Phóng Sự

Project VietNam Foundation và những chương trình y tế vì cộng đồng

Friday, 12/07/2019 - 06:51:15

Tại Việt Nam, nhiều người mẹ ở các vùng sâu vùng xa vì nghèo đói thiếu ăn, nên khi sinh con ra một số trẻ bị dị tật bẩm sinh. Những trẻ em bị dị tật sứt môi hở hàm ếch bẩm sinh là đáng thương hơn cả,


Vợ chồng bác sĩ Quỳnh Kiều - Kiều Quang Chẩn và bác sĩ trong phái đoàn của Project VietNam Foundation tại Việt Nam. (Hình cung cấp)


Bài BĂNG HUYỀN

(kỳ 1)

Project VietNam Foundation

Tại Việt Nam, nhiều người mẹ ở các vùng sâu vùng xa vì nghèo đói thiếu ăn, nên khi sinh con ra một số trẻ bị dị tật bẩm sinh. Những trẻ em bị dị tật sứt môi hở hàm ếch bẩm sinh là đáng thương hơn cả, vì không thể ngậm được núm vú của mẹ để bú. Khi bú mẹ, trẻ thường bị trào sữa. Khi bé được một, hai tuổi cũng không thể ăn uống được bình thường, vì đồ ăn thức uống bị chảy ra khỏi miệng.
Chăm sóc trẻ bị sứt môi rất vất vả cho những người làm cha mẹ. Trẻ bị dị tật hở môi hàm ếch không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó là bộ mặt, là ấn tượng ban đầu đối với mỗi trẻ. Lúc lớn khôn trẻ sẽ bị mặc cảm ảnh hưởng tâm sinh lý cả một cuộc đời.

Vì thế chương trình y tế phẫu thuật miễn phí giúp trẻ em nghèo bị sứt môi hở hàm ếch luôn được ví là chương trình “trả lại” nụ cười cho trẻ em, đem lại niềm vui và cuộc sống bình thường cho các em, giúp tái sinh các em lại lần thứ hai. Đây là một trong những chương trình y tế được Project VietNam Foundation thực hiện hằng năm qua những chuyến về Việt Nam của Hội.
Project VietNam Foundation là một Hội Từ Thiện bất vụ lợi (Tax ID 26-1422761, web site www.projectvietnam.org) do bác sĩ Nhi khoa Quỳnh Kiều sáng lập, kiêm Hội trưởng. Project VietNam ra đời từ năm 1996, đây là một trong những dự án của Hàn Lâm Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ tại Quận Cam, Nam California nhằm trợ giúp các hoạt động về y tế cộng đồng tại Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, hằng năm, Project VietNam đều mời các chuyên gia y tế giỏi từ nhiều quốc gia như Úc, Canada, Hoa Kỳ (như GS Steve Ringer ở Đại học Harvard, GS Ronald Clarke ở Đại học Stanford…). Tổ chức hội thảo, mở các lớp huấn luyện ngắn hạn cho các bác sĩ, điều dưỡng viên và nữ hộ sinh nhằm nâng cao phẩm chất dịch vụ y tế trong các chuyên khoa nhi, sơ sinh, cấp cứu.
Bác sĩ Quỳnh Kiều cho biết, vì nguồn tài chính hạn chế, Project ViệtNam Foundation sẽ không thể thực hiện thành công những chương trình y tế cộng đồng tại Việt Nam nếu không có sự tham gia của những bác sĩ tình nguyện. Hằng năm, mỗi chuyến trở về, bác sĩ Quỳnh Kiều đã mời được nhiều giáo sư, bác sĩ danh tiếng cùng nhiều nhân viên y tế từ nhiều quốc gia tiên tiến tham gia chương trình khám chữa bệnh, phẫu thuật miễn phí này. Điều đặc biệt, các bác sĩ, chuyên viên y tế đều tự chi trả phần lớn chi phí đi lại và sinh hoạt trong suốt thời gian diễn ra chương trình khám, chữa bệnh tại Việt Nam.

Hàng năm Project ViệtNam Foundation đưa hai phái đoàn sang Việt Nam thực hiện những chuyến đi chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho trẻ em và phụ nữ nghèo ở nông thôn và vùng sâu vùng xa. Project ViệtNam Foundation còn tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo về chuyên khoa nhi, sơ sinh, cấp cứu. Phái đoàn của Project ViệtNam Foundation gồm 2 thành phần khác nhau, gồm có các bác sĩ có chuyên khoa.
Nhóm này có nhiệm vụ trình bày những lớp tập huấn, đào tạo, chủ yếu về ngành nhi, về sơ sinh, cấp cứu và những trao đổi chuyên môn. Còn hai phần ba của phái đoàn (khoảng 100 người) gọi là Medical Mission gồm bác sĩ phẫu thuật, phẫu thuật trả lại nụ cười cho các em bị sứt môi, phẫu thuật về mắt, chủ yếu là cho trẻ em và khám bệnh tại các xã cũng như các trường tiểu học và trung học ở nông thôn.
Hằng năm phái đoàn của Project ViệtNam Foundation về Việt Nam vào tháng 11 là đông nhất, khoảng 150 người, còn phái đoàn mùa Xuân thường vào tháng Ba có khoảng 60, 70 người. Mỗi chuyến đi, ngoài các bác sĩ, chuyên viên y tế, thiện nguyện viên, phái đoàn còn mang theo nhiều y cụ và thuốc men.


Vợ chồng bác sĩ Quỳnh Kiều và Kiều Quang Chẩn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Những đóng góp của Project VietNam Foundation

Bày tỏ niềm hạnh phúc của mình khi thực hiện thành công những chương trình y tế tại Việt Nam, bác sĩ Quỳnh Kiều chia sẻ, thành công nhất của Project ViệtNam là năm 2004. Bộ Y Tế Việt Nam đã đưa ra chương trình toàn quốc chủng ngừa Vitamin K cho trẻ sơ sinh. Đây là kết quả của tiến trình quan sát, theo dõi, huấn luyện, nghiên cứu mà Project ViệtNam đã đề xướng và hỗ trợ cho các đơn vị y tế tại những vùng sâu vùng xa ở Hà Tây, Thanh Hóa nơi số trẻ sơ sinh bị xuất huyết não cao nhất nước. Lý do chính của xuất huyết não dẫn đến tử vong nơi trẻ so sinh là vì không được tiêm vitamine K ngay khi mới lọt lòng mẹ.

Bác sĩ Quỳnh Kiều nói, “Chúng tôi phát hiện ra là trẻ sơ sinh Việt Nam không được chích vitamin K từ khi lọt lòng mẹ (vốn là chuẩn ở các nước tiên tiến), dẫn đến rất nhiều em bị xuất huyết não và xuất huyết nội tạng khác nhau có thể gây tử vong hoặc bại não. Năm 2001 chúng tôi chọn tỉnh Hà Tây là địa phương thí điểm, cung cấp vitamin K cho trẻ em rất thành công. Và đến năm 2004 Bộ Y tế Việt Nam đã chấp nhận thành chương trình quốc gia, mang lại một khác biệt lớn đối với các em sơ sinh.”
Song song chương trình chủng ngừa Vitanin K, còn có một chương trình y tế của Project ViệtNam thành công là chương trình huấn luyện và cung cấp phương tiện hồi sức cấp cứu sơ sinh cho y tế ở những vùng sâu vùng xa, được Project ViệtNam thực hiện tại Việt Nam từ năm 2005. Chương trình này đã giúp giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh Việt Nam từ 44/1000 Xuống 14/1000.

Đây là một chương trình y tế quan trọng, vì theo bác sĩ Quỳnh Kiều, “cần bắt đầu từ những trẻ em sơ sinh, giúp trẻ sống được là sẽ tiếp tục được những vấn đề y khoa khác. Tử vong sơ sinh ở Việt Nam những năm trước năm 2005 vẫn chiếm trên 50% tử vong nhi khoa, mỗi ngày vẫn có khoảng 100 em chết ngạt mà 90% trong số đó có thể cứu sống nếu được hồi sức tốt.”
Kểt từ năm 2010 đến nay, Project ViệtNam đã tập trung huấn luyện kỹ năng chăm sóc cho trẻ nhu cầu đặc biệt, và trong ba năm nay giúp cho trẻ tự kỷ.
Trong những năm gần đây, hội Project Vietnam đã mở rộng thêm các chương trình hoạt động tại Hoa Kỳ; hợp tác với các bệnh viện nhi khoa và các cơ quan thiện nguyện tổ chức các buổi hội thảo hầu giáo dục về các đề tài như khám phá sớm và chữa trị cho các trẻ em mắc bịnh trầm cảm, chậm phát triển, hướng dẫn cho các phụ huynh quan tâm đến tâm lý của các trẻ vị thành niên, giúp trẻ tránh việc tự tử do trầm cảm, vì áp lực học đường…

Tâm tình của bác sĩ Quỳnh Kiều

Bác sĩ Quỳnh Kiều nói rằng, là một bác sĩ, nhưng bà cũng là một người vợ, người mẹ, suốt bao năm qua nếu bà không có sự ủng hộ của người bạn đời là bác sĩ gây mê Kiều Quang Chẩn thì bà khó mà làm việc được. Hai vợ chồng bà rất hợp nhau trong những công tác thiện nguyện. Trong những chuyến đi về Việt Nam thực hiện các ca phẫu thuật, bác sĩ Kiều Quang Chẩn là bác sĩ gây mê nên ông đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các em khi phẫu thuật. Cả hai vợ chồng bác sĩ Quỳnh Kiều- Kiều Quang Chẩn luôn sát cánh bên nhau từ những ngày đầu tiên khi thực hiện Project VietNam.

Bác sĩ Quỳnh Kiều tên khi chưa lập gia đình là Đinh Thị Tố Quỳnh, khi kết hôn với bác sĩ Kiều Quang Chẩn, bà đổi tên thành Quỳnh Kiều theo họ chồng. Thân phụ của bà là Đinh Xuân Quảng (năm 1909 - năm 1971). Ông là một thẩm phán, luật gia và một chính trị gia Việt Nam. Ông từng là bộ trưởng của quốc gia Việt Nam thời quốc trưởng Bảo Đại. Trong suốt mấy chục năm hoạt động y khoa, bác sĩ Quỳnh Kiều luôn tích cực trong các hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Mỹ.

Bác sĩ Quỳnh Kiều kể rằng từ lúc bà còn là một cô nhóc 4 tuổi đã mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ Nhi khoa. Khi đó gia đình bà ở cạnh nhà một ông bác sĩ nhi khoa rất đông bệnh nhân từ những miền xa xôi đến chữa bệnh. Nhìn thấy nhiều phụ huynh đau lòng chỉ mong bác sĩ chữa được con cho họ, dù phải tốn kém bao nhiêu cũng chấp nhận. Bà mong muốn làm bác sĩ Nhi để chữa bệnh cho những gia đình đó.
Bà đã thi đậu và học trường Đại Học Y Khoa tại Sài Gòn, vào năm 1975 là năm học cuối chuẩn bị làm một luận án về Nhi, nhưng chưa hoàn tất thì biến cố 30 tháng 4 xảy ra.
Năm 1975 qua Mỹ định cư, bà được cơ hội học lại và đi đúng ngành Nhi tại UC Irvine. Năm 1979 ra trường, mở phòng mạch.

Ngay từ khi còn là sinh viên y khoa tại UCI, bà đã tham gia nhiều tổ chức chuyên ngành Y tế và xã hội tại Mỹ vì mong muốn được đóng góp, được phục vụ. Bà rất tích cực tham gia những Hội Y Khoa về bệnh nhân Nhi, giúp xây dựng những ngành phục vụ trẻ em trong cộng đồng tốt hơn. Bà được giới y khoa trên cả nước Mỹ biết đến khi bà trở thành ủy viên Ủy ban Hoạch định chính sách của Hàn lâm viện Y khoa Hoa Kỳ.
Với những nỗ lực phụng sự không mệt mõi của mình, trong những năm qua bác sĩ Quỳnh Kiều nhận nhiều giải thưởng tại Mỹ như giải Phụ nữ xuất sắc nhất năm 2004 của bang California và Giải Pride of the profession (Vinh dự Y khoa) của Hội Y sĩ Mỹ. Bà là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên và cũng là người Mỹ đầu tiên sinh ở ngoài nước Mỹ được nhận giải thưởng vinh dự này.
(còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT