Pháp Luật

Nhân chuyện Điếu Cày, tìm hiểu về cách xin tị nạn

Saturday, 08/11/2014 - 07:37:33

Một ai đã từng tham gia trong việc đàn áp một cá nhân nào khác vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị, hoặc vì tham gia trong một nhóm hay tổ chức nào đó sẽ không hội đủ điều kiện được tị nạn tại Mỹ.

Bài LS DIỆP THẾ LÂN

Tin tức đáng chú ý nhất trong mấy tuần qua đối với cộng đồng người Việt tị nạn là tin ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, được thả tù tại Nghệ An và bị đưa thẳng ra phi cơ tại sân bay Nội Bài để lên chuyến bay sang Los Angeles. Vào đêm thứ Ba, ngày 21 tháng 10 năm 2014, ông Điếu Cày đã bước chân đến Mỹ và đã trở thành người Việt Tị Nạn mới nhất tại Hoa Kỳ.
Tại sao gọi ông Điếu Cày là người tị nạn thay vì là người được ân xá? Dưới luật pháp Hoa Kỳ, hai khái niệm tị nạn và ân xá gần như là giống nhau, nói đến dạng của một người bị đe dọa tại quốc gia nguồn của họ, xin được ở lại một quốc gia khác để tránh sự đàn áp. Nhưng sự khác biệt quan trọng giữa hai dạng này là nơi người này đang ở khi bắt đầu làm đơn. Nếu đã đến Mỹ rồi và xin ở lại vì sợ bị đàn áp thì người ấy xin được ân xá. Còn nếu làm đơn xin vào Mỹ vì lý do chính trị trước khi bước chân đến Mỹ thì người ấy là người xin tị nạn.


Blogger Điếu Cày tại phi trường Los Angeles ngày 21 tháng 10, 2014. (Getty Images)


Hàng năm có không biết hàng bao nhiêu người tìm cách đến Mỹ và ở lại. Có người đi chui. Có người làm hôn nhân với người có quốc tịch Mỹ. Có người được gia đình bảo lãnh qua. Có người xin được việc làm hay đi du học trước rồi tìm cách ở lại. Nhưng còn một cách nữa mà hiếm ai làm được là đi sang Mỹ theo lối tị nạn. Dĩ nhiên, được Mỹ nhận đơn của một người tị nạn không phải là dễ. Nhưng thế nào để đạt được diện tị nạn ở lại Mỹ như ông Điếu Cày đã làm, và không biết bao nhiêu người Việt Nam đã làm vào thập niên 70 và 80?
Đối với Hoa Kỳ, một người tị nạn là một cá nhân
1) hiện đang sống ngoài nước Mỹ,
2) có sự quan tâm của Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo,
3) chứng minh được rằng họ đã bị đàn áp hoặc sợ sẽ bị đàn áp vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị, hoặc vì tham gia trong một nhóm nào đó,
4) chưa định cư ổn định tại một quốc gia thứ ba, và 5) hội đủ điều kiện để nhập vào Hoa Kỳ.
Một ai đã từng tham gia trong việc đàn áp một cá nhân nào khác vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị, hoặc vì tham gia trong một nhóm hay tổ chức nào đó sẽ không hội đủ điều kiện được tị nạn tại Mỹ.
Tuy ai cũng có thể xin tị nạn tại Mỹ, không phải ai cũng sẽ được phỏng vấn để có cơ hội sang Mỹ. Hàng năm, chính quyền phải xét lại nhiều yếu tố và quyết định trong năm có thể nhận được bao nhiêu người vào Mỹ, cũng như trong năm ấy chính phủ sẽ ưu tiên cho những trường hợp nào. Hiện nay, Mỹ có ba ưu tiên khi xét các đơn xin tị nạn: 1) những trường hợp gởi đến chính phủ Mỹ từ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn, một Đại Sứ Hoa Kỳ, hoặc một tổ chức phi chính phủ; 2) những trường hợp của các nhóm được đặc biệt quan tâm bởi chương trình tị nạn của Mỹ; và 3) những trường hợp đoàn tụ gia đình.
Thuyết phục được chính quyền Mỹ rằng mình bị đe dọa thật sự, xứng đáng được tị nạn, và không phải chỉ sợ một cách vô cớ, không phải là việc dễ. Bằng chứng là hàng ngàn trẻ em từ các quốc gia El Salvador, Guatemala, và Honduras đã đi đường bộ đến biên giới Mỹ trong mùa hè mới đây để xin tỵ nạn với lý do tránh tình trạng rối loạn, hiếp dâm, và bạo hành đang diễn ra tại các nước ấy vì các băng đảng địa phương. Nhưng chính phủ Mỹ đã từ chối, bởi vì có nhiều đại diện trong hạ viện và thượng viện của Quốc Hội Mỹ đã cho rằng các em này đã được huấn luyện trước để khai như thế, và nước Mỹ không nên bị lừa để cho các em ở lại.
Trường hợp của các em này tương tự như trường hợp của người Việt Nam vào thập niên 70 và 80. Trong cả hai trường hợp, Hoa Kỳ và thế giới đều quan tâm đến việc có vô số người đã mạo hiểm bỏ nước ra đi. Những người này biết rằng nếu họ ở lại thì sẽ nguy hơn là đi. Cho đến nhiều năm sau ngày miền Nam thất thủ, hàng ngàn người Việt Nam đã tìm cách thoát chế độ cộng sản và đã tìm đến các trại tị nạn tại Phi Luật Tân, Mã Lai, hoặc Hồng Kông. Từ đó, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã nhận người Việt làm dân tị nạn ở nước họ. Trong trường hợp của các trẻ em nêu trên, vào cuối tháng 9 năm nay, Tổng Thống Obama đã thông qua một chương trình nhằm mở đường chính thức cho một số trẻ em này đoàn tụ với gia đình hiện đang sống tại Mỹ. Khi hệ thống hóa mọi việc như thế, sẽ giúp cho nhiều trẻ em không mạo hiểm bỏ nhà để kiếm đường vượt qua biên giới Mỹ, vì chuyến đi ấy khá nguy hiểm.
Trở lại trường hợp của ông Điếu Cày. Trong nhiều năm, ông đã nổi tiếng vì là một người dám thẳng tay chỉ trích nhà nước Việt Nam. Chỉ vì công khai nói lên sự bất đồng chính kiến của mình mà ông đã nhận án tù 12 năm. Trong quá khứ, ông Điếu Cày đã từng được TT Obama đề cập đến và vào tháng 11 năm ngoái đã nhận giải thưởng Tự Do Báo Chí Quốc Tế của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo. Những cái khó khăn mà ông Điếu Cày đã phải chịu đã biến ông thành một khuôn mặt của phong trào đối kháng tại Việt Nam, và vì lý do nào đó, Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến trường hợp của ông Điếu Cày và lo thủ tục cho ông sang Mỹ. Tuy nội tình sự việc chưa được biết rõ, nhưng chắc chắn đi sang Mỹ là ý của ông Điếu Cày chứ nhà nước Việt Nam không thế tùy ý thả ông ta và tống ông sang nước ngoài.
Khi một người sang Mỹ theo dạng tị nạn thì tự động có quyền đi làm hợp pháp, không cần phải chờ đợi gì. Trong vòng một năm, người ấy sẽ phải làm đơn xin thẻ xanh để có quyền ở lại luôn. Người tị nạn tại Mỹ có quyền đi du lịch ngoại quốc, nhưng phải xin giấy phép trước khi đi, nếu không, có thể sẽ không được phép vào Mỹ trở lại. Hơn nữa, người tị nạn có quyền bảo lãnh vợ, chồng, hoặc những đứa con của mình nếu mỗi đứa còn độc thân và còn dưới 21 tuổi khi làm đơn.
Riêng ông Điếu Cày, có vợ cũ và con tại Việt Nam, nhưng có lẽ là tình trạng gia đình của ông ta sẽ không cho phép ông bảo lãnh ai sang Mỹ, nếu không hợp lệ với luật của Mỹ. Với việc đã phải tách rời gia đình ở Việt Nam khi vào tù, và đã không có cơ hội chia tay trước khi lên phi cơ đi Mỹ, cho dù có đông đảo người đã ra phi trường LAX chào mừng khi ông mới đến Mỹ, có lẽ ông Điếu Cày sẽ không quên được dễ dàng những thân nhân ở Việt Nam.
Nói chung, một người xin tỵ nạn không nhất thiết phải đấu tranh và bị bắt tù như ông Điếu Cày, nhưng việc phải trả qua những kinh nghiệm không vui như thế là thêm bằng chứng giúp cho chính phủ Mỹ xét đơn nhanh chóng hơn. Lối sang Mỹ theo dạng tị nạn hoặc dạng ân xá là một cách hiếm có trong thời đại này, tuy thế nó vẫn tiếp tục xẩy ra. (dtl)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT