Du Lịch

Những mã vạch khổng lồ bí ẩn ở Hoa Kỳ có tác dụng gì

Tuesday, 11/07/2017 - 07:57:00

Tất nhiên, các mã vạch này không dùng để mua sắm. Đây thực chất là các điểm xác định ảnh (tri-bar test pattern), để hỗ trợ cho các máy ảnh trên không, như loại máy ảnh thường được gắn trên máy bay hay vệ tinh.

CALIFORNIA - Bay ngang sa mạc Mojave ở California và nhiều khu vực khác trên khắp Hoa Kỳ, du khách có thể thấy những khoảng chữ nhật nhìn như các mã vạch khổng lồ. Ngoài việc xuất hiện nhiều tại Hoa Kỳ, các ô mã vạch này cũng xuất hiện rải rác ở nhiều nơi trên thế giới. Tất nhiên, các mã vạch này không dùng để mua sắm. Đây thực chất là các điểm xác định ảnh (tri-bar test pattern), để hỗ trợ cho các máy ảnh trên không, như loại máy ảnh thường được gắn trên máy bay hay vệ tinh. 



Một ô mã vạch tại tiểu bang Maryland.



Đa số các mã vạch này được xây dựng vào những năm 1950 và 1960, do Không quân Hoa Kỳ và NASA thiết kế và xây dựng. Các điểm này thường có kích thước 78 feet x 53 feet, chúng thường là một khoảng hình chữ nhật, có bề mặt được tráng bê-tông hoặc nhựa đường. Chúng được trang trí bằng 15 vạch thẳng, vẽ bằng sơn trắng, nằm song song hoặc vuông góc với nhau, và có nhiều kích thước. Hình vẽ này tương tự như hình dùng để xác định độ phân giải của kính hiển vi, viễn vọng kính, máy ảnh, và máy scan.\


Ô mã vạch nằm kế căn cứ Không quân Edward ở California. 

Các điểm định vị này cũng giống như bảng đo mắt để xác định thị lực. Vạch nhỏ nhất máy ảnh có thể nhận diện cho thấy độ phân giải của máy. Nhiều điểm xác định ảnh kiểu này được đặt tại sa mạc Mojave, California, nơi Không quân thường thử nghiệm các loại máy bay do thám, bao gồm cả U-2, SB-71 Blackbird, và gần đây nhất là các loại máy bay không người lái.




Ô mã vạch mở rộng ở Fort Huachuca, Arizona.



Khắp Hoa Kỳ và thế giới đều có những ô mã vạch định vị kiểu này.


Khi quan sát Căn cứ không quân Edward, đặt tại sa mạc Mojave, bằng chương trình Google Maps, người xem sẽ nhìn thấy một hàng 15 ô mã vạch kéo dài hơn 20 dặm. Các ô mã vạch đặt gần nhau này cho phép máy bay xác định nhiều mục tiêu trong 1 lần bay qua. Các ô mã vạch này cũng có tác dụng tương tự đối với vệ tinh quan sát.


Các ô bị hư hỏng sẽ không được thay thế, vì chương trình đã ngừng hoạt động.

Hiện tại, đa số các ô mã vạch đều không còn được sử dụng, do chúng được thiết kế cho máy ảnh cơ học (dùng phim), chứ không phải cho máy chụp hình digital như hiện nay. Không quân Hoa Kỳ đã chính thức hủy bỏ chương trình xây dựng các ô mã vạch vào năm 2006 mà không cần chương trình nào khác thay thế.


Cận ảnh 1 ô mã vạch tại Hồ Cuddeback, California. 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT