Hoa Kỳ

Sau khi đe dọa Hoa Kỳ, Bắc Hàn đe dọa tấn công Nam Hàn

Hoài Mỹ/Viễn Đông Friday, 25/01/2013 - 08:13:16

Trong một bản tuyên cáo của Hội Đồng Quốc Phòng Bắc Hàn, có câu: “Chúng tôi không giấu giếm sự kiện là những vệ tinh và những tên lửa tầm xa mà chúng tôi sẽ phóng lên, và cuộc thử nghiệm cao cấp nguyên tử mà chúng tôi sẽ thực hiện; tất cả đều hướng thẳng về Hoa Kỳ, kẻ thù chính của chúng tôi”.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

PYONGYANG (Bình Nhưỡng) - Theo thông tấn xã NTB, Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Leon Panetta đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ về những thông báo là Bắc Hàn sẽ thực hiện thêm một cuộc thử nghiệm nguyên tử nữa. Trong buổi họp báo hôm Thứ Năm ở Ngũ Giác Đài (Pentagon), ông Panetta xác nhận: “Chúng tôi rất băn khoăn đối với việc Bắc Hàn tiếp tục hành vi khiêu khích của mình”. Vị Tổng Trưởng Quốc Phòng sắp mãn nhiệm này nhấn mạnh: “Cuộc thử nghiệm nguyên tử vốn đã được hoạch định ấy, sẽ không đưa đến điều gì khác hơn là mỗi một niềm hy vọng hòa bình đều bị phá hủy”.
Như Viễn Đông đã đăng tải hôm qua, nhà cầm quyền ở Bình Nhưỡng, ngày 24-01-2013, đã quyết định các kế hoạch cho một cuộc thử nghiệm nguyên tử vốn “sẽ nhắm thẳng vào Hoa Kỳ” .
Thêm vào đó, theo thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn, KCNA, chế độ Cộng Sản này cũng sẽ thử nghiệm nhiều “tên lửa tầm xa” nữa. Trong một bản tuyên cáo của Hội Đồng Quốc Phòng Bắc Hàn, có câu: “Chúng tôi không giấu giếm sự kiện là những vệ tinh và những tên lửa tầm xa mà chúng tôi sẽ phóng lên, và cuộc thử nghiệm cao cấp nguyên tử mà chúng tôi sẽ thực hiện; tất cả đều hướng thẳng về Hoa Kỳ, kẻ thù chính của chúng tôi”.
Mạn phép được nhắc lại, Thứ Ba 22-1 vừa rồi, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ), kể cả Trung Cộng, đã cùng biểu quyết việc lên án vụ Bắc Hàn thử nghiệm phóng hỏa tiễn tầm xa vào ngày 12-12-2012 đồng thời đồng thuận gia tăng các biện pháp trừng phạt chế độ Cộng Sản Bắc Hàn. Chỉ ít giờ sau cuộc biểu quyết vừa kể diễn ra ở New York, chế độ Cộng Sản Bắc Hàn đã phản ứng bằng thông báo sẽ tăng cường sức mạnh nguyên tử của họ và tiếp tục leo thang chương trình nguyên tử.

Sau Hoa Kỳ, Nam Hàn bị đe dọa tấn công
Lời tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng: “Các biện pháp trừng phạt có nghĩa là chiến tranh!”. Trong 3 ngày liền, thứ ngôn ngữ cường điệu cực kỳ quá khích ấy đã được tung ra từ thủ đô Bình Nhưỡng.
Hôm qua thông tấn xã Reuters loan tin: Chế độ này đã minh xác rằng những mối đe dọa ấy nhắm thẳng vào kẻ thù chính yếu Hoa Kỳ. Trong một bản tuyên cáo mới, Bắc Hàn đe dọa tấn công Nam Hàn nếu Seoul tham dự vào những biện pháp trừng phạt mới (mà Hội Đồng Bảo An LHQ vừa biểu quyết).
Chiến tranh: Trước hết là cuộc tấn công bằng ngôn từ (nôm na gọi là “võ miệng”) của Bắc Hàn: “Nhưng biện pháp trừng phạt ấy có nghĩa là chiến tranh và là một cuộc khai chiến với chúng tôi”. Theo AFP, Ủy Ban Bắc Hàn đặc trách “việc tái hợp hòa bình ở Đại Hàn” nhân dịp này cũng ra tuyên cáo xuyên qua bản tin của thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn KCNA, nhằm nói thẳng với nước-anh-em ở mạn Nam: “Nếu những con búp bê chỉ biết cúi đầu này của một số tên phản quốc ấy tham dự trực tiếp vào những biện pháp trừng phạt-LHQ thì Cộng Hòa Nhân Dân Dân Chủ Đại Hàn sẽ tức khắc thực thi biện pháp phản công nguyên tử”.
Kết án: Thứ Tư, Hội Đồng Bảo An LHQ đồng thuận lên án việc Bắc Hàn phóng hỏa tiễn và Hội Đồng đã gia tăng các biện pháp trừng phạt hiện hữu. Hôm qua, Hoa Kỳ đã thi hành biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với những người quan hệ đến hai ngân hàng Bắc Hàn và một công ty mậu dịch Bắc Hàn ở Hongkong vốn bị tố cáo vẫn hỗ trợ công việc phát triển vũ khí tàn sát tập thể (nguyên tử) của Bắc Hàn.
Thế nhưng Hoa Kỳ đã không “lôi kéo” được Hội Đồng Bảo An tán đồng toàn diện việc tiến hành mọi biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Lý do: Trung Cộng, quốc gia thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An và bấy lâu này vẫn là đồng minh thân cận nhất của Bắc Hàn, đã bác bỏ đề nghị của Washington. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng đã ủng hộ việc kết án vụ bắn hỏa tiễn của Bắc Hàn.
Trung Cộng cảnh cáo: Thông tấn xã NTB trong bản tin Thứ Sáu, 25-01-2013, loan tin: Nhật báo Anh văn của đảng và nhà nước Trung Cộng, Global Times, hôm qua đã viết là Trung Cộng sẽ không giảm bớt sự giúp đỡ Bắc Hàn kể cả trong trường hợp nước Cộng Sản này thực hiện thật sự nhiều vụ thử nghiệm nguyên tử khác.
Global Times viết: “Trung Quốc đặt hy vọng vào một bán đảo ổn định, thế nhưng sẽ không phải là sự tận cùng của thế giới trong trường hợp xẩy ra những vấn đề ở đó”. Nhật báo Cộng Sản Trung Hoa trình bầy tiếp nhằm dung hòa quyết nghị mới nhất của Hội Đồng Bảo An LHQ: “Điều ấy không xem như Bắc Hàn đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc”.
Có thể nói, ngôn ngữ cường điệu gia tăng cao độ ở Bắc Hàn là cuộc tấn công bằng lời nói cực kỳ khiêu khích của Bình Nhưỡng kể từ khi Kim Chánh Vân (Kim Jung-un), 29 tuổi, trở thành nhà độc tài sau khi ông bố, Kim Chánh Nhật (Kim Jong-Il) chết cách nay hơn một năm.

Phản ứng của Nam Hàn
Theo Associated Press (AP), hom qua Thứ Sáu, 25-01-2013, Tổng Thống mới đắc cử của Nam Hàn, bà Park Geun-hye, đã bầy tỏ bà không chấp nhận những sự khiêu khích và đe dọa mới đây của Bắc Hàn. Bà mong muốn “có một cánh cửa sổ mở rộng” hướng về nơi đó và việc đối thoại với “hàng xóm” ở mạn Bắc đồng thời sẽ góp phần vào việc viện trợ thuốc men và thực phẩm cho nước Cộng Sản cô lập này. Vẫn theo AP, mục đích là “họ phải cùng có thể xây dựng lòng tín cậy”. Phát ngôn viên Rhee In-je đã nhân danh nữ Tổng Thống vốn sẽ đăng quang vào tháng tới, tuyên bố: “Phải có một tiến trình dần dần về sự tín cậy và tôn trọng hỗ tương vốn phải được khơi mào bằng cách tuân thủ những lời hứa”.
Mặt khác, chính quyền đương nhiệm của Tổng Thống sắp mãn nhiệm Lee Myung-bak ở Nam Hàn đã quả quyết rằng họ sẽ lượng định việc tiến hành các biện phát trừng phạt cùng đường hướng với của Hoa Kỳ; tuy nhiên, Seoul đồng thời cũng xác quyết rằng dù bất cứ gì, họ sẽ tuân thủ quyết nghị của Hội Đồng Bảo An LHQ.

Hai điều để lựa chọn
Theo Giáo Sư Geir Helgesen, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Á Châu ở Bắc Âu, Bắc Hàn đã phản ứng giống như họ vẫn làm, đúng như dự kiến. Ông phát biểu với thông tấn xã NTB: “Chúng ta đã từng thấy nhiều lần trước đây. Đó là một vũ điệu bất động sầu thảm, trong đó Bắc Hàn phát triển thứ vũ khí ghê gớm của họ. Cộng đồng thế giới phê phán, kết án, hăm dọa và thắt chặt các cuộc cấm vận. Thế nhưng như bao lần trước người ta đã thấy, Bắc Hàn vẫn tiếp tục cuộc leo thang”.
Ông Helgesen cho rằng Tây Phương nên tiến hành cuộc đối thoại với Bắc Hàn: “Sửa soạn chiến tranh và phá hủy các vũ khí nguyên tử của họ - hoặc ngầm chấp nhận Bắc Bàn là một cường quốc nguyên tử và tiến hành cuộc đối thoại để ngăn chận họ sử dụng các vũ khí ấy”.
Theo ý kiến của Giáo Sư Geir Helgesen, giải pháp thứ hai trên đây (đối thoại) là thực tế nhất. Ông nói với NTB: “Thế nhưng rất có thể chưa có sự lựa chọn nào được quyết định, bởi vậy cái đường xoắn ốc vẫn tiếp tục mà thôi”.
Trong khi đó chuyên gia hàng đầu về Bắc Hàn, Wang Junsheng thuộc Trung Quốc Xã Hội Khoa Học Viện cho rằng kể cũng khó tin là Bình Nhưỡng sẽ thực hiện một cuộc thử nghiệm nguyên tử vào lúc này. Theo đài NBC News, chuyên gia này nhận định: “Bắc Hàn sử dụng các cuộc thử nghiệm nguyên tử nhằm để thương thảo với các nước khác, tuy nhiên, điểm chính vẫn là để duy trì vị thế của gia đình họ Kim trên đất nước này”.
Riêng Giáo Sư Stein Tonnesson khi trả lời câu hỏi về mức độ nguy hiểm của hiện tình trong lúc này, đã phát biểu: “Tất cả tùy thuộc vào thái độ phản ứng của những người/nước khác, nhưng trước và trên hết thì vẫn là thảm kịch đối với dân chúng ở Bắc Hàn vốn tiếp tục không nhận được những sự thay đổi mà họ xứng đáng được hưởng”.

Bắc Hàn bạc đãi người dân ở mức độ không tưởng nổi
Quả đúng như ý kiến trên đây của Giáo Sư Tonnesson, cuối cùng vẫn chỉ người dân ở Bắc Hàn tiếp tục chịu mọi cực khổ. Chẳng thế mà ngày 14-01-2013 vừa qua, Cao Ủy LHQ về nhân quyền, bà Navi Pillay, đã cho biết nay là cao điểm để thực hiện một cuộc điều tra quốc tế về tình trạng của dân chúng ở Bắc Hàn.
Những câu chuyện về số phận của cá nhân vốn lọt ra khỏi các trại tù Bắc Hàn tuy ít nhưng hết sức khủng khiếp. Shin Dong-hyuk, một kẻ chào đời trong trại tù như vậy, đã trốn thoát được và thuật lại cuộc đời của mình; một câu chuyện tuổi thơ về sự bị đói, bị đốt cháy, tâm thần suy sụp và chứng kiến những người thân ruột thịt của mình bị hành quyết.
Sau khi ông bố Kim Chánh Nhật chết, con trai Kim Chánh Vân kế vị đã hơn một năm nay nhưng lãnh tụ trẻ tuổi này vẫn không làm được việc gì lớn lao để cải thiện tình trạng trong nước. Cao Ủy Nhân Quyền LHQ nhận định: “Ban đầu cũng có hy vọng là một tân lãnh tụ sẽ mang lại những sự thay đổi thuận lợi về tình trạng nhân quyền ở quốc gia này, nhưng sau một năm Kim Chánh Vân trở thành lãnh tụ tối cao của đất nước, chúng ta nhận thấy gần như không có dấu hiệu nào của sự cải thiện”. Bà đề nghị một cuộc điều tra quốc tế về tình trạng ở trong quốc gia này và về những sự vi phạm nhân quyền ở đây trong những thập niên vừa qua.
Không thể so sánh với bất kỳ nước nào: Bà Pillay phản ứng đối với sự chú tâm của truyền thông quốc tế vốn chỉ nhắm vào chương trình nguyên tử của Kim Chánh Vân và những cuộc phóng hỏa tiễn gây tranh cãi, trong khi chính quyền ấy không bao giờ ngừng quá thô bạo đối với nhân chúng và hoàn toàn vô lương tâm. Lời Cao Ủy LHQ: “Mặc dù dĩ nhiên có những vấn đề lớn lao quan trọng, nhưng họ không nên được phép che đậy tình trạng nhân quyền đáng tiếc như vậy ở trong nước. Tình trạng ấy ảnh hưởng sâu đậm bằng cách này hay cách khác đến toàn thể dân chúng và vốn không thể so sánh với bất cứ nơi nào trên thế giới này”.
Sự bầy tỏ lo âu của bà Pillay diễn ra cùng ngày chế độ Cộng Sản Bắc Hàn xuyên qua các đài truyền thông quốc doanh thông báo là họ sẽ tăng cường quân sự để trả đũa “sự thù nghịch của Hoa Kỳ”.
Cùng nhận định: Tổng Thư Ký của tổ chức nhân quyền Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế), John Peder Egenaer chia sẻ quan điểm trên đây với LHQ khi nhận xét là những vụ vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục cùng mức độ dưới sự thống trị của Kim Chánh Vân, điển hình nhất là tình trạng đói rộng lớn và những nhà tù giống các trại tập trung. Ông Egenaer tuyên bố: “Đất nước hoàn toàn đóng kín này vẫn thành công cầm giữ gần như toàn thể dân chúng trong sự áp chế. Chính quyền quá ư thô bạo đối với dân chúng và hoàn toàn vô nhân đạo, trong khi đó thế giới bên ngoài vẫn đứng nhìn bất lực”.
Áp lực mạnh mẽ: Một ký giả đặt câu hỏi: “Nếu một cuộc điêu tra quốc tế được thực hiện thì liệu có thể bất kỳ điều gì, cũng có những tác dụng hay không?” - Cao Ủy Nhân Quyền LHQ trả lời: “Một cuộc điều tra như thế sẽ đặt áp lực lên chính quyền ở nước này vốn cho tới ngày nay vẫn không có ai khuyến khích truy tìm các cảnh ngộ. Trong tương lai gần, người ta gần nhưng không được nhập nội nước này và tiếp cận dân chúng để hoàn tất một cuộc điều tra trực tiếp, tuy nhiên, đó chẳng qua là một dấu hiệu rõ rệt của giới lãnh đạo nước này”.
Tổng Thư Ký của Ân Xá Quốc Tế cũng đồng ý là cộng đồng quốc tế bận tâm quá ít đến tình trạng của dân chúng Bắc Hàn và mối đe dọa quân sự đã “cướp” được tất cả sự chú ý. Ông Egenaer giải thích: “Đó có thể là một sự chứng tỏ là bao lâu người ta không gây phiền toái cho thế giới bên ngoài thì người ta được yên ổn. Thế nhưng, chúng ta không thể quên những thường dân trong nỗi lo sợ các hoạt động nguyên tử”.
Nghi ngờ: Giáo Sư Geir Helgesen, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Á Châu thuộc Bắc Âu, ngược lại ít tin tưởng vào một cuộc điều tra ở Bắc Hàn mà có thể đưa tới sự cải thiện hiện trạng; lý do theo lời ông: “Hãy cố nhìn vào lịch sử. Có áp lực nào từ trước đến nay mà có chút đỉnh ảnh hưởng ở Bắc Hàn không? Một thứ áp lực như thế chúng ta làm vì động lực lương tâm của chúng ta nhưng sẽ không có ảnh hưởng thực tế nào đối với cảnh huống của dân chúng ở nước này”.

Trên 200.000 tù nhân chính trị ở Bắc Hàn
LHQ ước lượng hiện có khoảng hơn 200.000 người bị giam giữ trong các trại tù chỉ vì họ có những ý kiến chính trị. Bà Navi Pillay đã có cơ hội gặp được một số người trong hoàn cảnh như vậy sau khi họ đã may mắn trốn thoát được ra nước ngoài. Bà xác quyết: “Những câu chuyện cá nhân của họ quả thật cực kỳ bi thảm. Họ mô tả một hệ thống vốn trái ngược hẳn với các khuôn mẫu nhân quyền quốc tế. Chúng ta biết quá ít về các trại tù này; và những điều chúng ta được biết đều từ một con số tương đối ít người tị nạn trốn khỏi đất nước ấy”.
Nữ Cao Ủy Nhân Quyền LHQ kết luận: “Sự tự nguyên cô lập cho phép chính quyền ấy ngược đãi người dân của mình ở một mức độ vốn không thể tưởng tượng nổi trong thế kỷ này”. - (HM)


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT