Đời Sống Việt

Người cha tốt (kỳ 1)

Friday, 15/06/2018 - 10:58:59

Khi con còn nhỏ, hãy thưởng con bằng tình yêu thương vô bờ bến của mình để giúp con hiểu bạn tự hào về chúng như thế nào.


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Fathers Day, Ngày của Cha, là ngày tôn vinh những người làm cha, tôn vinh cương vị làm cha, mối quan hệ với người cha và ảnh hưởng của người cha trong xã hội. Fathers Day được kỷ niệm vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 6 tại Hoa Kỳ, và một số quốc gia khác.

Bạn đã, đang, hay sẽ là người cha? Bất kể con bạn bao nhiêu tuổi, hay bạn có bao nhiêu đứa con, thì bạn cũng nên biết rằng vai trò của người cha là vô bờ bến. Để trở thành một người cha tốt là điều không dễ dàng. Muốn vậy, bạn phải là một người luôn sẵn sàng giúp đỡ, có tính kỷ luật tốt và luôn là người cha mẫu mực, đầy lòng cảm thông dành cho con cái khi chúng cần.

Nếu bạn muốn hiểu rõ thêm làm thế nào để trở thành một người cha tốt, hãy tham khảo những bước sau đây.

Luôn có mặt bên con

Cuộc sống bận rộn, đôi khi bạn không còn thời gian cho con cái. Hãy để tâm đến điều này vì con cái rất cần bạn. Đọc câu chuyện dưới đây để hiểu được điều đó.
Một buổi tối đi làm về, người cha thấy con mình còn thức chờ, và hỏi, “Bố, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?”

Đang mệt mỏi sau ngày làm việc cật lực, người cha bực bội đáp, “Đó không phải là chuyện của con, tại sao con lại hỏi bố như vậy?”

“Con chỉ muốn biết một giờ bố kiếm được bao nhiêu tiền thôi mà,” cậu bé nói.
“Nếu con cần phải biết thì... bố làm được $20 một giờ.”
“Ồ,” cậu bé cúi mặt đáp. “Vậy con có thể mượn bố $10 được không?”
Người cha nổi giận, “Nếu con vay tiền bố để mua đồ chơi vớ vẩn hay mấy thứ vô bổ gì đó thì hãy đi ngay về phòng, lên giường nằm và suy nghĩ xem tại sao con lại có thể làm như vậy.”
Cậu bé lặng lẽ đi về phòng, đóng cửa lại. Người cha ngồi xuống và càng tức giận hơn khi nghĩ đến những điều con trai mình vừa hỏi, “Tại sao nó lại dám hỏi mình những câu hỏi như vậy chỉ để xin tiền thôi nhỉ?” Một lúc sau, khi đã bình tĩnh lại, anh nghĩ có lẽ mình hơi nghiêm khắc với con. Có thể nó thật sự thiếu $10 để mua thứ gì đó chứ thằng bé đâu có hay xin tiền mình. Anh tiến về phía phòng con trai và mở cửa.

“Con đã ngủ chưa, con trai?” anh hỏi.
“Chưa bố ạ, con vẫn còn thức.”
“Bố nghĩ có lẽ lúc nãy bố quá nghiêm khắc với con. Hôm nay là một ngày dài và bố đã trút sự bực mình lên con. Đây, $10 mà con đã hỏi.”

Thằng bé ngồi bật dậy, mỉm cười và reo lên, “Ôi, cảm ơn bố!” Rồi nó luồn tay xuống dưới gối lôi ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát, chậm rãi đếm từng tờ một, xong ngước nhìn bố nó.
“Con mượn bố $10 vì lúc nãy con chưa đủ, nhưng bây giờ thì đủ rồi ạ. Bố ơi, bây giờ con có $20, con có thể mua một giờ của bố không? Ngày mai bố hãy về nhà sớm, con muốn được ăn tối cùng với bố.”
Người cha như chết lặng người. Anh vòng tay ôm lấy cậu con trai bé nhỏ và xin lỗi con.
*
Những đứa con không quan tâm bạn được thăng chức ở công sở như thế nào, hay làm chủ một căn nhà cao sang ra sao mà chúng chỉ muốn liệu bạn có ở nhà đúng giờ vào bữa ăn tối cùng chúng hay không, liệu bạn có đưa chúng đến sân chơi banh vào các ngày Chủ Nhật hay không, và liệu bạn sẽ đi xem phim tối mỗi tuần cùng chúng hay không. Nếu như bạn muốn làm một người cha tốt, hãy dành thời gian mỗi ngày cho con cái mình - cho dù bạn có bận rộn đến chừng nào đi nữa.
Mặc dù “thời gian làm cha” bạn dành cho con mỗi tuần được xem như là một cách tuyệt vời để thắt chặt thêm tình cảm cha con nhưng bạn cũng nên cố gắng luôn bên con vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời con. Ví dụ, đó là ngày đầu tiên con đến trường; ngày con tham sự một sự kiện thể thao lớn đầu tiên trong đời; hay là ngày lễ tốt nghiệp trung học của con. Con của bạn sẽ không bao giờ quên những cột mốc quan trọng này bởi chúng hiểu rằng việc bạn đã ở bên cạnh chúng vào thời điểm đó thật có ý nghĩa biết bao.

Gần gũi con, bạn sẽ có nhiều cơ hội để dạy dỗ con những bài học cần thiết như những kỹ năng cơ bản của cuộc sống. Giúp con tắm, dạy con đánh răng sao cho thích hợp, dạy con cách đạp xe đạp hay biết nỗ lực làm việc trong thời gian gấp rút. Với con trai, bạn có thể dạy chúng cách cạo râu, và cách giữ gìn vệ sinh thân thể tốt nhất. Con bạn sẽ cần học nhiều bài học quý giá trong cuộc sống cũng như từng bài học nhỏ mỗi ngày.

Nếu lỡ con mắc phải lỗi lầm, hoặc làm điều gì đó sai trái, bạn hãy giúp con hiểu được tại sao lại như vậy và hãy nói về cách để chúng tránh, không tái phạm lại nữa, thay vì chỉ đơn giản là bạn phạt chúng và rồi bỏ qua.

Những chuyến đi chơi xa luôn để lại kỷ niệm. Bạn cần dành thời gian cho những chuyến đi chơi xa với con cái, có thể đi cùng hoặc không đi cùng với mẹ chúng. Con gái có thể muốn bạn đưa đi câu cá hàng năm; con trai có thể thích đi biển với bố, hoặc những chuyến đi cắm trại với con luôn là kỷ niệm không bao giờ chúng quên. Bạn có thể làm bất cứ điều gì thật đặc biệt, đáng nhớ hoặc một điều gì đó lặp lại ít nhất một năm một lần, miễn là bạn hình thành một thói quen yêu thích lấy vai trò người cha làm trọng tâm.

Là người có kỷ luật tốt

Bà Elizabeth Hartley Brewer, chuyên gia về phương pháp làm cha mẹ và sự phát triển của trẻ nhỏ đến từ Anh cho biết, “Những lời khen ngợi, khuyến khích của cha mẹ sẽ làm cho trẻ cảm thấy hào hứng và tự tin hơn về bản thân mình, vì vậy, chỉ nên dành cho con những lời khen khích lệ phù hợp với những gì con đã làm.”
Là người có kỷ luật không có nghĩa chỉ áp dụng hình phạt đối với con cái khi chúng mắc lỗi mà chúng còn có thể được khen thưởng khi làm một điều tốt. Bằng cách đó con cái có thể được khuyến khích và muốn lặp lại hành vi tốt đó. Hãy dẫn con đi ăn ở một nhà hàng yêu thích hoặc làm những gì bạn có thể làm để cho chúng biết bạn đề cao những hành vi tốt của chúng ra sao.

Khi con còn nhỏ, hãy thưởng con bằng tình yêu thương vô bờ bến của mình để giúp con hiểu bạn tự hào về chúng như thế nào.

Đừng bao giờ tặng thưởng cho con bạn những gì mà bạn muốn chúng làm, ví dụ như làm việc nhà hay tự dọn dẹp mọi thứ. Nếu như bạn làm như vậy thì chúng sẽ cảm thấy như chúng làm mọi việc thay bạn.
Ngược lại, khi con mắc lỗi, hoặc làm điều gì đó sai lầm, bạn sẽ phải có những hình phạt thích hợp. Điều này không có nghĩa là cần có những biện pháp về cả thể chất lẫn tâm lý, chủ yếu là bạn cho chúng biết rằng chúng đã làm điều sai trái và đã gây ra hậu quả như thế nào mà thôi.
Bạn phải chắc chắn rằng cả bạn và vợ của bạn cùng thống nhất về hình phạt cho con cái. Điều này có nghĩa là dù bạn hay vợ có là người chứng kiến hành vi xấu của con thì hình phạt là như nhau. Cách làm này tránh một trong hai bạn rơi vào cảnh “người tốt, người xấu” trong mắt trẻ.

Hãy luôn nhất quán

Nhất quán cũng quan trọng như một hệ thống các hình phạt và khen thưởng đối với con bạn. Nếu con bạn hành động sai trái thì hậu quả mà trẻ phải chịu là không thay đổi thậm chí ngay cả khi điều đó xảy ra ở giữa đám đông hoặc bạn đang rất mệt. Còn nếu như con bạn làm những việc đúng đắn thì bạn cũng đừng quên thưởng cho chúng một thứ gì đó đặc biệt cho dù lúc đó bạn có mệt hay căng thẳng đến chừng nào đi nữa.
Nếu như hành động của bạn không nhất quán thì con bạn sẽ biết rằng phản ứng của bạn là nhất thời tùy cảm hứng và sẽ không có hiệu quả.
Đừng bao giờ quát tháo con bạn. Cho dù bạn có thể tức giận với những hành vi của con, tuy nhiên la mắng không thể giải quyết được gì cả. Mặc dù nó rất khó để thực hiện nhưng bạn cũng không nên để trẻ nhận thấy được bạn đã mất kiểm soát.

Không dùng bạo lực

Dù bạn có giận con bạn đến chừng nào đi nữa thì cũng đừng nên đánh đập, hay túm lấy chúng. Điều này sẽ dễ làm tổn thương chúng cả về thể xác lẫn tâm hồn, thậm chí còn làm chúng tìm mọi cách xa lánh bạn hơn. Nếu như bạn muốn con cái tôn trọng bạn thì bạn nên tránh những hành vi bạo lực đối với con cái và cả mẹ của chúng.
(Nguồn: Goodmanproject.com; Parents.com; Askmen.com)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT