Pháp Luật

Những biến chuyển trong việc tổ chức bầu cử

Friday, 20/06/2014 - 11:01:28

Nói một cách đơn giản, một xã hội “dân chủ” là một xã hội cho dân quyền chọn các lãnh đạo của mình qua lá phiếu. Nhưng có rất nhiều cách thức để thi hành dân chủ, và cho đến nay, gần 238 năm từ ngày Hoa Kỳ được thành lập, các lãnh đạo của Mỹ cấp liên bang và tiểu bang vẫn còn đang thí nghiệm

LS Diệp Thế Lân

Nói một cách đơn giản, một xã hội “dân chủ” là một xã hội cho dân quyền chọn các lãnh đạo của mình qua lá phiếu. Nhưng có rất nhiều cách thức để thi hành dân chủ, và cho đến nay, gần 238 năm từ ngày Hoa Kỳ được thành lập, các lãnh đạo của Mỹ cấp liên bang và tiểu bang vẫn còn đang thí nghiệm và tu chính cách tổ chức bầu cử cho tốt hơn ở xứ này. Điển hình là trong mấy năm qua, các luật liên quan đến việc tổ chức bầu cử đã thay đổi khá nhiều. Mọi người ai cũng hy vọng là những thay đổi này sẽ dẫn Hoa Kỳ nói chung và Cali nói riêng đến một nền dân chủ hoàn thiện hơn, nhưng thực tế là chẳng ai biết những thay đổi này sẽ dẫn đến kết quả tích cực hay tiêu cực trong tương lai.

Thứ Ba, ngày 3 tháng Sáu vừa qua đã là ngày bầu vòng đầu (primary) tại California năm nay. Đây cũng mới là lần thứ hai mà tiểu bang Cali đã áp dụng phương thức “Top Two Primary” để chọn các ứng cử viên sẽ được tranh cử trong cuộc bầu cử chung (general election) vào tháng 11 năm nay. Theo truyền thống, vòng bầu cử đầu tiên thường là cuộc bầu cử nội bộ của từng đảng. Nghĩa là trước đây, mọi người chỉ có quyền bỏ phiếu chọn giữa các ứng cử viên thuộc đảng của mình. Sau khi mỗi đảng đã chọn đại diện, người ấy sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu chung, và lúc ấy tất cả những ai đi bỏ phiếu sẽ được chọn giữa các ứng cử viên đại diện của từng đảng phái. Nhưng vào năm 2010, cử tri Cali đã quyết định hủy bỏ lối tổ chức bầu cử như thế và ưu tiên cho cái gọi là “Top Two Primary.”

Theo lối tổ chức bầu cử này, vòng bầu đầu tiên sẽ không còn phân biệt đảng phái nữa, mà sẽ bỏ tên tất cả mọi ứng cử viên trên một lá phiếu duy nhất cho toàn cử tri Cali chọn lựa ngay từ ban đầu. Hai ứng cử viên thắng số phiếu cao nhất sẽ được tiến tới và tranh chức với nhau trong một cuộc bầu cử vào tháng 11. Lý do có thay đổi này là vì muốn mở đường cho những ứng cử viên có sáng kiến hay nhất có cơ hội đắc cử. Trước đây, nếu muốn có chân trong cuộc bầu cử chung, một ứng cử viên phải trước tiên thắng trong cuộc bầu nội bộ vòng đầu của đảng mình. Muốn thắng cuộc bầu cử trong nội bộ thì phải giữ thái độ cực hữu hay cực tả, tùy theo đảng. Nhưng nếu muốn thắng trong vòng bầu cử chung thì phải giữ thái độ trung dung và lôi kéo sự ủng hộ của thành phần cử tri không thuộc đảng của mình. Để giảm bớt sự ảnh hưởng của các đảng phái và trao cho dân Cali thêm sự chọn lựa, Cali đã chuyển sang lối tổ chức bầu cử “Top Two Primary” này kể từ năm 2012.

Ở cấp liên bang cũng đã có những biến chuyển về mặt luật bầu cử gần đây. Cách đây một năm, trong vụ kiện Shelby County v. Holder, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã tuyên bố là Phần 4 của Đạo Luật Bảo Vệ Quyền Đi Bỏ Phiếu (Voting Rights Act) đã vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ. Đạo Luật Bảo Vệ Quyền Đi Bỏ Phiếu đã được thông qua vào năm 1965 dưới nhiệm kỳ của Tổng Thống Lyndon Johnson với mục đích là bảo đảm cho mọi công dân Mỹ trên 18 tuổi cơ hội đi bầu. Đạo luật này đòi hỏi mọi cuộc bầu cử tại Mỹ phải được tổ chức theo một số tiêu chuẩn chung. Hơn nữa, tất cả những tiểu bang có một quá khứ đối xử kỳ thị với dân thiểu số trong vấn đề bầu cử phải xin phép chính quyền liên bang trước khi có sự thay đổi trong cách tổ chức bầu cử. Phần 4 của đạo luật này đã đưa ra một công thức để quy định những tiểu bang nào là những tiểu bang được coi là có quá khứ kỳ thị trong vấn đề bẩu cử.

Theo ý kiến của Tối Cao Pháp Viện, cái công thức này nay đã hơn 40 năm rồi và không còn phản ảnh cái thực tế của thời nay. Quốc Hội, nếu muốn, có thể chế một công thức mới, nhưng cái công thức hiện ghi trong Phần 4 của Đạo Luật không còn hợp pháp nữa. Ngay sau khi quyết định này được tuyên bố, bẩy tiểu bang mà trước đây phải chịu sự kiểm soát của chính phủ liên bang dưới Đạo Luật đã lập tức thông qua những luật mới để “bảo vệ bầu cử” tại các tiểu bang ấy. Mỗi nơi đã thông qua các chính sách khác nhau, nhưng nói chung, các tiểu bang này đã có những luật mới để:

1) đòi người bỏ phiếu phải chứng minh mình đúng là người có tên trong danh sách đi bầu bằng cách đưa ra một thẻ của chính phủ cung cấp có hình và tên của mình, ví dụ như bằng lái xe;

2) không cho phép bỏ phiếu sớm trước ngày bầu chính thức;

3) không cho ghi danh bầu đúng vào ngày bầu cử; và

4) loại tên những ai bị nghi là không có quốc tịch ra khỏi danh sách người có quyền đi bầu.

Khách quan mà nói, những luật loại này sẽ ảnh hưởng các người nghèo, ít học, và thiếu phương tiện hơn hết, và hiện nay tại Mỹ, có nhiều người da mầu rơi vào tình trạng này hơn là người da trắng.

Gần đây hơn, một vụ kiện cũng gây một sự biến đổi lớn trong các luật bầu cử tại Mỹ là vụ kiện McCutcheon v. Federal Election Committee, mới được quyết định vào tháng Tư năm nay. Trước vụ kiện này, số tiền mà một cá nhân có thể đóng góp trong một mùa bầu cử có bị giới hạn. Trong một mùa bầu cử, một cá nhân không thể đóng góp hơn $5,200 cho một ứng cử viên đang tranh chức liên bang. Nhưng thêm vào đó, luật pháp cũng giới hạn tổng số tiền mà một cá nhân có thể đóng góp trong một mùa bầu cử: một cá nhân không thể đóng góp quá $48,600 để ủng hộ các ứng cử viên tranh chức liên bang, và không thể chi hơn $74,600 để tặng các đảng phái hay tổ chức chính trị. Nhưng trong vụ kiện McCutcheon, ông Shaun McCutcheon đã kiện chính phủ Mỹ vì trong một mùa bầu cử, ông ta có ý muốn đóng góp hơn $48,600 đến nhiều ứng cử viên cấp liên bang khác nhau, nhưng luật pháp đã không cho phép. Đối với ông McCutcheon, sự giới hạn này đã vi phạm vào quyền tự do ngôn luận của ông ta, vì theo ông McCutcheon, việc chi tiền trao tặng cho các ứng cử viên là một hình thức phát biểu ý kiến của ông ta, và chính phủ liên bang không có quyền giới hạn tiếng nói của dân. Dù đã thua kiện ở mức tòa thấp hơn, ông McCutcheon đã thắng tại Tối Cao Pháp Viện, và vì thế, tất cả mọi chúng ta không còn bị giới hạn trong tổng số tiền có thể đóng góp cho các ứng cử viên trong một mùa bầu cử. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể đóng góp hơn $5,200 cho một ứng cử viên liên bang, nhưng chúng ta có thể tặng $5,200 đến vô số ứng cử viên tranh chức liên bang.

Liệt kê sơ qua những thay đổi trong luật bầu cử như thế không phải để phân tích hai mặt phải trái của vấn đề, nhưng để cho thấy là ngay cả tại một xứ tự do tại Mỹ, cái lý tưởng dân chủ là một tiến trình, chứ không phải là một khái niệm cố định. Hiện nay tại Mỹ, vẫn có những phe phái đang tranh nhau để ảnh hưởng vào lối tổ chức bầu cử tại cấp tiểu bang và liên bang, để củng cố quyền lãnh đạo của họ bằng cách ảnh hưởng vào khả năng đi bầu của dân Mỹ, hoặc để làm giảm đi sức mạnh của lá phiếu của từng cử tri. Nếu chúng ta có tham gia trong trò dân chủ thì ít nhất là có một tiếng nói và có khả năng ảnh hưởng những chính sách của thành phố, tiểu bang, và quốc gia. Còn nếu không bỏ phiếu thì sẽ vô hình trung giao phó quyền quyết định cho những người khác. (dtl)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT