Phóng Sự

Nhà sách Tú Quỳnh, vàng son một thuở (kỳ 2)

Tuesday, 10/11/2020 - 10:11:52

Nhà sách Tú Quỳnh ra đời ở Little Saigon ở Quận Cam như một quyến rũ mời gọi thiết tha không riêng gì với cư dân quận Cam, mà còn với nhiều người Việt tha hương hay khách vãng lai.


Bà Yến với ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung

 

Bài TRỊNH THANH THỦY

Trong cuộc sống lưu vong của người Việt hải ngoại, những món ăn tinh thần cần thiết đã là một đòi hỏi không thể thiếu, nhất là những năm đầu trong cuộc sống trôi dạt khắp nơi của người Việt hải ngoại. Sự thèm khát được đọc một tờ báo, cuốn sách tiếng Việt hay nghe một băng nhạc cải lương, tân nhạc đã thúc đẩy người ta tìm về nơi đông đúc người Việt sinh sống. Một trong những điểm hẹn lý tưởng trên lộ trình hoài hương của người Việt là tìm đến một hiệu sách. Nhà sách Tú Quỳnh ra đời ở Little Saigon ở Quận Cam như một quyến rũ mời gọi thiết tha không riêng gì với cư dân quận Cam, mà còn với nhiều người Việt tha hương hay khách vãng lai. Phải nói đây là một địa điểm lịch sử đã có nhiều người Việt tị nạn tìm đến trong rất nhiều năm, kể từ ngày khai trương vào năm 1979.


Giấy phép kinh doanh lần hai.  

Tú Quỳnh có mặt ở Bolsa Mini Mall lúc quanh vùng này còn rất nhiều các mảnh đất trồng dâu và lèo tèo trong khu thương mại được gọi là Mini Mall chỉ có đôi ba cửa tiệm. Đối diện Tú Quỳnh là nhà hàng Thiên Cung sau đổi là Thành Mỹ cho tới nay. Sau đó lần lượt các cửa tiệm khác ra đời như: tiệm bán băng nhạc của nhạc sĩ Trường Hải, nhà in của Du Miên, văn phòng bán bảo hiểm của luật sư Nguyễn Xuân Phước, dịch vụ gửi hàng của ông Thuận, bán vé máy bay của ông Vượng, bán hàng nội thất của ông Đề và chợ Ái Hoa của ông Bói. Quán cà phê Lục Huyền Cầm của cặp nghệ sĩ Lê Uyên Phương sau này cũng có mặt, khiến nơi này trở nên một chốn kinh doanh đa dạng.

 


Sách đa dạng

 

Riêng về khoản sách báo, khi ấy tờ Hồn Việt của Nguyễn Hoàng Đoan đã in ấn bản đầu tiên từ năm 1975. Báo Người Việt do ông Đỗ Ngọc Yến thành lập năm 1978 thì được in ấn trong nhà để xe của ông. Văn Nghệ Tiền Phong của Nguyễn Thanh Hoàng ở Virginia đã bán rất chạy do độc giả đặt mua ở khắp nơi trên toàn nước Mỹ. Tờ Văn của Mai Thảo góp mặt cuối năm 1982 sau này, thu hút được những độc giả yêu văn đặt mua dài hạn.

Nhà xuất bản sách lớn nhất là Đại Nam hoạt động rất mạnh với chủ trương thu góp những sách báo, tiểu thuyết thời VNCH trước 75 của những người Việt tị nạn mang theo được, đem in lại rồi bán ra. Họ cũng thu thập và sang lại các băng cassette cải lương và tân nhạc. Nhà Xuất bản Xuân Thu do Kim Xuân chủ trương cũng gởi sách đi các nơi. Sau này nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết ra đời vào cuối năm 1985 với một mục tiêu độc đáo là chọn tác phẩm để in. Do thế, sách của ông in vừa có chất lượng lại vừa có số lượng cao nhờ tầm phổ biến rất xa đi toàn thế giới những nơi có người Việt định cư. Ngoài ra, ông còn có những nhà văn thân hữu giúp ông tìm các tác phẩm hay và để in có giá trị.

Trong thời gian đầu, Tú Quỳnh trở thành một tiệm bán lẻ sách báo và băng nhạc. Ông bà chủ Tú Quỳnh là Thạnh và Yến đã đóng cửa một nhà hàng có tên là Quê Hương ở Hawaii rồi đến Bolsa lập nghiệp chỉ vì bạn bè rủ rê về Cali nhiều người Việt cho vui. Vài năm đầu tiệm còn ế ẩm, nhưng sau số lượng người Việt về Quận Cam ngày càng đông, khiến tiệm sách đi vào thời gian cực thịnh trong thập niên 1980. Tiệm trở nên nổi tiếng khiến người Việt địa phương đã dùng "khu Tú Quỳnh" để làm địa điểm mốc khi có người cần chỉ đường đến một tiệm nào đó trên đường Bolsa.


Bà Yến với nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết (bên phải)

 

Bà Yến kể, “Khoảng 1983 trở đi, sách bán chạy lắm. Thường thì một đầu sách in khoảng 50 tới 100 cuốn bán hết sạch. Có khi lên tới cả ngàn cuốn. Các nhà xuất bản gởi sách tới tấp. Sản phẩm của Thúy Nga Paris thì mỗi lần mua cả ngàn cuốn video bán hết bay, bây giờ 20 cuốn bán cũng không hết. Sách bán chạy nhất là hồi ký.

“Ngày đó, băng cassette chạy nhất là cải lương, thứ nhì mới tới tân nhạc. Như rồng gặp mây, chúng tôi mở nhà in tự in lấy sách và tự phát hành băng nhạc Tú Quỳnh Nhạc Tuyển với chủ đề. Cuốn băng bán chạy nhất là cuốn ‘Nhạc Phim Bộ Chọn Lọc.’ thứ nhì là ‘Phút Bên Em.’

“Chúng tôi cũng quay video nữa, là cuốn ‘Tiếu Vương Hội’ ngay tại Little Saigon này. Tiệm nới rộng làm ba căn, chúng tôi cộng tác với Thuý Nga Paris, Trung Tâm Giáng Ngọc và các trung tâm khác để trở thành trung tâm phát hành các sản phẩm âm nhạc tại Quận Cam kể cả bán vé show ca nhạc và đại nhạc hội. Thời vàng son kéo dài 20 năm. Ông Thạnh, chồng tôi mất năm 2018. Giờ thì buồn lắm, không dám chạy ngang tiệm luôn.”


Bà Yến với Quang Dũng

 

Người bạn của ông bà Tú Quỳnh là ông Yersin, chồng ca sĩ Thanh Mai, kiêm chủ nhân nhà hàng Thanh Mai tới giúp bà Yến bán sách, đã chia sẻ thêm về sách hồi ký bán chạy.

Ông Yersin nói, “Tôi rất thích đọc hồi ký. Sách có bao nhiêu tôi đọc hết bấy nhiêu. Thật ra, theo tôi, trong những cuốn hồi ký có những tác giả đã viết về mình quá lố nên không được trung thực. Riêng các cuốn hồi ký lịch sử viết về Ngô Đình Diệm thì trong 10 cuốn ra, thì 7 cuốn khen ông, còn 3 cuốn chê. Có cuốn nhận xét trung dung. Hồi ký về Bảo Đại hoặc Trần Văn Đôn cũng hay. Càng ngày càng có những cuốn viết đàng hoàng, hay và trung thực. Lịch sử trả lại lịch sử. Chỉ tiếc một điều rất uổng trong thời đại mình sống khoảng từ 1950 tới giờ ít có sách nói về ông Ngô Đình Nhu là một người rất hay, rất giỏi. Chỉ có vài cuốn của người trong nước viết chê trách ông theo thiên kiến. Việt Nam mình cũng khổ không bị bên này cũng bị bên kia. Như hình thể chữ S nằm ở giữa có cái eo, khi gió thổi, nó cứ lồng lộn hoài. Từ ngày ra khỏi nước tới giờ, 45 năm rồi, nó cũng như vậy.”

Ông bà Tú Quỳnh với nhà văn Mai Thảo (bên phải)

 

Tôi xin bà Yến kể vài kỷ niệm từng có với văn nghệ sĩ.

Bà nói, “Tác giả thì có Duyên Anh từ Pháp qua. Tại đây, thì Mai Thảo rất thân với vợ chồng tôi, nhất là ông Thạnh. Hồi ấy Mai Thảo còn ở căn phòng cho người lớn tuổi ở khu nhà hàng Song Long. Hai người hay kéo nhau, đi ăn đi nhậu hoài. Các tác giả thì ra đây trò chuyện hàng ngày. Còn nghệ sĩ gần đây thì khỏi nói. Các ca, nhạc sĩ bên Việt Nam hay các nước khác ghé Mỹ đều đến đây, tôi có nhiều hình kỷ niệm chụp chung với họ. Thập niên 1980, khi phim bộ thịnh hành, Tần Hán, Huỳnh Nhật Hòa qua đây làm show có ghé đây và chụp hình nữa.”

Thể theo lời yêu cầu của tôi, bà Yến mang hình ra chia sẻ. Tôi thấy ngày đó bà Yến thật đẹp và duyên dáng mặn mà. Hình bà chụp bên các tài tử phim bộ như Huỳnh Nhật Hòa (Quách Tĩnh), Tần Hán (vai nam chính trong các phim truyện của Quỳnh Dao), khiến tôi sống lại thời quá khứ của dân tỵ nạn Việt Nam say mê phim bộ. Ngày ấy, hầu như nhà người Việt hải ngoại nào cũng chết mê chết mệt với phim bộ kiếm hiệp hay phim bộ Quỳnh Dao từng lấy bao nhiêu nước mắt của phụ nữ. Coi sáng, trưa chiều, tối, khuya, quên ăn, quên ngủ, hết cuốn này sang cuốn khác, mắt mũi trỏm lơ!!! Đó cũng là thời huy hoàng của các tiệm cho thuê phim bộ.


Bà Yến với Huỳnh Nhật Hòa

 


Bà Yến với Tần Hán

 

Bà Yến với kịch sĩ Minh Nhí


Mấy mươi năm sau, đời sống thay đổi, con người thay đổi, món ăn tinh thần cũng thay đổi. Những em trẻ sinh ra tại Việt Nam sau 75, lớn lên ở hải ngoại, còn đọc và viết tiếng Việt như Trang Đài Glassy Trần-Nguyễn không có nhiều. Tôi rất mừng khi gặp em tại nhà sách hôm ấy.

 

Trang Đài Glassy Trần-Nguyễn cho biết, “Em thật cảm động khi thấy tiệm sách đông người, không còn chỗ để vào. Em rất vui được gặp chị và càng vui hơn khi biết chị đang làm phóng sự. Nhìn quanh, thấy toàn những người tha thiết với chữ nghĩa, văn hóa, văn nghệ Việt Nam, em cũng bớt chạnh lòng. Riêng em đã tham gia dạy tiếng Việt với tư cách thiện nguyện ngay tại đây từ ngày đầu tiên đến Mỹ hơn 26 năm nay, nên đối với em, tiếng Việt rất quan trọng và là linh hồn của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, cái dây nối cho tất cả chúng ta ở khắp nơi trên thế giới.

“Em tin, dù Tú Quỳnh có phải đóng cửa thì em vẫn tin là văn hóa Việt Nam tại hải ngoại sẽ không mai một. Mai này, ắt sẽ có những nỗ lực mới, những 'Cô Yến' mới, triển khai những hình thức sinh hoạt mới cho văn hóa, văn nghệ. Ngày xưa, thế hệ thuyền nhân đến tỵ nạn, gặp nhiều khó khăn, ngỡ ngàng, mà đã gầy dựng được nên Thủ Đô Tỵ Nạn tại Quận Cam như ngày hôm nay, thì em vẫn có niềm tin mãnh liệt vào một sự tiếp nối và bừng nở của sinh hoạt văn hóa sau khi đại dịch qua đi. Em tin vào những tấm lòng của các thế hệ đang lớn, những trái tim hướng về cội nguồn, những bạn trẻ sinh ở hải ngoại, tự trao dồi tiếng Việt, muốn học nhạc cụ dân tộc, muốn thấm nhuần văn hóa Việt Nam. Nhìn vào chặng đường 45 năm của cộng đồng Việt tỵ nạn tại hải ngoại và tại Quận Cam nói chung, em dám đặt niềm tin vào một tương lai vẫn đậm đà bản sắc dân tộc ở xứ người.”


CD âm nhạc

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT