Đời Sống Việt

Nhật ký Tháng Tư: Letung, Kuku 2019 “Mịt mù sương khói lên hương”

Monday, 25/04/2022 - 07:24:53

Tiếng gà gáy sáng, tiếng chân vui trên những con ngõ nhỏ ra phố chợ, lẫn trong tiếng kinh sáng của xóm đạo Hồi Giáo,...


Chợ Letung

Bài NGỌC ÂN

Tiếng gà gáy sáng, tiếng chân vui trên những con ngõ nhỏ ra phố chợ, lẫn trong tiếng kinh sáng của xóm đạo Hồi Giáo, mùi nước biển mặn nồng trong gió, buổi sáng đầu tiên ở Letung dễ yêu làm sao. Chúng tôi đánh thức nhau dậy từ 4 giờ sáng, 5 giờ chợ đã họp, đi mau còn về sửa soạn cho kịp đò qua Kuku cách đó một tiếng.

Các chị trong nhóm bị các hàng bánh mặn ngọt níu chân, bánh quai vạc, bánh kèn nhân lá dứa, bánh mì ngọt, nóng hổi, thơm phức, qua gian hàng rau cỏ, trái cây mới mê chết mệt, đậu que xanh, vàng, rau dền cơm, rau dền tím, khổ qua, đu đủ, soài, đến hàng cá thì hoàn toàn bị thôi miên, cá tươi rói, đủ loại, đủ mầu. Một chị trong nhóm rủ đi loanh quanh trong làng chụp hình, hai chị em đi quanh những con đường về nhà trọ, những căn nhà sàn xinh xắn, cây cỏ, hoa lá, đầy màu sắc, mờ trong sương sớm, đẹp như tranh vẽ, ngây ngất lòng người.


Chợ Letung


Hòa Thượng Thích Phước Thiền, Hoà Thượng người Tích Lan tại bến đò Letung.

Cà phê, cháo trắng với cá khô, bữa sáng nhẹ nhàng, rồi ríu rít cắp nón lá chạy xuống bến đò đi Kuku. Nhưng trước khi tới Kuku, đoàn còn dừng lại ở đảo lân cận tặng quà bánh, đặc biệt học bổng cho các em mồ côi tại vài trường trung, tiểu học trên đảo.

Một anh trong đoàn hỏi một nam sinh lớp 6, “Em thích gì nhất khi có du khách tới thăm trường?”

“Em thích thực tập tiếng Anh, em thích học tiếng Anh, biết tiếng Anh mới đi xa khỏi đảo được.” Cậu bé có khuôn mặt và nụ cười sáng rỡ, mong em với óc cầu tiến đó sẽ đi thật xa, bay thật cao, em nhỏ.


Thuyền từ Letung đi Kuku


Xác thuyền nằm trên bãi Kuku


Đoàn 2019 - Băng qua trảng cỏ Kuku


Chiếc cầu tầu đi vào Kuku thật đẹp, có vẻ như cầu tầu này mới được làm sau này. Trên bãi cát ngay dưới chân cầu tàu còn thấy nhiều khung và sườn của những con tàu gỗ vượt biển năm xưa nằm trong cát. Cổng vào trại cũng còn nguyên hình dáng, tại đây hai Hòa Thượng Thích Phước Thiền (Melbourne, Úc) và Hoà Thượng người Tích Lan cùng chúng tôi cử hành nghi thức tưởng niệm đồng bào đã mất trên biển, đồng bào đã đến được đất liền nhưng kiệt sức sau cuộc hành trình hiểm nguy, hoặc đau bệnh vì đời sống ngặt nghèo trên đảo, không thực phẩm, không nước sạch, không thốc men, bỏ mình trên đảo.

Cả đoàn đi bộ băng qua một trảng cỏ cháy nắng, được biết ngày xưa nơi đây là lán trại, đã có lúc Kuku đón nhận tới 20,000 người trong chỉ có một tuần lễ, trong tổng số hơn 40,000 thuyền nhân từng tạm trú tại Kuku từ 1979 tới khoảng những năm đầu của thập niên 90. Vẫn theo dữ liệu của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hệp Quốc, số thuyền nhân mất trên các đảo Kuku, Air Raya, Terampa, Keramut và Galang là hơn 2,000 người, trong đó Galang trên 500, Kuku và Air Raya 400, Terampa 300, Keramut 40. (Trích tài liệu Kuku Island, Carina Hoàng)


Nghĩa Trang Kuku


Nghĩa Trang Kuku


Nghĩa Trang Kuku

Đườngvào nghĩa trang Kuku là phải trèo đèo lội suối,tuy hàng trăm thuyền nhân đã mất tại Kuku, nhưng chỉ còn rất ít mộ có bia, hầu hết được đánh dấu bằng những viên đá, sau này được Văn Khố Thuyền Nhân đặt lên tấm bia vuông nhỏ có chữ VBP (Vietnamese Boat People).

Mộ nằm rải rác ở hai nghĩa trang, một ngay cạnh bãi đáp trực thăng, bằng phẳng và dễ đi, và một nghĩa trang nằm cạnh con suối lên dốc thẳng đứng, nhiều người trong đoàn chịu thua, ngồi dưới chân dốc cầu nguyện.


Tặng quà cho các bé mồ côi tại trường tiểu học trong vùng Anambas.


Cầu tầu Kuku


Qua con suối lên Nghĩa Trang Kuku

Cả đoàn gần 30 người chỉ có Anh Minh (từ Sydney) là trước đây có ở Kuku khi còn là đảo hoang, chưa có sự trợ giúp nào của Liên Hiệp Quốc. Ba của Anh Minh mất và được chôn cất ở khu nghĩa trang trên phía cao nhất của đảo hình bán nguyệt này. Hành trình tìm mộ cha của anh sau gần 30 năm định cư đã phải mất bốn, năm ròng rã, vì khi đi vượt biên đến hoang đảo thì chỉ còn tay không, chôn cất và đánh dấu mộ bằng những viên đá, cũng chẳng biết làm cách nào để trở lại.

Anh kể cho tôi nghe khi ngồi đợi thuyền trở về Letung, “Lúc ở đảo tôi 16,17 tuổi, hơn 30 năm lúc nào cũng mong tìm lại mộ ba mình, tôi có đi theo Văn Khố Thuyền Nhân về Kuku, nhưng phần vì đoàn đi gấp quá, phần đảo hơn 30 năm sau khác quá, tôi không thể nhớ được đã chôn cất ba ở đâu. Sau đó tôi đi với cô Carina Hoàng, vì chúng tôi tới Kuku cùng thời gian khi đảo mới mở, chúng tôi cùng nghĩ là chỉ có ngọn đồi cao gần con suối là địa điểm những người đến đảo lúc đó cố đem xác thân nhân lên nơi càng cao càng tốt. Tìm được mộ rồi, từ đó đến nay năm nào cũng cố gắng đi thăm mộ ba.”


Anh Minh (Sydney, Úc) trước mộ Cha


Anh Minh trước mộ Cha

Người con trai đứng trức mộ cha, soạn thức ăn anh mang theo để lên đĩa, rót rượu, thắp nhang, và thầm thì nói chuyện với cha như thể người còn sống, chỉ nằm đó nghỉ ngơi đợi con, nét mặt anh hiền hoà và thanh thản.

“May mắn Thanh vợ tôi thương và hiểu chuyện lắm, mau mắn thu xếp mọi chuyện rồi cùng đi, gặp người vợ không thông cảm chắc khó lòng đi được,” anh nói. “Chị hỏi tôi năm tới đi nữa nghen, tôi không dám trả lời, trả lời như lời hứa sợ người nằm đây mong.”


Nghĩa Trang Kuku


Những ngôi mộ còn tên trên Kuku


Những ngôi mộ còn tên trên Kuku


Những ngôi mộ còn tên trên Kuku

Sóng nước Kuku như có khói làm cay mắt.
Kuku, mịt mù sương khói lên hương.

Ghi chú:

Danh sách mộ còn tên trên Kuku:

1. Hoàng Thị Tuyết, sinh 28/9/1951, mất 27/4/1989. Trên mộ có để hàng chữ: Wife & Mother of Dung & Manh. Never to be Forgotten by Her Family

2. Maria Bùi Thị Thu Kiều, 1966 - 1981

3. Nhan Thị Mộng Hà, sinh 16/3/1964, mất 1/11/1979. (Trên mộ có hàng chữ: “Miệng cười, toả sáng, mắt long lanh. Nhan Thị Mộng Hà, 16/3/1964 -1/11/1979. Ba Má, Thanh, các cô, bạn bè vẫn luôn thương tiếc”)


Nghĩa Trang Kuku


Những ngôi mộ còn tên trên Kuku


Những ngôi mộ còn tên trên Kuku

4. Hoàng Nguyễn Phúc 1979

5. Nguyễn Anh Tuấn

6. Huỳnh Thị Tú

7. Nguyễn Thanh Long

8. Nguyễn Thị Thu Sương

9. Ngô Kim Oanh, sinh 1958, mất 9/6/1982


Những ngôi mộ còn tên trên Kuku


Cổng trại Kuku


Những ngôi mộ còn tên trên Kuku

10. Phero Vu Tan Trung, sinh 14/10/1958, mất 18/5/1984. Tàu SG 1222T8. (Trên mộ còn để cả địa chỉ nhà 102/48 Hồ Biểu Chánh, F11, Q Phú Nhuận)

11. Quách Thị Mai (Sáu), sinh 1951 Bà Rịa, mất 29/5/1981

12. Nguyễn Thị Chính

Ngoài ra còn một số ngôi mộ viết tên tiếng Hoa.
(Còn một kỳ)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT