Gỡ Rối Tơ Lòng

Phụ nữ mắc bệnh sợ máu, bị đồng nghiệp chọc ghẹo

Friday, 05/01/2018 - 08:38:57

Thưa cô Ba, tôi thật sự hy vọng các bạn đồng nghiệp thông cảm cho căn bệnh của tôi. Tôi tin rằng có nhiều người mắc phải căn bệnh sợ máu, chứ không phải một mình tôi.


Người sợ máu thì không nên làm việc ở phòng thử máu. (Getty Images)


Cô Ba thân mến,

Tôi là một phụ nữ (30 tuổi) bị mắc bệnh sợ máu. Tôi sợ máu đến phát khiếp. Tôi không thể nhìn thấy máu hoặc nghe những người chung quanh nói một câu chuyện gì đó có liên quan tới máu. Tôi thường ngất xỉu mổi khi bị đứt tay chảy máu. Thậm chí tôi không thể đi thử máu, dù chỉ lấy máu ở một ngón tay. Vì vậy mà tôi cảm thấy rất khó khăn khi viết lá thư này cho cô Ba.
Tôi làm việc trong một văn phòng nhỏ, chỉ có vài bạn đồng nghiệp thôi. Tôi thông báo với họ về căn bệnh của mình, yêu cầu họ đừng nhắc tới chữ "máu" khi tôi có mặt trong phòng. Các bạn đồng nghiệp tưởng tôi nói đùa, hoặc cho rằng yêu cầu của tôi là "nhảm nhí," hoặc tưởng tôi làm bộ "chảnh." Vì thế họ không coi yêu cầu của tôi là nghiêm túc. Mỗi khi có người nhắc tới chữ "máu," tôi vội vàng chạy ra khỏi phòng, trốn ở một chỗ kín đề không thể nghe tiếng cười rộ của họ. Mỗi khi tôi than phiền với sếp, sếp trả lời rằng ổng không biết làm gì để giúp tôi cả, vì nội quy của văn phòng không cấm nhắc tới chữ "máu." Do đó, các bạn đồng nghiệp không làm gì sai.
Thưa cô Ba, tôi thật sự hy vọng các bạn đồng nghiệp thông cảm cho căn bệnh của tôi. Tôi tin rằng có nhiều người mắc phải căn bệnh sợ máu, chứ không phải một mình tôi. Tôi không muốn phải tìm một việc làm khác, nhưng cũng không thích ngày nào cũng chạy ra ngoài, hoặc ngất xỉu khi nhìn thấy máu. Tôi phải làm gì để họ hiểu rằng tôi bị bệnh thật sự? Chân thành cảm ơn cô Ba.

Cô Ba trả lời:
Thân chào cô S.M. ở tiểu bang Missouri. Vì trong thư cô không nói rõ, nên tôi không biết cô làm việc ở văn phòng nào. Nếu cô không làm việc ở phòng mạch bác sĩ, hoặc ở tiệm làm Nais, thì chủ đề "máu" không thể ngày nào cũng được các bạn đồng nghiệp của cô đề cập tới. Nhưng chủ đề "máu" hầu như được họ nhắc tới mỗi ngày, vì thế tôi tin rằng hoặc là họ quá hời hợt và vô cảm, hoặc là họ cố ý làm vậy để làm cô sợ hãi.
Theo tôi nghĩ, cô nên gặp sếp của cô thêm một lần nữa, và trình bày về căn bệnh sợ máu này. Cô giải thích với sếp rằng cô không muốn nghỉ việc, vì các bạn đồng nghiệp đang tạo ra một môi trường làm việc không thân thiện với cô. Nếu sếp vẫn không muốn can thiệp, cô nên tìm tới một cố vấn về sức khỏe tâm thần, chuyên điều trị căn bệnh sợ máu. Chỉ có cách đó mới có thể giúp cô giảm bớt hoặc loại trừ căn bệnh này. Thân chúc cô sớm bình thường và không còn sợ máu nữa.

-
Tình trạng sức khỏe của con khiến tôi không nghĩ mình là cha nó
Cô Ba thân mến,
Đầu thư, tôi chân thành chúc cô Ba luôn thân tâm an lạc. Hy vọng mọi điều suôn sẻ sẽ đến với cô Ba. Chuyện mà tôi muốn nhờ cô Ba góp ý là như thế này: Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi chấm dứt cách đây 35 năm. Tôi ly dị vợ vì bắt gặp bả lừa dối tôi nhiều lần. Tôi không bao giờ tin rằng mình là cha ruột của đứa con gái đầu lòng. Nhưng thôi, con bé rất hiếu thảo nên tôi cũng thương yêu nó. Sau khi ly dị, tôi nhận nuôi dưỡng hai đứa con của bả và xem chúng như con ruột, không hề vặn vẹo bả một lời nào. Gần đây, tôi bắt đầu nghi ngờ mình cũng không phải là cha ruột của thằng con trai út, mặc dù cả hai đứa nó đều chớm tuổi 40.
Thưa cô Ba, con trai tôi và con gái nó đều bệnh hoạn quặt quẹo. Tình trạng của đứa cháu nội rất nghiêm trọng, nhưng các bác sĩ cũng không chắc nó bị cái gì, và căn bệnh có phải do di truyền không. Nếu đúng là do di truyền, chắc con trai tôi là "kết quả" của một thằng cha căng chú kiết nào đó rồi. Sau khi nghe tôi trình bày, bác sĩ khuyên tôi nên đưa con trai đi thử nước miếng (nước bọt) để khẳng định nó có phải là con ruột của tôi không? Cô Ba ơi, tôi phân vân quá, tôi có nên dẫn nó đi thử nghiệm không?

Cô Ba trả lời:
Anh T.V.B ở Arizona thân mến, chân thành cảm ơn lời chúc đầu thư của anh. Câu chuyện gia đình anh có thể được giải quyết một cách dễ dàng thôi, anh đừng quá lo lắng nhé. Vì anh tin rằng việc thử nước miếng (nước bọt) có thể giúp con trai anh biết được nguyên nhân gây ra tình trạng sức khỏe, anh nên thảo luận với nó và để nó quyết định việc có nên đi thử hay không. Nếu nó đồng ý, và nếu kết quả thử nghiệm cho thấy anh không phải là cha ruột của nó, thì tình trạng sức khỏe của nó đúng là do di truyền. Con trai anh nên hỏi mẹ nó xem ai là cha ruột của nó, để xem người này có đồng ý thử nghiệm và chia sẻ phần nào chi phí chữa bệnh với anh không. Rất mong câu trả lời này giúp anh nhẹ bớt nỗi suy tư và lo lắng. Thân mến.

-

Chồng say xỉn khiến bạn bè không muốn tới nhà chơi
Cô Ba thân mến,
Chồng tôi và tôi từng được khen tặng là "cặp đôi hoàn hảo." Chúng tôi rất "tâm đầu ý hợp," làm gì cũng làm chung với nhau, kể cả việc tổ chức tiệc tùng mỗi tháng hai lần, mời tất cả bạn bè tới ăn uống và quậy phá. Nhưng khoảng sáu tháng nay, chúng tôi không còn được như vậy nữa, chỉ vì cái tật nhậu xỉn rồi nói bậy của ổng.
Thưa cô Ba, tôi là người thích có một cuộc sống giao tiếp. Mỗi tháng hai lần, việc tổ chức tiệc buffet, mời gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tới nhà chính là niềm vui to lớn nhất của tôi. Vậy mà giờ đây ai cũng cáo lỗi, không muốn tới nữa. Tất cả chỉ tại ổng thôi. Chỉ cần ổng uống chừng ba hoặc bốn lon bia là ổng bắt đầu coi mọi người như rác. Ổng không hiểu mọi người đến là vì tôi, chứ không phải vì ổng. Tôi đi làm Nails, còn ổng không đi làm, chỉ là ở nhà giữ con, vậy mà khi sừng sừng lên, mặt ổng nhìn thấy ghét lắm.
Thưa cô Ba, chồng tôi với tôi là bạn của nhau từ lớp Ba trường làng. Sau đó gia đình tôi vượt biên, rồi mấy năm sau nghe nói gia đình ổng cũng vượt biên. Gặp lại nhau, chúng tôi nối lại tình xưa. Tôi yêu ổng lắm, nhưng chuyện phải bảo vệ ổng, che chở ổng để ổng khỏi bị người ta chỉ trích đủ khiến tôi kiệt sức. Bây giờ tôi phải làm sao đây, thưa cô Ba?

Cô Ba trả lời:
Thân chào chị KH, ở tiểu bang Virginia. Cái khổ của những bà vợ có ông chồng say xỉn là cái khổ chung, là nỗi đau muôn đời không bao giờ chấm dứt. Ca dao vui có câu: "Chồng người mỗi tháng có lương, chồng tôi say xỉn, tôi thương chồng người." Hậu quả cho những người thích nhậu, hay say xỉn, là không chỉ làm hỏng mối quan hệ vợ chồng mà còn cắt đứt cả những mối quan hệ khác nữa. Lỗi của chị là cứ tìm cách bênh vực, bảo vệ ổng, sau những hậu quả do thói say xỉn gây ra. Theo tôi, điều chị cần nên làm là khoan nghĩ tới chuyện tổ chức tiệc tùng hàng tháng, mà nên tham dự vào các cuộc tọa đàm của tổ chức Al-Anon, tìm cách đưa ổng vào chương trình cai nghiện rượu. Chị vào website al-anon.org để tìm một văn phòng của Al-Anon ở gần nhà chị nhất, chị nhé. Thân chúc chị thuyết phục ổng thành công.

-

Con trai út không muốn theo mẹ dọn vào trung tâm thành phố
Cô Ba thân mến,
Cháu là sinh viên năm thứ ba của một đại học cộng đồng địa phương, theo chuyên ngành khoa học điện toán. Cháu sống chung với mẹ, tuổi ngoài 60, tuy vậy mẹ vẫn còn khỏe và đi dạy part-time tại một trường tiểu học gần nhà.
Hiện thời, mẹ cháu và cháu sống trong một ngôi nhà mobile home giản dị ở miền nam California, tuy nhiên các anh chị cháu (có vợ hoặc có chồng) lần lượt rủ nhau tới San Francisco lập nghiệp. Mẹ cháu quyết định sau khi cháu tốt nghiệp đại học, nghĩa là trong hai năm nữa, mẹ cháu sẽ nghỉ hưu, bán nhà, và dọn tới San Francisco luôn. Ý mẹ cháu là muốn sống gần gũi hơn với mấy đứa cháu nội cháu ngoại.
Cháu thông cảm với mẹ, nhưng vấn đề là cháu không muốn dọn nhà theo họ. Cháu tự hỏi: Tại sao phải dọn nhà theo họ? Ở đâu lập nghiệp chẳng được, miễn là mình chịu khó làm việc, đâu cần phải dọn tới San Francisco. Thực tế là thành phố cháu đang ở có thể cung cấp cho cháu nhiều cơ hội hơn. Ngoài ra, cả đời cháu chưa bao giờ ghét ai bằng ghét mấy bà chị của cháu! Rất mong cô Ba giúp cho cháu ý kiến, là cháu nên ở lại đây hay nên đi theo mẹ cháu? Nếu cháu quyết định ở lại, cần phải nói với mẹ cháu như thế nào? Chân thành cảm ơn cô Ba.

Cô Ba trả lời:
Cháu CM ở miền nam California thân mến, nếu cháu không thích ở gần các chị, cứ nói thẳng với mẹ cháu về điều đó. Không ai có quyền ép buộc cháu phải sống ở thành phố này hoặc phải sống ở thành phố kia. Nếu cháu tin rằng nơi cháu đang ở có thể cung cấp nhiều cơ hội, cháu cũng nên nói ra điều này. Trong tương lai, nếu cuộc sống thay đổi, cháu quyết định dọn tới San francisco cũng không muộn. Thân chúc cháu luôn mạnh mẽ và cương quyết.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT