursday, 01/04/2021 - 08:00:00

Cùng với toàn thể Giáo Hội, các giáo xứ thuộc Giáo Phận Orange Nam California bước vào Tuần Thánh từ Chúa Nhật Lễ Lá 28.3.2021 và hôm thứ Năm ngày 1 Tháng 4, 2021 là ngày đầu tiên trong Tam Nhật Thánh.


Linh mục Nguyễn Văn Luân, Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang rửa chân cho giáo dân trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2018. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Cùng với toàn thể Giáo Hội, các giáo xứ thuộc Giáo Phận Orange Nam California bước vào Tuần Thánh từ Chúa Nhật Lễ Lá 28.3.2021 và hôm thứ Năm ngày 1 Tháng 4, 2021 là ngày đầu tiên trong Tam Nhật Thánh, tưởng niệm thời gian cuối cùng của Chúa Giêsu trên trần gian, chịu quân lính Do Thái bắt giữ, đánh đập, vác thập giá và bị lột áo, đóng đinh chân tay vào Thập Giá, chịu chết và Phục Sinh vinh hiển.

Ngày thứ Năm Tuần Thánh: Giáo Hội cử hành Thánh lễ Tiệc Ly, kỷ niệm việc Chúa Giêsu ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ trước khi nộp mình chịu khổ hình. Bữa ăn này được gọi là bữa ăn “Tình Thương” (Agape) tiếng Hy Lạp có nghĩa là Tình Thương. Vì trong bữa ăn này Chúa Giêsu đã lập hai Bí Tích (Sacrament) đặc biệt để thể hiện tình thương của Người đối với nhân loại: Bí Tích Thánh Thể để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho các tín hữu bằng chính Mình và Máu Thánh Người. Bí Tích Truyền Chức Thánh để thiết lập chức Linh Mục Thừa Tác để các Linh Mục tiếp tục cử hành Bí Tích Thánh Thể và duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Người.


Giáo xứ Westminster diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh qua 14 Chặng Đàng Thương Khó năm 2018. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Tham dự Thánh Lễ Tiệc Ly Chiều Thứ Năm trong Tam Nhật Thánh, các tín hữu trên toàn thế giới đều nghe sự kiện Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể, truyền chức Linh Mục qua lời Thánh sử Luca: “Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn, và các Tông Đồ cũng vào với Người. Người nói với các ông “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong nước Thiên Chúa. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”. Tông Đồ Gioan cũng thuật lại bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ nhưng ông chú trọng đến sự kiện Chúa rửa chân cho các môn đệ hơn: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuda, con ông Simon Itcariot ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người :”Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Đức Giêsu trả lời :”Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp:
“Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Ông Simon Phêrô liền thưa “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa. Đức Giêsu bảo ông “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu”. Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói “Không phải tất cả anh em đều sạch.”


Linh Mục Phạm Ngọc Tuấn, Cha xứ giáo xứ Saint Barbara xông hương Nến Phục Sinh trong Lễ Vọng Phục Sinh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ ngồi và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa; điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. Những năm chưa bị dịch Covid hoành hành, các giáo xứ thuộc giáo phận Orange đều cử hành nghi thức Rửa Chân cho 12 giáo dân được tuyển chọn. Tuy nhiên, năm nay vì dịch bệnh nên nhiều xứ đã quyết định không cử hành nghi thức Rửa Chân. Sau thánh lễ, Mình Thánh Chúa được rước về một nhà nguyện để giáo dân kính viếng cho đến Lễ Vọng Chúa Phục Sinh.

Ngày Thứ Sáu Tưởng Niệm Chúa Chịu Chết: Ngày này trong tiếng Anh gọi là “Good Friday” là ngày tốt lành cho toàn thể nhân loại, vì Chúa Giêsu đã chịu nạn và chịu chết trong ngày này để đền tội thay cho nhân loại và mở đường cứu rỗi cho mọi người. Trong ngày Thứ Sáu, giáo dân đến thánh đường tham dự nghi thức suy niệm cuộc Thương Khó Chúa Giêsu qua 14 Chặng Đàng Thánh Giá. Tại giáo xứ Blessed Sacrament Church (Cộng Đoàn Westminster) năm nào cũng mở đại lễ, diễn lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu qua 14 Chặng Đàng ngoài trời rất cảm động.


Kiệu Chúa Sống Lại trong Lễ Vọng Phục Sinh năm 2018 tại Giáo Xứ Saint Barbara. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Thứ Bảy Vọng Phục Sinh: Giáo Hội mừng ngày Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Trong thánh lễ Vọng Phục Sinh, Linh Mục Chủ Tế làm phép lửa, nước và thắp sáng cây nến Phục Sinh. Linh Mục rước cây nến Phục Sinh từ cuối thánh đường lên cung thánh và ba lần công bố “Ánh sáng Chúa Kitô” Giáo dân đồng thanh đáp “Ngợi khen Chúa”. Nến Phục Sinh được đặt nơi trang trọng trên cung thánh. Sau đó, giáo dân nghe các Bài Đọc Cựu Ước và Tân Ước, và luôn luôn phải có bài trích sách Xuất Hành kể lại việc ông Môi Sê dẫn dân Do Thái vượt qua biển đỏ trong lúc toàn thể chiến mã, chiến xa và kỵ binh của Pharaô tiến vào giữa lòng biển. Vào lúc gần sáng Chúa gây rối loạn trong hàng ngũ Ai Cập. Người làm cho chiến xa kẹt bánh khiến chúng phải vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai Cập bảo nhau “Ta phải trốn bọn Israel, vì Đức Chúa chiến đấu chống lại người Ai Cập để giúp họ”. Đức Chúa phán với ông Môi Sê: “Hãy giơ tay trên mặt biển, nước sẽ ập xuống trên quân Ai Cập cùng với chiến xa và kỵ binh của chúng. Ông Môi Sê giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân Ai Cập đang chạy trốn thì gặp nước biển. Đức Chúa xô ngã quân Ai Cập giữa lòng biển. Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pharaô đã theo dân Israel đi vào lòng biển. Không một tên nào sống sót. Còn con cái Israel đã đi qua giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như bức tường thành hai bên tả hữu. Ngày đó, Đức Chúa đã cứu Israel khỏi tay quân Ai Cập. Israel thấy quân Ai Cập phơi thây trên bờ biển. Israel thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh tan quân Ai Cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Môi Sê, tôi trung của Người. Sau nhiều bài đọc, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh được cử hành trọng thể, chuông trống trổi lên, hoa đèn rực rỡ được trang hoàng để mừng kỷ niệm ngày Chúa Phục Sinh vinh hiển, và các dự tòng được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập Giáo Hội Công Giáo.


Linh Mục Phạm Ngọc Tuấn, Chánh xứ Saint Barbara rửa tội cho các người tân tòng trong Lễ Vọng Phục Sinh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Đại lễ Phục Sinh chính thức vào ngày Chúa Nhật 4.4.2021 và 8 ngày sau đó gọi là Bát Nhật Phục Sinh, các Thánh Lễ trong tuần Bát Nhật đều cử hành để tôn vinh Thiên Chúa đã từ cõi chết sống lại và sẽ đem lại sự sống đời đời cho những ai tin cậy vào Ngài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT