Đời Sống Việt

Sư tỷ Linh Linh (phần 1)

Monday, 28/12/2020 - 07:47:48

“Mày đưa tiền đây, không tao đánh chết...”


Bác Sĩ Wynn Trần (Huynh Wynn Tran Facebook)

Bài BS HUỲNH WYNN TRẦN


“Mày đưa tiền đây, không tao đánh chết...”

Tôi mếu máo móc túi đưa tiền ăn sáng cho thằng đàn anh to con, cổ họng tôi vẫn còn đau vì vừa bị bàn tay của thằng đàn anh đầu bự bóp.

Lấy tiền ăn sáng của tôi xong, hai thằng hí hửng bỏ đi.

Đây là lần đầu tiên tôi vào khu nhà lá mái tôn xập xệ này, tôi nghe nói là khu này toàn dân du đãng du côn ghê lắm, nhưng băng qua khu xóm này là con đường tắt đến chỗ tôi mua cá lia thia.

Mấy hôm nay, tôi đang nóng lòng vì con cá lia thia Xiêm đực xanh lá cây không “ép” nổi con cá Xiêm cái màu Tím mà bụng con Xiêm Tím ngày càng bự, trứng nhìn thấy sắp đẻ rớt ra đến nơi. Tôi quyết định đi kiếm một con xiêm đực Xanh khác để ép cá. Vì vậy, hôm nay tôi đánh lều đi tắt qua khu phố này.

Tôi đã không may mắn. Thấy tôi là người lạ bước vào xóm. Hai thằng, một thằng cao một thằng thấp, ở trần bước chặn hỏi tôi đi vô đây kiếm ai. Tôi không nói gì, cứ lầm lì đi tới.

Thằng to con bước ngang chặn tôi lại, chỉ một cái quơ tay thì nó đã ép tôi sát vào tường.

Thế là tôi mất toi tiền ăn sáng cộng thêm bị bóp cổ. Tôi thất thiểu về nhà mà thấy tức quá, vừa bị mất tiền vừa không mua được cá. Đợi đến sáng mai thì má tôi mới cho tiền ăn sáng tiếp.

Buổi chiều, tôi gặp Quến, thằng bạn cùng chí hướng nuôi cá lập nghiệp như tôi.

Tôi kể cho Quến nghe. Nó nhìn tôi khổ sở rồi trầm ngâm rồi nói:

“Mày đi học võ đi. Có võ sẽ không sợ bị ăn hiếp”

“Học ở đâu?” tôi hỏi

“Tao nghe nói lò ông Hùng dạy Thái Cực (Đạo) cũng hay. Tướng mày nhìn ốm ốm chắc đòn đá tốt.”

Tôi về nhà xin ba má đi học võ, nói lý do là học để có sức khỏe. Ba tôi đồng ý ngay vì lúc nhỏ tôi vốn nhiều bệnh, bị viêm xoang, và viêm amidan triền miên cộng thêm tật cà lăm nói lắp. Má tôi thì càng ủng hộ tôi học võ vì thấy người tôi ốm quá, nghe nói khi học võ ăn nhiều sẽ mập lên.

Thế là tôi đi học võ Thái Cực Đạo (Taekwondo).

Lớp học võ mỗi buổi tối tại sân xi măng nhà văn hóa thị xã từ 6h30 đến 8h30. Ngày đầu tiên đi học, tôi được đưa vào gặp sư phụ, thầy Hùng và sư mẫu, cô Hậu. Thầy Hùng dáng người tầm thấp, bụng hơi phệ, mặc đồng phục trắng vàng đã ngả màu cháo lòng, lưng oai vệ đeo đai đen 3 gạch (Tam đẳng huyền đai), thuộc dạng võ sư có tiếng ở thị xã.

Thầy nhìn tôi gật gật đầu cho vào lớp sau khi kêu tôi qua gặp cô Hậu để đóng tiền học. Cô Hậu ngoài việc phụ thầy Hùng thu quỹ lớp còn kiêm thêm phần bán nước ngọt trái cây giữa giờ nghỉ giải lao trong lớp học võ.
Đóng tiền xong, thầy Hùng giao tôi cho anh Huy, đang đeo đai nâu một gạch là sư huynh trong nhóm, hướng dẫn các bài khởi động và đi tấn cơ bản.

Tôi mới vào học võ, sẽ bắt đầu bằng đai trắng, sau ba tháng thi lên đai vàng, rồi ba tháng nữa lên xanh, rồi xanh 1 gạch, rồi nâu, nâu 1 gạch, 2 gạch, ... và cuối cùng là đen. Tôi không dám nghĩ đến đai đen vì nghe nói sơ sơ đã thấy quá lâu để đai đổi màu. Tôi thoáng nghĩ sư huynh của tôi chắc võ công cao cường lắm vì tướng anh Huy nhìn chắc, cơ bắp cuồng cuộn, xuống tấn vững, đòn đấm đòn đá cú nào ra cú đó.

Những ngày đầu học võ tôi thấy mau chán quá vì quanh đi quẩn lại chỉ có nắm tay để bên hông tập đi tấn, xuống tấn, tập đấm vào... không khí, và tập bài quyền số 1 cơ bản mà tôi cứ hay quên bước cuối khi thu tấn trở về. Tôi có lúc muốn bỏ cuộc vì thấy hình như công lực của tôi không có gì thay đổi.

Tôi xoạc chân đau nhức cả người mà hai chân vẫn không rộng, không dạng chân được gần 180 độ như các đàn anh chị. Hít đất thì càng tệ hơn, tôt hít đất mà như hít bụng vì chỉ có bụng tôi là lên xuống đều đều, còn hai vai thì vẫn đứng yên. Mỗi lần tập sai, bị thầy phạt hít đất mấy chục cái, tôi càng mệt hơn vì toàn hít bụng.
Tôi ước mơ đá 360 độ vòng cầu hay nhảy ngược đá ngang như trong phim nhưng ước mơ mãi là ước mơ vì tôi vừa xoay nhảy thử đã ngã lăn đùng. Đến tháng thứ ba thì hai người học chung nhóm đai trắng của tôi đã bỏ cuộc, chỉ còn tôi vào bốn thằng khác ráng lèo đèo bám theo.

Đến tháng thứ tư thì tôi được thi lên đai vàng. Lần đầu tiên, tôi hoàn thành bài quyền số 1 đánh tự động không sai một lỗi, còn được thầy Hùng khen. Tôi đã có thể đá duỗi chân áp-xa (Apcha busigi) bằng ức bàn chân thay vì dùng ngón chân. Tôi đã biết tập bẻ hông khi đá giáp-xa ngang (Yopcha Jirugi).

Đeo đai vàng được hai tháng, anh Huy bắt đầu dạy tôi song đấu cơ bản. Anh sư huynh nói tôi có chân dài nếu tập đá sẽ tốt khi song đấu. Tôi thì thấy chân tôi tuy dài nhưng dáng người ốm và khẳng khiu quá, chắc chỉ có lợi khi chạy trốn mà thôi.


Hình minh họa bài “Sư tỷ Linh Linh” của Bác Sĩ Wynn Trần. (Huynh Wynn Tran Facebook)

Song đấu trong lớp võ diễn ra vào mỗi tối thứ năm hàng tuần. Thường là đai xanh trở lên mới được đấu chính thức, còn đai trắng và đai vàng chỉ nhìn học hỏi. Các cặp đấu thường phải cùng màu đai như đai xanh song đấu đai xanh, đai nâu song đấu đai nâu, và đen đấu đen. Các cặp song đấu sẽ mặc áo giáp xanh đỏ, đôi khi đội thêm nón bảo hộ như các vận động viên thi đấu Thái Cực Đạo tại các kỳ thi Olympic.

Trên tôi một khóa lúc bấy giờ có hai sư huynh đai xanh và hai sư tỷ. Vì vậy, thường có hai cặp đấu là hai sư huynh sẽ đánh với nhau và hai sư tỷ sẽ đánh với nhau.

Một buổi tối thứ Năm, tôi đang ngồi xem các sư huynh sư tỷ đấu thì thầy Hùng kêu:

“Huỳnh, thay áo giáp vào.”

Tôi ngớ người vì tôi chưa bao giờ tập đánh song đấu. Tôi sợ quá nhưng cũng nghe lời thầy đứng lên mà trong lòng hớt hãi, nhớ đến kỉ niệm hồi đầu năm bị bóp cổ làm tôi càng sợ hơn.
Anh Huy sư huynh chắc hiểu nỗi niềm của tôi nên khi anh mặc giáp vào cho tôi, anh siết cột dây sau lưng và dặn nhỏ

“Em nhớ tập trung né đòn, khi phản công cứ đá hết sức, xoay hết người, đừng sợ bị đánh.”

Xong, anh Huy gõ bốp bốp ngoài bụng tôi xem giáp đã đủ bảo vệ chưa, và đẩy tôi ra sân.

Tôi tự nhiên thấy sân xi măng hôm nay rộng và lạnh quá. Chân tôi cứng lại. Tôi cảm giác như cả thế giới đang dòm vào từng cử động của tôi.

Đứng trước mặt tôi là sư huynh đai xanh một gạch Tâm đen. Bạn bè trong lớp ai cũng ngán Tâm đen vì tướng anh này lùn nhưng ít nói, ra đòn nào là chắc đòn đó, nhất là những đòn đá xoay To-li-o 180 độ vòng cầu dùng bàn hay mũi chân (Dollyo chagi).

Tôi càng hãi hùng hơn khi thấy Tâm đen đang nhìn tôi gờm gờm.

Thầy Hùng ra hiệu tôi và Tâm đen chào nhau.

Thầy Hùng vừa rút tay ra hiệu xong, Tâm đen đã nhún nhún người nhưng có cặp lò xo dưới chân.
Tôi còn đang nhìn xem Tâm đen làm gì với bàn chân lò xo thì đã thấy Tâm đen xoay hai vòng, và tôi cảm nhận ngay một phát đau nhói ngay ngực.

Bụng tôi óp vào, tim bị ép mạnh, phổi như bị dính lại, tôi không thở nổi, dính cú đá quá đau điếng khiến cả người tôi bủn rủn. Chiếc áo giáp dày không bảo vệ được lực thẳng quá mạnh từ bàn chân tuyệt kỹ của Tâm đen.

Tôi vừa bị dính cú đá 360 độ giáp xa nhảy ngang, một cú sở trường khác của Tâm đen.

Tôi lảo đảo lui về sau, bước thêm vài bước vấp chân thì xém té, y như các cao thủ trong truyện Kim Dung vừa dính đòn độc. Tôi cố nhịn đau đứng vững không để bị té.

Anh Huy sư huynh chạy vội đến phía sau sợ tôi té. Tâm đen đã dừng lại giữa sân chờ lệnh. Thầy Hùng lập tức ra hiệu kết thúc cuộc song đấu ngắn ngủi có kết quả chóng váng, và cho tôi ra sân ngồi nghỉ.

Tối hôm đó, về nhà tôi định bỏ học võ vì vẫn mỗi lần thở vẫn còn bị đau nói nơi thắt ngực và tôi thấy mình dở quá. Vừa ra trận đã bị đá một cú nhớ đời. Hôm sau, tôi quay lại học thì anh Huy kêu tôi ra nói.

“Em không té là giỏi lắm. Thằng Tâm ra đòn mạnh lắm nhưng em trụ được là giỏi.”

Lúc thất thời, một lời an ủi thật lòng như của sư huynh làm tôi ấm lòng. Tôi không muốn bỏ cuộc nữa.
Ba tháng sau, tôi thi lên đai xanh thành công. Tôi cũng bắt đầu song đấu khá hơn mặc dù vẫn còn rất chậm. Tôi vẫn hay bị Tâm đen, giờ đã là đai nâu, đá trúng mặc dù số lần dính đòn bắt đầu ít đi.

Tôi trở nên lì đòn, chịu đựng nhiều, biết co hai tay ôm mặt, hay lên gối khi bị đánh. Tuy vậy, những đòn phản công của tôi vẫn chậm, chưa đủ lực, và tôi hay mất thăng bằng khi ráng đá quá cao.

Có lần tôi cao hứng chẻ bàn chân từ trên cao xuống mất trớn té cái bịch xuống sân ê cả mông. Cả sân phì cười vì tôi đá quá cao và quá liều. Tôi thì quê hết chỗ nói.

Hai tháng sau tôi lên đai xanh một gạch thì sư huynh Tâm đen không xuất hiện nữa. Bấy giờ các sư huynh và sư tỉ của tôi đã lên đai nâu. Tôi nghe nói Tâm đen bỏ học võ nên chỉ còn một sư huynh hiền khô tên Hiền.
Hiền dáng người thư sinh như tôi nên đánh với tôi thì Hiền rất nương tay. Hai thằng ốm yếu và đều sợ đau, là tôi và sư huynh Hiền, đánh nhau chán đến độ thầy Hùng cứ coi giờ liên tục vì thằng nào cũng sợ bị đánh.
Một bữa thứ Năm thì sư huynh Hiền cũng không có mặt. Tôi mừng quá vì hôm nay không phải đấu.

Giờ chỉ còn hai sư tỷ là chị Linh và chị Châu đang mặc giáp chuẩn bị đấu.

“Huỳnh, thay giáp vô.”

Thầy Hùng bỗng dưng ra lệnh.

Tôi hết hồn, không lẽ Tâm đen đã trở về. Tôi đứng lên ngó một vòng thì chắc ăn không thấy Tâm đen đâu cả.
“Dạ. Em đấu với ai?” Tôi nhìn thầy hỏi.

“Linh.”

Tôi ngoái đầu nhìn kỹ lại đối phương.

Chị Linh, tôi đặt biệt danh là sư tỷ Linh Linh, người cao hơn tôi một chút. Tôi đoán tỷ tỷ tầm khoảng 13-14 tuổi, nghĩa là tỷ tỷ có thể khoảng tuổi của tôi hoặc hơn tôi một hai tuổi.

Mỗi lần tập khởi động tôi thấy chị Linh xoạc hai chân thẳng 180 độ. Chị cũng hay đá chẻ vòng cầu, xoay người đưa chân từ phía sau, lên rất cao rồi bổ xuống như con chim đại bàng bắt cá, do chân chị rất dẻo. Đây là đòn tuyệt kỹ mà tôi thấy chị Linh nhiều lần đánh tơi tả những chị khác.
Tôi nhủ thầm “Thôi chắc chết.”

(Hết phần 1, trích từ sách “Đi Lang Thang, Viết Lung Tung” của Dr. Wynn Tran sẽ ra mắt hè 2021. Bài này được đăng trên Huynh Wynn Tran Facebook ngày 24 tháng 12, 2020. Bác Sĩ Wynn Trần hiện sống và làm việc tại Los Angeles. Bên cạnh trang mạng xã hội Facebook, ông cũng có chương trình hướng dẫn y khoa phổ thông hàng tuần dành cho người Viêt trên Youtube. Kênh Dr. Wynn Tran Official của ông trên Youtube hiện đang có hơn 272,000 subscribers (người ghi danh theo dõi).)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT