Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Phía sau sân khấu: Xa xỉ và miễn phí

Anvi Hoàng/Viễn Đông Tuesday, 09/10/2012 - 07:16:46

Hoa văn trang trí trừu tượng “có một không hai” của thảm cũng giúp tạo ra bầu không khí nghệ thuật và tâm trạng thưởng thức nơi khán giả.

Dàn dựng vở opera Thị Kính (kỳ 3)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Có những nơi mà người ta phải đến xem tận mắt mới cảm nhận được hết tầm cỡ của nó. Nhà hát opera ở Bloomington [gọi là Musical Arts Center (MAC)] là một ví dụ cụ thể. Đi thăm một vòng nhà hát là một cánh cửa mở ra một thế giới đầy bí ẩn phía sau sân khấu. Nơi đây nhiều điều kỳ diệu liên quan đến việc dàn dựng một vở opera được “bật mí”.

Nhà hát
Bắt đầu ở đại sảnh. Đây là nơi mọi người tụ tập khi đi xem hòa nhạc hoặc opera. Vừa bước chân vào bên trong người ta đã cảm thấy nhẹ người thoải mái rồi bởi vì ở đây không ai tranh giành với ai để làm gì. Người ta vào đại sảnh để thư giãn và chuẩn bị thưởng thức màn biểu diễn sắp tới. Không gian chung quanh cũng được thiết kế để đem người ta lại gần với cảm giác thư thái hơn: rộng rãi, không bày biện đủ thứ đồ lỉnh kỉnh gây vướng góc nhìn nên người ta có thể trải rộng tầm mắt và cảm thấy thoải mái. Tấm thảm trải sàn được thiết kế và sản xuất đặc biệt cho nhà hát, không thể ra tiệm mua mà có. Hoa văn trang trí trừu tượng “có một không hai” của thảm cũng giúp tạo ra bầu không khí nghệ thuật và tâm trạng thưởng thức nơi khán giả.
Sau vài phút, khi độ stress giảm đi và độ thư giãn tăng lên, người ta sẵn sàng bước vào khán phòng. Với sức chứa 1.460 người, MAC đủ rộng để làm mê hoặc khán giả yêu thích opera với những màn trình diễn ngoạn mục mà sân khấu có thể dựng được. Còn những khán giả lần đầu đến với opera, họ sẽ bị chinh phục ngay. Nhưng nó lại không quá lớn đến nỗi làm cho người xem lần đầu phải… sợ.


Đại sảnh bên trong nhà hát opera ở Bloomington - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Khán phòng nhà hát opera ở Bloomington - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông
Khán phòng
Thiết kế âm thanh trong khán phòng MAC đặc biệt có lợi cho việc trình diễn opera. Các bức tường quanh phòng không được đóng phản gỗ như nhiều nơi khác mà có độ gồ ghề và nhám nhất định. Chính tường nhám như thế giúp cho âm thanh ít vang hơn và làm cho khán giả nghe được tiếng hát và lời hát rõ ràng hơn.
Khán phòng cao nhưng không quá sâu. Điều này rất có lợi cho sinh viên vì giọng hát của họ chưa trưởng thành như diễn viên opera chuyên nghiệp trên 30 tuổi. Giọng hát của họ có thể vượt qua dàn nhạc lên cao mà không phải đi quá sâu để đến với khán giả dễ dàng hơn. Trình diễn ở MAC họ có được cảm giác hát trong khán phòng lớn nhưng không phải la ré bắt thanh quản của mình làm việc quá độ đến mức làm hỏng nó. Vì vậy mà ông Tridib Pal, Quản Lý Nhà Hát, cho biết thiết kế âm thanh ở MAC được xem là tốt nhất nhì ở Mỹ.
Khán phòng được thiết kế theo kiểu Châu Âu, không có các lối đi chính giữa. Ông Tridib Pal nói rằng màu sắc của MAC là màu sắc gốc do kiến trúc sư chọn khi xây nhà hát cách đây 40 năm. Tường màu hồng tím và cam, màn tím. Tông màu này không giống ở các sân khấu truyền thống, nhưng mang tính hiện đại và tạo ra một không gian thật sinh động.


Tường màu cam, nhám - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Một góc khán phòng - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Màn tím, sân khấu sáng đèn - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Bí mật sân khấu và phía sau
Xem khán phòng xong thì đến sân khấu. Khi đứng trên phần sân khấu chính nhìn về phía khán phòng, trước mặt và hai bên là các dãy ghế hơn ngàn cái bọc vải đỏ, đèn trên trần sáng trưng, người ta cảm thấy như mình là trung tâm của vũ trụ trước hàng ngàn khán giả tưởng tượng. Rồi người ta như bước vào một không gian ba chiều, từ vị trí của một khán giả trong khán phòng, bây giờ đứng ngay tại sân khấu nơi diễn viên biểu diễn dưới ánh đèn màu, và sân khấu chính nối kết với khoảng không gian rộng lớn không thể tưởng tượng được bên trong nơi các chuyên viên kỹ thuật làm việc. Tại sân khấu chính đúng là không gian hội tụ của khán giả-diễn viên-chuyên viên, ít nhất là ba chiều kích.
Quan sát kỹ hơn để hiểu rõ cảm giác nhiều chiều kích này: khi đứng quay lưng về phía khản giả, người ta sẽ thấy phần sân khấu chính này được bao quanh bởi vô số các thiết bị kỹ thuật tiên tiến và các chi tiết thiết kế dàn dựng, nơi mà bàn tay “phù thủy” của các chuyên viên kỹ thuật góp phần tạo ra tất cả các màn bay lượn kỳ lạ trên sân khấu, hoặc tuyết rơi, hoặc cảnh dinh thự hào nhoáng. Tất nhiên đây là những “bí mật” mà khán giả phía ngoài không thể thấy được. Ngửa mặt nhìn lên, người ta không thấy trần nhà mà chỉ thấy hàng ngàn thiết bị kỹ thuật của sân khấu, nào là phông, màn, cờ, quạt, tường vẽ, màn hình chiếu vi tính, đủ loại dây điện, dây nhợ, đà ngang, đà dọc, và hàng núi thứ không biết tên gọi là gì, cũng không thấy hết được vì khoảng không quá cao và quá tối. Tất cả được treo trên trần chờ được kéo xuống sử dụng. Trần nhà ở khu vực này cao tương đương một tòa nhà 20 tầng.
Vẫn đứng trên sân khấu chính (rộng 28m, sâu 18m) quay lưng về phía khán giả, nhìn sâu bên trong người ta thấy một khoảng không gian cũng rộng như sân khấu chính. Nhìn bên trái và bên phải là hai khoảng không gian khác cũng rộng như thế hoặc hơn. Cả ba khoảng không gian này được dùng như là sân khấu phụ nơi người ta dựng cảnh cho 2 đến 3 vở opera khác đang trong giai đoạn chuẩn bị, hoặc tập dượt. Khi biểu diễn, nếu cần người ta có thể kéo một phần hoặc toàn bộ cảnh dựng trên sân khấu phụ ra ngoài sân khấu chính, bởi vì các thiết kế đều được đặt trên bánh xe, có trục, sẵn sàng di chuyển. Chưa hết, nếu sân khấu chính đang có màn biểu diễn, người ta vẫn có thể kéo các cửa cách âm của sân khấu phụ lại rồi dùng chúng làm nơi tập dượt mà không làm ảnh hưởng đến những gì đang diễn ra trên sân khấu chính. Như thế là không gian 3, 4, hay 5 chiều đây?
Chả thế mà người ta thường nói rằng phần sân khấu chính bên ngoài mà khán giả nhìn thấy chỉ là một phần ba kích thước của toàn bộ khu vực sân khấu. Đi xem và khám phá “bí mật” sân khấu như thế này, người ta không khỏi cảm thấy thật là xa xỉ: xa xỉ của vật chất – phông cảnh đều là gỗ thật, sơn thật, vải, màn thật; xa xỉ của cả không gian: dày đặc, chỗ sáng, chỗ tối, chỗ rộng, chỗ hẹp, đủ loại kích cỡ vuông, tròn, dẹp.
Đối với sinh viên, môi trường làm việc như thế này thật là xa xỉ, nhưng không phải người nào cũng ý thức được chuyện này. Ông Tridib Pal bảo ông thường xuyên nhắc nhở họ rằng sau khi ra trường, họ có thể làm việc với một dàn nhạc chuyên nghiệp, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ có cơ hội biểu diễn trên một sân khấu chuyên nghiệp như thế này đâu, bởi vì sân khấu ở Indiana University là thuộc loại nhất nhì ở Mỹ.
Đối với khách, kinh nghiệm tham quan cũng thật là xa xỉ, mấy khi người ta được ra phía sau sân khấu thế này. Nhưng tất cả đều là miễn phí. Chỉ cần ghi danh trước là xong. Đúng là khoái chí thật!


Trần nhà đầy bí ẩn - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Sân khấu phụ bên trái - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Nửa góc sân khấu phụ bên phải - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Nửa góc còn lại của sân khấu phụ bên phải - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT